Hé lộ chương trình trí tuệ nhân tạo của Lầu Năm Góc


Từ niềm tin vào sự vượt trội của trí tuệ nhân tạo…

Từ nhiều năm nay, Lầu Năm Góc vẫn liên tục nói rằng lượng dữ liệu tình báo ngày càng gia tăng của họ đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các thuật toán khoa học.

Thêm vào đó, một thí nghiệm gần đây từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc (gọi tắt là DIA) chỉ ra rằng: trong trường hợp dữ liệu khan hiếm, trí tuệ nhân tạo thực tế cẩn trọng hơn các nhà phân tích thông tin khi đưa ra kết luận.

Giai đoạn đầu tiên của cuộc thí nghiệm rất đơn giản: dùng các dữ liệu cho sẵn để suy luận một con tàu có nằm trong vùng biển Hoa Kỳ hay không. Bằng các phương pháp luận khác nhau, tất cả đều thống nhất rằng con tàu được chỉ định đang nằm trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Đến đây thì mọi chuyện vẫn ổn.

Giai đoạn hai, các nhà thí nghiệm thử cắt đứt kết nối với công cụ theo dõi tàu thuyền toàn cầu AIS. Về lý thuyết thì các nhà phân tích sẽ bớt tự tin hơn về kết luận của mình khi được cho ít dữ liệu hơn. Thế nhưng các nhà nghiên cứu lại tìm ra kết quả ngược lại. Con người, cụ thể là các chuyên gia trong lĩnh vực của họ, có xu hướng tự đánh giá quá cao khả năng suy luận kết quả chính xác của bản thân ngay cả khi được cung cấp lượng dữ liệu giới hạn.

Một máy bay giám sát không người lái được phóng đi từ căn cứ quân sự ở Kunduz, Afghanistan.

Dù kết quả mới là sơ bộ nhưng nó đã cho ta một cái nhìn sơ lược về việc con người và trí tuệ nhân tạo sẽ bổ trợ cho nhau như thế nào trong công tác tình báo - một trong những lĩnh vực an ninh quốc phòng chủ chốt. Những nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đang hy vọng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp họ đưa ra các quyết định nhanh và tốt hơn, từ việc suy luận vị thế kẻ địch cho đến dự đoán các vụ khủng bố tiềm ẩn.

Không chỉ DIA, Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ đặc trách Chiến dịch Đặc nhiệm (gọi tắt là SOCOM) cũng đang theo đuổi một số dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo và lập trình máy tính. Mục đích của họ là tạo ra các công cụ tìm hiểu thông tin, thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm bằng robot, và phát hiện các hình thức gây nhiễu sóng mới.

Khi tướng Richard D. Clarke dẫn đầu lực lượng chiến dịch đặc nhiệm ở Afghanistan nhiều năm trước, ông dùng 90% thời gian để nghĩ về việc di chuyển và nổ súng - "nào là đột kích, nhiệm vụ bắt-giết, sự tiêu hao của lực lượng địch..." Clarke nói trong cuộc họp báo thường niên của Lực lượng Chiến dịch Đặc nhiệm. Nhưng khi ông trở lại Afghanistan vào năm ngoái với vai trò là Tổng Tư lệnh của SOCOM, ông nhận ra rằng các chỉ huy của Mỹ ngày nay sử dụng 60% thời gian của họ để nghiền ngẫm xem Taliban và người dân Afghanistan đang nghĩ gì, và các hành động của Mỹ có thể ảnh hưởng ra sao tới họ.

Ông cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò lớn đối với chiến tranh thông tin trong tương lai của SOCOM. Vậy nên mùa hè tới, đơn vị này sẽ dựng lên một văn phòng mới để kiểm soát, hướng trí tuệ nhân tạo vào thông dịch ngôn ngữ, quét các máy tính xách tay và điện thoại di động được thu giữ, đối chiếu và ứng phó với hệ thống truyền tin của Taliban và hơn thế nữa.

SOCOM đang làm việc với Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Liên hợp (gọi tắt là JAIC) về các sáng kiến mới này, đa số các là để tích hợp vào các công cụ hay phần mềm khác mà họ đã mua từ trước.

JAIC thậm chí còn đang thiết kế một công cụ trí tuệ nhân tạo sử dụng đa luồng dữ liệu để dự đoán các điểm nóng COVID-19 và các vấn đề vận tải cung ứng liên quan cho quân đội, quân y nước này.

… Tới bản hợp đồng triệu đô

Ngày 18/5 vừa qua, JAIC thông báo đã đặt hàng Tập đoàn Booz Allen Hamilton với một kế hoạch 5 năm nằm trong khuôn khổ Chương trình Trí tuệ nhân tạo trung tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hợp đồng này nhằm phân phối các sản phẩm vận dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hoạt động chiến tranh và làm bàn đạp cho mục tiêu cài trí tuệ nhân tạo vào quá trình phân tích và ra các quyết định ở “mọi cấp” của Bộ Quốc phòng.

Booz Allen Hamilton sẽ tập trung vào nhận diện và tích hợp các công cụ phân tích tân tiến với những bộ dữ liệu đang có sẵn của Bộ Quốc phòng nhằm tạo ra một lợi thế thông tin mang tính quyết định để chuẩn bị cho các hoạt động chiến đấu trong tương lai. Việc này sẽ bao gồm: xếp tách dữ liệu, quản lý dữ liệu, đặt điều kiện dữ liệu, phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo, và chuyển tiếp sản phẩm trí tuệ nhân tạo vào các chương trình và hệ thống phòng thủ hiện có trong toàn bộ các cơ quan của Bộ Quốc phòng.

Những mối lo ngại

Dù công nghệ trí tuệ nhân tạo có tiềm năng to lớn với con người, nhiều ý kiến e ngại về độ chính xác và tính nhân đạo của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quân sự làm dấy lên câu hỏi: làm thế nào để kiểm soát rủi ro?

Đáp lại câu hỏi đó, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết họ đang trong giai đoạn cuối cùng để áp dụng bộ nguyên tắc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quân đội Mỹ. Bộ nguyên tắc này sẽ gần giống với bản dự thảo đã phát hành vào tháng 10 năm ngoái, nhấn mạnh sự kiểm soát của con người đối với việc phát triển, triển khai, sử dụng, và đầu ra của hệ thống trí tuệ nhân tạo quân sự.

Các nhà đạo đức học và học giả trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và vũ khí đã tán dương tin tức trên của Lầu Năm Góc, nhưng cũng nói thêm rằng vẫn còn một chặng đường dài, và rằng các rủi ro và mối lo ngại về ứng dụng quân sự của trí tuệ nhân tạo sẽ vẫn còn hiện hữu.

Phạm Anh (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn