“Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn và "Diễm nay" trên màn ảnh

Ca khúc “Diễm xưa” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1960 ở Huế. Ca khúc “Diễm xưa” quen thuộc với công chúng, nên nhân vật Diễm cũng trở thành một huyền thoại trong mắt người hâm mộ. Mỗi khán giả có một cách mường tượng riêng về “Diễm xưa”, đôi khi khác hẳn bóng hồng có thật. Về những mỹ nhân từng khiến mình rung động để viết nhạc, Trịnh Công Sơn thổ lộ: “Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn”.

 

Ca khúc “Diễm xưa” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1960 ở Huế. Ca khúc “Diễm xưa” quen thuộc với công chúng, nên nhân vật Diễm cũng trở thành một huyền thoại trong mắt người hâm mộ. Mỗi khán giả có một cách mường tượng riêng về “Diễm xưa”, đôi khi khác hẳn bóng hồng có thật.

Về những mỹ nhân từng khiến mình rung động để viết nhạc, Trịnh Công Sơn thổ lộ: “Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn”.

 

 

Chân dung Trịnh Công Sơn qua nét vẽ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Dự án điện ảnh “Em và Trịnh” quyết định chọn diễn viên 22 tuổi Phạm Nguyễn Lan Thy vào vai Bích Diễm. Có một nhan sắc khá mong manh, Phạm Nguyễn Lan Thy từng là một người mẫu ảnh và có đóng vài quảng cáo, nhưng chưa hề đóng phim. Giao vai Bích Diễm cho Phạm Nguyễn Lan Thy, liệu có thể hiện được khí chất của “Diễm xưa” thuở nào không?

Đạo diễn Nhật Linh nhận xét: “Đối với công chúng, Diễm là một hình ảnh thơ mộng bí ẩn đến từ ca khúc “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính vì vậy, tôi tìm kiếm một nữ diễn viên có nét đẹp bí ẩn, khiến người ta phải bị chấn động bởi nhan sắc của cô. Lan Thy, một nữ diễn viên trẻ vừa có sự dịu dàng, vừa có một điều gì đó nổi loạn từ bên trong, đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi khi đến casting”.

 

 

Diễn viên Phan Nguyễn Lan Thy được chọn đóng vai Bích Diễm.

Còn diễn viên Phạm Nguyễn Lan Thy thì rất hồi hộp khi được nhận vai Bích Diễm trong dự án điện ảnh liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Thú thật là quá trình thử vai, tôi diễn khá là rụt rè và lúng túng, vì đây là lần đầu tiên tôi tham gia casting phim, mọi thứ đều mới mẻ. Việc được chọn cho vai Bích Diễm là một bất ngờ và niềm vui rất lớn đối với tôi.

“Em và Trịnh” là bộ phim đầu tiên mà tôi tham gia. Những ngày đầu khi biết về dự án phim này, ngoài cảm xúc về những câu chuyện tình, chuyện đời về người nhạc sĩ họ Trịnh, tôi cảm thấy đây là một dự án lớn được đầu tư rất tâm huyết và kỳ công.

Lúc đó tôi có suy nghĩ hẳn là những nhân tố trong ekip sản xuất và diễn viên là những người vô cũng ưu tú nên cũng khá e dè không biết có nên thử sức mình hay không vì nhận thấy bản thân còn thiếu kinh nghiệm quá. Hôm nay, khi có được may mắn là một phần của dự án này, đôi lúc mình vẫn còn cảm thấy hơi khó tin và cảm thấy mọi thứ như là mối duyên rất lớn”.

Nhân vật “Diễm xưa” từng khiến bao thế hệ yêu nhạc Trịnh Công Sơn phải xao xuyến “Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động, làm sao em nhớ những vết chim di. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, để người phiêu lãng quên mình lãng du”. Vậy “Diễm xưa” có đến từ một người tên Diễm không? Đúng là có một người đẹp tên Diễm thật, chính xác là Ngô Vũ Bích Diễm. Thuở ấy, Trịnh Công Sơn sống trên gác hai của ngôi nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ, mỗi ngày len lén ngắm nhìn Ngô Vũ Bích Diễm từ bên kia sông đi qua cầu Phú Cam để đến trường.

Khi ca khúc “Diễm xưa” xuất hiện, dĩ nhiên cũng gây tò mò về cái tên Diễm. Nhiều người đoán định, nhiều người hồ nghi, nhiều người háo hức. Riêng người phụ nữ Ngô Vũ Bích Diễm thì tỏ ra bình thường.

Sau nửa thế kỷ ca khúc “Diễm xưa” đến với đời sống âm nhạc, bà Ngô Vũ Bích Diễm mới chân thành chia sẻ: “Trong bài này, nếu mọi người để ý thì dường như anh Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của Huế nhiều hơn là về tôi. Tôi nghĩ vậy. Bóng dáng của Thành nội cổ xưa, của con sông Hương xanh mát và huyền hoặc, không khí lãng đãng của thơ, của nhạc…Và anh Trịnh Công Sơn đã truyền đạt mọi cái trong đó”.

Trong những ghi chép về sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hơn một lần đề cập đến ca khúc “Diễm xưa”. Với sự tế nhị và sự tự trọng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không nêu rõ người đẹp đã tạo cảm hứng cho mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hồi ức về “Diễm xưa” nhẹ nhàng: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận… Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy, hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi”.

Bà Ngô Vũ Bích Diễm có một cô em là Ngô Vũ Dao Ánh, cũng là một cảm hứng âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Từ nhớ nhung dành cho Ngô Vũ Dao Ánh, khi Trịnh Công Sơn rời Huế đi học ở Quy Nhơn và đi dạy ở Bảo Lộc thì ông đã viết những ca khúc như “Mưa hồng”, “Còn tuổi nào cho em”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Lời buồn thánh”… Dự án điện ảnh “Em và Trịnh” cũng đã chọn diễn viên Hoàng Hà vào vai Dao Ánh, nhưng một trong những hồn vía của bộ phim.

 

 

Diễn viên Hoàng Hà được chọn đóng vai Dao Ánh.

Lẽ ra, chuyện tình giữa Trịnh Công Sơn với cô gái Ngô Vũ Dao Ánh ít hơn 9 tuổi cứ lãng đãng khói sương như “Diễm xưa”, thì hay biết mấy. Đáng tiếc, khi Trịnh Công Sơn qua đời, người ta đã gom hết những lá thư trao gửi giữa Trịnh Công Sơn và Ngô Vũ Dao Ánh để in thành một tập “Thư tình gửi một người”.

Dù là thiên tài, thì những dòng ngọt lạt tán tỉnh cũng đầy sến súa. Trịnh Công Sơn cũng vậy. Trong lá thư ngày 22 /2/1965, Trịnh Công Sơn viết: “Sương mù trên những bụi hồng ở nhà bưu điện anh đi gửi thư cho Ánh mà nhớ hơn bao giờ, trên vẻ hoang vu này làm sao gửi hết sương này về cho Ánh. Anh đang viết ở bưu điện, quanh anh sương không còn nhìn thấy nhau. Buổi sáng hoa hồng nở rất tuyệt diệu. Anh không còn lời nào để nói bởi vì tất cả đã âm thầm biến mất khỏi anh. Anh chỉ còn một ngôn ngữ này để gửi về: Ánh có còn đó không. Nhớ nhung ngút ngàn. Dao Ánh. Bao nhiêu sương mù mang tên đó, trên vùng cao anh mãi ngước nhìn. Hãy kể cho anh nghe. Hãy nói chuyện với anh. Đã có gì qua ở đó. Anh nhớ mãi một loài thiên nga mang tên Dao Ánh và mang tên hoa mặt trời. Hoa hồng và sương mù xin chất đầy trên hai tay Ánh đây”.

Dẫu nhân vật “Diễm xưa” và nhân vật Dao Ánh có thật, thì đưa họ vào bộ phim “Em và Trịnh” cũng không dễ tạo ấn tượng cho đám đông. Bởi lẽ, chuyện tình của Trịnh Công Sơn luôn mơ màng như chính ông tự thú: “Hàng nghìn năm nay, con người đã sống và đã yêu- yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể.

Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì cười nói huyên thuyên. Đời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật trong tình yêu thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì, có người đã nói như vậy.

Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu, và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.

Tâm Huyền

Nguồn tin: cand.com.vn