John P. St. John "khắc tinh" của tội phạm ngộ sát


Dường như đó là một phần của bổn phận công việc khi mà người ta đã tự tin chọn cho mình nghề cảnh sát. Tuy vậy, trường hợp như sỹ quan cảnh sát của nước Mỹ John P. St. John (1918 - 1995), người từng phải đối mặt với hơn 1.000 vụ ngộ sát, vẫn là chuyện hiếm trên đời, bởi ông không hề bị cái dự cảm kia "ám vận" vào số phận của mình. Điều đặc biệt hơn nữa, John đã phá được khoảng 2/3 trong số 1.000 vụ án đó, mới thật kỳ lạ làm sao.

John sinh ra tại Los Angeles, một trong những thành phố giàu có nhưng cũng nguy hiểm nhất nước Mỹ. Từ mảnh đất của những người tìm vàng, rồi tiếp đó trở thành một thương cảng lớn, và cuối cùng là "thủ đô" của ngành công nghiệp du lịch - giải trí của nước Mỹ, thành phố Los Angeles thu hút cả những thứ phù hoa đẹp đẽ nhất trên trần đời lẫn cặn bã xã hội.

Một trong những bức ảnh hiếm hoi của John P. St. John.

Thám tử John đã dành cả sự nghiệp 43 năm của bản thân để bảo vệ thành phố Los Angeles nhằm hạn chế phần nào những phần tử xấu xa nhất của nó. Năm 1949, ông bắt đầu công tác ở Phòng Án mạng thuộc Sở cảnh sát Los Angeles. Vì chuyên môn của chàng sỹ quan trẻ không phải là các vụ án giết người nên John đã từng có ý định chuyển công tác. Tuy vậy, một vụ ngộ sát đã khiến ông quyết định thay đổi ý định nói trên.

Elizabeth Short là một thiếu nữ 22 tuổi, bình thường như mọi cô nàng cùng trang lứa. Một ngày nọ, trên đường trở về từ quán ăn nơi cô làm bồi bàn, Elizabeth bất ngờ biến mất. Buổi sáng hôm sau, người dân phát hiện ra xác của cô. Trên khuôn mặt của Elizabeth có hai vết rạch chạy từ khoé môi đến ngang sống mũi, còn cơ thể thì bị cắt rời ra thành hai nửa.

Cả thành phố Los Angeles lúc đó trở nên bấn loạn vì vụ giết người rùng rợn nói trên. Cảnh sát Los Angeles vào cuộc và đã tạm giữ, thẩm vấn đến hàng trăm người có dấu hiệu tình nghi nhưng rốt cuộc họ không thể tìm được thủ phạm. Cả John cũng bị cuốn vào vụ án. Kể từ năm 1949 cho đến khi ông nghỉ hưu vào năm 1992, John đã từng nhiều lần lật lại hồ sơ vụ án mạng Elizabeth Short. Dẫu rằng ông cũng bị thất bại, nhưng những cuộc điều tra của John đã rọi ánh sáng lên nhiều chi tiết còn chưa sáng tỏ trong vụ trọng án.

Vụ án lớn đầu tiên mà John phá được là một vụ ngộ sát diễn ra tại công viên Griffith Park. Nạn nhân là một phụ nữ cũng bị cắt rời ra từng mảnh như Elizabeth Short, rồi sau đó được ghép lại như một bộ đồ chơi xếp hình. Trong khi các đồng nghiệp của John cho rằng thủ phạm là một người đàn ông da đen vô gia cư sống ở công viên, thì ông lại có những nghi vấn riêng của mình. Lần theo những nghi vấn đó, John đã tìm ra kẻ giết người thật sự. Đó là một tên cựu mafia có dấu hiệu của bệnh tâm thần và tiền sử bạo hành trong gia đình.

Sau vụ án nói trên, John còn tham gia giải quyết nhiều trường hợp mưu sát và ngộ sát khác. Trong số đó có nhiều cái tên từng là nỗi ám ảnh của thành phố Los Angeles: Harvey Glatman - kẻ giết chết 4 người phụ nữ dưới vỏ bọc nhiếp ảnh gia cho tạp chí thời trang; Richard Ramirez - tên trộm, kẻ hiếp dâm, và kẻ giết người khét tiếng; Kenneth Alessio Bianchi và Angelo Buono Jr. - còn được gọi là "kẻ bóp cổ trên đồi" vì cách mà chúng giả vờ mua dâm rồi sau đó siết cổ các cô gái điếm trên một ngọn đồi vắng bóng, v.v…

Kẻ thủ ác ghê rợn nhất mà John từng đối mặt là William Bonin, một tên dâm ô trẻ em nhiều lần tái phạm. Chỉ trong vòng hai năm trời, William Bonin đã hãm hiếp và giết chết 36 trẻ em và nam thanh niên. Hắn ta thực hiện hành vi tội ác của mình bằng cách bắt nạn nhân đang đi trên những đoạn đường vắng vẻ phải vào xe của mình, trói họ lại để hãm hiếp, sau đó giết chết nạn nhân. Cái xác này nối tiếp cái xác khác khiến cho cả một dải đất miền viễn Tây của nước Mỹ lúc bấy giờ cứ như trải qua cơn ác mộng khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Tuy sở cảnh sát Los Angeles đã huy động toàn bộ lực lượng và cùng với đó treo thưởng trị giá nửa triệu đô-la cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ kẻ phạm tội, họ vẫn không thể nào tóm được William Bonin, một tên sát nhân vốn đã thông minh, lại có kinh nghiệm che giấu tội ác của mình qua thời gian hắn làm sỹ quan trong quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Tuy thế, William không thể qua mặt được John. Từ lúc sinh ra John đã sở hữu một trí nhớ siêu việt, khó ai bì được. Cộng với con mắt tinh tường được tôi luyện qua mấy chục năm liền trong sở cảnh sát, cho nên khó có một chi tiết nào dù nhỏ chỉ bằng 1/4 sợi tóc thôi cũng khó có thể thoát khỏi tầm mắt của vị thám tử đặc biệt này.

Trong thời điểm đấy, nước Mỹ đang trong tình trạng phân biệt đối xử với người đồng tính vô cùng hà khắc. Những người đồng tính gần như không thể đi đâu mà lại không chịu sự phỉ báng cả. Sự lựa chọn duy nhất của họ là một số cửa hàng, bệnh viện, quán ăn, v.v… do chính người đồng tính lập ra và điều hành. Một người Mỹ bình thường không bao giờ đặt chân vào những nơi đó cả.

Diễn viên Jack Warden (bên trái) thủ vai John P. St. John trong bộ phim Jigsaw John.

Nhưng John lại là một con người khác hẳn. Ông sẵn sàng theo đuổi vụ án của mình đến tận cùng trời cuối đất. John dành nhiều tháng liền tiếp xúc với những người đồng tính và tạo lòng tin với họ. Qua những thông tin rời rạc mà cộng đồng người đồng tính cung cấp, John mới kết nối sự việc lại và tự tin đưa ra kết luận rằng: William Bonin chính là thủ phạm!

Sau một vụ truy đuổi nghẹt thở trên đường cao tốc mà John có tham gia, cảnh sát cuối cùng cũng bắt được William Bonin trong lúc hắn đang chuẩn bị kết liễu một nạn nhân khác. Tuy vậy, tại thời điểm này, ngành khoa học giám định chưa bắt kịp được công nghệ. Do vậy, các nhà giám định pháp y không thể kiểm tra ADN để kết luận rằng ai là kẻ giết người như hiện nay cả. John vốn luôn ủng hộ việc đưa những công nghệ khoa học hiện đại áp dụng vào ngành pháp y. Dẫu vậy, cái mà ông cần ngay lúc này là bằng chứng để kết tội William trước tòa.

Khi đang bị giữ trong tù, William nhận được bức thư của bà mẹ một nạn nhân. Trong thư người mẹ cầu xin hắn cho bà biết chuyện gì đã xảy ra với đứa con tội nghiệp của mình. Vốn là kẻ kiêu ngạo, William đã tường thuật hết quá trình phạm tội của hắn. Một thời gian sau đó, chính lá thư này lại được dùng làm bằng chứng để luận tội hắn trước toà. Cuối cùng thì bồi thẩm đoàn cũng đi đến phán quyết: áp dụng hình thức tử hình với William Bonin!

Có một số người bạn của John tường thuật lại viên sỹ quan đã nói với họ rằng, bức thư đó không phải do một bà mẹ nào viết cả. Có nhiều nghi vấn đặt ra chung quanh khả năng chính John là người đã viết bức thư nói trên. Nếu điều đó là thật thì chắc chắn ông đã vi phạm các quy định của ngành cảnh sát trong việc lấy lời khai. Tuy John không phải trải qua bất kỳ cuộc điều tra nội bộ nào, một thời gian ngắn sau khi William Bonin bị tiêm thuốc độc, John cũng xin nghỉ hưu sớm.

Đóng góp lớn nhất của John cho ngành cảnh sát đến từ cuốn tự truyện "Jigsaw John" do nhà báo Al Martinez chắp bút. Ngoài việc kể lại từng vụ án giết người mà mình đã xử lý, John còn đi sâu vào việc thể hiện phương cách mà ông phá những vụ án đó. "Công thức" chung dẫn đến sự thành công của John xem ra khá là đơn giản, đó là: đừng bao giờ vội vàng xác định ngay một nghi phạm rồi sau đó cố gắng tìm mọi cách buộc tội anh ta như cái cách cảnh sát Mỹ vẫn hay làm khi đó.

Thay vì thế, người thám tử giỏi phải là người tạo dựng được hiện trường gây án trong đầu mình bằng việc thu thập chứng cứ, rồi sau đó mới đi ngược lên đến đối tượng và phân tích động cơ gây án của hắn. Làm như vậy thì khi người thám tử tìm thấy một điểm bất hợp lý nào đó, chuỗi suy luận logic của anh ta sẽ không bị đứt đoạn, mà ngược lại rẽ sang một hướng khác nhiều khả năng sẽ dẫn đến thủ phạm thật sự.

Cuốn sách "Jigsaw John" sau đó được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình do diễn viên nổi tiếng Jack Warden thủ vai nhân vật chính. John cũng trở thành một người nổi tiếng và được nhận nhiều huân - huy chương khác nhau. Ông đã có ý định thông qua bộ phim nói trên để trở thành một cố vấn viên cho các nhà làm phim Hollywood.

Nhưng thật tiếc, chỉ hai năm sau khi nghỉ hưu, rất không may là John bị mắc bệnh về gan mà qua đời khi ông chưa kịp biến ý tưởng trên của mình thành hiện thực. Đám tang của John ngoài sự tham gia của các quan chức ngành cảnh sát và báo chí, còn có hàng trăm người dân tới viếng. Hầu hết trong số họ là người nhà, bạn bè nạn nhân trong những vụ án được ông giải quyết thành công. Sở cảnh sát còn đưa John trở lại lực lượng để ông "…có thể bắt đầu bước đi trên chuyến hành trình cuối cùng của đời mình với tư cách một cảnh sát Los Angeles trứ danh!".

LÊ CÔNG HỘI (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn