Để "người gù" ít đi, "người đứng thẳng" nhiều lên…

Kính gửi Tòa soạn báo ANTG Giữa tháng - Cuối tháng!

Khỏi phải nói dài dòng, một trong những phát ngôn có thể coi là "ấn tượng" nhất trong suốt tháng qua chính là phát ngôn ở Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình, của một cựu lãnh đạo phòng Khảo thí: Mọi người đều gù, mình đứng thẳng sẽ trở thành người khuyết tật. Thưa các anh/chị ở Toà soạn, tôi nghĩ là câu nói này không chỉ bao quát cho câu chuyện gian lận thi cử ở tỉnh Hoà Bình trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2018, mà còn bao quát cho nhiều phạm trù khác, ở nhiều lĩnh vực khác trong xã hội hiện nay.

Khi ngồi uống cà phê sáng với nhau, rất nhiều bạn bè tôi đã tranh luận sôi nổi về câu nói mà có người cho là ít nhiều có "giá trị điển hình" này. Có người bảo, trong thế giới của người gù, ai muốn đứng thẳng và dám đứng thẳng chắc chắn sẽ bị cho là "người điên", và sớm muộn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Nếu câu chuyện này chỉ để lại hậu quả cho riêng cá nhân mình thì hẳn nhiều người sẵn sàng chấp nhận bị coi là "người điên".

Khổ nỗi, nếu mất việc có thể họ sẽ mất cái "cần câu cơm", tức là mất luôn cái công cụ hữu hiệu duy nhất để nuôi sống gia đình mình. Thành thử, dù có muốn "đứng thẳng" thì họ cũng phải cố gắng dàn xếp với lòng tự trọng tiềm ẩn trong mình để sống như những kẻ "gù" xung quanh. Sự dàn xếp ấy thoạt tiên có thể diễn ra khó khăn, căng thẳng, nhưng rồi dần dần nó sẽ trở thành một thói quen, một bản năng - mới, và do đó đến một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, nếu mình đột nhiên "đứng thẳng" thì có thể người ta lại sốc với chính mình.

Tuy nhiên lại có những người khác phản biện: Đổ tại cho hoàn cảnh luôn là cách đổ tại dễ nhất và yếu đuối nhất. Nếu cứ đổ tại cho hoàn cảnh thì tại sao trong chính cái hoàn cảnh đầy rẫy những kẻ "lưng gù" thi thoảng vẫn vút lên hình ảnh hiên ngang, kiên cường của những người "đứng thẳng"?

Nếu cứ đổ tại cho hoàn cảnh, thói quen và những tác động xung quanh, mà thiếu hẳn một khát vọng "đứng thẳng" - đứng bằng 2 chân thì làm sao loài 4 chân xa xưa mới có thể dần dần trở thành loài 2 chân? Thưa tòa soạn, cuộc tranh luận của chúng tôi diễn ra sôi nổi, quyết liệt, và phải nói thật là vì nó mà có những người sau đó đã không còn nhìn mặt nhau.

Cá nhân tôi nghĩ điều đó không vấn đề gì cả. Bởi dám nói đúng điều mình nghĩ đã là một sự dũng cảm, và từ lâu rồi tôi luôn rèn luyện một thói quen tôn trọng điều người khác nghĩ, bất luận điều ấy mâu thuẫn trầm trọng với điều mình nghĩ. Biết tôn trọng sự khác biệt, và ứng dụng nó vào đời sống một cách thực tế, thay vì chỉ nói suông, nói lý thuyết, theo tôi là một trong những thực hành dân chủ của tất cả những xã hội văn minh. Ở đây, tôi viết tất cả những điều này đến Toà soạn với mong muốn được giải đáp 2 vấn đề sau đấy:

1/ Theo tòa soạn, số lượng những người dám "đứng thẳng" và sẵn sàng "đứng thẳng" bây giờ là đa số hay thiểu số?

2/ Chúng ta phải làm gì để số lượng những người "đứng thẳng" ngày một tăng lên, còn số lượng những "người gù" ngày càng giảm xuống?

Tôi biết, đây là 2 câu hỏi không đơn giản, nhưng vẫn mong nhận được câu trả lời của Toà soạn. Chúc các anh/chị ở tòa soạn sức khoẻ và tiếp tục tạo ra những trang báo giàu cống hiến. Xin chân thành cảm ơn.

Hoàng Quốc Anh (Hòa Bình)

Kính gửi độc giả Hoàng Quốc Anh!

Quả nhiên, 2 câu hỏi đặt ra không đơn giản, nhưng hy vọng trong phạm vi hiểu biết của mình chúng tôi cũng có thể chia sẻ phần nào với những điều mà chúng tôi biết chắc là độc giả rất chăm chỉ tâm tư.

Để trả lời câu hỏi số lượng "người đứng thẳng" là đa số hay thiểu số thì theo chúng ta cần phải thực hiện cả một cuộc điều tra xã hội học trên qui mô lớn. Khi chưa có một cuộc điều tra như vậy thì mọi câu trả lời "đa số" hay "thiểu số" đều chỉ là cảm tính, mà trong rất nhiều trường hợp, cảm tính sẽ dẫn chúng ta đến lầm lạc. Do vậy thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, chúng tôi muốn đề cập tới một khía cạnh xuất hiện ngay ở phiên tòa mà cựu lãnh đạo Phòng Khảo thí đã nhận xét về chuyện "người gù" - "người thẳng" nêu trên.

Nếu theo dõi kĩ phiên tòa này, và theo dõi những động thái mang tính bao quát trong vụ gian lận thi cử 2018 ở một số tỉnh phía Bắc, chúng ta sẽ thấy một đặc điểm lặp đi lặp lại, đó là người trên/hoặc người nhà của người trên nhờ người dưới, người dưới lại nhờ người dưới nữa, và người dưới nữa lại tiếp tục nhờ người dưới nữa. Cứ như thế, một mắt xích nhờ vả - giúp đỡ - nâng điểm được tạo ra.

Khi theo dõi kỹ lưỡng những chuyển động của những mắt xích này, chính chúng tôi cũng nhiều lần thắc mắc: Liệu có một "mắt xích" nào đó dám "xé bài", dám phản kháng, dám đứng lên chống lại tất cả hay không? Hoặc nếu việc chống lại là quá khó, thì ít ra cũng là thái độ phản ứng trước một chuỗi những vận động mà mình biết chắc là phi pháp?

Nếu câu trả lời là "không", thì trong mắt xích ấy thật sự là những người "gù", nhưng nếu câu trả lời là "có" - dẫu chỉ là một cái "có" mỏng manh thì hoá ra trong "thế giới người gù" vẫn còn một chút niềm tin được cứu rỗi. Chúng tôi đã bị ám ảnh bị thắc mắc này trong một thời gian rất dài. Và khi chứng kiến phiên toà ở Hoà Bình, chúng tôi rất lưu ý đến chi tiết: khi cựu lãnh đạo phòng khảo thí "vì nể nang" (theo lời khai của người này) mà nhờ vả một số tổ trưởng của tổ chấm bài tự luận nâng điểm cho một số em học sinh thì đến lượt mình, những người tổ trưởng này "vì thương học sinh" (theo lời khai của 1 vị tổ trưởng) lại đề nghị những giáo viên chấm bài trực tiếp phải chấm nới tay. Tuy nhiên đến khâu này thì đã có những sự phản kháng nhất định của những giáo viên mà có thể là đâu đó vẫn giữ được lòng tự trọng tối thiểu của những người tham gia sự nghiệp trồng người.

Một giáo viên khai trước toà, khi bị đề nghị chấm một bài điểm 8, chị đã không đồng tình, vì thấy chất lượng bài không thể đạt tới mức 8. Đến khi bị đề nghị phải chấm 7,5 thì chị đã vặc lại: "Tại sao chúng ta phải làm như thế?".

Theo lời khai của giáo viên này thì lúc đó chị nhận được câu trả lời: "Đây là bài của sếp". Một giáo viên khác khi thấy một bài thi sơ sài được chấm đến 8,75 đã không chịu ký vào phiếu chấm bài. Nhưng theo lời khai của chị thì sau đó chị nhận được đề nghị: "Đây là bài của lãnh đạo, cứ ký vào đây, có gì chúng tôi chịu trách nhiệm".

Nếu hai lời khai này là chính xác thì chúng ta thấy rằng trong cái chuỗi vận động của "những người gù", ít nhất cũng có vài người "mong muốn đứng thẳng". Và trong trường hợp này, dẫu chỉ là "mong muốn đứng thẳng", chứ chưa phải là "đứng thẳng" theo đúng tinh thần "một mình chống lại tất cả" thì nó cũng khiến chúng ta nhìn thấy một vài tia ánh sáng hiếm hoi.

Vậy thì những tia ánh sáng hiếm hoi này có phải là những "tia sáng khuyết tật" hay không? Câu trả lời tuỳ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Còn với góc nhìn của mình, chúng tôi nghĩ rằng nếu cứ găm vào đầu mình cái mệnh đề "ai cũng gù" như găm vào một chân lý, và từ chân lý đó lại đẻ ra chân lý hệ quả "ai cũng gù nên mình cũng phải gù" thì có nghĩa là chúng ta mãi mãi, chủ động trói buộc đời mình trong bóng tối.

Giờ bàn tới câu hỏi thứ 2 của độc giả, đó là phải là gì để số lượng "người gù" ít đi, và số lượng những người "đứng thẳng" nhiều lên. Theo chúng tôi, có 2 loại "người gù" phổ biến. Một là những người "gù" từ vạch xuất phát đầu tiên cho đến khi hạ cánh an toàn.

Có thể vì một lý do nào đó, họ bước vào đại học không bằng năng lực của mình, rồi lại vì một lý do nào đó mà đỗ đạt, thăng tiến không bằng năng lực của mình. Toàn bộ quá trình này được ai đó "lập trình" hệt như cách các nhà thí nghiệm lập trình những chuyển động theo những véc - tơ được vạch sẵn. Hai là những người vốn xuất phát "lưng thẳng" nhưng khi rơi vào một guồng quay và trở thành một mắt xích trong guồng quay thì lại…. bỗng nhiên gù.

Chúng ta đã nhìn thấy những người từng vào sinh ra tử trong những cuộc chiến tranh khốc liệt. Họ sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng đánh đổi tất cả, thậm chí là sẵn sàng chết cho một lý tưởng mình theo đuổi. Nhưng sau này khi làm quan, thậm chí là làm tới mức Bộ trưởng thì họ lại không giữ được cái tư thế "đứng thẳng" một cách hiên ngang vốn có của mình. Họ "gù" khuỵu xuống khi tham gia vào những vụ đại án và sau này đã phải chịu những bản án cuộc đời.

Thưa độc giả, về mặt lý thuyết muốn có nhiều người "đứng thẳng" thì chúng ta nhất định phải có một hệ thống giáo dục - từ giáo dục gia đình đến giáo dục trường lớp có thể dạy con người đứng thẳng một cách hiệu quả và thực tế. Nhưng nếu trông hết vào giáo dục đạo đức thì chưa ổn, chúng ta còn phải tạo ra những vận động hệ thống mà ở trong hệ thống đó, con người có muốn "gù" cũng khó.

"Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật" - điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đề cập chính là một trong những cách như vậy. Thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều cải cách trong việc lựa chọn cán bộ, trong việc tạo ra một thể chế với những cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả hơn. Và chắc chắn chúng ta sẽ phải tiếp tục thực hiện những cải cách này trong thời gian tới.

Tới đây, hy vọng là những chia sẻ của chúng tôi cũng sẽ giúp độc giả thoả mãn được phần nào. Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín

Nguồn tin: cand.com.vn