Kênh YouTube gây tranh cãi: Thiếu kiến thức hay trò PR bẩn?


Thực tế, Duy “Nến” cũng chỉ là một trường hợp trong vô vàn nội dung xấu, bẩn vẫn tồn tại như một căn bệnh trầm kha trên YouTube trong thời gian qua. Trước đó, kênh Thơ Nguyễn, Hưng Vlog... từng bị cơ quan quản lý tuýt còi vì cung cấp nội dung mê tín dị đoan, nhảm nhí, phản cảm. Đây chỉ là những sơ suất, thiếu hiểu biết của những người sản xuất nội dung hay thực chất là một kế hoạch chiêu trò PR bẩn?

Phát ngôn ngô nghê, kỳ quặc

Từ đầu năm 2021, cái tên Duy “Nến” liên tục xuất hiện trên Facebook, TikTok với nhiều clip chế, comment bày tỏ thái độ châm biếm, thậm chí là phẫn nộ. Nguyên nhân là vì nam YouTuber này có cách review đồ ăn khá kỳ quặc.

Chủ kênh YouTube “Hà Nội phố” đã đổi tên thành Duy Trần vẫn sản xuất video giữa làn sóng tẩy chay.

Theo tìm hiểu, nhân vật được cộng đồng mạng gọi là Duy “Nến” có tên thật là Trần Văn Duy, quê Thái Bình. Anh này hiện đang sở hữu kênh YouTube có tên “Hà Nội phố” với khoảng 400.000 lượt theo dõi và có trung bình 2 clip mỗi tuần. Kênh của Trần Văn Duy được giới thiệu là “kênh chia sẻ những hình ảnh mới nhất về Hà Nội ngày nay - Hanoi today để gửi tới tất cả quý bà con trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Hà Nội”. Hiện tại, kênh đã có tới hơn 155 triệu lượt xem. Tuy nhiên, thời gian gần đây kênh của Trần Văn Duy và nam YouTuber này liên tục bị công kích, kêu gọi tẩy chay. Nguyên nhân là vì anh này thường cố dùng ngôn từ, cách so sánh sai lệch để miêu tả hương vị của các món ăn.

Chẳng hạn, khi bình luận về món ngô nướng, Duy “Nến” bình luận: “Mùi thơm rất dễ chịu và thích thú. Nếu như một số nhà văn ngày trước mà sống dậy thì họ sẽ miêu tả vị quả ngô luộc này giống như mùi da thơm của một cô gái mới lớn”. Khi đi ăn thịt ếch, anh khẳng định: “Quý vị có thể nhìn thấy cái đùi ếch nó giống hệt cái đùi gà luôn. Các cụ ngày xưa nói “Mèo mả gà đồng”, gà đồng là người ta nói về thịt ếch”.

Hay, anh review về bánh bột lọc rằng: “Thưa quý vị, bánh bột lọc có tên là bánh bột lọc vì nó liên quan đến con lòng lọc”(!?). Review về bánh chay, nam YouTuber nói: “Trông đúng như một ngôi sao óng ánh giữa những ánh sáng trời tự nhiên và gần như Duy chưa nhìn thấy sự tì vết nào. Không biết với miếng cắn của Duy có làm cho ngôi sao này đau đớn hay không nhưng mình cũng phải bỏ qua tình cảm đó để ăn”...

Ngoài ra, không biết do thiếu kiến thức về ẩm thực hay do muốn tạo điểm nhấn cho các clip của mình, anh này thường dùng sai rất nhiều từ: Cọng hành được anh gọi là “rau cần”; nước chấm ốc thành “nước dùng”; tết 3-3 là “Tết phồn thực”; viên cồn khô ở dưới bếp nướng thì anh gọi là nến (đây là lý do cộng đồng mạng gọi anh này là Duy “Nến”).

Đây cũng là lý do khiến anh này được cộng đồng mạng đặt cho những biệt danh đầy mỉa mai như: “Kẻ hủy diệt tu từ”, “chiến thần chơi chữ”, “chúa tể gieo vần”, “tù trưởng nhân văn”... Không những vấp phải những bình luận trái chiều, nhiều hội nhóm tẩy chay Duy “Nến” trên Facebook đã xuất hiện, trong đó, hội nhóm đông nhất đã lên tới hơn 76.000 thành viên. Một người xem nhận định: “Tóm lại, mang danh là YouTuber chuyên review ẩm thực nhưng kiến thức về ẩm thực quá kém, nhiều thứ cơ bản cũng không biết và lại hay phát biểu linh tinh”.

Thậm chí, đầu tháng 4-2021, kênh YouTube của Duy “Nến” xuất hiện trên 1 phóng sự của chương trình “Thời sự toàn cảnh” của VTV1 và bị xem là “rác mạng”, nhận những chỉ trích khá gay gắt. MC Thụy Vân trong một chương trình phát sóng đã khẳng định “Hà Nội phố” của Trần Văn Duy là một trong những kênh review gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người xem vì đã giới thiệu sai lệch kiến thức ẩm thực cũng như là văn hóa ẩm thực của vùng miền.

Thiếu kiến thức hay chiêu trò?

Khoảng vài năm trở lại đây, trào lưu review các quán ăn, nhà hàng hay giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng miền nhanh chóng trở thành “cơn sốt” của cộng đồng mạng. Đỉnh điểm, năm 2020 được cho là năm nở rộ của các YouTube quảng bá về thiên nhiên, văn hóa, con người các vùng, miền trên cả nước, đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Đặc biệt, phải kể đến những kênh YouTube về nội dung ẩm thực, trải nghiệm món ăn vùng, miền, hướng dẫn nấu món ăn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được giới thiệu rộng rãi ra khắp thế giới. Hầu hết các kênh đều có lượng người xem lớn, có ảnh hưởng rộng khắp trên các diễn đàn mạng xã hội.

YouTuber Trần Văn Duy - chủ kênh YouTube “Hà Nội phố”.

Tuy nhiên, số lượng kênh YouTube review ẩm thực mọc lên như nấm lại tỉ lệ nghịch với chất lượng nội dung. Duy “Nến” chỉ là một trường hợp mới nhất về các nội dung bẩn, nhảm nhí, méo mó được đăng tải trên nền tảng kết nối xuyên quốc gia này.

Cuối năm 2020, cộng đồng mạng đã lên án hàng loạt kênh YouTube khi đăng tải clip nấu cháo gia cầm để nguyên lông như kênh của Hưng Vlog, hay kiểu “ăn tươi nuốt sống” như ăn nội tạng động vật ngay khi giết mổ xong... Mới đây nhất là trường hợp của YouTuber Thơ Nguyễn. Ngày 16-3-2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương xác định việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” của Thơ Nguyễn lên mạng xã hội là hành vi vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan. Thanh tra sở đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với YouTuber Thơ Nguyễn theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trao đổi về trường hợp Duy “Nến”, chuyên gia ẩm thực Việt Nguyễn cho rằng, không ai lại có thể thiếu hiểu biết những kiến thức cơ bản như “không thể phân biệt đây là chân giò heo hay chân giò lợn” được. Cũng không ai cấm được họ nói như đang không biết gì về tiếng Việt. Nhưng, có lẽ họ cố ý nói sai, bình luận ngô nghê với mục đích tạo đề tài tranh cãi. Nhờ đó, họ vừa thu về lượt tương tác khổng lồ từ đám đông phẫn nộ, vừa trở thành cái tên gây chú ý.

Đồng quan điểm, bà Chang Trần - giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam cho rằng, đây là một chiêu trò cố tình thu hút sự chú ý. Bởi, với Google hay Facebook, họ sẽ không quá quan tâm đến việc chủ kênh làm gì để thu hút view. Miễn họ không vi pham chính sách, quy định của họ và địa phương thì kênh đó có nội dung như thế nào vẫn có thể tồn tại.

Thực tế theo khảo sát, với kênh YouTube 400.000 lượt theo dõi, tần suất trung bình là 2 ngày ra 1 video, chủ kênh này có thu nhập khoảng 20 triệu/tháng. Song, để tăng lượt xem cũng như lượng theo dõi, tần suất ra video dày dù quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Bởi, những ý kiến khen chê, đánh giá nội dung trái chiều luôn tỷ lệ thuận với số lượng người xem. Do đó, chuyên gia truyền thông Nguyễn Khắc Sơn lại cho rằng, những nội dung tương tự như Duy “Nến” là một dạng của truyền thông “bẩn”.

“Khi người người, nhà nhà đua nhau trở thành food reviewer, tình trạng đánh giá ẩm thực thiếu chiều sâu, sai kiến thức hay “ăn không nói có” cũng từ đó xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Khi tất cả đều khen ngợi, phản ánh đúng thì những nội dung gây tranh cãi bỗng dưng được chú ý, lượng người theo dõi tăng ồ ạt. Họ chỉ cần ngồi đó, nhận một số tiền khổng lồ mà những nội dung đúng chuẩn mực, nghiêm túc phấn đấu thời gian dài chưa chắc đã có được”, ông Nguyễn Khắc Sơn bày tỏ.

Làm gì để cấm cửa nội dung rác?

Đầu năm 2019, YouTube tuyên bố ngăn chặn sự lan truyền của các video độc hại trên nền tảng. Thế nhưng, quá trình kiểm duyệt và mức xử phạt được xem vẫn còn lỏng lẻo, nhẹ nhàng. Trong khi đó, các clip có nội dung nhảm nhí lại có lượng người xem rất cao.

Ông Nguyễn Khắc Sơn cho biết, tùy vào lượt xem nhiều, tỉ lệ thời gian xem lâu và tỉ lệ giữ chân người xem cao thì clip còn được lồng nhiều quảng cáo hơn, từ đó mỗi clip có thể hưởng doanh thu quảng cáo nhân lên nhiều lần mức 900 USD. Nếu có lượng views từ nước ngoài, thì doanh thu quảng cáo cũng tăng theo cấp số nhân.

Với nguồn thu lớn như vậy, các YouTuber hoàn toàn có thể tìm cách qua mặt YouTube để tránh các vi phạm hình sự, còn lại họ có thể chọn phương án sẵn sàng chịu phạt hành chính để câu views kiếm tiền mà không ít trường hợp lên đến hàng chục nghìn USD/tháng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, khi sự kiểm soát của nền tảng không chặt chẽ, hãy để dân trí quyết định sự tồn tại của một video rác, bẩn. “Nếu không có “cầu” ắt nguồn “cung” không thể tồn tại. Khi nào khán giả vẫn còn sự tò mò về những nội dung gây sốc, nhảm nhí thì khi đó những nội dung này vẫn có đất sống. Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan rằng, một kênh YouTube có lượng theo dõi khủng, một video triệu view không phải là thước đo chất lượng”, nhạc sĩ ca khúc “Nhật ký của mẹ” khẳng định.

Không thể phủ nhận YouTuber đang trở thành công việc thịnh hành tại Việt Nam bởi mức thu nhập khủng và bất cứ ai cũng có thể sáng tạo các nội dung video, tung lên để kiếm tiền. Tuy nhiên, ngăn chặn những video nhảm nhí, vi phạm pháp luật, dùng chiêu trò gây sốc là điều cần quyết liệt thực hiện.

Bà Chang Trần - Giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam.

“Khi chưa có sự thay đổi về luật định, công chúng có thể sử dụng quyền lực mình đang có để tạo nên những rào chắn nhất định, bằng cách báo cáo sai phạm (report), người dùng có thể khiến các video, kênh YouTube có nội dung bẩn, nhảm nhí bị ẩn hoặc bị xóa bỏ. YouTube cho biết khi nhận được báo cáo sai phạm sẽ tiến hành xem xét. Nếu chủ kênh vi phạm, YouTube sẽ tiến hành nhắc nhở, cảnh cáo. Các nội dung bị báo cáo sai phạm sẽ bị YouTube ẩn hoặc gỡ bỏ, thậm chí khóa kênh”, bà Chang Trần cho hay.

Có thể trở thành người tiếp nhận thông thái hay không, chính độc giả là người tự quyết định!

Thảo Dung

Nguồn tin: cand.com.vn