Đem thực tiễn “đánh án” vào từng bài giảng cho học viên

Đại úy Nguyễn Đức Hiệp đã sáng tạo, lồng ghép những kinh nghiệm thức tiễn trong công tác khi còn ở đơn vị chiến đấu vào mỗi bài giảng.

Để mỗi giờ lên lớp, mỗi bài giảng đưa tới học trò đạt hiệu quả cao, giúp học viên dễ hiểu, nắm bắt được cốt lõi vấn đề một cách nhanh nhất, Đại úy Nguyễn Đức Hiệp đã sáng tạo, lồng ghép vào đó những kinh nghiệm thức tiễn trong công tác khi còn ở đơn vị chiến đấu.Anh được vinh danh là "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp Trung ương lần thứ I, năm 2019.

Luôn tâm niệm, người thầy phải là người hướng dẫn phương pháp học, truyền cảm hứng giúp học viên khám phá, tìm hiểu, để từ đó tích cực, tự học, đồng thời lan truyền ngọn lửa say mê tri thức tới các người khác. Vậy nên từ đầu năm 2014, trên cương vị giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II (Bộ Công an), Đại úy Nguyễn Đức Hiệp đã luôn tìm tòi, đổi mới tư duy sáng tạo phương pháp giảng dạy, luôn lấy học viên làm trung tâm của bài giảng.

Chính sự gần gũi, những câu chuyện thực tế được anh đưa vào tiết học đã đem đến sự thích thú, chăm chú lắng nghe từ mỗi học viên. Hiện, mỗi buổi lên lớp của anh, trong các tiết học, học viên có thể đặt ra các câu hỏi xung quanh bài giảng để cùng thầy giáo và các học viên khác trao đổi. Theo anh, điều này giúp học viên không những hiểu biết sâu rộng hơn các kiến thức khác, kích thích sự tìm tòi, cùng với đó còn giúp rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, cũng như biết sắp xếp thời gian, việc này rất hữu ích cho những học viên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học…

Đại úy Nguyễn Đức Hiệp say mê giảng bài cho các học viên.

Trước khi đứng trên bục giảng, Đại úy Hiệp đã có hơn 3 năm làm công tác trinh sát, trực tiếp cùng đồng đội khám phá hàng chục chuyên án, bắt giữ hàng trăm đối tượng hình sự nguy hiểm tại địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Đó là một trong những trải nghiệm nghề mà theo Đại úy Nguyễn Đức Hiệp, là hành trang quý báu, để rồi sau này khi anh đứng trên bục giảng, truyền thụ lại kiến thức có những ví dụ thực tiễn “xương máu” sinh động vào từng bài học cho sinh viên một cách hiệu quả nhất. Nghe Đại úy Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ về những chuyên án sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng tôi hiểu được cảm xúc cũng như những trăn trở anh đang muốn nhắn gửi tới thế hệ học trò.

Giữa năm 2014, khi địa bàn quận Thủ Đức liên tục xảy ra nhiều vụ cướp giật táo tợn, gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, sau khi lập chuyên án, anh và các đồng đội đã lang thang nhiều ngày khắp các khu phố. Lúc này, dù các đối tượng hoạt động rất khép kín, chuyên gây án về đêm nhưng vẫn chẳng thể nào qua mặt được anh và các đồng đội.

Nhanh chóng đưa vào “tầm ngắm”, những ẩn số dần được anh mở ra, đây là nhóm các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, nghiện ma túy và rất manh động, có trang bị vũ khí, do đối tượng Đăng cầm đầu. Mỗi khi gây án, các đối tượng hay tụ tập tại một quán cà phê trên phường Tam Phú (quận Thủ Đức), sau đó phân công nhiệm vụ. Theo đó, Đăng, Hải sẽ đi trên một xe máy trực tiếp gây án, còn Thảo, Nghĩa có nhiệm vụ đi sau cản nếu bị truy đuổi.

Đầu tháng 8, khi các đối tượng đang thực hiện hành vi cướp giật tài sản của bị hại thì đã bị anh và các đồng đội khóa tay bắt giữ. Sau này, khi về trụ sở cơ quan điều tra, trước những chứng cứ mà Đại úy Nguyễn Đức Hiệp đã dày công điều tra, Đăng chỉ biết cúi mặt khai rành rọt tất cả những tội lỗi đã gây ra...

“Mỗi khi được dịp chia sẻ lại các vụ án mà bản thân và đồng đội đã đấu tranh, cảm xúc người lính hình sự lại ùa về. Chính những cảm xúc đó, câu chuyện đó tiếp lửa cho chính mình và với vai trò người truyền lửa, mình chia sẻ với các học viên chuyên ngành để họ cảm nhận được công việc mà các bạn đó sẽ đón nhận trong tương lai không xa…” - Đại úy Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ, đồng thời nhắn gửi “luôn thận trọng, tính toán thời điểm bắt đối tượng hợp lý, phải đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng truy bắt…”.

Không chỉ nhiệt huyết trong công tác giảng dạy, Đại úy Nguyễn Đức Hiệp còn dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Được biết, một trong những đề tài nghiên cứu của anh được Hội đồng khoa học giáo dục nhà trường nghiệm thu loại xuất sắc, đang phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu của giảng viên và học viên; được áp dụng tại địa phương mang lại nhiều hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là “Hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người của lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM”.

Ngoài những thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhiều năm liền Đại úy Nguyễn Đức Hiệp được ghi nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ Công an và các ban, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2019, anh được Trung ương Đoàn bình chọn và vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương” lần thứ I.

Tác giả bài viết: Xuân Trường

Nguồn tin: cand.com.vn