Hai thái độ chào đón ông Biden ở Trung Đông

Trong năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, dư luận chung cho rằng việc Saudi Arabia ký kết hiệp ước hòa bình với Israel chỉ còn là vấn đề thời gian. Các điều khoản của thỏa thuận đó đã được thảo luận và thống nhất từ trước giữa Jared Kushner, con rể và cũng là đặc phái viên của ông Trump với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Thái tử Mohammed bin Salman có quan điểm rất khác những lãnh đạo khác của Saudi Arabia về cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel.

Quan điểm của Kushner và ông Mohammed bin Salman tập trung vào Iran, cho rằng chính Iran là trung tâm gây bất ổn khu vực chứ không phải xung đột Israel-Palestine. Và họ nhất trí rằng Israel có thể “giúp đỡ” chứ không cản trở việc đạt tiến bộ trong đàm phán. Thái tử Mohammed bin Salman không theo quan điểm của cha và các chú của mình rằng việc quay trở lại đường ranh giới năm 1967 là điểm khởi đầu cho hòa bình. Ông ủng hộ quan điểm của Kushner quy kết cho các nhà lãnh đạo Palestine đã làm cho các cuộc đàm phán bị đình trệ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tỏ ý lạc quan khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ.

Mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel ấm lên nhanh chóng, đặc biệt là từ tháng 5-2017, khi Saudi Arabia chào đón ông Trump như một “người hùng” sau khi ông bác bỏ và quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và định hướng lại trọng tâm của Washington sang Riyadh. Giữa Saudi Arabia và Israel đã không còn cần đến các kênh liên lạc bí mật, cũng chẳng cần đến người trung gian hòa giải, vì các quan chức Saudi Arabia đã thường xuyên lui tới Tel Aviv và ngược lại.

Từ chỗ chối bỏ, hai nước đã chuyển sang công khai thừa nhận các chuyến đi như thế. Sau đó là các hiệp ước hòa bình Israel ký với các đồng minh của Saudi Arabia, như UAE và Bahrain. Ngày 22-11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bí mật bay sang Neom, Saudi Arabia để gặp Thái tử Mohammed bin Salman. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng vừa đến đó trong chuyến công du “cuối cùng” đến Trung Đông.

Gặp Thủ tướng Israel bên bờ Biển Đỏ, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đang cố gắng tối đa để hoàn tất một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà ông được giao. Đó là việc đảm bảo một hiệp ước hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia, điều mà ông cũng như Tổng thống Trump đã ra sức thúc đẩy. Một thỏa thuận như thế nếu được ký kết thật sự sẽ tạo nên cơn địa chấn ở Trung Đông.

Cái gọi là “Kế hoạch hòa bình” của ông Trump đề xuất huy động nguồn lực đầu tư quốc tế lên tới 50 tỷ USD để thành lập nhà nước Palestine ở một phần của Bờ Tây nhưng đồng thời cũng không yêu cầu Israel xóa sổ bất kỳ khu định cư nào ở đó. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, vì nó chẳng khác nào sự hợp thức hóa các vùng đất mà Israel chiếm đóng của người Palestine.

Người Palestine có vẻ vui mừng chào đón ông Biden giữa lúc sự nghiệp đấu tranh của họ có nguy cơ thất bại do chính sách chèn ép của chính quyền ông Trump và Israel. Hy vọng đã được thắp lên về việc khởi động lại các cuộc đàm phán một khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng. Họ mong rằng Thái tử Mohammed bin Salman không đặt bút ký hiệp ước hòa bình với Israel trước ngày 20-1-2021, ngày ông Biden nhậm chức tổng thống.

Thái tử Mohammed bin Salman biết rằng một sự nhượng bộ như vậy sẽ có ý nghĩa như thế nào, cho cả Saudi Arabia và cho ông Trump. Ông đã quyết định cho phép Bahrain, một đồng minh cấp dưới của Riyadh, ký hiệp ước với Israel và bản thân mình cũng đã có ý định sẽ làm tương tự nếu ông Trump giành chiến thắng. Trong trường hợp này, Thái tử Mohammed bin Salman sẽ được lợi rất đáng kể; trước hết đó là việc tiếp cận với công nghệ quốc phòng có thể đưa Saudi Arabia lên ngang tầm chiến lược với Israel; thứ đến là vấn đề đầu tư và vị thế với Washington.

Nhưng, thực tế diễn biến theo chiều ngược lại. Một động thái như thế cần phải được cân nhắc kỹ vào lúc này.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 25-11 đã tỏ thái độ lạc quan với tương lai ông Biden làm Tổng thống Mỹ. Ông Rouhani cho biết có thể giải quyết các vấn đề của Iran với Mỹ miễn là ông Biden vẫn tuân thủ các cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Những nhận xét lạc quan của ông Rouhani tại cuộc họp nội các hàng tuần trái ngược với bài phát biểu một ngày trước đó của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, trong đó đưa ra những khó khăn để bình thường hóa quan hệ và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông Rouhani cho biết việc giải quyết vấn đề “dễ dàng” với điều kiện Chính phủ Mỹ tôn trọng lẫn nhau, tránh xa cách tiếp cận của ông Trump và bồi thường cho các thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra cho Iran. Sự trái ngược trong quan điểm và phát ngôn giữa Tổng thống Rouhani và lãnh tụ tối cao Ali Khamenei cho thấy người Iran vừa hăm hở nhưng cũng vừa thận trọng khi tiếp cận với chính quyền mới của ông Biden.

Tiến độ bước đầu trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran có thể sẽ giúp ích cho các ứng cử viên theo quan điểm cải cách nếu các tiến bộ đó mang lại kết quả thực tế ở Iran vào thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống bắt đầu. Tổng thống Rouhani cho rằng nếu chính quyền mới ở Mỹ quyết tâm giảm căng thẳng và tôn trọng các chủ trương của Iran và quốc tế thì “việc giải quyết vấn đề rất dễ dàng và Iran và Mỹ có thể quyết định quay trở lại các điều kiện như trước khi ông Trump lên làm tổng thống. “Các nút thắt có thể được tháo gỡ bằng quyết tâm” - ông Rouhani quả quyết.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn