Đằng sau chuỗi bình thường hóa quan hệ ở Trung Đông

Bốn quốc gia Arab – bao gồm Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco – đã hoặc đang thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Qatar và bình thường hóa quan hệ. Những tiến trình này tuy xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết trong khu vực, nhưng rõ ràng cũng chịu ảnh hưởng từ những diễn biến chính trị ở cả Mỹ và Israel, và góp phần tác động lại chính những diễn biến đó.

Làn sóng bình thường hóa

Giữa tháng 9-2020, tại Washington, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng UAE Abdullah Bin Zayed al-Nahyan và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết Hiệp ước hòa bình, quan hệ ngoại giao và bình thường hóa hoàn toàn.

Cùng lúc, ông Netanyahu và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif al-Zayani với ông Trump cũng đã ký kết Tuyên bố về hòa bình, hợp tác, quan hệ ngoại giao và hữu nghị mang tính xây dựng. 3 quốc gia này cũng đã ký kết một thỏa thuận khái quát hơn mang tên Tuyên bố hiệp định Abraham.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chuẩn bị bước vào thử thách bầu cử lần thứ 4 chỉ trong vòng 2 năm.

Sau khi ký kết những thỏa thuận này, các bên đã nhanh chóng tiến hành các cuộc đàm phán thực chất về các vấn đề song phương. Các chuyến bay thẳng nhanh chóng được triển khai - khách du lịch Israel đã đổ xô đến Dubai, một trong số ít điểm đến vẫn mở cửa trong giai đoạn đại dịch COVID-19 - trong khi giới doanh nhân và học giả ngay lập tức bắt tay vào việc.

Việc 2 quốc gia Vùng Vịnh bình thường hóa quan hệ là kết quả của quá trình cải thiện tình hình an ninh song phương cũng như quan hệ chính trị và kinh tế với Israel trong thập niên qua. Các quyết định đã được đưa ra trên cơ sở lợi ích chung trong việc kiềm chế ảnh hưởng khu vực của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng như trong việc tạo ra một liên minh khu vực để bù đắp lại việc Mỹ không còn muốn can dự vào khu vực này nhiều như trước.

Việc bình thường hóa quan hệ với UAE cũng khiến Israel đình chỉ kế hoạch sáp nhập thung lũng Jordan và các khu định cư Bờ Tây, điều được ông Netanyahu hứa hẹn trong cuộc bầu cử Israel năm 2020 và được ủng hộ trong kế hoạch hòa bình Trung Đông tháng 2-2020 do Jared Kushner, cố vấn và cũng là con rể của cựu Tổng thống Trump soạn thảo. Tiến trình này từng được chính quyền ông Trump khích lệ và tán dương nhiệt tình.

Sau những diễn biến ngoại giao đầy kịch tính này, vào tháng 10-2020, ông Donald Trump cũng tuyên bố Sudan cũng sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel. Được biết tiến trình bình thường hóa quan hệ này bắt đầu từ tháng 2-2020, một tháng trước cuộc bầu cử lần thứ ba của Israel, với một cuộc họp tại Uganda giữa ông Netanyahu và Tướng Abdel Fattah al-Burhan, Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp của Sudan.

Tuy nhiên, vấn đề này sau đó đã trở thành tâm điểm của sự bất đồng giữa các thành phần quân sự và dân sự trong Hội đồng chủ quyền và bị trì hoãn cho đến tháng 10. Đây được cho cũng là nguồn gốc của sự bất hòa trong chính quyền chuyển tiếp cũng như trong dân chúng.

Và cho đến nay vẫn chưa có bước đi cụ thể nào cho tiến trình bình thường hóa này, ngoài việc cho phép các chuyến bay đến và đi từ Israel, mặc dù Sudan đã chính thức ký Hiệp định Abraham, như một động thái chủ yếu mang tính chất biểu tượng, hồi đầu tháng 1-2021, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin.

Nước tiếp theo trong làn sóng bình thường hóa quan hệ ở Trung Đông là Morocco. Diễn biến này được cho là ít kịch tính hơn, bởi mỗi năm có hàng chục nghìn du khách Israel đến Maroc qua châu Âu và hai nước có quan hệ lâu năm trong lĩnh vực an ninh, ngoại giao. Chính phủ Morocco đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận khi hạ thấp tầm quan trọng của động thái này bằng việc nhấn mạnh rằng đây chỉ là sự nối lại một mối quan hệ vẫn đang tồn tại nhưng bị “đóng băng” và nhằm mục đích củng cố quan hệ với cộng đồng đông đảo người gốc Morocco ở Israel. Trên thực tế hai nước vẫn có các cơ sở được dùng làm văn phòng liên lạc chính thức trong giai đoạn 1994-2001 trên lãnh thổ của nhau.

Và cho dù tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa các nước Arab với Israel vấp phải sự chỉ trích trong nước, song có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phát đi các tín hiệu cho thấy họ mong muốn nối lại quan hệ với Israel. Tính toán của Ankara, giống như các bên tham gia khác, đều muốn sử dụng “con bài” Israel để cải thiện vị thế chính trị của mình với Washington.

Và những lo ngại về việc không được tiếp cận mỏ khí đốt Đông Địa Trung Hải với căng thẳng với các đối thủ trong khu vực cũng có thể đóng vai trò thúc đẩy đối với Ankara trong việc này. Tuy nhiên, Tel Avip có vẻ khá thờ ơ trước những tín hiệu từ Ankara, bởi có lẽ họ phải thận trọng nếu không muốn gây tổn hại đến sự hợp tác chiến lược sâu rộng với Hy Lạp và Cộng hòa Síp, chưa tính đến UAE và Saudi Arabia.

Chỉ dấu mới cho Hội đồng hợp tác vùng Vịnh

Song song với việc bình thường hóa quan hệ với Israel và vì những lý do chính trị và địa chính trị tương tự, Saudi Arabia và Bahrain - cùng UAE và Ai Cập, cho dù có miễn cưỡng hơn - đã quyết định bình thường hóa trở lại quan hệ với Qatar và chấm dứt cấm vận nước này sau 3 năm rưỡi áp dụng trừng phạt. Yếu tố thúc đẩy việc này dường như là việc các nước, chủ yếu là Saudi Arabia, nhận ra rằng lệnh cấm vận đã không đạt được mục đích của nó.

Lễ ký kết Hiệp định Abraham giữa Israel, UAE và Bahrain với sự chứng kiến của ông Donald Trump.

Và đúng như dự đoán, lệnh cấm vận đã không khiến nền kinh tế Qatar sụp đổ hay buộc Doha phải ngừng ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo. Trong khi đó, nó lại góp phần củng cố mối quan hệ của Qatar với Iran, quốc gia duy nhất cho phép Qatar tiếp cận hải phận và không phân của họ - hoạt động mà mỗi năm mang lại cho Iran 100 triệu USD cước vận tải hàng không và với cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã góp phần ngăn chặn khả năng UAE hay Saudi Arabia tiến hành các biện pháp quân sự.

Tình trạng bất ổn liên tục ở Vùng Vịnh cũng được cho là yếu tố cản trở đầu tư nước ngoài vào chương trình phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi Arabia. Ngoài ra, cả 2 chính đảng ở Washington đều không ủng hộ việc phong tỏa Qatar, nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, cũng giống như cuộc chiến ở Yemen.

Cả Riyadh và Abu Dhabi dường như muốn dọn đường và giảm thiểu xung đột chính sách tiềm tàng với chính quyền mới của Mỹ, vốn đã đề cập đến việc đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia. Trong trung hạn đến dài hạn, việc bình thường hóa trở lại quan hệ giữa các nước Vùng Vịnh cũng có thể khuyến khích Qatar chính thức quan hệ với Israel, vốn đã có sự hợp tác về các vấn đề liên quan đến Dải Gaza.

Bước đột phá đầy kịch tính

Có vẻ như, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain là kết quả của việc hai bên có chung những lợi ích đáng kể và mối quan hệ giữa họ ngày càng phát triển. Và Mỹ thì đang muốn lấy lòng các nước. Trong khi đó, những thỏa thuận chưa hoàn tất với Sudan và Maroc phần lớn là các thỏa thuận song phương giữa những nước này và chính quyền Washington. Rõ ràng, nhu cầu bình thường hóa quan hệ với Israel nằm trong nhu cầu lợi ích của Mỹ.

Chuyến bay thẳng đầu tiên từ Israel tới sân bay quốc tế Abu Dhabi, UAE được chào đón.

Đối với Sudan, “phần thưởng” chính là điều mà họ đã chờ đợi từ lâu: Mỹ loại họ khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố, đồng thời giải ngân các khoản viện trợ đa phương và song phương. Còn với Morocco, đó là việc Washington công nhận chủ quyền của Rabat đối với Tây Sahara - vốn trước đó Mỹ và hầu hết cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Morocco kể từ khi họ tiếp quản vùng lãnh thổ này vào năm 1975, sau khi thực dân Tây Ban Nha rút quân - và một thỏa thuận vũ khí lớn, tương tự như đối với trường hợp của UAE.

Còn đối với ông Netanyahu, việc ông sẵn sàng hợp tác với ê-kíp hòa bình của Kushner, và thậm chí còn điều chỉnh phần nào chính sách khu vực của Israel theo Washington, là kết quả của mối quan hệ gần gũi, thậm chí là cộng sinh, giữa chính quyền của ông và chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Mỗi bên đều theo đuổi những lợi ích ngoại giao mới mẻ và rõ ràng, mặc dù không phải lúc nào cũng hữu hình. Điều này không chỉ xóa bỏ vết tích của tình trạng thù địch trong lịch sử và tăng cường sự hợp tác trong khu vực, mà còn mang lại lợi ích cho các nước và các đồng minh của họ trong các chiến dịch bầu cử.

Sự quan tâm của các nhà đối thoại Arab đến việc đưa một số vấn đề gây tranh cãi ra khỏi bàn đàm phán để có được thái độ thiện chí của phe thân Israel đối với Quốc hội và các nhóm vận động ủng hộ đã hỗ trợ họ trong nỗ lực cuối cùng nhằm biến những thay đổi trong tình trạng đối kháng ở Trung Đông thành các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. Tất cả các bên tham gia đều hiểu rõ và ủng hộ đến mức tối đa với mong muốn đạt thỏa thuận vào phút chót như một di sản trong lĩnh vực chính sách đối ngoại trong giai đoạn ông Trump còn đang làm chủ Nhà Trắng.

Trong khi Jordan "thở phào nhẹ nhõm" khi lệnh cấm vận Qatar được dỡ bỏ, thì Ai Cập lại có vẻ do dự. Giống như các cuộc đàm phán gần đây của họ với Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli, bước đi này có lẽ cho thấy mong muốn chứng tỏ với chính quyền mới của Mỹ rằng họ có thể đảm nhận một vai trò tích cực trong khu vực.

Ông Netanyahu và các đồng minh chính trị của ông tiếp tục úp mở rằng các quốc gia Arab hay Hồi giáo khác sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Israel trong tương lai gần. Hình ảnh một nhà lãnh đạo toàn cầu và cũng là một người am hiểu chính sách đối ngoại có thể còn quan trọng hơn với Thủ tướng Israel khi ông bước vào cuộc bầu cử tháng 3-2021 sắp tới. Đó cũng là thách thức thứ 4 liên quan đến bầu cử của ông chỉ trong vòng 2 năm.

Một số nghị sĩ Israel - bao gồm cả Bộ trưởng Giáo dục đại học và Nguồn nước Ze"ev Elkin, người mà cho đến nay vẫn là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông - đã rời đảng Likud của ông để gia nhập đảng của cựu Bộ trưởng Giáo dục và nội vụ Gideon Saar, người đã thề sẽ không tham gia chính phủ do ông Netanyahu đứng đầu. Diễn biến này, kết hợp với sự ủng hộ ngày càng tăng đối với đảng Yamina của cựu Bộ trưởng Giáo dục và Quốc phòng Naftali Bennet, đã tạo ra một mối đe dọa đáng kể đối với vai trò của ông Netanyahu.

Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem liệu tất cả những nỗ lực này có giúp ích cho các bên tham gia ở Trung Đông trong quan hệ với chính quyền mới của ông Joe Biden hay không. Động lực đáng kể thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ của Israel trong khu vực có thể mất đi trong vài tháng tới khi chính quyền mới ở Washington đi vào ổn định và quyết định xem có tiếp tục phát triển các chính sách đã thực thi ở thời trước hay không. Và một khi nó bị dừng lại, rất khó để đoán được liệu có thể hoặc khi nào nó mới được tiếp tục trở lại.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn