Cơn đau kỳ lạ: Nỗi ám ảnh “nấm đen”


Cơn đau kỳ lạ

Gia đình bệnh nhân COVID-19 Saheb Rao Shinde nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã trôi qua khi người đàn ông 65 tuổi này hồi phục vào tháng trước. Nhưng chỉ sau vài tuần, ông Shinde bỗng mất đi một bên mắt một cách khó giải thích. “Răng của ông ấy cũng bị nhổ đi”, con gái ông chia sẻ.

Adesh Kumar, một nông dân 39 tuổi ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ cũng bị mất thị lực mắt trái sau khi điều trị COVID-19. Căn bệnh lạ kéo dài khiến anh phải vay mượn để trả tiền thuốc men, thậm chí thế chấp đất đai, nhưng vẫn không khiến mắt anh nhìn rõ trở lại.

Làn sóng COVID-19 thảm khốc lần thứ hai tràn qua Ấn Độ kể từ tháng 4 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người. Nhưng, làn sóng ấy còn kéo theo một dịch bệnh nguy hiểm khác, mà theo chuyên trang khoa học Scientific American, hơn 40.000 trường hợp đã được ghi nhận tại quốc gia Nam Á này.

Nhiều người như ông Shinde hay anh Kumar có thể không bao giờ lấy lại được thị lực, trong khi nhiều bệnh nhân khác còn xuất hiện triệu chứng ghê rợn hơn như mũi bị thâm đen hoặc đổi màu, mắt trở nên mờ hay xuất hiện ảo giác, hoặc ho ra máu.

Các chuyên gia gọi tên dịch bệnh nguy hiểm này là “nấm đen”, hay còn gọi là bệnh mucormycosis. Bệnh có thể xâm nhập vào các xoang và xương mặt của người bệnh, từ đó tấn công não và gây ra các cơn đau kỳ lạ trên mắt.

Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, “nấm đen” hoàn toàn có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh. Phần lớn các ca nấm đen tại Ấn Độ được phát hiện ở các bang phía tây như Maharashtra và Gujarat.

Theo S. P. Kalantri, Giám đốc Bệnh viện Viện Khoa học Y khoa Mahatma Gandhi, dịch nấm đen không hề xuất hiện trong làn sóng COVID-19 đầu tiên, nhưng lại “phủ đen” Ấn Độ trong làn sóng COVID-19 lần thứ hai.

Ngày 20/5 vừa qua, chính phủ Ấn Độ xếp nấm đen vào danh sách bệnh cần cập nhật, nghĩa là mọi bang và lãnh thổ phải báo cáo ca bệnh cho chính phủ. Ít nhất 7 bang đã coi nấm đen là bệnh phải khai báo theo khuyến cáo của chính phủ trung ương để thu thập dữ liệu.

Sự lây lan của căn bệnh lạ này đáng sợ đến mức, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi buộc phải cảnh báo: “Chúng ta giờ đã có thách thức mới là bệnh nấm đen. Chúng ta cần thận trọng và chuẩn bị đối phó”.

Bệnh nhân Mata Ambar Tripati, 65 tuổi, mắc bệnh nấm đen khi đang điều trị COVID-19. Ảnh: Reuters.

Ám ảnh “nấm đen”

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh nấm đen xuất phát từ một loại nấm có tên mucormycetes, có trong môi trường ẩm ướt như đất hoặc phân trộn.

Chúng vô hại với phần lớn người dân do không lây nhiễm và không truyền từ người qua người, nhưng có thể gây viêm nhiễm nghiêm trọng ở những người có hệ miễn dịch yếu.

Tiến sĩ Eric Cioe-Pena, chuyên gia y tế toàn cầu của tổ chức Northwell Health định nghĩa: “Mucormycosis là một bệnh nhiễm trùng do nấm có xu hướng lây nhiễm cho những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch. Một khi nhiễm bệnh, bạn sẽ trở nên rất ốm yếu và có tỷ lệ tử vong cao”.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, có thể nhận biết người mắc bệnh nấm đen khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm da ở khu vực xoang sau trán, mũi, gò má, khu vực giữa hai mắt và răng. Sau đó, viêm nhiễm sẽ lan ra mắt, phổi và thậm chí có thể lan tới não.

Tiến sĩ Hemant Thacker, chuyên gia hội chứng tim mạch chuyển hóa tại Bệnh viện Breach Candy ở Mumbai, tiết lộ: “Một trong những cách khiến nấm đen lan ra khắp cơ thể là nhờ xâm nhập mạch máu. Căn bệnh này gây rối loạn tuần hoàn máu tới cơ quan ngoại biên, dẫn đến tình trạng hoại tử, khiến một số phần của cơ thể biến thành màu đen. Đó chính là nguồn gốc tên gọi nấm đen”.

Trong các ca nặng nhất, tình trạng viêm nhiễm lan từ mạch máu lên não, có thể gây mất thị lực hoặc tạo ra “lỗ” trên mặt. Nếu không được kiểm soát hoặc điều trị, tỷ lệ tử vong là từ 20 đến 50%.

Không giống như một số bệnh nhiễm trùng nấm khác, xét nghiệm máu thông thường khó có thể phát hiện ra bệnh nấm đen. Bệnh nhân cần được chỉ định sinh thiết và đôi khi là chụp CT để có thể tìm ra căn bệnh này.

Thế nhưng, tình trạng thiếu nguồn lực và quá tải hệ thống y tế tại Ấn Độ do COVID-19 đã khiến việc chẩn đoán và phát hiện nấm đen trở nên rất khó khăn.

Ngay cả thuốc chống nhiễm trùng do nấm cũng đang thiếu hụt ở Ấn Độ, hoặc nếu có, mức chi phí để mua thuốc sẽ quá cao, vượt khả năng chi trả của nhiều người bệnh. Bhavya Reddy, cư dân bang Telengana, cho biết bố mình bị chẩn đoán mắc nấm đen ngay khi ông đang chữa trị COVID-19. “Khi ông ấy bắt đầu hồi phục sau khi mắc COVID-19 thì mặt ông ấy bắt đầu sưng lên”, Reddy kể lại.

Bệnh viện không có thuốc Amphotericin B và Reddy đã buộc phải cầu cứu thủ hiến bang Telangana mới có thuốc chữa bệnh cho bố mình. Nhưng ngay cả khi đã sử dụng thuốc, bố của Reddy vẫn phải trải qua phẫu thuật nội soi xoang để giảm sưng.

“Liệu pháp điều trị bệnh nấm đen trong một ngày có giá 30.000 rupee (khoảng 410 USD), chi phí điều trị này là quá sức đối với 99% người Ấn Độ”, chuyên gia y tế Kalantri nói.

“Không chỉ thế, liệu pháp này thường kéo dài hàng tuần và cần phải truyền tĩnh mạch, nhập viện và theo dõi chặt chẽ chức năng thận”, chuyên gia này chia sẻ, bộc lộ rõ hơn sự ám ảnh mang tên nấm đen đối với đại đa số người Ấn Độ, trong bối cảnh họ vẫn đang phải hứng chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 hoành hành.

Căn bệnh nấm đen khiến bệnh nhân xuất hiện những “lỗ” kỳ quái trên mặt Ảnh: Reuters.

Lỗi do COVID-19?

Một điểm đáng chú ý, đó là các ca lây nhiễm nấm đen tại Ấn Độ đều xuất hiện ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19, biến đây trở thành manh mối làm rõ sự lan rộng của dịch nấm đen tại quốc gia này.

The Guardian dẫn nguồn tin y tế khẳng định, một loại thuốc tiêu chuẩn được dùng để điều trị các ca COVID-19 nghiêm trọng là corticosteroid liều cao, chứa steroid - những chất hóa học tự nhiên (hormones) do cơ thể tự tạo ra, có tác dụng làm giảm viêm, ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Các ca điều trị thông thường sẽ bắt đầu bằng steroid liều cao để kiểm soát triệu chứng và sau đó giảm liều dần đến mức duy trì để ngăn triệu chứng quay trở lại.

Tuy nhiên, theo Community Medical, steroid có thể cứu được mạng sống của bệnh nhân COVID-19, nhưng chúng đồng thời khiến bệnh nhân dễ bị tấn công hơn bởi bất kỳ loại vi khuẩn hoặc nấm nào đã có trong cơ thể hoặc tồn tại xung quanh môi trường của họ. Trên thực thế, một trong những tác dụng phụ của steroid là tăng nguy cơ nhiễm trùng vì steroid ức chế hệ thống miễn dịch.

Arturo Casadevall, bác sĩ kiêm nhà vi sinh vật học phân tử tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho biết: “Bào tử nấm có ở khắp mọi nơi, nhưng chúng ta vẫn có thể loại bỏ chúng khỏi phổi. Song, COVID-19 lại làm hỏng phổi. Và vì vậy, bệnh nhân phải đối mặt với ‘nỗi đau kép’, đó là giảm khả năng loại bỏ các bào tử một cách tự nhiên và giảm phản ứng miễn dịch do kết quả của steroid”.

Bên cạnh đó, các phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy thường có máy giữ ẩm trong phòng, khiến không gian xung quanh họ luôn ở trạng thái ẩm, khiến bệnh nhân dễ nhiễm nấm.

Điều này, theo The Conversation, đã khởi tạo sự bất bình trong người dân Ấn Độ, khi họ cho rằng chính cách điều trị COVID-19 đã khiến họ rơi vào tình cảnh khốn đốn vì nấm đen.

Tuy nhiên, theo Reuters, nhiều năm trước khi COVID-19 xuất hiện, các nhà nghiên cứu ở Australia và Châu Âu, cũng như Ấn Độ, đều báo cáo rằng bệnh nấm đen dường như dễ xuất hiện và tàn phá nặng nề hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thể nặng.

Trong khi đó, nhiều bệnh nhân Ấn Độ thậm chí không biết mình mắc tiểu đường cho tới khi được chẩn đoán mắc nấm đen, chứng tỏ rằng người dân Ấn Độ không thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Và chính điều đó mới là tác nhân khiến các bệnh nhân COVID-19 của Ấn Độ lao đao.

Tiến sĩ Thacker nhận định: “Ấn Độ là thủ phủ bệnh tiểu đường của thế giới. Nơi đây có khí hậu nhiệt đới khiến nấm sinh sôi mạnh. Tất cả đã dẫn tới dịch bệnh nấm đen”.

Kalantri, Giám đốc Bệnh viện Viện Khoa học Y khoa Mahatma Gandhi, lại nêu rõ: “Ngay cả ở các vùng nông thôn, cứ 8 người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên sẽ có một người mắc bệnh tiểu đường. Khi những bệnh nhân bị tiểu đường này xét nghiệm dương tính với COVID-19, họ thường được chỉ định dùng steroid liều cao, nhất là trong tuần đầu tiên.

Việc điều trị COVID-19 không hợp lý và không khoa học là vô cùng phổ biến”. Các chuyên gia cho biết việc lạm dụng một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch như steroid có thể gây ra sự gia tăng của nhiễm trùng nấm, biến đây trở thành “đại dịch thứ hai” tại quốc gia Nam Á này.

Theo tờ Healthline, tại thời điểm hiện tại, rất khó để dự đoán khi nào dịch bệnh nấm đen sẽ kết thúc, dù các bác sĩ ở Ấn Độ đã có kinh nghiệm để sớm nhận biết dấu hiệu của căn bệnh này trên bệnh nhân COVID-19.

Trong khi đó, AP đưa tin, căn bệnh nấm đen đã được phát hiện tại một số bệnh nhân điều trị COVID-19 ở Afghanistan, Oman và Ai Cập kể từ đầu tháng 6. Cuộc chiến với nấm đen “trên nền” đại dịch COVID-19 sẽ là bài toán đau đầu của không chỉ Ấn Độ, mà với nhiều quốc gia.

An Nhiên

Nguồn tin: cand.com.vn