Hoàn thiện pháp luật về an toàn giao thông là yêu cầu cấp bách từ cuộc sống


Điều này cũng đòi hỏi cần phải có khung pháp lý chặt chẽ hơn nhằm đẩy lùi tai nạn, hạn chế ùn tắc giao thông. Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông ra đời sẽ khắc phục những tồn tại liên quan đến TTATGT.

Khung pháp lý quan trọng trong đảm bảo ATGT

Phát biểu về sự cần thiết phải có Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhất trí với toàn bộ nội dung của dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vì cho rằng trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Trong khi đó chức năng quản lý của Bộ Công an là đảm bảo TTAT GT. Bộ Công an chịu trách nhiệm về vấn đề này

Theo ông Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác đảm bảo ATGT. “Thực tế trên thế giới nhiều nước cũng có Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn tình hình đảm bảo TTATGT thì cần có luật để quy định chặt chẽ hơn công tác này, hạn chế tai nạn”, ông Tiến nói.

Bà Trần Thị Hằng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Ninh cho rằng, mục đích ban hành luật đã rõ, đó là đảm bảo TTATGT, giảm tai nạn giao thông, quy định trách nhiệm cụ thể công tác bảo đảm ATGT. “Quá trình soạn thảo, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải thống nhất các nội dung, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến nhất trí. Chúng tôi thấy việc ban hành Luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATGT hiện nay”, bà Hằng nhấn mạnh.

CSGT áp dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát phương tiện.

Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch GPLX chặt chẽ

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thị Thanh Hải, việc ra đời của luật Bảo đảm TTATGT sẽ là khung pháp lý để giúp ngăn chặn triệt để những vấn đề vi phạm an toàn giao thông. Trong nội dung của luật sẽ đưa ra nguyên tắc, vấn đề mà người tham gia giao thông cũng như là người sử dụng phương tiện giao thông cần phải thực hiện.

Còn ông Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, người luôn trăn trở, tâm huyết với công tác bảo đảm ATGT thì cho rằng, chúng ta xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT là nhằm mục tiêu để đảm bảo an toàn, đảm bảo hạnh phúc cho người dân. Không có lý gì chúng ta lại không để xuất và làm sớm. Việc xây dựng pháp luật mục tiêu là điều chỉnh các quan hệ xã hội và cái quan hệ xã hội đến lúc cần thiết điều chỉnh ở mức độ cao hơn thì điều này làm cho xã hội của chúng ta tốt hơn...

Qua lấy ý kiến, thảo luận, Chính phủ đã thống nhất đề nghị giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX, công tác này được quy định trong Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Nói về điều này, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc đào tạo, sát hạch lái xe để hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, ý thức của người lái xe, nhằm xây dựng trạng thái giao thông đường bộ an toàn, là nội dung của bảo đảm TTATGT đường bộ, nên giao cho Bộ Công an quản lý nhà nước là phù hợp.

“Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý về cả phương tiện và người tham gia giao thông xuyên suốt từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. Qua đó sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và chấp hành pháp luật của người lái xe. Việc chuyển đổi này chỉ thay đổi về quyền quản lý, còn các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa vẫn tiếp tục hoạt động, không có sự thay đổi về vị trí, tổ chức, nhiệm vụ”.

CSGT kiểm tra ma tuý đối với lái xe.

Đào tạo, sát hạch lái xe sẽ chú trọng đào tạo con người

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong Luật Bảo đảm TTATGT thì việc quản lý lái xe, và cấp bằng lái xe là đối tượng được quan tâm đặc biệt vì qua tổng kết thực hiện pháp luật về An toàn giao thông thì 90% các lỗi gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông là lỗi do lái xe, tức là do con người chứ không phải hạ tầng.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, vấn đề sát hạch lái xe giao cho lực lượng Công an không phải là việc mới, Bộ Công an đã được giao công tác sát hạch.

“Cách đây khoảng 30-40 năm, khi CSGT làm nhiệm vụ trên đường bộ thấy nghi vấn một chiếc xe khách đang lưu thông có kỹ thuật kém, thì CSGT có quyền dừng xe, mời bà con đi xe khách đó xuống để kiểm tra bằng cách đi thử, nếu thấy kỹ thuật không đảm bảo, phanh không an toàn, CSGT có quyền đình chỉ xe khách đó chạy. Việc kiểm soát lái xe trước đây chúng ta đã làm chặt chẽ, xe khách của nhà nước thì tài xế phải từ 25 tuổi trở lên, phải là đảng viên, ưu tiên bộ đội đã trải qua lái xe ở chiến trường”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Việc đào tạo, sát hạch GPLX quan trọng như vậy, nhưng hiện nay, công tác này chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí người nghiện ma túy, đang bị truy nã và nhiều vướng mắc khác nhưng vẫn được cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX), đây cũng là những vi phạm "chết người" trong công tác đào tạo, sát hạch GPLX, gây ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Điển hình như 2 vụ TNGT liên tiếp mà lỗi là do tài xế sử dụng chất ma tuý. Đó là vụ xảy ra tại ngã tư Bình Nhật, thuộc địa phận xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức, Long An, khi các phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ thì xe container đã tông thẳng vào khiến 4 người chết, hàng chục người bị thương. Lái xe gây tai nạn liên hoàn được xác định là Phạm Thành Hiếu, SN 1987, trú ở Bến Lức, Long An.

Sau khi gây tai nạn, lái xe đã rời khỏi hiện trường, 10 tiếng sau mới ra trình diện nhưng qua kiểm tra, nồng độ cồn của Phạm Thành Hiếu vẫn vượt quá 2 lần so với quy định và dương tính với ma túy. Vụ tai nạn trên QL5, đoạn qua xã Kim Lương, huyện Kim Thành, Hải Dương, đoàn cán bộ xã Kim Lương trong khi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ đã bị xe container tông vào khiến 8 người chết, 8 người bị thương cũng hết sức đau lòng khi lái xe dương tính với ma túy.

Việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT không ảnh hưởng tới các cơ sở đào tạo lái xe.

Còn ông Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Quốc hội Thừa Thiên- Huế cho rằng, khi thông qua Luật Bảo đảm TTATGT, đặc biệt giao khâu đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe cho Bộ Công an thì tránh được hiện tượng bằng giả và bằng không chất lượng hiện nay vì chủ yếu các vụ tai nạn là quản lý người điều khiển phương tiện giao thông không bảo đảm, đặc biệt là người điều khiển giao thông uống rượu bia và sử dụng ma tuý.

Về cơ sở hạ tầng đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc quản lý đào tạo, sát hạch lái xe không ảnh hưởng gì đến các cơ sở đào tạo, chủ yếu là việc sát hạch nghiêm túc, chặt chẽ hơn, đúng quy trình quy chuẩn, đảm bảo được chống làm giả, gian lận.

“Chúng tôi chỉ quản lý khâu đó thôi, còn tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch vẫn hoạt động bình thường theo quy định của luật. Các cơ sở này vẫn coi đây như trường dạy nghề và vẫn là chủ trương xã hội hóa, Công an chỉ quản lý cấp bằng, còn anh đi học có thể nhiều lần nhưng anh thì mà không đỗ thì anh vẫn phải học lại”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết thêm, việc đào tạo lái xe cũng như đăng kiểm, nghĩa là được xã hội hoá, coi là 1 ngành nghề kinh doanh.

Việc chuyển giao cơ quan quản lý được xây dựng theo định hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Người lái xe tiếp tục sử dụng giấy phép lái xe đã cấp cho đến khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu đổi, cấp lại. Người dân được lựa chọn hình thức học, lựa chọn cơ sở đào tạo, giáo viên dạy lái, trung tâm sát hạch lái xe có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của cá nhân. Người dân có thể nộp hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe qua Công an xã, tương tự như nộp hồ sơ về căn cước công dân.

Bên cạnh đó, khi lực lượng Công an tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX, đảm bảo đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước, bởi vì khi xử phạt vi phạm cũng đồng thời theo dõi quản lý được lịch sử lái xe vi phạm, chấm điểm được quá trình lái xe để có các biện pháp giám sát chặt chẽ lái xe.

Phương Thủy

Nguồn tin: cand.com.vn