“Điểm nóng” Đông Nam Á


Vùng “trọng địa”

Đông Nam Á là một khu vực đặc biệt. Trên một vùng đất nhỏ, hẹp chỉ 4,5 triệu km2, có tới 11 quốc gia cùng tồn tại giữa hai đại dương, với hàng chục nghìn hòn đảo lớn nhỏ, với những khác biệt lớn về chính trị, tôn giáo, kinh tế.

Đông Nam Á có lẽ là khu vực đa dạng nhất về văn hóa trên thế giới khi nằm tiếp giáp giữa những nền văn minh lớn với sự giao thoa mạnh mẽ trong lịch sử. Tầm quan trọng chiến lược của khu vực Đông Nam Á nằm ở vị trí địa lý đặc thù của nó. Tuyến đường biển từ eo Malacca qua Biển Đông (Việt Nam) là tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới. Hằng năm, nơi đây có khoảng 50.000 tàu thuyền qua lại, chiếm 40% hoạt động trao đổi hàng hóa và 25% lượng dầu của thế giới. Trong thế kỷ 21 này, vị trí của nó càng trở nên quan trọng.

Đông Nam Á là nơi cuộc đối đầu Mỹ-Trung diễn ra trực diện nhất.

Là một nhóm các quốc gia nhỏ, các nước trong khu vực khá dễ tổn thương và thường chịu ảnh hưởng từ những cường quốc khác. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc giữ một vị trí quan trọng ở khu vực này thông qua những ảnh hưởng chính trị, văn hóa truyền thống. Những thương nhân người Hoa, bằng các hoạt động giao thương, từng thiết lập mạng lưới buôn bán của mình khắp khu vực, đồng thời hình thành những cộng đồng dân cư lớn.

Sức ảnh hưởng đó tồn tại cho đến khi chịu sự cạnh tranh của phương Tây từ kế kỷ 16. Kể từ sau Thế chiến 2, Mỹ thay Trung Quốc trở thành nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực. Khống chế Đông Nam Á là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Một hiệp hội các quốc gia trong khu vực và một liên minh quân sự thậm chí đã được lập lên, bởi những đồng minh của Mỹ nhằm ủng hộ Mỹ.

Trải qua nhiều thập niên hiện đại hóa, Trung Quốc đã từng bước lấy lại vị thế của mình như “con rồng đang lên”, khi trở thành nhân tố quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Từ năm 2000, Trung Quốc đã đứng thứ ba về GDP sau Mỹ và Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm họ phát triển quan hệ kinh tế với các đối tác Đông Nam Á. Trong khi đó, vào những năm 2000, chính sách đối ngoại của Mỹ chủ yếu tập trung ở Trung Đông, điều này tạo cơ hội cho Trung Quốc củng cố vai trò là một cường quốc có tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Trong suốt thập niên thứ hai của thế kỷ 21, đặc biệt là dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được điều chỉnh để phù hợp với mô hình đang thay đổi của thế giới. Trung Quốc trở nên chủ động hơn trong các vấn đề quốc tế. Thông qua một số kế hoạch đầy tham vọng như dự án Con đường tơ lụa trên biển cùng các khoản đầu tư lớn đổ vào cơ sở hạ tầng, các khoản vay, các thỏa thuận song phương và thỏa thuận thương mại tự do khu vực... Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này.

Nước Mỹ và tiến trình “xoay trục”

Nước Mỹ bắt buộc phải có những điều chỉnh. Chiến lược “Xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương” của Tổng thống Barack Obama đánh dấu sự thay đổi lớn trong ưu tiên chính đối ngoại của Mỹ. Là khu vực cửa ngõ, lại đang phát triển hết sức năng động, Đông Nam Á dĩ nhiên giữ vị trí trung tâm trong chính sách này. Đây là nơi chứng kiến cuộc đối đầu ngoại giao thú vị giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau đó, Tổng thống Donald Trump, với việc coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, đã đẩy cuộc cạnh tranh sang một giai đoạn mới.

Đại dịch COVID đồng thời phô bày một điểm yếu của nước Mỹ khiến họ dễ bị "bắt thóp" bởi Trung Quốc: Sự phụ thuộc vào nền sản xuất của đối thủ. Những lo ngại về an ninh, kinh tế hay những tranh cãi về bản quyền thúc đẩy những nhà lãnh đạo Mỹ thực hiện một cuộc chuyển đổi để đầu tư nhiều hơn ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Lúc này, Đông Nam Á lại trở thành lựa chọn đáng giá. Chính phủ Mỹ vì thế cũng tăng đầu tư vào giáo dục, đào tạo, hỗ trợ nâng cao hiệu quả và kỹ năng của người lao động, đồng thời đàm phán với các quốc gia trong khu vực để giảm các rào cản, nhằm mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động chuỗi cung ứng nhiều hơn vào Đông Nam Á. Đây hoàn toàn là những toan tính về lợi ích nhưng đồng thời tạo cho khu vực một vị thế mới, trở thành niềm hy vọng có thể "thay thế" Trung Quốc.

Nước Mỹ từng chịu thiệt hại vì đường lối ngoại giao không nhất quán, thiếu tập trung trong khu vực và đánh mất ảnh hưởng tại Đông Nam Á nhưng quyền lực mềm mà nước Mỹ đã thiết lập - đặc biệt trong văn hóa và giáo dục đại chúng - vẫn giữ cho họ ưu thế nhất định. Có hơn 4.000 công ty Mỹ đang hoạt động ở Đông Nam Á. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ trên toàn thế giới, với giá trị 350 tỷ đô la vào năm 2018. Và cho đến tận bây giờ Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực với khoảng hơn 300 tỷ USD đầu tư trực tiếp, nhiều hơn toàn bộ các quốc gia Đông Á cộng lại. Điều này giúp người Mỹ tự tin trong ngày trở lại, khi tân Tổng thống Joe Biden công bố kế hoạch "Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương 2.0" của mình.

Chiến lược ngoại giao vaccine đem đến ưu thế cho Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Trung Quốc vẫn đang đi nhanh hơn

Song, có vẻ như sai lầm của nước Mỹ vẫn đang lặp lại. Ông Biden dù đang lấy lại được nhiều thiện cảm khi từ bỏ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump nhưng vẫn chậm chân hơn đối thủ của mình trong những vấn đề có tính thời sự.

Nóng nhất lúc này là đại dịch COVID-19 và câu chuyện vaccine. Trong khi nước Mỹ đóng cửa tự tiêm chủng cho dân mình thì hàng chục triệu liều vaccine Trung Quốc đã được gửi tới những "người bạn" tại Đông Nam Á. Quốc gia nghèo Campuchia đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao đáng kinh ngạc: Xếp thứ 2 trong ASEAN (với khoảng 14% dân số đã tiêm vaccine) nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc. Đứng tiếp theo trong bảng xếp hạng tiêm chủng lúc này là Lào, nước cũng đang dùng vaccine Trung Quốc. Trong khi đó, hai đồng minh của Mỹ là Philippines và Thái Lan đứng gần cuối bảng với chỉ khoảng 3% dân số đã tiêm chủng. Chính sách ngoại giao vaccine của Mỹ (cho đến nay đã giành ưu tiên cho Mexico, Canada và Ấn Độ) khiến một lần nữa người ta lại đặt ra câu hỏi: Các ưu tiên của Mỹ thực sự đang nằm ở đâu? Ít nhất, ở điểm này, Trung Quốc đã tận dụng được lợi thế địa lý gần gũi của mình cũng như sự nhất quán, quyết tâm trong chính sách khu vực.

Nước Mỹ dĩ nhiên biết những lợi thế của đối thủ nhưng họ cũng đang thúc đẩy kế hoạch "ngoại giao vaccine" của mình. Dây chuyền sản xuất loại vaccine AstraZeneca đã được bàn giao cho Thái Lan, những hợp đồng với Việt Nam cũng đã được tính toán. Nhưng, cũng như mọi lần, sự hiện diện của nước Mỹ vẫn thông qua các công ty, các tổ chức tư nhân nhiều hơn là chính phủ. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã không tham gia họp hội nghị trực tuyến với các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hôm 25-5 vừa qua vì ông bận trên đường đến Trung Đông. Trong khi đó, trong tháng 6-2021 này, các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á sẽ bay đến Trùng Khánh để dự hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc với Ngoại trưởng Vương Nghị.

Như vậy, chặng khởi đầu cho mối quan hệ Mỹ-ASEAN trong giai đoạn mới dường như đang hụt khỏi gia tốc mong đợi, trong khi đối thủ của Mỹ có vẻ đã “vào guồng”.
Tử Uyên

Nguồn tin: cand.com.vn