Đinh Hằng: Cây bút mê xê dịch


- Điều gì giúp chị giữ được "lửa" đam mê xê dịch, khám phá, viết lách suốt hơn 10 năm qua?

Tác giả Đinh Hằng.

+ Xê dịch với tôi gần như là một dạng triết lý, xê dịch không chỉ trên những cung đường mà còn trong cuộc sống. Xê dịch là đam mê thấm vào trong máu, những vùng đất là nơi tôi chiêm nghiệm và khám phá không chỉ thế giới bên ngoài, mà còn là thế giới bên trong chính mình.

Điều ý nghĩa nhất tôi học được khi ở trên những cung đường, là hạnh phúc không bao giờ là điểm đến, mà chính trên từng chặng đường đi. Nên tôi luôn giữ cho mình "tiến về phía trước" không chỉ khi du lịch, mà còn trên đường đời.

Ghi lại những trải nghiệm, chiêm nghiệm của chính mình cũng là một cách để tôi nhìn lại quá trình trưởng thành, con đường mình đi. Nhưng quan trọng hơn cả, nó cho tôi cơ hội được chia sẻ niềm đam mê đi, truyền cảm hứng sống, và tìm được sự đồng cảm trong tư duy với những người khác.

- Mới ra mắt nhưng "Người tình Havana" đã lọt top sách bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử. Từ đâu mà chị có ý tưởng viết cuốn sách này?

+ "Người tình Havana" được chấp bút từ những ghi chép vụn vặt của tôi từ năm 2013. Đó là năm mà tôi thực hiện chuyến đi kéo dài một năm trời xuyên Hàn Quốc, Mỹ, Mexico và Cuba. Một phần của chuyến đi đã được viết thành sách "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ".

Gọi "Người tình Havana" là phần tiếp theo của "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ" cũng vừa đúng vừa không đúng. Đúng là vì cuốn sách là sự tiếp nối những gì đã xảy ra trong "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ". Không đúng là vì trải qua rất nhiều năm cho đến khi bản thảo "Người tình Havana" hoàn chỉnh, cô gái dữ dội và mạnh mẽ của "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ" ngày ấy đã trở thành người phụ nữ nồng nàn và mẫn tuệ trong "Người tình Havana". Chỉ có duy nhất một thứ không hề thay đổi, đó là sự quyết liệt trong việc lựa chọn cuộc sống của chính mình.

- Vậy tại sao lại là Havana, Cuba chứ không phải là một nơi khác như Hàn Quốc, Mexico - những đất nước chị cũng đã đến?

+ Trong hơn 10 năm ngao du, ngang dọc thế giới, tôi đã phải lòng nhiều cung đường, nơi chốn, vùng đất. Có những nơi khiến tôi phải trở đi trở lại trên dưới chục lần nhưng vẫn không ngừng mê say. Havana là một nơi như thế. Qua bao nhiêu năm, Havana vẫn là thành phố mà tôi đã in hằn trong tâm trí. Nó vừa mê hoặc, quyến rũ, vừa suy tàn, đổ nát.

Tôi đã yêu thành phố này bằng cả tâm hồn mình, và thành phố này đã luôn bao dung tôi - một con bé hai mươi sáu tuổi lang bạt bất cần bảy năm trước - trở thành người phụ nữ ba mươi ba tuổi, đã bình thản hơn trước những đến và đi của cuộc đời.

Có một thứ mà tôi không bao giờ thay đổi trong những lần đến Havana, như thể thời gian vốn chẳng có nghĩa lý gì. Đó là những xúc cảm trào dâng đến đỉnh điểm như một cơn sóng thần, bên trong những cái chạm mắt rất khẽ lên kỷ niệm ở từng góc phố. Đó là những lần nước mắt tự nhiên rơi vì xúc động dưới trời Caribe nắng cháy, khi tôi nhận ra mình yêu thành phố này quay quắt.

Đó là những khi tôi nhắm mắt lại trên con đường vắng lặng đang đổ xuống những vệt đèn vàng, nghe lòng mình trải ra trên những con phố hẹp, tâm hồn mình quyện vào những cây cột cũ kỹ của tòa chung cư trăm tuổi, và trái tim mình chầm chậm tan vào bầu không khí nóng bức của một đêm mùa hè, giữa thành phố nghèo nàn rực rỡ và không bao giờ thôi đẹp đẽ trong tâm khảm tôi.

Tác phẩm "Chuyện tình Havana".
- Với chị, đâu là thử thách lớn nhất khi viết "Người tình Havana"? Tại sao chị phải mất đến 7 năm mới hoàn thành bản thảo cuốn sách?

+ Tôi đã trở đi trở lại Cuba 3 lần trong 7 năm mới có thể hoàn thành cuốn sách này. Thậm chí đã có nhiều lúc, tôi đã nghĩ mình không thể hoàn thành được bản thảo, vì đây quả thực là một cuốn sách khó viết. Tôi đã có rất nhiều ngày đi lang thang khắp các ngõ ngách của Havana để cảm nhận và ghi chép.

Có nhiều buổi chiều, tôi đến đúng một nơi, ngồi đúng một chỗ là pháo đài Morro-Cabana giữa biển, nhìn về phía Havana bên kia bờ vịnh, chỉ để quan sát sự chuyển động màu sắc đầy rực rỡ của thành phố trong giấc hoàng hôn. Hoặc việc miêu tả những đường nét yêu kiều, duyên dáng đầy cầu kỳ của các công trình kiến trúc cổ ở Havana cũng đòi hỏi nhiều ngày quan sát, ghi chép và miêu tả tỉ mỉ.

Điểm yếu của tôi là viết về kiến trúc. Nhưng Havana làm say lòng người chính bởi kho báu kiến trúc cổ tuyệt mĩ. Vì vậy, tôi đã cố gắng hết sức để vượt qua điểm yếu này, và hoàn thành việc "vẽ" bằng ngôn từ những bức phác thảo về thành phố rực rỡ mà điêu tàn, lộng lẫy mà nghèo nàn bằng một tình yêu đắm say dành cho nó. Mất thời gian hơn nữa là bởi tôi cố gắng tìm tòi thật nhiều tư liệu lịch sử, văn hóa của thành phố này để đưa vào sách.

- Thông điệp mà chị muốn gửi gắm qua cuốn sách mới nhất này là gì?

+ Đó là hành trình tìm lại, nhìn nhận lại giá trị của bản thân, của sự sống giữa lòng Cuba ngồn ngộn đầy màu sắc, mùi vị và âm thanh, vừa nguy nga vừa nghèo, vừa đơn sơ vừa lãng mạn. Tôi muốn nói về dũng cảm để sống cuộc đời mà mình không bao giờ phải hối tiếc về sau. "Người tình Havana" là câu chuyện của những phụ nữ trên dưới ngưỡng 30, độc thân hay đã có gia đình, luôn luôn muốn được tự do lựa chọn hạnh phúc, tình yêu, và cuộc sống của chính mình.

Có những người đi tìm tình yêu cả cuộc đời mình, không nhận ra có những tình yêu lớn hơn cả tình yêu. Thứ tình yêu quan trọng nhất và cũng khó học nhất trên cõi đời này không phải là tình yêu dành cho người bạn đời, mà là tình yêu cuộc sống và tình yêu dành cho chính bản thân mình. Đọc cuốn sách này, độc giả biết được một số điều ít ai nói tới về Cuba, có được bức tranh gần với thực tế hơn về nó và bạn vẫn muốn đến đó, vẫn sẵn sàng phải lòng Cuba, vẫn mơ đến một ngày mình lưu luyến Cuba.

- Vài năm trước, khi là một tác giả trẻ mới nổi, sách đang bán chạy như tôm tươi thì chị đột ngột ngưng viết sách. Người ta cứ tưởng cái tên Đinh Hằng đã mất hút trên văn đàn. Lần trở lại này, chị có lo lắng rằng người đọc đã lãng quên mình không?

+ Sau du ký "Quá trẻ để chết: hành trình nước Mỹ" năm 2015 và "Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á" năm 2016, tôi cũng nhận được đề nghị của nhiều nhà xuất bản về việc ra những cuốn du ký. Sau 10 năm đi lang thang, "gia tài" các bài viết thuộc thể loại du ký của tôi vào khoảng 250 bài. Nếu muốn ra một cuốn sách để độc giả "không lãng quên mình" thì tôi nghĩ điều đó không khó.

Tuy nhiên, để ra một cuốn sách mà không chỉ bản thân tôi là tác giả tự hào, mà còn khiến độc giả say mê thì cần nhiều hơn thế. Tôi không ngại dành nhiều năm hoàn chỉnh bản thảo, để người đọc chờ đợi lâu một chút, để ra đời những cuốn sách đáp ứng được cả hai tiêu chí trên.

Phần nữa, phong cách làm việc của tôi khá ngẫu hứng, ít bị gò bó bởi các kế hoạch. Nên các tác phẩm của tôi đều ra đời cũng ngẫu hứng như cách tôi viết vậy. Tôi không nghĩ là độc giả đã lãng quên mình. Bằng chứng là chính họ, qua nhiều năm, liên tục thăm hỏi và động viên tôi hoàn thành bản thảo dang dở của mình. Sách chưa "ra lò" nhưng đã có rất nhiều đơn đặt hàng. Tôi tin mình không phụ lòng mong mỏi của bạn đọc.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

Nguồn tin: cand.com.vn