Giàu chữ nhiều từ


Theo từ điển mở Wikipedia thì có khoảng một nghìn từ tiếng Anh được gọi cơ bản để cho người ta có thể sử dụng trong các hoạt động thông thường. Nói một cách đơn giản, với một nghìn từ vựng cốt lõi, người ta có thể hiểu được tiếng Anh cơ bản hoặc có thể diễn đạt cho người khác hiểu suy nghĩ của mình.

Điều khá ngạc nhiên là tôi chưa thấy ai thống kê tiếng Việt với bao nhiêu từ cơ bản thì có thể giao tiếp thông thường được và một câu hỏi đáng quan tâm nữa là với vốn liếng bao nhiêu từ thì người ta có thể viết được văn?

Với vốn từ bao nhiêu thì người ta có thể viết được văn? Tôi tin rằng câu hỏi này nhiều người không chú ý. Hiếm người để ý đến trữ lượng từ vựng của mình sử dụng trong viết văn nhưng dễ thấy những người có vốn từ ngữ phong phú và biết sử dụng linh hoạt thường là những nhà văn lớn.

Nhà văn Tô Hoài.

Tô Hoài là người rất ý thức về việc làm giàu vốn chữ nghĩa của mình. Trong cuốn sổ tay của ông, một phần lớn ông dùng để ghi những từ mới, ví dụ đến nơi nào đó ông thấy người ta nói “đất ác”, “cái cuốc ngáp”... là ông ghi ngay vào. Mỗi khi đọc sách, phát hiện ra những từ mới và thú vị ông đều sao chép cẩn thận và theo ông, nếu một nhà văn trong vài năm mà không phát triển thêm được vốn từ vựng thì anh ta khó tiến bộ được.

Một điều hiển nhiên nhưng không phải ai cũng biết là thành thạo nhiều từ thì viết gì cũng dễ vì từ nằm sẵn ở trong túi rồi, cần là dùng được ngay. Trong cuộc sống và văn chương, ta hay bắt gặp trường hợp này, một người giàu chữ nghĩa sẽ diễn đạt được ngay điều mình muốn nói mà không phải mất nhiều công sức.

Còn ngược lại, lúc viết lúc nói phải suy nghĩ tìm từ, phải mò mẫm trong một đại dương chữ nghĩa thì không thể làm nhanh được. Cũng theo Tô Hoài thì người giàu chữ viết sẽ năng suất hơn người ít chữ. Tất nhiên rồi, một anh đi buôn nhiều vốn và am hiểu thị trường sẽ dễ thành công hơn một người chỉ có vài đồng cò con và sự tường tận lại hạn chế.

Nhà văn Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân là một người điển hình giàu từ và công phu luyện chữ. Đọc tác phẩm của ông thấy vốn từ cổ, từ Hán Việt, từ láy, tính từ, động từ, danh từ rất phong phú đa dạng.

Không những có kho từ vựng lớn, những từ được ông sử dụng cũng được cân nhắc kĩ càng, cảm giác mỗi chữ là một viên sỏi được pha màu mà nhà văn đã cân nhắc rất kĩ để đặt nó vào bảng phối màu sao cho hiệu quả cao nhất, chính xác và tác động được đến người đọc.

Trong các nhà văn hiện đại, tôi vẫn coi Nguyễn Tuân là bậc phù thủy của chữ nghĩa và qua sự chọn lựa, sử dụng của ông, tiếng Việt giàu có thêm hoặc ít nhất lưu giữ được những từ ngữ bị mai một dần.

Đọc “Truyện Kiều” ai cũng phải công nhận rằng Nguyễn Du là người có vốn từ cực giàu và sắc, kho chữ của ông rất lớn. Chỉ cần đọc hai câu thơ trong “Truyện Kiều” sau đây:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng...”

Đã thấy sự sáng tạo và sử dụng từ vựng ở tầm tuyệt kĩ của ông. Từ nào cũng đắt giá, rất gợi, sáng và đẹp, những từ ông dùng đã thành mẫu mực, thành ví dụ kinh điển mà đời sau phải học tập. Tất nhiên nếu những người đi sau sử dụng nguyên xi những từ của người đi trước thì anh ta chỉ là người sao chép hoặc thụ hưởng thuần túy. “Long lanh” đã thành khuôn vàng, nhưng chỗ nào cũng dùng “long lanh” thì trở nên sáo mòn và mất hết tinh tuyết vốn có.

Nghèo từ thì cũng khổ y như người đi buôn thiếu vốn. Một học trò của tôi đã từng viết một câu rằng: “Con đường cao lênh khênh so với mặt ruộng”. Làm sao con đường lại có thể “cao lênh khênh” so với mặt ruộng được! “Lênh khênh” là cao vượt hẳn lên rất nhiều với đối tượng được so sánh. Người học trò dùng từ ấy là do anh ta bí từ hoặc lười suy nghĩ.

Một học trò khác thì viết: “Mặt trăng sáng chói lóa”. Mặt trời thì có thể “chói lóa” chứ mặt trăng sao lại chói lóa. Sự nghèo nàn về từ dẫn đến sự viết ngô nghê, thiếu chính xác. Hậu quả dễ thấy nhất của sự thiếu hụt từ là văn bản sẽ có nhiều từ lặp, một đoạn văn có nhiều từ trùng dẫn đến sự nhàm chán và tẻ nhạt, tất nhiên trừ những trường hợp lặp cố ý. Mà đã không có đủ từ để sử dụng thì sao có thể viết nhanh và đa dạng được. Người viết nghèo từ thì anh ta đã bị gò bó bởi chính cái khuôn chật hẹp của mình.

Đến đây tôi lại bật cười về vị tổng thống một nước nọ. Một nhà ngôn ngữ nhàn rỗi đã thống kê những dòng trạng thái của tổng thống và thấy rằng ông ta luôn sử dụng và lặp lại một số từ quen thuộc và hiếm khi dùng những từ dài. Và những từ dài vị tổng thống sử dụng lại hay bị sai chính tả nên rốt cuộc ông ta chỉ dùng vài ba từ dài mà theo nhà ngôn ngữ kia là ông cảm thấy tự tin nhất!

Gần đây, có một nhà tiểu thuyết với những cuốn tiểu thuyết vạm vỡ, có tiếng vang lớn. Thật sự tôi ngưỡng mộ sức lao động và tư tưởng của ông, nhưng về mặt từ ngữ thì tôi chưa phục ông lắm.

Lí do là trong các cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về thời quá khứ cách đây hàng trăm năm nhưng ông hay sử dụng những từ ngữ của thời bây giờ. Chắc chắn một người sống cách chúng ta hàng trăm năm sẽ nói khác chúng ta ở thời điểm hiện tại.

Khoảng cách về ngôn ngữ luôn là thách thức đối với những người viết tiểu thuyết lịch sử vì đặc tính của chúng là sự biến động, đào thải, đồng thời được làm phong phú thêm bằng các lớp từ, lớp nghĩa mới. Có những từ thông dụng trong quá khứ nhưng bây giờ không dùng nữa và những từ của hiện tại chắc chắn chưa hề tồn tại trong lịch sử.

Tất nhiên nếu giàu có mà khoe khoang về chữ thì cũng không phải là hay. Nhiều người thích dùng những từ nghe thật kêu, thật choang, đọc lên thấy xủng xoảng nhưng kì thực không để ấn tượng gì. Gần đây có thứ mốt thích dùng những kết hợp từ thật lạ hoặc những khái niệm rất đơn giản thì lại ưa dùng những từ thật khó, thật kêu. Một số người tỏ ra “nguy hiểm” khi cố ý dùng những từ chuyên môn phóng lên để quá mức để thể hiện sự “uyên áo” của mình!

Giàu có từ vựng là điều tốt, nhưng quan trọng hơn phải dùng chính xác và hiệu quả. Một kĩ thuật quan trọng trong viết lách là ém từ. Không phải anh có những từ nào hay, độc là phun ra bằng hết. Phải đợi những hoàn cảnh, những tình huống thích hợp mới sử dụng đúng từ ấy. Thói lãng phí khoe khoang tác hại cũng giống y như sự nghèo nàn, mỏng mảnh.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Trong một bài viết về Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng Khoa đã cho rằng trong các thi phẩm của mình, Nguyễn Đình Thi đã dùng một vốn từ không nhiều so với các nhà thơ cùng thế hệ. Nếu chỉ đọc thơ của Nguyễn Đình Thi thì thấy vốn từ của ông khá hạn chế, nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn thành công bởi những tứ của mình. Nghĩa là thơ Nguyễn Đình Thi mạnh về ý chứ không mạnh về từ. Từ ngữ trong thơ Nguyễn Đình Thi đơn giản, thậm chí lặp nhưng tứ thơ đã gánh lấy sức nặng chủ yếu.

Tất nhiên, nếu đọc những tác phẩm có sự phong phú về chữ nghĩa và chuẩn xác thì vẫn thích hơn. Một lần tôi đã nói rằng, sở dĩ văn chương vẫn cần cho cuộc sống và xã hội vì nó là nơi lưu giữ chữ nghĩa, là môi trường tạo ra các từ mới. Các nhà văn giàu chữ có công bảo tồn tiếng nói của dân tộc và đồng thời sự sáng tạo của họ làm cho kho tàng ngôn ngữ phong phú thêm.

Đọc một tác phẩm văn học, không những cảm nhận được cái hay về nội dung và nghệ thuật, người đọc còn biết/học thêm được những từ ngữ mới bổ sung vào kho từ vựng của mình. Đương nhiên người nào có ưu thế về ngôn ngữ, họ sẽ có những lợi thế đáng kể trong giao tiếp với cộng đồng, trong cuộc sống, công việc cũng như cơ hội thành công sẽ cao hơn.

Một nhà văn phải trang bị cho mình rất nhiều thứ, trong đó có một thứ tối quan trọng là ngôn ngữ. Sự giàu có và chuẩn xác về ngôn ngữ là một vũ khí rất cần thiết trong hành trình sáng tạo. Những bậc thầy về ngôn ngữ như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tuân, Tô Hoài luôn là những ví dụ tiêu biểu cho sự giàu có và sáng tạo trong tiếng Việt.

Uông Triều

Nguồn tin: cand.com.vn