Hạ cánh nơi đâu?


Các nền tảng OTT xem nội dung trực tuyến kiểu như Netflix luôn hoạt động trên hình thức cung cấp các nội dung VOD (video on demand), tạm gọi là xem theo nhu cầu. Điều đó có nghĩa là các nội dung được trình bày như một thực đơn có sẵn trên nền tảng và người xem chỉ việc chọn xem cái mình mong muốn. Các nền tảng OTT kiểu này hiếm hoi trình chiếu theo kiểu truyền hình truyền thống, tức là cho nội dung tập mới lên sóng theo khung giờ nhất định. Thay vào đó, nếu ra mắt một serie phim, trọn bộ các tập phim sẽ được đăng tải cùng lúc để người xem không phải mỏi mòn chờ đợi.

"Hạ cánh nơi anh" đã đi ngược lại thói quen ấy của nền tảng OTT, tạo hiệu ứng rất mạnh. Kể từ đó, lượng người xem Netflix ở Việt Nam đã tăng đáng kể. Trong khoảng thời gian cách ly toàn xã hội, Netflix thực sự đang là một trong những loại hình thống trị thị trường giải trí tại nhà của người dùng Việt Nam.

Dễ hiểu, sự nhàn rỗi mùa đại dịch dễ kéo con người ta lại gần các loại hình giải trí này. Song, sự thịnh hành đó đặt ra một câu hỏi cho những nền tảng cung cấp nội dung Việt: "Họ đang hạ cánh nơi đâu?".

Có khoảng hơn chục nền tảng OTT của Việt Nam đang chiến đấu trên thị trường khốc liệt này, đa phần đều là những đơn vị sản xuất, phân phối nội dung truyền thống và trong quá trình chuyển đổi số, họ xây dựng nền tảng OTT để tối ưu hoá doanh số. Có thêm nền tảng OTT, nội dung sẽ thêm kênh khai thác ngoài các kênh truyền thống.

Nhưng thực tế, lợi nhuận là điều vẫn còn xa vời với các nền tảng OTT Việt. Đầu tư cho một nền tảng OTT chạy được là rất tốn kém, với chi phí lên tới cả chục triệu USD. Đáp ứng được bài toán đầu tư đã khó, giải được thử thách cạnh tranh còn khó hơn. Nói thẳng, các nền tảng OTT Việt không đủ sức cạnh tranh với Netflix. Cơ bản, Netflix dồi dào nội dung hơn, chất lượng kỹ thuật tốt hơn và… chưa đóng thuế ở thị trường Việt Nam.

Trong khi đó ở Việt Nam, tản mát đầu tư nền tảng OTT riêng theo kiểu mỗi người mỗi khoảnh chỉ làm sức cạnh tranh của mình yếu hơn. Một chủ đầu tư một nền tảng OTT lớn tiết lộ: "Thực sự, chỉ cần ba đơn vị hàng đầu về truyền thông và sản xuất nội dung ở Việt Nam chung tay lại cùng xây dựng một nền tảng OTT duy nhất thì sẽ có khả năng chiếm lĩnh được thị phần đa số và cạnh tranh sòng phẳng với các nền tảng mạnh của nước ngoài".

Nhưng rất tiếc, mỗi ông chủ chỉ chăm chăm giữ lấy phần của mình và luôn nghĩ tới việc tiêu diệt chính đối thủ cạnh tranh trong nước là chính. Còn với những nền tảng ngoại lai, họ chấp nhận an phận theo kiểu "chẳng thắng nổi họ đâu".

Tương lai, Netflix rồi cũng sẽ phải đáp ứng các đòi hỏi của Việt Nam, đặc biệt là về thuế và kiểm duyệt. Khi ấy, họ vẫn sẽ thắng thế vì họ quá mạnh. Các đối thủ Việt thì vẫn chỉ là những que đũa dễ bẻ trong khi lẽ ra là một bó đũa sẽ mạnh hơn nhiều.

Các "ông lớn" nội địa nên suy nghĩ và cân nhắc để cùng hạ cánh ở một điểm chung. Làm được điều đó, họ không những cứu chính mình mà còn giúp tạo ra một mặt trận hữu hiệu bảo vệ nét văn hoá Việt trước sức ép xâm lược từ nước ngoài.

Văn Đoàn

Nguồn tin: cand.com.vn