Đêm không ngủ ở Suối Thín

Những chuyến đi ấy khiến tôi hiểu thêm nhiều điều hay, nhìn nhận cuộc sống với nhiều góc cạnh khác nhau và quan trọng nhất là qua mỗi chuyến đi, tôi thấy yêu và tin vào công việc của mình hơn.

Trong những lần như thế, có một chuyến đi khiến tôi nhớ mãi, không chỉ vì đường xa, gập ghềnh vất vả mà nó chứa đựng tình người, tình đồng chí đồng đội, sự gắn bó giữa những người lính với nhau… Và đó chính là động lực, là nguồn động viên để những CBCS nơi biên giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sơn La là địa bàn miền núi, biên giới, có hơn 274km đường biên tiếp giáp nước CHDCND Lào với nhiều đường mòn, lối mở. Địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều thời điểm diễn biến phức tạp, nhất là ở các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia là những nước có chung đường biên giới với Việt Nam.

Vì thế, tỉnh Sơn La đã thành lập các chốt phòng chống COVID-19 ở khu vực biên giới do lực lượng Bộ đội Biên phòng là chủ công, lực lượng Công an và các lực lượng chức năng khác cùng phối hợp thực hiện để kiểm soát biên giới, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập qua biên giới vào nội địa.

Vào những ngày cao điểm nhất trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, tôi đến công tác tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, một xã biên giới có nhiều đường mòn, lối mở với nước bạn Lào để phản ánh công tác phòng chống dịch bệnh.

Sau một đêm ngủ nhờ tại Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, sáng hôm sau, chỉ huy Đồn Biên phòng cử 2 cán bộ cùng với đồng chí Trưởng Công an xã đưa chúng tôi lên chốt Suối Thín bằng xe máy mà theo lời kể của các đồng nghiệp tại địa bàn thì đây là chốt khó khăn, vất vả nhất.

Ngoài nhiệm vụ đèo phóng viên lên chốt, thì các anh còn tranh thủ chằng buộc đủ thứ từ gạo, cá khô, mì tôm đến các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt như xà phòng, mắm, muối… và cả khẩu trang, nước sát khuẩn…

Đại úy Nguyễn Chí Hiếu, Phó Đồn trưởng bảo mỗi lần về đơn vị, anh em đều tranh thủ chở thực phẩm lên vì đường đi lại khó khăn lắm, không phải lúc nào cũng xuống núi lấy được.

Nghe bảo đường khó, tôi cũng chỉ nghĩ cùng lắm là dốc cao và khó đi hơn đường nhựa ở huyện chút thôi. Cho đến khi ngồi sau xe đồng chí bộ đội Biên phòng nhiều lúc tim muốn bắn ra ngoài, tôi mới thấm cái khó khăn mà Trưởng Công an xã cảnh báo từ trước.

Tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Chốt Suối Thín thuộc bản suối Thín, xã Chiềng Sơn, chỉ cách trung tâm xã gần 20km nhưng chúng tôi di chuyển mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến nơi.

Đường dốc, cua khúc khuỷu và trơn trợt vì trời mưa, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có đoạn lại toàn đá lổn nhổn, không thể đi xe qua mà phải nổ máy dắt bộ. Ngồi phía sau, thỉnh thoảng tôi lại hét lên rồi ôm chặt anh "xe ôm - bộ đội" dù có chút ngại ngùng…

Sau 2 giờ đồng hồ đánh vật với con đường, đoàn chúng tôi cũng lên đến chốt nơi các chiến sĩ đóng quân. Tôi thật không thể tưởng tượng được cuộc sống của những người canh chốt lại thiếu thốn đủ bề như vậy. Tất cả mọi thứ đều được làm từ bàn tay chai sạn của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Nơi làm việc, ăn ở là những lán trại tạm bợ, có thể bị đổ, tốc mái bất cứ lúc nào nếu chẳng may mưa to gió lớn… Bể nước, nhà tắm, giường ngủ, bàn ghế… đều do anh em tự dựng lên bằng tre và bạt dứa… Các anh còn làm cả vườn rau xanh để cải thiện bữa ăn vì xác định cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ còn lâu dài…

Ở đây không có điện, dù là mùa hè nhưng khu vực biên giới cũng ít nắng nên điện năng lượng mặt trời cũng không hoạt động được, đồ ăn chủ yếu là đồ khô vì không có tủ lạnh. Những chiếc điện thoại cũng được tập trung vào một chỗ để hứng sóng vì sóng điện thoại chỗ có chỗ không…

Bên cạnh cái lều bạt đã cũ là một lều mới vừa mọc lên, bên trong hai anh bộ đội đang kì cạch làm cái chõng tre mới. Thì ra, các anh đã khẩn trương dựng thêm để làm chỗ ngủ cho nữ phóng viên là tôi. Nhà tắm, nhà vệ sinh đều được các anh gia cố thêm cho kín đáo.

Thượng úy Trần Quang Đạt, Trưởng Công an xã Chiềng Sơn tếu táo: "Mọi hôm chúng em toàn tắm tiên, hôm nay có chị lên mới có nhà tắm đấy. Nhưng làm nhà tắm kín đáo xong mọi người lại thấy... hối hận".

Một anh lớn tuổi nhất chốt bảo: "Anh em ở đây vất vả quen rồi, chứ phụ nữ mà lên được đến đây là cố gắng lắm nên cũng muốn có chỗ sinh hoạt tốt hơn một chút, cũng là tình cảm của anh em biên giới gửi gắm đến nữ phóng viên…". Ở biên giới mà có giường riêng, phòng riêng, có cả nhà tắm (dù chỉ tự làm bằng những vật liệu đơn sơ) cũng đủ khiến tôi xúc động vô cùng.

Buổi chiều, chúng tôi len lỏi con đường mòn theo chân anh em đi tuyên truyền, phát khẩu trang và nước sát khuẩn cho bà con nhân dân trong bản, sau đó lại hành quân đi tuần ở khu vực giáp biên. Cơn mưa rừng xối xả cũng không ngăn được bước chân những người chiến sĩ. Họ vẫn bước thoăn thoắt trong mưa khiến chúng tôi chạy theo không kịp.

Thượng úy Vì Văn Thích, Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn cho biết: "Giai đoạn đầu, để lập lán trại, chúng tôi phải đi chặt cây, chuyển đồ đạc lên, kịp thời làm nhanh để sau đó đi kiểm tra các tuyến đường biên, mốc giới. Con đường đi tuần tra rất khó khăn, nhiều hôm mưa gió, đường đi thì trơn, trượt, vắt nhiều nhưng anh em không ngại khó, ngại khổ, vẫn xác định rõ vai trò, trách nhiệm cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 còn rất lâu dài chúng tôi sẽ cùng khắc phục theo thời gian, từng bước ngăn chặn, không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa".

Lực lượng ở chốt Suối Thín tuyên truyền về công tác phòng, chống COVID-19 và tặng nước sát khuẩn cho người dân trên địa bàn.

Kết thúc buổi tuyên truyền và tuần tra, cả đoàn trở về chốt với những túm rau, quả bí, bắp ngô… những thứ mà bà con yêu mến thường xuyên mang tặng cho anh em ở chốt. Bữa cơm tối chỉ có cá khô và thức ăn được chế biến từ rau củ mà bà con mang cho, cùng với ánh đèn bão leo lét nhưng thật vui và đầm ấm.

Anh em ở đây dường như đã coi nơi đây là nhà của mình nên những câu chuyện xung quanh mâm cơm cũng cởi mở và thân tình hơn. Trong đó, có những câu chuyện rất cảm động về tinh thần trách nhiệm, về sự hi sinh của những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc, gác lại chuyện riêng tư để thực hiện nhiệm vụ.

Đó là Thiếu úy Bùi Quang Huy, cán bộ Đồn Biên phòng Lóng Sập, huyện Mộc Châu chịu tang bố đẻ nơi điểm chốt để thực hiện nhiệm vụ phòng chống COVID-19. Đó là Trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp, cán bộ Đồn Biên phòng Chiềng Tương, huyện Yên Châu đã bám chốt thực hiện nhiệm vụ mà không thể có mặt vào thời khắc thiêng liêng nhất là lần đầu tiên được làm bố, dù nhà chỉ cách đơn vị 12km…

Rồi hàng trăm cán bộ chiến sĩ các lực lượng Biên phòng, Công an ngày đêm bám chốt ở biên giới để thực hiện nhiệm vụ, không có thời gian về thăm nhà…

Và những cuộc tuần tra đường biên không kể sớm tối, phát khẩu trang, tờ rơi tuyên truyền, vận động người dân biết cách phòng chống dịch, ngăn chặn những đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở nơi biên giới xâm nhập vào nội địa… vẫn được thực hiện hàng ngày bất chấp ngày đêm, thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề.

Đêm hôm ấy, một mình nằm trên chiếc chõng tre trong lều bạt mới làm, tôi không sao ngủ được, phần vì lạ chỗ, phần vì mưa to, gió giật liên hồi, mái lều bằng bạt bị gió cuốn lên, đập xuống phát ra tiếng kêu phần phật mãi không thôi, và hơn nữa là có nhiều suy nghĩ về những câu chuyện của những người lính nơi địa đầu đầy gian khó này.

Chúng tôi rời chốt Suối Thín vào sáng hôm sau khi trời vẫn còn mưa lâm thâm. Vừa lắp đoạn xích tự chế vào bánh xe máy, Thượng úy Trần Quang Đạt, Trưởng Công an xã vừa giải thích rằng đây là cách duy nhất các anh vượt qua những đoạn đường khó, trơn trượt để thực hiện nhiệm vụ.

Và có thể, động lực để các anh vượt qua những ngày gian khó nơi rừng núi này chính là tình cảm đồng đội gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau gánh vác nhiệm vụ đảm bảo ANTT, bảo vệ an toàn đường biên mốc giới, không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa, mang đến cho nhân dân nơi đây sự bình yên và hạnh phúc.

Minh Phong

Nguồn tin: cand.com.vn