“Dự án Venona” - Thành công lớn nhất của phản gián Mỹ

Thành công ngoài mong đợi

“Dự án Venona” được khởi động vào ngày 1-2-1943 theo lệnh của Carter Clark, phó Cục trưởng Cục Tình báo Quân sự Mỹ. Không tin tưởng vào phái đoàn Liên Xô tại Mỹ, tướng Clark sợ bóng sợ gió rằng Liên Xô đã có những cuộc tiếp xúc bí mật với chính quyền Hitler của Đức để tiến tới một nền hòa bình riêng biệt, điều này sẽ cho phép người Đức tung toàn bộ lực lượng của họ vào cuộc chiến chống lại các đồng minh Anh-Mỹ.

Cơ quan tình báo điện tử của quân đội Mỹ đã được chỉ thị phải nỗ lực giải mã các báo cáo được mã hóa đã được các điệp viên NKVD và GRU của Liên Xô gửi từ Mỹ về Moscow. Để thực hiện nhiệm vụ, một nhóm nhân viên giải mã đặc biệt được thành lập, đứng đầu là nhà ngôn ngữ học tài năng Meredith Gardner. Nhóm của Gardner chủ yếu là những phụ nữ trẻ được tập hợp tại trường nữ sinh Arlington Hall cũ ở Virginia để bắt tay vào công việc.

Các nhà phân tích mật mã Mỹ đã gặp khó khăn hơn nhiều so với các đồng nghiệp người Anh lừng danh của họ tại Bletchley Park đã từng làm công việc giải mật mã quân sự của Đức. Bằng những cách bí mật, người Anh được tiếp cận một bản sao từ máy mã hóa “Enigma” của Đức, còn Gardner và các nhân viên của mình không có gì ngoài một số lượng lớn các báo cáo đã mã hóa của tình báo Mỹ.

Hệ thống mật mã của Liên Xô được xây dựng dựa trên việc số hóa các tín hiệu tương tự (của từ và chữ cái), sau đó thông điệp được mã hóa bằng cách sử dụng các chìa khóa bổ sung từ những bảng mật mã chỉ được dùng một lần. Nếu được sử dụng đúng cách, một hệ thống như vậy về mặt lý thuyết là không thể giải mã được. Trong suốt ba năm, nhóm của Gardner đã phải đánh vật để tìm ra giải pháp hiệu quả cho một vấn đề nan giải. Cho đến năm 1946, một bước đột phá mới xảy ra khi trung úy Richard Hollock, người làm các báo cáo thương mại nhận thấy rằng một số trang của những bản ghi chép đã được tái sử dụng.

Việc sử dụng sổ mật mã dùng một lần là một quá trình cực kỳ chậm và tốn nhiều công sức, và cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô vào tháng 6 năm 1941 đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ về lưu lượng trao đổi vô tuyến điện. Có thể vì lý do này mà các nhân viên mật mã Liên Xô đã phạm phải sai lầm sơ đẳng - để cho nhanh, họ bắt đầu sao chép lại các trang của bản ghi chép dùng một lần. Lợi dụng điều này, các nhà phân tích mật mã của Mỹ đã có thể tái tạo được một số lượng lớn các bảng khóa của mật mã.

Kim Phibly, điệp viên ngoại quốc nổi tiếng của Liên Xô.

Vào mùa hè năm 1946, nhóm của Gardner đã tìm cách giải mã được một cụm từ trong bản báo cáo của một nhân viên NKVD ở New York gửi đến Moscow vào ngày 10-8-1944. Sau đó họ đọc được toàn bộ công văn, đó là một bản báo cáo về cuộc bầu cử tổng thống năm 1944. Và đến ngày 20-12-1946, một công văn đã được gửi đến bàn của tướng Clark có chứa danh sách của các nhà khoa học đã tham gia vào Dự án Manhattan về chế tạo vũ khí nguyên tử. Rất chậm rãi và có phương pháp, các nhân viên của Arlington Hall trong khi rà soát công việc của mình đã thu được kết quả. Bằng các phương pháp khác (đặc biệt là phân tích lưu lượng trao đổi vô tuyến) và với thông tin từ những người đào tẩu, họ đã lần lượt giải mã được hết các bản báo cáo của Liên Xô.

Theo những báo cáo chưa được xác nhận, những tài liệu đã thu thập được bằng các phương pháp bí mật (ví dụ, một cuốn sách mật mã của Liên Xô bị cháy dở nằm trong tay tình báo Phần Lan, sau đó được bán lại cho Mỹ) và việc phân tích dữ liệu thu được từ các máy mật mã khi nghe lén tại các đại sứ quán Liên Xô. Những điều này đã trợ giúp đắc lực cho Gardner và cấp dưới của ông ta. Ngoài ra, trong các giai đoạn đầu của dự án, tình báo Hải quân Mỹ đã đóng góp rất nhiều vào công việc của Arlington Hall khi họ đã phá được các mật mã quân sự của Nhật và nhờ đó có thể tiếp cận thành quả lao động của các nhà phân tích mã của Nhật Bản và Phần Lan.

Vào tháng 5 năm 1947, nhóm Gardner đã giải mã được một báo cáo, trong đó nhận thấy rõ có một điệp viên NKVD là phi công quân sự của SV Air Corps (ngành hàng không quân sự khi đó chưa phải là lực lượng vũ trang đặc biệt), thiếu tá William Ludwig Ulman đã được cài vào Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ. Từng chút một, bản sơ lược về mạng lưới gián điệp rộng lớn do tình báo Liên Xô tạo ra ở Mỹ đã xuất hiện trước mắt Tướng Clark.

Dự án Venona đã tồn tại gần 40 năm và được giữ bí mật một cách cẩn trọng nhất. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng Omar Bradley lo ngại rằng thông tin về dự án tuyệt mật sẽ bị rò rỉ từ chính quyền, đã ra lệnh giữ bí mật ngay cả với tổng thống Roosevelt và sau đó là Truman.

Trong số hàng trăm nghìn báo cáo tình báo của Liên Xô bị chặn, các nhà phân tích mật mã từ Arlington Hall đã đọc được khoảng 2.900 bản, phần lớn trong số đó là từ năm 1942-1945. Vào cuối thời kỳ này, phần lớn các trang đã sao lại của bản ghi chép mật mã đã được sử dụng hết. Những bản cuối cùng trong số đó được đưa vào hoạt động vào năm 1948. Sau đó các mật mã của Liên Xô lại trở nên hoàn toàn bất khả xâm phạm. Moscow bắt đầu biết được sự tồn tại của dự án giải mã các báo cáo của các nhà tình báo Liên Xô vài năm sau những thành công đầu tiên của nhóm Gardner. Năm 1949, điệp viên nổi tiếng của Liên Xô Kim Phibly đã biết được về “Dự án Venona” và ngay lập tức đã chuyển thông tin mà ông nhận được cho Liên Xô.

Vì cho đến thời điểm đó, tất cả các bản báo cáo từ những trang sử dụng một lần trong sổ ghi chép mật mã đã được sử dụng hết nên tình báo Liên Xô dường như không thấy cần thiết phải thay đổi hệ thống mật mã của họ. Tuy nhiên, báo cáo của Philby giúp họ cảnh báo các điệp viên ngoại quốc của mình đang có nguy cơ bị “Venona” phát hiện. Mặc dù cho đến lúc đó vẫn chưa rõ là liệu những người đó có biết được ở Liên Xô có biết bao nhiêu bản báo cáo và những báo cáo nào đã được nhóm của Gardner giải mã thành công.

Các nhân viên giải mật mã tại Arlington Hall.

Các cuộc giải mã do các nhân viên của Arlington Hall thực hiện giúp khám phá ra sự tồn tại của một mạng lưới gián điệp Liên Xô tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos và xác định được danh tính một loạt điệp viên người Mỹ, Canada, Úc và Anh thuộc cơ quan tình báo Liên Xô. Ngoài ra còn phát hiện ra một nhóm lớn gồm các điệp viên có trọng trách của các cơ quan quan trọng nhất của chính quyền Mỹ - Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (tiền thân của CIA) và thậm chí là Nhà Trắng.

Văn phòng Dịch vụ Chiến lược Mỹ có lúc tràn ngập các điệp viên Liên Xô. Tại đó, ở mỗi thời kỳ khác nhau đã có 15-20 nhân viên của Moscow làm việc. Trong mỗi cơ quan quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến việc tiến hành chiến tranh (Hội đồng thiết bị quân sự, Hội đồng Chiến tranh Kinh tế, Văn phòng Điều phối các vấn đề Liên vùng Mỹ, Văn phòng Thông tin chiến tranh vv…) có rất nhiều điệp viên như thế. Các chuyên gia tin rằng các nhân viên tình báo nói trên đã xâm nhập vào tất cả các cơ quan quân sự và ngoại giao quan trọng nhất của Mỹ.

Thượng nghị sĩ khét tiếng McCarthy, người đã giáng đòn chí mạng vào sức mạnh của các điệp viên Liên Xô trong các cơ quan chính phủ Mỹ, đã trình lên tổng thống Truman một danh sách gồm 57 cái tên chưa từng được công khai. Trong các công văn của Liên Xô đã được giải mã trong khuôn khổ của “Dự án Venona”, các bí danh mật đã được đặt cho tổng số 349 người Mỹ làm việc cho Liên Xô. Lực lượng phản gián đã xác định được danh tính của gần một nửa trong số họ, tuy nhiên trong số những người bị lộ chỉ có một số ít phải trả giá cho tội trạng của họ vì thiếu bằng chứng.

Arlington Hall, năm 1942.

Dự án Venona đem lại điều gì?

“Dự án Venona” được trình bày chi tiết trong tác phẩm đồ sộ “VENONA: giải mã điệp vụ Liên Xô ở Mỹ” được viết bởi hai học giả hàng đầu về chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ - John Earl Haynes, thành viên Thư viện Quốc hội, học giả lịch sử chính trị cuối thế kỷ 20 và Giáo sư Lịch sử khoa học chính trị của Đại học Emory Harvey Claire. Trong cuốn sách của mình, họ đã sử dụng một số lớn tài liệu từ các kho lưu trữ của Comintern, cũng như của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Mỹ.

Các tác giả coi “Dự án Venona” là thành tựu cao nhất của hoạt động phản gián Mỹ. Dựa vào việc giải mã được thực hiện tại Arlington Hall, CIA và FBI đã có thể xác nhận độ tin cậy về lời khai của một số người đào tẩu Liên Xô và những người cộng sản Mỹ, đặc biệt là Whittaker Chambers và Elizabeth Bentley, cũng như xác định danh tính của hầu hết các điệp viên Liên Xô bị bắt từ năm 1945-1955. Và họ đưa ra bằng chứng không thể chối cãi về tội danh của những điệp viên nguyên tử - Klaus Fuchs, Alan Nunn May, Theodore Hall và vợ chồng Rosenbergs, cũng như một thành viên của “Cambridge Five” là Donald McLain.

Các tác giả của cuốn sách cũng cho rằng những người Mỹ được đề nghị phục vụ cho tình báo Liên Xô do Moscow hoàn toàn kiểm soát và thực sự là một chi nhánh ở nước ngoài của NKVD. Đại đa số họ đều là những người theo chủ nghĩa lý tưởng vị tha, tin tưởng một cách cuồng nhiệt vào những ý tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lenin. Họ căm ghét và coi thường xã hội tư bản Mỹ “phi pháp về mặt đạo đức” và họ phục vụ “quê hương của giai cấp vô sản thế giới” không phải vì sợ hãi mà vì lương tâm (mặc dù không có người vô sản nào trong số họ).

Bích Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn