Hậu quả từ những "cái đầu nóng"...


Hai vụ trọng án gây xôn xao dư luận

Do bênh vợ mà Nguyễn Thanh Thảo (sinh năm 1992, ngụ xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) vừa gây án mạng. Chỉ khi vướng vòng lao lý, Thảo mới tỏ ra ân hận vì tội ác của mình. Tại cơ quan Công an, Thảo thừa nhận mình quá nông nổi, quen thói côn đồ nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thảo khai, ngày 1-1, anh Trịnh Minh V. (sinh năm 1993, ngụ xã Cư Kty, huyện Krong Bông, tỉnh Đắk Lắk) đến tiệm làm tóc của vợ Thảo là chị Nguyễn Thị Trang để tìm gặp bạn gái cũ.

Khi đó, anh V. có xảy ra cự cãi với chị Trang. Tức giận vì bị xen vào chuyện tình cảm, anh V. chỉ buột miệng dọa sẽ phá tiệm của Trang. Do vậy, Trang gọi điện thoại cho chồng và kể lại chuyện mình bị anh V. dọa. Nổi thói côn đồ, Thảo rủ Trần Mai Vũ (sinh năm 2000, ngụ xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) tìm anh V. để đánh. Khi thấy anh V, Thảo và Vũ dùng tay, nón bảo hiểm đánh nạn nhân rồi bỏ trốn.

Đối tượng Nguyễn Thanh Hùng cùng tang vật.

Tưởng mọi việc sẽ yên ổn nào ngờ, Thảo tiếp tục gọi điện thoại cho Nguyễn Thanh Điền và một số đồng bọn khác đánh anh V. Thấy anh V. thì cả nhóm của Thảo và Điền đuổi đánh nạn nhân tới khu dân cư Vị Hảo, thuộc phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên. Tại đây, các đối tượng dùng tay, chân, gậy gỗ đánh anh V. Chưa hả cơn giận, Điền còn dùng dao đâm nhiều nhát vào người anh V. khiến nạn nhân tử vong. Ngày 2-1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Thảo, Điền và 8 đối tượng khác để điều tra làm rõ về hành vi giết người.

Đáng buồn, không chỉ mâu thuẫn vặt trong sinh hoạt, mà "nói đểu", "nhìn đểu"… ở quán nhậu cũng có thể dẫn đến giết người. Vụ đối tượng Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1986, ngụ ấp Bến Liễu, xã Phú An, thị xã Bến Cát) đâm 3 người thiệt mạng, 4 người trọng thương là một điển hình. Mới đây, vào khoảng 13h chiều 31-12, tại một quán nhậu mang tên Lẩu bò 868 thuộc ấp Lồ Ô, xã An Tây, thị xã Bến Cát đã xảy ra vụ hỗn chiến giữa 2 nhóm thanh niên. Vụ án xảy ra trong thời gian ngắn nên người dân xung quanh không kịp can ngăn. Sau ẩu đả, Thái Trọng H. (sinh năm 2000, ngụ ở Kiên Giang), Trần Minh Q. (sinh năm 1994, ngụ ở Cà Mau) và Trần Văn L. (sinh năm 1996, ngụ ở An Giang) tử vong. Bốn người khác bị thương gồm: Nguyễn Nhân H., Nguyễn Tấn L. (còn gọi là Xum, 21 tuổi, ngụ ở xã An Tây), Võ Văn P. (20 tuổi) và Trần Huấn L. đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Các nhân chứng cho biết, họ nghe tiếng cãi nhau, sau đó không lâu một số người chạy tán loạn quanh quán nhậu. Chị N.T kể thêm: "Nghe tiếng chửi tục nhau nên tôi chạy ra xem. Lúc đó, tôi thấy một thanh niên tay cầm mã tấu, trên người chảy máu. Sợ quá nên tôi và nhiều khách lại chạy vào trong nhà. Các thanh niên này xăm trổ đầy mình và gây án hung hãn". Một nhân chứng khác là anh Đ.P, nói: "Thấy không còn ai lên tiếng, tôi chạy lại quán nhậu xem. Tại đây, tôi hoảng hốt phát hiện 3 người nằm gục trên vũng máu. Tôi hô hoán thêm người dân khác nhanh chóng chở họ đến bệnh viện cấp cứu nhưng cả ba đều tử vong ngay sau đó. Vụ việc xảy ra rất nhanh. Thấy xô xát, nhiều người không dám lại gần vì sợ chúng tưởng là đồng bọn và bị chém nhầm. Sau đó, chúng tôi gọi điện cho cơ quan chức năng…".

Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng Công an thị xã Bến Cát và Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Qua đó, lực lượng chức năng thu giữ 1 con dao, kiếm Nhật, gậy 3 khúc..; đồng thời tạm giữ 3 xe mô tô của các đối tượng bỏ lại hiện trường. Qua truy xét, Công an đã bắt giữ được Hùng, tạm giữ để điều tra hành vi "Giết người". Qua điều tra, Hùng bước đầu khai nhận: Vào chiều ngày 31-12-2020, Hùng được bạn mời đến quán lẩu bò để nhậu. Do mâu thuẫn "nói đểu" trước đó, Hùng bất ngờ bị nhóm đối phương xông vào đánh nên rút dao đâm loạn xạ.

Các đồng phạm của Nguyễn Thanh Hùng.

Đẩy mạnh phòng ngừa xã hội

Qua thống kê cho thấy từ năm 2014 - 2020, Bình Dương xảy ra 6.307 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 292 vụ giết người (chiếm 4,63% tổng số vụ phạm pháp hình sự); số vụ giết người do nguyên nhân xã hội là 270 vụ, 352 đối tượng, chiếm 92,47% tổng số vụ giết người.

Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương mở nhiều đợt ra quân, tuyên truyền sâu rộng đến người dân, công nhân, lao động, học sinh… đang sinh sống ở các dãy phòng trọ trên địa bàn nhằm phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội nói riêng. Tổ chức nhiều hình thức phong phú tại các dãy nhà trọ, khu dân cư như phát tờ rơi, làm băng rôn, chiếu phim tư liệu, diễn tình huống ứng xử thực tế trong sinh hoạt.

Xây dựng các mô hình như, "tổ hòa giải", "tổ an ninh nhân dân", "tổ phòng chống tội phạm"… tại địa bàn các cơ sở, góp phần tích cực phòng chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội. Đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để kiềm chế cái "đầu nóng" trong việc giải quyết các mâu thuẫn vặt trong sinh hoạt, tình ái, "nhìn đểu", "nói đểu", rượu bia…

Nói về thực trạng này, Thượng tá, Tiến sỹ Bùi Thành Trung, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, phân tích: Qua nghiên cứu cho thấy, Bình Dương là địa phương có quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, địa chỉ hấp dẫn thu hút vốn, nguồn lao động từ nơi khác đến đầu tư, làm ăn, sinh sống. Từ đó phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự như: Các loại hình dịch vụ (nhà trọ, quán xá, cầm đồ…) nở rộ.

Cùng với sự dịch chuyển dân cư, nguồn lao động và đa dạng hóa thành phần kinh tế thì phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc, an sinh xã hội chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của đại bộ phận nhân dân; phong tục, văn hóa, thói quen, nếp sống trong nhân dân cũng khá đa dạng… là những yếu tố ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Trong đó, có những vấn đề phức tạp về tình hình tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội vẫn chiếm tỷ lệ cao…

Đối tượng Nguyễn Thanh Thảo và đồng phạm bị bắt giữ.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đánh giá, do giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Phước, các đối tượng, băng nhóm phạm tội thường xuyên lợi dụng để ẩn náu, tập hợp và hoạt động phạm tội đã tác động trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống phạm tội của cơ quan Công an. Qua phân tích các vụ án cho thấy nguyên nhân xảy ra các vụ giết người thường mang tính bộc phát cá nhân, mâu thuẫn về lời nói, văn hóa vùng miền, hành động khiêu khích nhau trong sinh hoạt hàng ngày hoặc do ghen tuông tình ái nên đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Một số trường hợp mâu thuẫn do tranh chấp tài sản hoặc va quẹt khi tham gia giao thông. Nhiều đối tượng có tính côn đồ, hung hãn, khi xảy ra mâu thuẫn đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí gây thương tích cho người khác. Một số vụ việc tuy không mang tính chất băng nhóm nhưng khi bị khiêu khích, kích động thì gọi điện cho người thân, bạn bè đồng hương cùng đến để giải quyết vấn đề, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Đại tá Trần Văn Chính, một số vụ án giết người với tính chất dã man, vượt khỏi những chuẩn mực đạo đức của con người, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Điển hình, vụ vợ sát hại chồng rồi phân xác phi tang xảy ra tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An (nay là TP Thuận An) do Hàng Thị Hồng Diễm thực hiện. Hay vụ giết người "đổ bê tông" xảy ra tại xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng do Phạm Thị Thiên Hà thực hiện.

Từ những tư tưởng đi ngược với triết lý của giáo phái bị xem là "quỷ nhập", nên Hà đã cùng đồng bọn sát hại hai anh T.T.H. và T.Đ.L. Có thể nhận thấy những vụ giết người thể hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, "chai sạn" cảm xúc của đối tượng. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội một cách bản năng, không suy nghĩ hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính đối tượng…

Bởi vậy, bên cạnh xây dựng các mô hình và các biện pháp tuyên truyền, Công an tỉnh Bình Dương còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, đặc biệt chú ý đến cách xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn nếu phát sinh tại các khu dân cư, dãy phòng trọ.

Phân công trách nhiệm cụ thể trong công tác rà soát nắm và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (nhất là các mâu thuẫn về kinh tế, đất đai, tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình…) để phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chú trọng đến công tác "nắm người, nắm diện" tại địa bàn cơ sở; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Phối hợp với các ngành tham mưu triển khai đề án xã hội hóa lắp đặt camera an ninh trên địa bàn; thực hiện tốt các quy định về phòng chống tác hại của rượu bia; quản lý các loại hình kinh doanh sau 24 giờ. Tập trung rà soát các loại đối tượng và phân công trách nhiệm cụ thể các lực lượng trong công tác quản lý; phối hợp với các ngành quản lý người tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội, quản lý phòng ngừa đối tượng "ngáo đá" gây án.

An Bình

Nguồn tin: cand.com.vn