Đâu là thất bại lớn nhất của Napoleon?

Rất nhiều người sẽ thấy nảy lên trong tâm trí mình địa danh Waterloo - Waterloo kỳ vĩ của quận công Wellington, như sự lựa chọn đầu tiên cho mệnh đề này. Cũng sẽ có những người chậm lại một chút, và nhắc đến chiến dịch Moskva bi thảm, nơi Nguyên soái Kutuzov thể hiện thiên tài chiến lược để bảo toàn nước Nga trước kẻ thù hùng mạnh nhất đã từng xuất hiện vào thời điểm ấy.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, theo tác giả Geoffrey Parker của cuốn Lịch sử chiến tranh (Military Revolution: Military Innovation and the Rise of the West, 1500-1800), cả hai câu trả lời đó đều chưa đi vào đúng điểm cốt lõi của vấn đề.

Cái vòng luẩn quẩn

Cũng như bất cứ nhà nghiên cứu lịch sử nghiêm túc nào, Geoffrey Parker cố gắng không khu biệt chiến tranh vào các vấn đề quân sự thuần túy, mà ngược lại, tìm cách đưa ra các nhận định khi đặt các cuộc chiến vào một góc nhìn tổng thể, với những mối dây liên hệ mật thiết liên quan tới kinh tế - xã hội - địa chính trị.

Từ đó, sự sụp đổ của Hoàng đế nước Pháp được xác định là bắt nguồn từ bốn lý do cơ bản - những nguyên nhân dường như ở khá xa Waterloo hay Moskva, và cũng không quá gần gũi với các chiến thắng lẫy lừng tại Ulm hay Austerlitz: Tham vọng chiến lược quá lớn; sự phẫn nộ của những người dân ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng; sức canh tân và cải tổ quân đội của các quốc gia thù địch; và cuối cùng: Sự đối đầu liên tục của Anh quốc - cường quốc số một thế giới vào thời điểm đó, về hàng hải và thương mại.

Sự "cứng đầu" của đảo quốc sương mù, đặc biệt là sau hải chiến Trafalgar - trận đánh làm tiêu tan mọi tham vọng tranh hùng trên đại dương của Napoleon, đã khiến nước Pháp không bao giờ so sánh nổi với nước Anh về các nguồn lực kinh tế, khi Luân Đôn vẫn luôn được duy trì tiếp tế những dòng máu từ thuộc địa khắp năm châu.

Trong khi đó, để nuôi "Đại quân” (Grand Armee), nước Pháp của Napoleon vẫn phải liên tục bành trướng, không ngừng vơ vét các nguồn lợi ở châu Âu lục địa. Điều này mang đến hệ quả: Tham vọng của Hoàng đế Pháp quốc càng lúc càng trở nên khó tiết chế, và ngược lại, sự căm ghét cũng như nỗi sợ hãi nước Pháp trên toàn cõi châu Âu càng lúc càng khiến họ có thêm nhiều kẻ thù - những người sẵn lòng làm tất cả để chống lại họ.

Sau các chiến dịch năm 1805, 1806 và 1807, Napoleon đã thành công trong việc áp đặt những nền hòa bình, đầu tiên là với Áo, sau đó là với Phổ và cuối cùng là với Nga. Song, Napoleon không hề có một mục tiêu sau cuối để thỏa mãn, qua đó bảo đảm một sự ổn định lâu dài cho châu Âu. Hay nói đúng hơn, ông không thể làm điều đó, không thể cho phép tự đặt ra mục tiêu đó.

Waterloo không hẳn đã là thất bại lớn nhất trong đời Napoelon Bonaparte

Cuộc chiến vô vọng

Napoleon, thực tế, đã luôn cố gắng đưa cả cựu lục địa vào một cuộc chiến tranh thương mại, bao vây kinh tế Anh quốc. Vấn đề là, các hạm đội Anh đủ sức phong tỏa các hải cảng của Pháp (kể từ năm 1803).

Không có đường ra biển, Napoleon buộc phải chú trọng hơn đến những giải pháp khác. Ông đề xuất thành lập Liên bang sông Rhine. Ông ký Sắc lệnh Berlin năm 1806, rồi Hiệp ước Tilsit năm 1807 - đều là những công cụ nhằm phục vụ mục tiêu đánh bật hàng hóa của Anh ra khỏi châu Âu.

Tuy nhiên, như thể vạch đường cho sự khác biệt rõ ràng giữa đế quốc thực dân Pháp và đế quốc thực dân Anh sau này, Napoleon không kết hợp các quốc gia châu Âu lục địa đã chịu hòa hoãn với mình thành một vùng mậu dịch tự do (mà trong đó tất cả cùng có lợi).

Ngược lại, ông dựng lên những hàng rào thuế quan, để nước Pháp của ông hưởng lợi nhiều nhất. Hệ thống lục địa mà ông cố gắng xây dựng, đến lúc đó, đã giống với một thiết chế đô hộ của Pháp hơn là một liên minh chống Anh.

Năm 1807, vin vào lý do bảo vệ thiết chế đó, Napoleon đưa quân vào Bồ Đào Nha. Năm 1810, Nga Sa hoàng xem như đưa ra một lời tuyên chiến, khi tuyên bố các cảng của Nga sẵn sàng đón tàu trung lập chở hàng hóa của Anh.

Kinh tế và lợi ích kinh tế, xét cho cùng, vẫn là xuất phát điểm của mọi vấn đề liên quan đến chính trị hay ngoại giao, mà chiến tranh chỉ là một công cụ.

Mà có lẽ là những sai sót của ông trong lĩnh vực phát triển kinh tế, khi đối diện với các đội thương thuyền của bá chủ đại dương.

Napoleon là một thiên tài quân sự, nhưng những người anh em trong gia đình ông không có được cái tầm vóc ấy, và họ trở thành những "quả tạ". Suốt 5 năm, Joseph Bonaparte, người anh ruột được Napleon đặt làm vua Tây Ban Nha năm 1808 (nghĩa là xung đột trực tiếp quyền lợi với đại gia tộc Habsburg - gia tộc có người làm vương công khắp châu Âu, đã bị buộc chỉ còn là Hoàng đế Áo sau thất bại Austerlitz), không làm thế nào bình định được Tây Ban Nha, chưa nói đến chuyện thảm bại trước các toán quân Anh đang khống chế các cửa biển Bồ Đào Nha (từ đó bảo đảm cho thương thuyền Anh vẫn còn những cửa ngõ quan trọng đổ hàng vào cựu lục địa).

Nguồn lực của quân viễn chinh Pháp bị căng ra khắp bán đảo Iberia, và họ bị tổn thương quá nhiều bởi hình thái chiến tranh du kích mà người dân Tây Ban Nha áp dụng.

Ở đây, ta có thể nhắc lại một đoạn trong danh tác Những người khốn khổ, khi Victor Hugo trích lời một viên thống chế Pháp vây hãm thành Zaragoza: "Khi các bà già cũng đổ bô nước tiểu lên đầu chúng ta thì chẳng có cách nào để chiến thắng nữa".

Và rồi, tiếp sau những vết thương kinh tế là những thảm họa địa chính trị. 60 vạn quân Pháp tiến vào đất Nga, nhằm trừng phạt Nga hoàng và bảo vệ tính tôn nghiêm của Hệ thống Lục địa do nước Pháp làm bá chủ. Song, chỉ 93 nghìn trong số đó trở về được từ Moskva.

Nguy hiểm hơn, sau trận chiến này, liên minh chống Anh đã sụp đổ, để nước Anh dễ dàng tạo dựng ngược lại một liên minh chống Pháp. Những dòng họ đế vương (Tudor, Habsburg, Romanov…) xích lại gần nhau bởi những liên hệ về quyền lợi, còn thần dân của họ chiến đấu cùng nhau khi không muốn chấp nhận sự đô hộ hà khắc và nhục nhã. Họ cùng cam kết, sẽ không ký những hòa ước riêng rẽ với nước Pháp.

Theo đà đó, quân đội của cả Anh, Nga, Áo, Phổ đều được cải tổ. Nước Phổ, tiền thân - đất phát tích của nước Đức sau này thậm chí còn học hỏi Cách mạng Pháp để ra sắc lệnh mang tên Giải phóng, hủy bỏ chế độ nông nô, thành lập tầng lớp sĩ quan mới không chỉ xuất thân từ giai cấp quý tộc, qua đó thổi bùng lên lòng yêu nước nhiệt thành.

Cần lưu ý, theo Hiệp ước Tilsit, nước Pháp chỉ đồng ý để nước Phổ có một quân đội nhỏ 42 nghìn quân chính quy. Và bởi vì không thể tiếp tục chấp nhận, khi tuyên chiến với Pháp, quân đội Phổ đã được bổ sung hữu hiệu bởi hàng trăm nghìn quân tình nguyện, dân quân chiến đấu, quân tổng trừ bị… (lên tới 280 nghìn người).

Từ ngọn cờ đầu cách mạng, nước Pháp đã trở thành kẻ xâm lược đi nô dịch các dân tộc khác, và tiếp tục tụt hậu để trở thành một thế lực phản động bị cả châu Âu căm ghét.

Suốt cả tiến trình này, quả thật, Napolen vẫn ghi được những dấu ấn sáng chói trong tư cách là một vị tướng huyền thoại. Thế nhưng, là một chính khách, ông dần đánh mất sự ủng hộ trong và ngoài đất nước của mình. Và trong lĩnh vực phát triển kinh tế, ông vĩnh viễn là kẻ thất bại trước những địch thủ truyền kiếp bên kia eo biển Manche.

Rất nhạy bén trong việc phát triển kinh tế và khai thác các cơ hội chính trị - ngoại giao từ việc phát triển kinh tế, nước Anh cuối cùng đã cầm tù được vị chỉ huy quân sự huyền thoại kia trên đảo Saint Helene.

Đó phải chăng mới chính là thất bại lớn nhất của Napoleon?

* Geoffrey Parker (sinh ngày 25/12/1943) là một nhà nghiên cứu lịch sử và lịch sử quân sự quốc tế người Anh. Do đó, những kiến giải của ông về Napoleon Bonaparte, dù không thể tránh khỏi những lăng kính cá nhân, cũng luôn đáng chú ý. Đặc biệt, trong các tác phẩm của ông, yếu tố Tây Ban Nha là một tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự cân bằng chiến lược ở châu Âu khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII.

* Nguyên văn một đánh giá về Napoleon, đánh giá khái quát mang tính xuyên suốt của Geoffrey Parker trong cuốn “Lịch sử chiến tranh”: "Với sự am tường chiến thuật và khả năng điều hành, Napoleon trở thành nạn nhân của một thiếu sót chiến lược có tính hủy diệt: Ông không hề biết thế nào là đủ, và khi nào phải dừng. Như vậy, sớm muộn ông cũng sẽ phải chuốc lấy thảm bại".

Phi Hồ

Nguồn tin: cand.com.vn