"Dậy sóng" trang phục theo ý tưởng dân tộc


Từ “Bàn thờ” đến “Cầu tõm”

Những ngày qua, thiết kế “Cầu tõm - 9 củ thành 10” dự thi cuộc thi thiết kế trang phục cho đại diện Việt Nam tại Miss International Queen gây ồn ào cộng đồng mạng khi lấy ý tưởng từ hình thức nhà vệ sinh ở nông thôn. Bản vẽ do Lý Thị Út Lành (sinh năm 2004) lên ý tưởng. Về mặt hình thức, bộ trang phục sử dụng mô hình gỗ, phần phía dưới tái hiện hình ảnh dòng nước với các chú cá. Khi trình diễn, người mặc cầm trên tay giấy vệ sinh, tháo gỡ phần mô hình để khoe vóc dáng.

Cận cảnh thiết kế “Cầu tõm - 9 củ thành 10” gây tranh cãi.

Chia sẻ về thiết kế của mình, Út Lành cho biết bản thân muốn truyền tải nét văn hóa rất riêng trong đời sống của người Việt Nam. Thí sinh này thừa nhận: “Có thể hơi táo bạo trong ý tưởng nhưng với tôi và rất nhiều người Việt, cầu tõm là một phần ký ức tuổi thơ hồn nhiên và hài hước, gắn liền với con sông, bờ đê... cùng những con người chân chất, thật thà ở vùng quê nghèo”.

Bản vẽ được đăng trên fanpage chính thức của Miss International Queen Vietnam nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng với hơn hàng nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận. Bên cạnh số ít người dành lời khen ngợi cho ý tưởng độc đáo của Út Lành, phần đông dư luận bày tỏ sự không hài lòng với thiết kế này. Họ cho rằng nếu mang “Cầu tõm - 9 củ thành 10” lên sân khấu quốc tế sẽ vừa không thể hiện được nét văn hóa, truyền thống dân tộc, vừa không phù hợp. Thậm chí, có người còn gay gắt khẳng định: “Thô tục, có đọc kỹ cái tiêu đề là thiết kế trang phục dân tộc không vậy? Không hiểu nổi, ý tưởng đồng ý là táo bạo và nổi trội nhưng làm ơn trong khuôn khổ”. Người khác ngao ngán: “Thi thiết kế trang phục dân tộc chứ đâu phải thi vẽ tranh sáng tạo. Mong các bạn lưu ý”.

Đây không phải lần đầu tiên thiết kế trang phục dân tộc dành cho đại diện Việt Nam tại đấu trường nhan sắc quốc tế gây tranh cãi. Năm 2016, bộ trang phục dân tộc “Sen vàng Việt Nam” của Khả Trang mang đến Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 từng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Theo đó, thiết kế của Lê Long Dũng nặng đến 40kg, kết hợp sự mạnh mẽ của cha Rồng - Lạc Long Quân và sự mềm mại, thanh thoát của mẹ Tiên - Âu Cơ trong truyền thuyết. Nhưng, trang phục bị đánh giá cồng kềnh, lòe loẹt và giống với các nhân vật trong game trực tuyến hay đậm phong cách Trung Quốc.

Lê Âu Ngân Anh - đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Liên lục địa 2019 từng khiến khán giả trong nước tức giận khi cô mặc trang phục dân tộc quá phản cảm. Cụ thể, thiết kế mang tên “Mẹ Âu Cơ” được giới thiệu là có những chi tiết đính bằng ngọc trai, kim sắc và 2 gram vàng thật, tượng trưng dòng máu rồng tiên cao quý. Chiếc áo Ngân Anh diện có họa tiết trống đồng được đính kết bằng tay trong hơn 180 giờ. Song, khi lên sân khấu, Ngân Anh chỉ có 30 giây thể hiện, trong đó mất 10 giây đầu tiên đứng quay lưng về khán giả, điều này khiến người đẹp để lộ vòng 3 kém duyên trên sân khấu.

Chủ đề của thiết kế “Bàn thờ” gây tranh cãi được tác giả giới thiệu là “Tinh Hoa Việt Nam”.

Đỉnh điểm, có thể kể đến thiết kế “Bàn thờ” của Phạm Quang Minh tại cuộc thi tuyển chọn trang phục dân tộc cho Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019. “Trang phục Bàn thờ là sự kết hợp hình ảnh thân quen: ảnh thờ, bát hương (là điểm nhấn cho trang phục, lấy cảm hứng từ gốm sứ Bát Tràng), lọ hoa (đem đến không gian tự sự, đầy thanh tịnh cho người xem), mâm cỗ (sự tâm linh, lòng thành tâm hiếu nghĩa đối với người đã khuất).

Để lộ tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 3 cây nhang để vái và xá 3 cái. Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ (mâm cỗ dần dần hạ xuống nhờ vào động cơ). Mặt sau trang phục có khung thờ thể hiện sự bất ngờ cho người xem nên trang phục có thiết kế động cơ vào mâm cỗ giúp nâng lên, hạ xuống trong lúc trình diễn”, chủ nhân bản thiết kế giới thiệu về sản phẩm của mình.

Tương tự, trang phục dân tộc của H’Hen Niê tại Miss Universe 2018 gây nhiều tranh cãi từ khi còn là bản thảo dự thi. Bộ váy do thí sinh Phạm Phước Điền lấy ý tưởng về món bánh mì nổi tiếng, qua đó giới thiệu bản sắc ẩm thực của Việt Nam với thế giới. Song, có khán giả cho rằng, bánh mì vốn xuất xứ từ nước ngoài, khó có thể đại diện cho văn hóa nước nhà. Chưa kể, bộ trang phục thành phẩm đầu tiên trông thô kệch, thiếu tính thẩm mỹ.

Ê-kíp sau đó phải chỉnh sửa gần như toàn bộ trang phục, chỉ giữ lại ý tưởng bánh mì nhưng vẫn vấp phải phản đối. Dù vậy, H’Hen Niê vẫn tự tin trình diễn bộ trang phục và mang lại hiệu ứng tích cực trên sân khấu quốc tế.

Sáng tạo phải đi đôi với kiến thức văn hóa

Tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, phần thi quốc phục của các người đẹp không chỉ là chuyện tranh tài thứ hạng nhan sắc mà còn tôn vinh nét đẹp văn hóa và quảng bá hình ảnh dân tộc, đất nước. Nhiều năm trước, phần lớn các người đẹp Việt dự thi Hoa hậu Việt Nam đều chủ yếu nhờ các nhà thiết kế có tiếng thiết kế các trang phục dự thi như: áo dài ABC, Thuận Việt, Võ Việt Chung...

Bộ trang phục khiến Ngân Anh lộ vòng 3 tại Hoa hậu Liên lục địa 2019.

Năm 2016, Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lần đầu phát động chương trình “Tuyển chọn thiết kế quốc phục cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2016”, mở ra nhiều cơ hội cho giới thiết kế giới thiệu ý tưởng của mình. Cuộc thi được giới thiệu nhằm tìm kiếm và tuyển chọn quốc phục ấn tượng, phản ánh nét đặc trưng văn hóa và quảng bá văn hóa Việt Nam tại cuộc thi nhan sắc quốc tế Miss Universe 2016 cho đại diện Việt Nam. Từ đây, nhiều nhà thiết kế trẻ, những người đam mê thời trang có cơ hội giới thiệu ý tưởng độc đáo của mình.

Nhiều ý tưởng thậm chí còn được báo chí, dư luận thế giới dành lời khen đặc biệt. Thiết kế mang tên “Nàng Mây” của Thái Trung Tín dành cho Lệ Hằng tại Miss Universe 2016 được lấy cảm hứng từ những chiếc đó bắt cá từng được kênh CNN của Philippines đưa ra lựa chọn là một trong các thiết kế ấn tượng nhất. Lệ Hằng được đánh giá cao khi tạo ra sự phá cách so với các đạo diện trước đây của Việt Nam - vốn chỉ trung thành với tà áo dài truyền thống. Một số khán giả Philippines còn khẳng định trang phục của Lệ Hằng giúp nhiều người có thể tưởng tượng về nền văn hóa Việt Nam. Đến năm 2018, bộ trang phục “Bánh mì” của HHen Niê gây tranh cãi trong nước nhưng được báo giới quốc tế khen nức nở. Sau phần trình diễn của người đẹp Ê-đê, hàng loạt báo châu Á như Straits Times, Asiatimes... lên tiếng bênh vực, khen ngợi đại diện Việt Nam.

Fanpage Miss Universe 2018 còn khen ngợi “Bánh mì” là một trong 4 thiết kế có câu chuyện hấp dẫn trong số hơn 90 trang phục dân tộc dự thi. “Bánh mì hay bánh mì Việt Nam là món ăn nhanh nổi tiếng nhất đối với người dân địa phương. Khách du lịch tại Việt Nam cũng rất quen thuộc với món ăn độc đáo này. Bánh mì rất ngon miệng và giá của nó rẻ đến nỗi mọi người từ nghèo đến giàu đều có thể mua được”, Miss Universe 2018 viết.

Từ những tranh cãi liên quan đến trang phục dân tộc dành cho hoa hậu Việt dự thi quốc tế, dễ thấy, sáng tạo luôn là điều cần thiết nhưng sự sáng tạo này cần phải đi đôi với hiểu biết, kiến thức cơ bản về văn hóa, đất nước, con người. Dù rất ủng hộ những ý tưởng táo bạo như “Cầu tõm - 9 củ thành 10” hay “Bàn thờ” nhưng nhà thiết kế Nhật Dũng cho rằng, nhiệm vụ của nhà thiết kế là làm sao để giới thiệu tới bạn bè thế giới nhưng không mang lại cảm giác thô, tục. “Không phải cứ quan sát thấy gì là có thể bê y nguyên vào sản phẩm, nhà thiết kế phải biết tái hiện, kể lại bằng ngôn ngữ thời trang một cách tinh tế, khéo léo”, nhà thiết kế Nhật Dũng nhấn mạnh.

Thực tế, bản thân chủ nhân thiết kế “Bàn thờ” cũng từng thừa nhận, ý tưởng của mình có “hơi lố”. “Bản vẽ của tôi lấy cảm hứng từ việc thờ cúng tổ tiên của người Việt. Do ý tưởng của các bạn tham gia cuộc thi có những thứ quá phổ biến nên tôi chọn bàn thờ gia tiên cho thiết kế. Tuy nó hơi lố nhưng vẫn mang một nét đẹp truyền thống của dân tộc mà lại quen thuộc với người dân Việt Nam”, anh nói. Trong khi đó, tác giả bản vẽ “Cầu tõm - 9 củ thành 10” lại cho rằng: “Có thể nói, cầu tõm chính là nét văn hóa rất riêng của người Việt chúng ta, ai chưa một lần trải nghiệm thì qua bộ trang phục có thể hiểu hơn về “hạnh phúc giản đơn” này”.

Phần thể hiện của H"Hen Niê trong phần thi trang phục dân tộc tại Miss Universe 2018.

Là người có hàng chục năm gắn bó với việc nghiên cứu, giảng dạy văn hóa dân gian, TS Nguyễn Hùng Vỹ gay gắt cho rằng, thiết kế “Cầu tõm - 9 củ thành 10” là một sản phẩm phi văn hóa, hay nói cách khác là “vô văn hóa”. “Bởi, văn hóa là tất cả những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Văn hóa bao hàm trong đó những giá trị của nó, là những thứ hướng đến sự Chân - Thiện - Mỹ. Ngày nay, cứ điều gì gắn với một hoạt động, một thói quen người ta lại gắn cho là văn hóa. Đó là sự hiểu sai, hiểu lệch về văn hóa”, TS Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh.

Xưa nay, việc sáng tạo luôn được khuyến khích, nhất là trong lĩnh vực thời trang. Nhưng, việc đưa những ý tưởng ngô nghê, khó hiểu vào thiết kế trang phục của hoa hậu sẽ khiến bạn bè quốc tế hiểu sai về các giá trị văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt. Đó cũng là nguồn cơn gây tranh cãi.

Thảo Dung

Nguồn tin: cand.com.vn