Cuốn sách kì lạ

Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn thế khi đêm đêm lần mò đi bắt rắn. Lương giáo viên dạy lịch sử tại một trường THPT không đủ sống, thôi thì lao động nào chả vinh quang. Nhà tôi có nghề gia truyền bắt rắn trải qua 4 đời. Cách nhìn vết rắn bò, xác định hang rắn mà đoán định đó là loại rắn nào? Cỡ khoảng bao nhiêu cân? Lại còn môn thuốc gia truyền lúc nào cũng dắt bên mình. Khu nghĩa địa thành phố rậm rạp, cây cối um tùm, mồ mả san sát, đây là nơi trú ẩn của hàng ngàn con rắn cực độc.

Nhưng có một điều lạ, không có một con rắn nào dám bén mảng đến khu nghĩa trang liệt sĩ nằm ở trung tâm của nghĩa địa này. Dân chúng tránh xa vì vừa sợ ma vừa sợ rắn. Lạ kì thay, không biết có phải vì tôi xoa thuốc gia truyền khắp người hay vì vừa lần mò trong đêm vừa đọc những bài thơ "Con cóc" của mình, Hổ mang chúa cứ gặp tôi là không chạy nổi, không cắn lại, chỉ nằm im chịu chết. Nghe chuyện, vợ tôi cười khúc khích rồi bảo:

- Chắc lũ rắn sợ thơ của anh. Em cứ nghe nửa bài thơ anh đọc là đã ngủ lịm đi rồi. Đấy là loại thuốc ngủ thần hiệu nhất đấy. Em còn thế nữa là rắn…

Nghe vậy, tôi cay lắm, vì vẫn thường ước ao cả đời mình sẽ chỉ viết một cuốn sách, nhưng nó phải bất tử trước thời gian và trong lòng bạn đọc. Ấy thế mà bây giờ tác phẩm của tôi chỉ có giá trị như một loại thuốc ngủ đặc biệt. Đêm ấy, tôi lần mò vào khu nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng bề thế, nằm ở vị trí trung tâm của nghĩa địa thành phố, cố đuổi theo một con Hổ mang chúa cực to. Bỗng nghe thấy tiếng kèn đồng lanh lảnh.

Dụi mắt mấy lần, sững sờ rồi kinh hoàng lùi xuống, nấp sau bia mộ để nhìn một cảnh tượng quái lạ: Lão Quản trang khoảng ngoài 70 tuổi mà vẫn tráng kiện, cao lêu khêu, mặt choắt đen xì, đầu trọc lốc, chỉ có hai con mắt chiếu những tia nhìn hãi hùng, như có lửa cháy lều bều trong hai hốc mắt, sau khi thắp đủ 60 ngọn nến lên 60 ngôi mộ, thì thổi kèn đồng giục giã. Dứt hồi kèn, lão dõng dạc:

- Nào, bây giờ tôi bắt nhịp, mời tất cả các anh chị em hát bài hát truyền thống của Đại đội TNXP L.X thân yêu.

Cứ thế, thổi kèn đồng "Toe - toét - toe", một tay đưa lên bắt nhịp, rồi từ các ngôi mộ âm âm, lạnh buốt, hổn hển một bài đồng ca:

Trận địa rung chuyển tiếng bom thù
Chân đồng vai sắt
Vạn tấn hàng ra mặt trận
Có máu và mồ hôi đổ xuống mặt đất này
Tuổi thanh xuân như những ngọn đuốc
Cháy hết mình vì chiến thắng ngày mai
Tổ quốc ơi vì người
Chúng con chiến đấu hi sinh môi nở thắm nụ cười

Tôi toát mồ hôi lạnh, run cầm cập, chân mềm nhũn không chạy nổi. Những hồn ma đang hát đồng ca. Mà Lão Quản Trang là nhạc trưởng. Kia kìa, 60 ngon nến vụt cháy cao tới 2 mét, cứ đung đưa như đang khoác tay nhau mà say mê hát.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Những lời ca bi hùng như đang cùng ánh sáng bay lên trời đêm. Tiếng kèn đồng vụt tắt, bài hát dừng đột ngột, từ 60 ngôi mộ, những chàng trai, cô gái mặc quân phục rách nát, đẫm máu, từ từ đứng dậy, mặt nghiêm trang và đau buồn tiến về phía tôi đang nấp. Tôi ngất xỉu không biết gì nữa. Tỉnh dậy, thấy mình nằm trong phòng của lão Quản trang. Ông ta đang giã một loại lá cây nào đó có màu đỏ rực, chắt nước ra cốc, nói nặng chịch:

- Uống đi, có gì mà sợ! Có nhiều thứ đáng sợ hơn thì chẳng sợ.

Tôi ngước nhìn. Trời, mắt lão đỏ như hai cục than hồng. Tôi líu ríu uống cạn cốc thuốc, thấy khỏe khoắn lạ thường. Pha chè, tôi và lão song ẩm trong lặng im, mãi lão mới lên tiếng:

- Anh là giáo viên dạy Sử kiêm nghề bắt rắn?

- Sao anh biết?

- Tôi lăn lộn với nghĩa trang này mấy chục năm, trong các hang hốc kia, có bao nhiêu con rắn tôi còn biết. Anh đã bắt rắn ở đây hơn 7 năm…

- Lúc nãy có phải em mơ không? Chẳng lẽ có ma thật? Nhưng làm sao mà anh bắt nhịp cho họ hát được?

- Họ là đồng đội của tôi đấy. Năm ấy, cả Đại đội hi sinh chỉ vì tôi. Lẽ ra tôi phải cho họ rút khỏi ga Tàu. Lệnh trên là như thế, nhưng hàng còn nhiều. Tôi lệnh cho họ ở lại, gần sáng chuyển nốt hơn chục tấn vũ khí lên tàu, nhằm đạt thành tích xuất sắc trong đợt thi đua ấy. Thế rồi B52 rải thảm, tất cả đã hi sinh khi chỉ 18 - 20 tuổi. Riêng thằng khốn nạn là tôi thì vẫn sống, mà sống không bằng chết…

Tôi nhớ ra rồi, năm ấy, tôi mới mười hai tuổi, có một ngày cả phố Đán xôn xao kể câu chuyện đêm hôm trước, một đại đội TNXP hi sinh ở ga L.X. Sáng hôm sau có mấy ô tô bịt bạt che kín, chạy vào phía Nghĩa địa thành phố… Lão Quản Trang bóp chiếc ca bộ đội méo đi trong 2 bàn tay, bỗng lại hỏi bằng giọng khàn khàn:

- Nghe đồn anh cũng viết văn?

- Vâng. Em viết một số truyện ngắn, vừa mới bắt đầu viết tiểu thuyết.

- Anh viết về đề tài gì?

- Về chiến tranh anh ạ.

- Anh dạy Lịch sử, viết văn cũng có cái thuận lợi. Nhưng tôi hỏi anh, văn học bao năm qua đã viết nhiều về chiến tranh, nhưng cái thiếu nhất, kém nhất của những tác phẩm ấy là gì?

Tôi lúng túng, biết trả lời thế nào đây? Trước kia thì ta thắng - địch thua - miền Bắc được mùa - miền Nam thắng lớn. Sau này, như người bệnh "Ăn giả bữa", những cái gì trước kia tránh né thì bổ sung thật lực vào. Nào là chết chóc, máu me, què cụt. Mẹ già khóc con không còn nước mắt. Vợ chờ chồng, khát tình dục quá, hoặc nhảy xuống ao mùa đông cho hạ hỏa, hoặc tòm tem với anh thương binh về làng, hoặc với thằng cha hoạn lợn đi qua. Cứ thế mà biến tấu muôn hình nghìn vẻ, nhà văn nào có tài kể chuyện lâm ly, sống động thì ăn khách. Nhưng những tác phẩm ấy thiếu nhất cái gì thì tôi chịu?.

Nhìn mặt tôi ngơ ngác, lão Quản trang cười buồn:

- Họ viết đều đúng và hay cả. Nhưng chỉ có thế thôi thì vẫn chưa đủ. Cái mà văn học viết về chiến tranh trước đây thiếu nhất chính là cánh đồng màu mỡ chờ anh đặt dấu chân mình vào, được như thế thì anh sẽ nổi tiếng, tác phẩm của anh sẽ bất tử.

Tôi hồi hộp chờ đợi, nhưng lão không nói tiếp, phải qua hơn chục đêm ngồi uống với nhau hết can rượu 20 lít, nhắm bằng thit rắn cuốn quanh thân cây sả ma to bằng cổ chân, nướng thơm phức nhờ than hồng rực đốt từ ván quan tài gỗ tốt bỏ đầy nghĩa địa, lão và tôi mới đi đến một thỏa thuận bí mật: - Mỗi tháng một lần tôi mang cho lão một con Hổ mang chúa nặng từ 10kg trở lên, lão sẽ không chỉ cho tôi biết cần phải viết cái gì mà còn nhờ các linh hồn liệt sĩ trợ giúp. Cuốn sách của tôi sẽ có ma lực làm rung chuyển văn đàn. Đã nhìn thấy lão bắt nhịp cho các hồn ma đồng ca, tôi tin lão. Tôi bắt đầu mơ tưởng đến vinh quang.

Gần gũi, thân thiết đã lâu, tôi và lão Quản trang ngày càng gắn bó bởi tâm đầu ý hợp. Hi vọng nhờ lão để trở thành một nhà văn kiệt xuất đã rực sáng hơn vào sáng hôm ấy, khi chứng kiến cảnh tượng này: - Lão thắp hương cho 60 ngôi mộ, quỳ xuống chắp tay mà khấn: "Chỉ vì anh mà các em hi sinh hết, có thằng còn chưa biết bàn tay bọn con gái mềm rắn thế nào. Mấy em gái còn che mặt mà cười thét: Khiếp, hôn nhau thì chẳng mất vệ sinh lắm, nhỡ chưa đánh răng…

Chao ôi! Các em có tha thứ thì anh cũng không thể tự tha thứ cho mình. Cả đời anh ở đây, cạnh các em, chỉ mong khi chết được chôn cạnh các em…". Thế rồi lão đến ôm từng ngôi mộ. Thì thầm trò chuyện, dưới mộ vọng lên tiếng cười, tiếng khóc cùng những lời lào phào như tiếng gió trên vòm cây... Những ngôi mộ cứ đỏ rực lên như đang chứa một khối lửa cháy dữ dội trong đó. Và cứ thế, cảnh tượng kia lặp lại thật ám ảnh. Băn khoăn tôi hỏi:

- Anh làm thế để làm gì? Nhìn sợ và thương quá…

- Những con người chết bất ngờ và đau đớn thì hồn ma rất thiêng, nhất là chết trẻ. Anh chị em nằm dưới ấy còn trẻ lắm, chết mà thân hình tan nát, máu chảy cạn kiệt. Lâu rồi, người thân cũng ít đến, mỗi năm may lắm được vài lần. Họ cô đơn lắm, tôi lấy hơi ấm thân tôi sưởi ấm phần nào cô quạnh của họ…

- Thế sau này anh qua đời rồi thì làm thế nào?

- Lúc đó, hi vọng cuốn sách anh viết ra bù đắp phần nào cho họ.

- Thế em đọc những cuốn sách khác viết về chiến tranh đang nổi tiếng như cồn cho họ nghe có được không?

Thử đem một số cuốn đang làm chao đảo văn đàn ra đọc cho các ngôi mộ nghe. Nhưng khi đọc cuốn nổi tiếng nhất, đến 1 chương, tôi vừa đọc vừa khóc, trái tim cứ đau thắt từng cơn, thì dưới mộ vọng lên tiếng cười khúc khích. Tôi băn khoăn hỏi lão Quản trang về tiếng cười ấy.

Lão Quản trang cười nhẹ, gõ vào đầu tôi:

- Những cuốn sách anh đọc là sách dành cho người còn sống. Nhưng các hồn ma là một loại "người đọc" thông thái nhất. Có thể lừa người sống nhưng không thể lừa người đã chết. Có một hai cuốn anh đọc là lừa đảo đấy, vài cuốn khá hay, còn lại tuy không lừa đảo, nhưng khi người ta đau ở trong tim cả khi sống lẫn khi chết rồi, thì nhà văn mới chỉ tả được nỗi đau bị cụt chân, cụt tay, bị vợ và đồng đội cũ phản bội, rồi đói cơm rách áo... Hừ, những vết thương ấy chỉ như muỗi đốt thôi.

- Vậy thì phải viết về cái gì, viết như thế nào, mới làm cho cả người sống và các hồn ma cười khóc như nhau?

- Cuốn sách ấy còn chưa ra đời đâu. Các hồn ma liệt sĩ trên cả đất nước này đang chờ đấy… Nhưng hãy nhớ, có hai điều sau đây làm họ đau đớn nhất: - Bị lãng quên! Bị phản bội!

Mãi rồi, lão Quản trang mới bày cách cho tôi: đem 9 tập giấy trắng, chia làm 60 kẹp nhỏ, đặt cùng lễ vật lên các ngôi mộ vào rằm tháng 7 mà khấn vái, xin có ma nhập vào ngòi bút. Cứ vào Tiết thanh minh, tôi trải chiếu ngủ trên nghĩa địa, áp tai vào các ngôi mộ, khi nào nghe được tiếng cười khóc, những câu chuyện kể của các hồn ma thì ghi chép lại, lấy đó làm tư liệu viết văn. Rồi nhiều đêm tôi đã nghe được những âm thanh huyền bí từ lòng đất vọng lên kể những câu chuyện vừa giống, vừa khác với những bài lịch sử đã dạy, với những tác phẩm văn học đã đọc.

Những câu chuyện từ sâu thẳm lòng đất vọng lên thật muôn hình, nghìn vẻ, nhưng có mấy lời nhắn nhủ sau đây thì cứ lặp đi, lặp lại, thành một điệp khúc da diết: - Đừng lãng quên để chúng tôi phải chết hai lần! Có một số người, trong đó có cả đồng đội ngày xưa đang phản bội lí tưởng và niềm tin của chúng tôi. Đây mới là điều đau xót nhất. Văn học viết chưa sâu, chưa ám ảnh về điều ấy! Từ những tư liệu và cảm hứng được gợi dẫn ấy, tôi đã điên cuồng viết tác phẩm có lẽ là để đời của mình. Không phải là tôi viết nữa, ngòi bút tự động hối hả chạy trên mặt giấy. Nếu muốn viết khác đi thì ngòi bút cũng không nghe. Bút chống lại, thậm chí vẩy mực vào mặt tôi.

Cứ đêm khuya, khi mệt quá rời bàn viết đi ngủ, cuốn sách viết dở cháy lên rừng rực với ngọn lửa đỏ ma mị. Và trong các trang đã viết, các nhân vật lục đục cãi cọ, làm việc và chiến đấu, đánh nhau, khóc thút thít, có đôi còn yêu nhau làm thủng cả trang giấy viết về họ. Nhưng buồn nhất là khi tôi nghe các nhân vật thở dài…

Rồi cuốn sách dị thường ấy cũng hoàn thành. Ôm nó vào ngực, tôi mơ mình được giải Nobel. Tôi mang sách ra nghĩa địa, bày một mâm lễ chay, cùng lão Quản trang sì sụp khấn vái. Cuốn sách có 60 chương, từ các ngôi mộ kia, 60 con đom đóm bay lên, lặng lẽ đậu vào cuốn sách. Mỗi con đom đóm trở thành một dấu chấm, dành để chấm câu kết thúc một chương. Cũng vì vậy, ánh sáng lập lòe cứ trải dài, thấp thoảng cháy từ chương này sang chương khác. Để trong bóng tối, cuốn sách cứ sáng rực lên như chứa một Ngân Hà thu nhỏ.

Tôi mang bản thảo cuốn sách đi xuất bản. Nhiều biên tập viên, tổng biên tập vừa đọc nó vừa khóc thút thít, nhưng không hiểu sao tất cả đều từ chối xuất bản. Họ bảo hay lắm, nhưng hoang đường ma quái quá, không thực. Trời ơi! Cứ phải "chụp ảnh" cuộc đời mới là thực sao? Có những sự thật nằm dưới ba thước đất, ít hoặc không nhìn thấy nhưng vẫn thực đấy. Đâu phải chuyện hoang đường?.

Mang bản thảo về nhà trong u uất và chờ đợi, bản thảo kì quái như một sinh thể coi tôi là cha, coi lão Quản trang là ông của nó, vì vậy nghịch ngợm chọc phá vô cùng. Các nhân vật hay len lén chui ra vào ban đêm, lang thang trong vườn hái hoa, vặt quả, còn xếp hàng hát bài "Đời mình là một khúc quân hành" bằng cách phối thanh khác, vừa quen vừa lạ. Tiếng hát của họ làm cho cả dòng sông trước nhà, rừng cây quanh nhà thổn thức…

Mỗi khi nghe các nhân vật hát, tôi thường tưởng tượng ra hàng triệu bông hồng nhung cùng hàng triệu giọt máu đỏ hòa quyện làm thành một dòng sông máu và hoa cuồn cuộn chảy ngang bầu trời. Nhưng mãi chẳng có nơi nào được cấp phép xuất bản, quá buồn bã và thất vọng, tôi đã đem đốt cuốn sách trong một cơn say rượu túy lúy càn khôn. Đêm ấy, trong mơ tôi thấy các nhân vật của tôi gào thét trong biển lửa. Hàng nghìn con quạ đen xì lượn vòng quanh, thèm khát chờ đợi phút giây lao xuống, mở một bữa tiệc no nê trên những "Tử thi" là các nhân vật yêu quý của tôi.

*

Khi tôi tìm lên nghĩa trang liệt sĩ lúc nửa đêm thì thấy phòng Quản trang vắng lặng. Bụi bám đầy trên bàn ghế và giường ngủ, như hằng năm nay không có người sống tại nơi đây. Tôi dụi mắt đến mấy lần rồi ngơ ngác: - Vậy người Quản trang đâu? Có thật hay không có thật? Bao cuộc gặp gỡ trước đây chả lẽ chỉ là những giấc mơ? Hay ông ấy là ma? Nhưng cây kèn cũ kĩ vẫn treo trên vách kia thì sao? Gỡ cây kèn xuống, ôm vào ngực, bỗng cây kèn cựa quậy, ấm rực lên, và hình như nó thì thào: - Tôi cũng chính là anh đấy. Người Quản trang cũng là tôi. Chúng ta hát cùng một bài hát bằng những giọng hát khác nhau, về những điều đã biết và chưa ai biết về chiến tranh mà thôi…

Không thể như thế được, sao một cây kèn lại biết nói? Chắc đầu óc mình có vấn đề rồi. Tôi cầm cây kèn lên, ngập ngừng một chút rồi thử thổi một hồi dài. Và thật diệu kì, sau tiếng kèn ấy, hoa nở rực rỡ khắp nghĩa trang, có một đàn bồ câu sà xuống đậu lên các ngôi mộ. Ảnh chân dung 60 liệt sĩ trên bảng vàng Tổ quốc ghi công đều mỉm cười. Mùa xuân hình như đã về.

Cũng lạ lùng làm sao, nhìn từ xa nghĩa trang liệt sĩ như một cuốn sách khổng lồ mở ra trên mặt đất, bỗng sáng rực lên nhờ ánh sáng của hàng vạn con đom đóm, những bia mộ thẳng hàng là những dòng chữ, cỏ mùa xuân bời bời làm cho đất đai thành trang giấy xanh đang rưng rưng. Bảng vàng "Tổ quốc ghi công" trên cao kia là nhan đề cuốn sách ấy, dưới mỗi bia mộ có một linh hồn đang thầm hát khúc bi hùng ca của thời đại mình.

Họ đang đồng ca đấy! Sương sớm, mưa đêm và bao giọt nước mắt rỏ xuống làm dịu đi nhưng nỗi đau. Tôi lấy giấy bút ra, mượn một ngôi mộ làm bàn, bắt đầu viết cuốn sách máu thịt của cuộc đời mình. Có một mầm xanh mọc lên từ "Cửa thông thiên" nhoi nhói, cựa quậy dưới trang giấy trắng.

Truyện ngắn của: Nguyễn Đức Hạnh

Nguồn tin: cand.com.vn