Đọc chậm


Đọc nhanh để lấy thông tin, nắm bắt nội dung trong một khoảng thời gian ngắn nhất để hiểu và thực hiện. Điều ấy cần thiết trong một xã hội hiện đại bởi ai cũng thiếu thời gian cả. Đọc nhanh là cần thiết là hữu ích cho một cuộc sống công nghiệp và khẩn trương. Tất nhiên với những thông tin thời sự hay do tính cấp thiết thì đọc nhanh mang lợi ích thiết thực nhưng đọc chậm, đọc sâu cũng mang lại những ưu điểm không ngờ.

Một cuốn tiểu thuyết phức tạp, một văn bản khoa học chi tiết và công phu nếu đọc nhanh quá, khó lòng cảm nhận cái hay, cái đẹp hoặc hiểu hết ý nghĩa của tác phẩm. Với những văn bản như thế cần đọc chậm, đọc kĩ cũng như cần một khí quyển thoải mái để tiếp nhận một cách tốt nhất.

Một người bạn viết văn của tôi nói rằng mỗi lần đọc “Người xa lạ” của Albert Camus, chị đều khám phá ra một điều mới mẻ. Cuốn tiểu thuyết của Albert Camus rất mỏng, có thể đọc nó rất nhanh nhưng người bạn của tôi, mỗi khi đọc chậm lại bóc tách được một lớp nghĩa. Nếu đọc nhanh quá có thể ta không thể tường minh hết ý nghĩa của văn bản. Hoặc khi đọc các tác phẩm của F.Kafka cũng vậy, sự dục tốc trong việc đọc thường dẫn đến những thất bại. Một ví dụ nữa như đã đề cập ở trên, với những cuốn tiểu thuyết phức tạp, ví dụ như “Âm thanh và cuồng nộ” của W. Faulkner, “Bẫy - 22” của Joseph Heller, người đọc phải chú ý cao độ và tập trung, chỉ cần một chút lơ đãng hoặc tốc độ nhanh quá, anh ta sẽ như người đi trên sa mạc mênh mông.

Bìa các tác phẩm: “Bẫy”, “Truyện Kiều”, “Trăm năm cô đơn”.

Đó là kiểu đọc chậm cho những tác phẩm phức tạp. Còn có một kiểu đọc chậm nữa, không nhất thiết là khi vấp phải một văn bản khó, mà người đọc đơn giản muốn thưởng thức và nhẩn nha tác phẩm. Anh ta có thì giờ và muốn khoái cảm được dài lâu, đọc nhanh quá, tác phẩm chóng hết mà những món ngon đôi khi lại không có nhiều.

Ví dụ tôi đang đọc lại tiểu thuyết “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu với tốc độ rất chậm vì muốn nhấm nháp sự buồn bã, cô đơn của nó và cuốn sách lại rất mỏng. Nếu đọc nhanh, tôi khó lòng tìm được một món tương tự nữa. Vả lại, đọc vội vã, hấp tấp trong khi dư dả thời gian thì lãng phí và không khoa học. Giống như chúng ta luôn ăn những món fast food (đồ ăn nhanh) trong khi có nhiều thời gian thì vừa không có lợi cho sức khoẻ, vừa kém về khẩu vị. Có những lúc ta cần chậm, kể cả trong việc đọc, để thưởng thức và tận hưởng nghệ thuật và tri thức.

Đọc chậm còn để suy ngẫm và tư duy. Nếu đọc quá nhanh, chỉ lướt qua, tốc độ của mắt nhanh hơn tốc độ cảm nhận và tư duy thì những gì tác giả viết ra chưa chắc người đọc đã kịp lĩnh hội hoặc lĩnh hội mơ hồ. Quá vội vã hoặc cẩu thả sẽ cho ra những thứ hời hợt, chỉ đủ để biết, còn chiều sâu thì hạn chế. Người ta đã chứng minh được rằng sự đọc bình tĩnh một văn bản sẽ có lợi về mặt tư duy, làm cho bộ não hoạt động tích cực hơn nếu so sánh với việc xem hình ảnh lướt qua. Bởi lướt qua, hoặc chỉ có hình ảnh, hoạt động ấy dọn sẵn ra một món fast food cho não bộ và nếu quá trình này lặp lại thường xuyên và quá lâu, bộ não sẽ trở nên lười biếng và thụ động, nó luôn chờ những đồ ăn sẵn và không muốn vất vả tư duy hoặc động não.

Đã có ai đó từng nói rằng một người đọc 200 cuốn sách không đáng nể bằng người đọc một cuốn sách 20 lần. Tất nhiên ở mỗi phương diện đọc có những ưu nhược điểm riêng nhưng sự đào sâu, suy ngẫm về một văn bản sẽ có những giá trị hữu ích mà nếu như hấp tấp sẽ không thấy hoặc khó phát hiện ra. Ngay một cuốn tiểu thuyết tôi nghĩ không mấy khó như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh thì một người bạn của tôi cũng đọc nó nhiều lần và lần nào cũng chậm rãi bởi tác giả viết không theo thời gian tuyến tính, có những cú đứt quãng rất sâu và ở mỗi tâm thế khác nhau của mỗi lần đọc, người ấy lại phát hiện ra những mới mẻ của riêng mình.

Tất nhiên có sự phân biệt rõ ràng về đặc tính của sự đọc nhanh và đọc chậm. Mỗi phương thức đọc có mục đích khác nhau hoặc từng giai đoạn đối với mỗi người, tốc độ đọc cũng khác nhau. Lúc trẻ, thiếu thời gian, người ta thường đọc vội vã, lấy thông tin và bắt kịp với khối lượng khổng lồ của tri thức cần phải nạp vào. Còn khi trưởng thành, bình tĩnh và cẩn trọng hơn, đủ độ chín và có một nền tảng nhất định, người ta có thể đọc nhẩn nha, chậm rãi để hiểu vấn đề sâu và kĩ hơn. Thậm chí, việc đọc nhanh hay chậm cũng khác nhau ở từng chương, từng đoạn trong một cuốn sách, có những chỗ có thể lướt bay, chỗ khác thì cần bình tĩnh kĩ càng. Hoặc với thể loại tiểu thuyết hành động thì đọc nhanh mới thú, còn tiểu thuyết dòng ý thức thì ưa đọc chậm…

Tôi muốn lấy ví dụ ở việc đọc biên tập hoặc đọc thẩm định, nơi việc đọc đã trở thành nghề để so sánh và tồn tại những cách xử lí khác nhau. Một đồng nghiệp trẻ của tôi thường đọc văn bản khá nhanh nhưng anh thường phải đọc lại đôi ba lần để tránh những sai sót. Một người khác, rất cá biệt, là người nhiều tuổi hơn, anh chỉ đọc một lần duy nhất nhưng đọc rất chậm rãi và kĩ càng. Văn bản anh đọc anh biên tập, thẩm định rất ít khi sai sót. Đó có thể là do năng lực đọc của mỗi cá nhân khác nhau và cũng có thể việc đọc nhanh hoặc chậm sẽ ảnh hưởng đến quá trình đánh giá và nhìn nhận tác phẩm.

Tất nhiên không phải văn bản nào ta cũng phải đọc chậm. Có những thứ xứng đáng để đọc chậm hoặc đầu tư thời gian khi thấy rằng sự vội vã có thể gây ra những hiểu lầm hoặc sai sót. Sự đọc nhanh có lợi về thời gian và năng suất nhưng mang nhiều rủi ro và sai lầm. Điều này ta thấy rõ trong thời đại của mạng xã hội và những thông tin trên các phương tiện điện tử. Độc giả bây giờ đọc nhanh quá, chưa kịp suy nghĩ và tư duy đã vội vã đưa ra những đánh giá, phán bừa hết sức sai lầm và gây ra hậu quả.

Đôi khi người ta mới đọc tiêu đề hoặc chỉ đọc được một phần ba văn bản đã vội vã kết luận đúng sai về nó hoặc đưa ra những phán quyết. Có những văn bản, đặc biệt với những tác phẩm nghệ thuật, nhiều khi đến tận những chữ cuối cùng và cần thêm tư duy nữa mới có thể hiểu chính xác và trọn vẹn về nó. Ví dụ nếu đọc chậm hai câu Kiều sau đây sẽ thấy sự tinh tế bậc thầy của Nguyễn Du thế nào:

“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi hãy thưa…”

Đã có người bình luận về sự tinh tế của Nguyễn Du trong cách dùng từ. “Cậy” chứ không phải “nhờ” vì “cậy” có sự tin tưởng, gần gũi hơn nhiều. Và “chịu” rõ ràng nặng hơn “nhận” vì đó là sự gửi gắm, là tình nghĩa chị em máu mủ. Nếu đọc nhanh quá, lướt đi, khó thấy được sự dùng chữ vô cùng tinh tế của Nguyễn Du.

Một số tác phẩm, ví dụ như “Trăm năm cô đơn” của Marquez, tác giả còn cố tình đưa ra những vòng bẫy để làm rối trí độc giả bởi rất nhiều tên nhân vật giống nhau. Người đọc thậm chí cần có một sơ đồ phả hệ để xác định được những thông tin chính xác. Hoặc trong các cuốn sách in trước đây, ở phần cuối sách thường có phần tóm tắt tác phẩm hoặc đưa ra bảng hệ thống các nhân vật để người đọc có thể nắm bắt hoặc hiểu tác phẩm một cách trọn vẹn hơn. Đấy là một trong những cách thức khuyến khích sự đọc chậm và kĩ lưỡng. Thời bây giờ dường như những chỉ dẫn cho những bạn đọc càng ít đi, độc giả nhiều khi phải mò mẫm trong một biển thông tin và những bối cảnh rất dễ gây nhầm lẫn hoặc bị đánh lừa, sự đọc chậm vì thế đôi khi đòi hỏi cấp thiết hơn.

Thế nhưng trong một thời đại thứ gì người ta cũng muốn nhanh thì sự đọc chậm, cũng như sống chậm và ăn chậm liệu thực sự có ý nghĩa? Xin thưa rằng, với một quãng thời gian dài lao đi nhanh quá, con người đang nhận ra rằng sự bình tĩnh có những giá trị không thể phủ nhận và dục tốc mọi thứ, kể cả trong việc đọc đôi khi là những bất lợi. Cuộc sống có lúc chậm lúc nhanh, đời người có lúc lên, lúc xuống, sự đọc cũng thế, khi nhanh, khi chậm là cần thiết và cần được nhìn nhận khách quan và thực tế.

Uông Triều

Nguồn tin: cand.com.vn