Hồ sơ FinCen tiết lộ đường đi của dòng tiền bẩn


Hồ sơ FinCEN là gì?

Theo thông tin tiết lộ, ngân hàng lớn nhất của Anh này đã chuyển tiền thông qua hoạt động kinh doanh của mình tại Mỹ vào tài khoản HSBC ở Hong Kong vào năm 2013 và 2014. Vai trò của nó trong vụ lừa đảo trị giá 80 triệu USD (62 triệu bảng Anh) được nêu chi tiết trong vụ rò rỉ tài liệu "báo cáo hoạt động đáng ngờ" của các ngân hàng - được gọi là Hồ sơ FinCEN. HSBC cho biết, họ luôn đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý của mình về việc báo cáo hoạt động này.

Các hồ sơ cho thấy, vụ lừa đảo đầu tư, được gọi là mô hình Ponzi, bắt đầu ngay sau khi ngân hàng này bị phạt 1,9 tỉ USD (1,4 tỉ bảng Anh) ở Mỹ vì rửa tiền. Ngân hàng đã hứa sẽ hỗ trợ ngăn chặn những loại hình lừa đảo này. (Mô hình Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác - PV).

Ming Xu tuyên bố anh ta điều hành một ngân hàng toàn cầu. Ảnh: BBC

Các luật sư bảo vệ cho những nhà đầu tư lừa đảo nói rằng, ngân hàng nên hành động sớm hơn để đóng tài khoản của những kẻ lừa đảo này.

Các tài liệu bị rò rỉ bao gồm một loạt các tiết lộ khác, chẳng hạn gợi ý về việc một trong những ngân hàng lớn nhất ở Mỹ có thể đã giúp một tên cướp khét tiếng chuyển hơn 1 tỉ USD.

Hồ sơ FinCEN là nơi rò rỉ 2.657 tài liệu, với trung tâm là 2.100 báo cáo về hoạt động đáng ngờ hay SARs. SARs không phải là bằng chứng của hành vi sai trái, mà các ngân hàng gửi chúng cho chính quyền nếu họ nghi ngờ khách hàng có thể có hành vi không tốt. Nếu có bằng chứng về hoạt động tội phạm, ngân hàng nên ngừng chuyển tiền mặt.

Báo cáo SARs mà Ngân hàng HSBC đệ trình lần đầu. Đồ họa: BBC

Song vụ rò rỉ cho thấy cách thức rửa tiền thông qua một số ngân hàng lớn nhất thế giới và cách bọn tội phạm sử dụng các công ty ẩn danh của Anh để che giấu tiền của họ.

Các SARs đã bị rò rỉ lên trang tin tức nổi tiếng Buzzfeed và được chia sẻ với Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ). ICIJ chính là đơn vị dẫn đầu báo cáo về vụ rò rỉ Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise - những hồ sơ bí mật nêu chi tiết các hoạt động ra nước ngoài của những người giàu có và nổi tiếng.

Fergus Shiel từ tổ chức này cho biết, Hồ sơ FinCEN là một "cái nhìn sâu sắc về những gì các ngân hàng biết về dòng tiền bẩn khổng lồ trên toàn cầu... (Hệ thống) nhằm điều chỉnh các dòng tiền bẩn này đang bị phá vỡ".

Các SARs bị rò rỉ đã được đệ trình lên Mạng lưới thực thi luật pháp về tội phạm tài chính Hoa Kỳ (Financial Crimes Enforcement Network hay FinCEN) từ năm 2000 đến 2017, và bao gồm các giao dịch trị giá khoảng 2.000 tỉ USD. FinCEN cho hay, vụ rò rỉ có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ, các cuộc điều tra sẽ gây rủi ro và đe dọa sự an toàn của những người nộp báo cáo.

Tuần trước, FinCEN đã công bố các đề xuất nhằm xem xét lại các chương trình chống rửa tiền. Vương quốc Anh cũng công bố kế hoạch cải tổ sổ đăng ký thông tin công ty để ngăn chặn hành vi gian lận và rửa tiền.

Lừa đảo Ponzi là gì?

Vụ lừa đảo đầu tư mà HSBC được cảnh báo có tên WCM777. Trò này do một người quốc tịch Trung Quốc có tên Ming Xu khởi xướng. Sống ở Los Angeles, Xu hay "Tiến sĩ Phil" nói rằng, anh ta đang điều hành một ngân hàng đầu tư toàn cầu World Capital Market (WCM). Ngân hàng này sẽ trả lãi suất 100% trong vòng 100 ngày. Trên thực tế, anh ta đang chạy mô hình WCM777 Ponzi.

Thông qua các cuộc hội thảo được tổ chức khắp nơi, cả trên Facebook và YouTube, mô hình này đã huy động được 80 triệu USD từ việc bán các cơ hội đầu tư được cho là vào điện toán đám mây. Theo đó, hàng nghìn người từ các cộng đồng Châu Á và Latinh đã bị bắt. Đối tượng nạn nhân là các cộng đồng nghèo ở Mỹ, Colombia và Peru. Cũng có nạn nhân ở một số nước khác, bao gồm cả Vương quốc Anh.

Báo cáo SARs lần 2 và 3 của HSBC. Ảnh: BBC

Hậu quả của mô hình lừa đảo này không chỉ về mặt tài chính. Nó đã dẫn đến cái chết của nhà đầu tư Reynaldo Pacheco (ở California, Mỹ) vào tháng 4/2014. Cảnh sát nói rằng, anh ta đã bị ném đá đến chết.

Reynaldo đã đăng ký tham gia chương trình và dự kiến sẽ tuyển dụng các nhà đầu tư khác với lời hứa là mọi người sẽ giàu có. Một người phụ nữ 44 tuổi mà ông Pacheco giới thiệu đã mất khoảng 3.000 USD. Điều đó đã dẫn đến vụ án mạng. "Thực sự anh ta đang cố gắng... khiến cuộc sống của mọi người tốt hơn. Bản thân anh ta bị lừa đảo, và không may phải trả giá bằng mạng sống của mình" - trung sĩ Chris Pacheco, một trong những sĩ quan điều tra vụ giết người, cho biết. Reynaldo "đã bị sát hại vì là nạn nhân trong một kế hoạch Ponzi", theo trung sĩ cảnh sát.

Vào thời điểm đó, các cơ quan quản lý ở California đã thông báo với HSBC rằng, họ đang điều tra WCM777. Và họ cảnh báo cư dân của mình về vụ gian lận xảy ra từ tháng 9/2013. California, cùng với Colorado và Massachusetts, đã hành động chống lại WCM vì đã bán các khoản đầu tư chưa đăng ký.

HSBC đã phát hiện các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống của mình. Nhưng phải đến tháng 4/2014, sau khi cơ quan quản lý tài chính Hoa Kỳ, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán nộp các cáo buộc, các tài khoản WCM777 tại HSBC ở Hong Kong (Trung Quốc) mới bị đóng cửa. Đến lúc đó, gần như không còn gì trong tài khoản lừa đảo nữa, tất cả tiền đã được chuyển đi.

HSBC hành động thế nào?

HSBC đã đệ trình SARs đầu tiên về vụ lừa đảo vào ngày 29-10-2013 liên quan đến hơn 6 triệu USD được gửi đến tài khoản của những kẻ lừa đảo ở Hong Kong. Các quan chức ngân hàng cho hay, "không có mục đích kinh tế, kinh doanh hoặc mục đích hợp pháp rõ ràng" đối với các giao dịch và ghi nhận những cáo buộc về "các hoạt động của kế hoạch Ponzi".

Báo cáo SARs thứ hai vào tháng 2/2014 đã xác định được 15,4 triệu USD trong các giao dịch đáng ngờ và một "kế hoạch Ponzi tiềm năng".

Báo cáo thứ ba vào tháng 3 liên quan đến một công ty liên kết với WCM777, xác định gần 9,2 triệu USD và ghi nhận các động thái quy định của các bang Hoa Kỳ cùng một cuộc điều tra do Tổng thống Colombia ra lệnh.

Reynaldo Pacheco - nạn nhân của một vụ giết người được cho là liên quan đến vụ đầu tư vào kế hoạch Ponzi. Ảnh: BBC.

Kế hoạch WCM777 xuất hiện vài tháng sau khi HSBC tránh bị truy tố hình sự tại Mỹ về tội rửa tiền cho các trùm ma túy Mexico. HSBC lúc ấy đã cam kết sẽ cải thiện các thủ tục.

ICIJ phân tích, từ năm 2011 đến 2017, HSBC đã xác định được các giao dịch đáng ngờ chuyển qua các tài khoản ở Hong Kong là 900 triệu USD liên quan đến hoạt động tội phạm. Nhưng các báo cáo không đưa ra được các thông tin quan trọng về khách hàng, bao gồm cả chủ sở hữu tài khoản có lợi cuối cùng và nguồn tiền đến từ đâu. Các ngân hàng không được phép nói về chúng trong các báo cáo hoạt động đáng ngờ.

HSBC cho biết: "Từ năm 2012, HSBC đã bắt đầu một cuộc hành trình kéo dài nhiều năm để cải tiến khả năng chống tội phạm tài chính trên hơn 60 khu vực pháp lý... HSBC hiện nay là một tổ chức an toàn hơn nhiều so với năm 2012".

Ngân hàng này cho biết thêm, các nhà chức trách Mỹ đã xác định rằng, họ "đáp ứng tất cả nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận đã ký với các công tố viên Hoa Kỳ".

Xu cuối cùng đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào năm 2017 và ngồi tù 3 năm vì tội lừa đảo.

Nói với ICIJ từ Trung Quốc, Xu cho hay, HSBC chưa liên hệ với anh ta về công việc kinh doanh của anh ta. Xu phủ nhận WCM777 là một trò Ponzi và cho rằng nó đã bị Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) nhắm mục tiêu sai.

Liên quan đến mafia

Hồ sơ FinCEN cũng cho thấy, ngân hàng đa quốc gia JP Morgan có thể đã giúp một người được mệnh danh là trùm mafia Nga chuyển hơn 1 tỉ USD qua hệ thống tài chính như thế nào.

Semion Mogilevich đã bị cáo buộc các tội danh bao gồm kinh doanh súng, buôn bán ma túy và giết người. Hắn ta không được phép sử dụng hệ thống tài chính, nhưng một SARs do JP Morgan đệ trình vào năm 2015 sau khi tài khoản bị đóng cho thấy, văn phòng ngân hàng JP Morgan ở London có thể đã chuyển một số tiền mặt lớn như thế nào giúp hắn.

Tài liệu rò rỉ nêu chi tiết cách JP Morgan cung cấp dịch vụ ngân hàng cho một công ty nước ngoài bí mật có tên là ABSI Enterprises từ năm 2002 đến 2013, mặc dù quyền sở hữu của công ty này không rõ ràng trong hồ sơ của ngân hàng. Trong khoảng thời gian 5 năm, JP Morgan đã gửi và nhận chuyển khoản ngân hàng với tổng trị giá 1,02 tỉ USD, ngân hàng này cho hay.

SARs lưu ý rằng, công ty mẹ của ABSI "có thể liên quan đến Semion Mogilevich - một cá nhân nằm trong danh sách 10 người bị truy nã gắt gao nhất của FBI". Trong một tuyên bố, JP Morgan nói rằng: "Chúng tôi tuân theo tất cả luật và quy định để hỗ trợ công việc của chính phủ nhằm chống lại tội phạm tài chính. Chúng tôi cống hiến hàng nghìn người và hàng trăm triệu USD cho công việc quan trọng này".

Hồ sơ FinCen là một vụ rò rỉ những tài liệu bí mật tiết lộ cách các ngân hàng lớn đã cho phép bọn tội phạm chuyển tiền bẩn đi khắp thế giới. Chúng cũng cho thấy, Vương quốc Anh thường là mắt xích yếu trong hệ thống tài chính và London đang ngập tràn tiền mặt của Nga như thế nào.

Các tệp tin này được BuzzFeed News chia sẻ với ICIJ và 400 nhà báo trên khắp thế giới. Panorama là đơn vị đã dẫn đầu nghiên cứu cho BBC.

Một cuộc điều tra mới của ICIJ còn cho thấy, ngân hàng JPMorgan Chase Co., Deutsche Bank và một số ngân hàng toàn cầu khác "tiếp tục trục lợi từ những khách hàng nguy hiểm và quyền lực" trong 2 thập kỷ qua, ngay cả sau khi Mỹ đã áp dụng các hình phạt đối với những định chế tài chính này.

Các tài liệu này chỉ ra hơn 2.000 tỉ USD trong các giao dịch được thực hiện từ năm 1999 đến năm 2017 đã bị các nhân viên nội bộ của những định chế tài chính này "gắn mác" là có khả năng rửa tiền hoặc liên quan đến hoạt động tội phạm. Trong khi đó, phân tích cho thấy, 2 ngân hàng hàng đầu là Deutsche Bank đã ghi nhận tới 1,3 nghìn tỉ USD giao dịch đáng ngờ và JPMorgan là 514 tỉ USD.

Một làn sóng "án phạt" nặng đối với các ngân hàng lớn trong thập niên qua đã được thực hiện, trong bối cảnh chính phủ Mỹ nỗ lực ngăn chặn sự bùng nổ của số lượng giao dịch mờ ám. Tuy nhiên, không chắc chắn rằng động thái xem xét kỹ lưỡng có thể tạo ra sự khác biệt. Các ngân hàng lớn trên thế giới vẫn chuyển tiền cho những cá nhân, tổ chức mà họ thậm chí không xác định được danh tính. Ngoài ra, nhiều trường hợp vài năm sau mới được "gán mác" đáng ngờ.

Mô hình Ponzi là hình thức vay tiền của người này để trả nợ người khác. Trò Ponzi, tất nhiên không thể kéo dài vì người cho vay không nhiều và rồi thông tin về kẻ chơi trò Ponzi sẽ dần bị lộ. Kết cục của trò này là kẻ chủ mưu sẽ đào thoát, để lại nhiều người cho vay bị mất tiền.
Huyền Anh

Nguồn tin: cand.com.vn