Đại tá Lê Thanh Long - người thương binh ngoan cường

15 mảnh đạn còn sót lại trong cơ thể sau 3 lần trọng thương trong thời gian tham gia cách mạng trước năm 1975, Đại tá Lê Thanh Long (tên thường gọi là Tư Long), nguyên Trưởng Công an huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh), thương binh hạng 2/4, nay đã bước sang tuổi 68 vẫn nhớ như in những lần cùng đồng đội “vào sinh ra tử” tại huyện lỵ Tiểu Cần, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Trà Vinh) vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Gặp chú Tư Long tại ấp Phú Thọ 1 (xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần), chúng tôi cảm nhận được sự bình dị qua cách trò chuyện và cả việc bố trí các vật dụng trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng vào năm 2013. Một chiếc giường sắt vừa đủ cho một người nằm, chiếc võng được đặt gần kệ tivi là nơi chú nghỉ ngơi và theo dõi tin tức hằng ngày. Chân dung Bác Hồ, chân dung các vị Tổng Bí thư qua các thời kỳ được treo trang trọng phía trên chiếc bàn dài để uống trà. Chung quanh nhà là các loại cây ăn trái và rau củ ngắn ngày do chính tay chú trồng và chăm sóc.

17 tuổi, chàng trai trẻ thoát ly gia đình tham gia cách mạng, với vai trò là chiến sĩ cứu thương rồi du kích. Năm 20 tuổi, chàng trai trẻ là xã đội phó phụ trách diệt ác tại xã Tân Hòa (huyện lỵ Tiểu Cần, tỉnh Cửu Long). Người thanh niên trẻ với sự gan dạ và mưu lược được cấp trên giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng, dẫn mũi an toàn cho nhiều đồng đội chiến đấu và thuần thục với lối đánh “đội mồ” linh hoạt, nhanh gọn, chính xác.

Đại tá Lê Thanh Long với cuộc sống đời thường.

Có khi chưa đầy một tháng chú bị thương hai lần. Lần nặng nhất là khoảng tháng 11/1972, khi vết thương ở cổ còn đang băng bó thì chú xung phong dẫn mũi cho đồng đội từ xã Hiếu Trung đến xã Phú Cần nhưng khi đến xã Tân Hòa, thì bị mìn nổ. Bảo vệ an toàn cho đồng đội nhưng chú Tư bị thương nặng phải phẫu thuật ngay. Vết thẹo dài gần một gang tay ở bụng chú Tư là do mổ cắt bỏ một trái thận và 4 khúc ruột. Lúc đó hai tay, hai chân chú được đồng đội cột lại và phẫu thuật sống. Máu trong ổ bụng chảy nhiều phải lấy tô lọc lại rồi truyền trở vào cơ thể qua 2 ống quyển. Khi chú Tư còn chưa tỉnh hẳn thì lính càn quét. Lúc đó chú quyết “chia 2” với địch nếu bị phát hiện nên đã nhờ đồng đội đưa cho một trái lưu đạn kẹp bên mình. Qua trận đánh tưởng không thể sống đó, chú Tư cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh khác, góp phần giải phóng chi khu huyện lỵ Tiểu Cần vào ngày 30/4/1975.

Sau giải phóng, chú Tư gắn bó với lực lượng Công an cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2012. Nhắc đến chú Tư Long, nhiều đồng đội cũ vẫn nhớ về sự bản lĩnh, cương quyết, mưu trí, gan dạ, sự chí công vô tư trong công tác lãnh, chỉ đạo. Thượng tá Trần Văn Để, Phó trưởng Công an huyện Tiểu Cần cho biết, đồng chí Tư Long là một lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn xa trông rộng.

Năm 1990, khi là Trưởng Công an huyện Tiểu Cần, đồng chí Tư Long đã chủ động tham mưu Huyện ủy Tiểu Cần ban hành Chỉ thị số 01 về tranh thủ người có uy tín trong dân tộc - tôn giáo. Đây là nội dung quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác an ninh ở địa phương, bởi Tiểu Cần là địa bàn đặc thù về dân tộc, tôn giáo. Bản thân đồng chí Tư Long là người có mạng lưới rộng, tranh thủ được sự giúp đỡ của rất nhiều vị chức sắc trong tôn giáo trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Năm 2006, đồng chí Tư Long phát hiện Thạch Kông Phuông, đối tượng cốt cán trong tổ chức phản động Khmer Campuchia Krôm trở về địa phương để móc nối với số tay chân chống phá. Kịp thời nắm tình hình và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, đồng chí Tư Long đã vô hiệu hóa được hoạt động của Thạch Kông Phuông, thu hơn 7kg tài liệu có nội dung phản động, ngăn chặn kịp thời âm mưu tuyên truyền, tán phát tài liệu phản động, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương trong thời gian đăng cai tổ chức Hội nghị APEC lần thứ 14.

Nói được làm được, làm đến nơi đến chốn, chắc chắn, chặt chẽ trong công tác nhưng linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý các tình huống là điều mà Trung tá Thạch Bé Hai, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Tiểu Cần luôn học hỏi từ chú Tư Long. Am hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Khmer, tùy từng trường hợp, từng thời điểm chú Tư lựa chọn biện pháp đấu tranh với đối tượng phù hợp. Lúc cương, lúc nhu, đưa ra lập luận hợp tình, hợp lý, khiến đối tượng bị thuyết phục và thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật.

Tác giả bài viết: Mộng Tuyền

Nguồn tin: cand.com.vn