Khi COVID chặn đứng Brexit

Thời gian không chờ đợi

Đã hết quý I năm 2020. 90 ngày nữa, 30/6, sẽ là thời điểm cuối cùng để cả nước Anh lẫn Liên minh châu Âu (EU) thống nhất về chuyện có gia hạn thời gian chuyển tiếp của tiến trình đưa nước Anh rời khỏi châu Âu (Brexit) - dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/12 - hay không.

Đến cuối tháng 3/2020, vẫn chưa có bất cứ phía nào đề cập tới khả năng này. Ai cũng muốn làm hết sức để chấm dứt sớm nhất có thể một câu chuyện đã kéo quá dài, với quá nhiều hệ lụy, tạo nên quá nhiều sự chờ đợi mệt mỏi.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng muốn hoàn tất Brexit.

Một cách ngắn gọn, ba năm qua, các doanh nghiệp Anh vẫn chưa thể xác định được rõ rằng họ sẽ tiếp tục làm ăn ở châu Âu theo những quy định được thay đổi ra sao? Ngược lại, thị trường EU cũng chưa hình dung được họ sẽ làm những gì, sẽ "nhường nhịn" đến đâu ở các khu vực tranh chấp, hoặc sẽ khắc nghiệt đến mức độ nào để tiếp tục duy trì mối quan hệ với một thành viên cũ nay đã dứt áo. Và bên cạnh đó, còn cả những vấn đề hành chính liên quan đến quản lý xã hội, hay các cam kết về an ninh - quốc phòng.

Brexit đã chính thức diễn ra vào ngày 31/12/2019. Song, đó chỉ thuần túy là cột mốc mang tính hình thức. Còn quá nhiều khúc mắc bị gác lại trên thực tế, mà cả hai phía đều mong mỏi và tin tưởng rằng sẽ có thể giải quyết trọn vẹn trong năm 2020 này.

Ngay từ thời điểm đó, giới quan sát quốc tế đều đã tỏ ra lo ngại, rằng thời hạn chuyển tiếp 12 tháng là quỹ thời gian quá ít ỏi, dành cho quá nhiều công việc liên quan đến vô vàn các thủ tục hành chính, cũng như kiến tạo cả các hành lang pháp lý mới. Trước khi đại dịch bùng phát, giới doanh nghiệp Anh đã được cảnh báo rằng họ sẽ phải chuẩn bị tuyển dụng thêm khoảng 500.000 nhân viên văn phòng, chỉ để giải quyết các thủ tục giấy tờ hải quan phát sinh nếu nước Anh kiên quyết dứt bỏ những "xiềng xích" trong các quy định quản lý của châu Âu.

Và mới đây, với sức tàn phá của COVID-19, đã có những cuộc đàm phán trực tiếp bị hoãn, kéo theo nó là cả lịch trình bị đẩy lùi.

Mới đây, cả đương kim Thủ tướng Anh Boris Johnson lẫn Trưởng đoàn đàm phán của EU - Michel Barnier - đều đã phải tự cách ly do dương tính với virus SARS-COV-2.

Vẫn có những luồng dư luận ở Anh đòi "chơi theo luật của chúng ta".

Cho đến tận lúc này, cả nước Anh vẫn đang phong tỏa. Còn bên kia eo biển Manche, EU cũng đang vật vã chống dịch, với tâm điểm là sự hoang tàn của Italy - đã chứng kiến hơn 10.000 người chết.

Một bối cảnh cực kỳ gian nan, mà trong đó, rất khó để đòi hỏi các nhà lãnh đạo hai phía tập trung trí lực vào chuyện gạt bỏ các bất đồng, thảo luận về các mâu thuẫn nhằm tiến tới những điểm thỏa hiệp cần thiết, để lấy lại thời gian đã mất.

Nước sôi lửa bỏng

Vì những thách thức và nguy cơ tiềm ẩn của bối cảnh ấy, một chuyên gia hàng đầu châu Âu - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu Fabian Juleeg - khẳng định: "Những hành động của chính phủ Anh trong những tuần tới rất quan trọng, khi mà trong bối cảnh hiện nay việc gia hạn chuyển tiếp là cách duy nhất, bất kể ý tưởng nào cho những kế hoạch dài hạn liên quan đến mối quan hệ giữa Anh và EU. Việc cố tình và chủ ý bồi thêm một cú sốc kinh tế nữa trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay sẽ là cực kỳ liều lĩnh".

Nhưng hiện tại, mọi tiến trình đều đang ngưng trệ một cách bất khả kháng bởi COVID-19.

Ông viết như vậy, bởi kể cả khi các nền kinh tế đều chưa bị tê liệt gần như hoàn toàn do các tác động tiêu cực của COVID-19, kinh tế Anh đã gần như chắc chắn sẽ phải nhận một cú sốc, nếu chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson quyết tâm vượt qua sự phản đối của EU và thực hiện những kế hoạch riêng của mình, để xây dựng mối quan hệ tương lai trên cơ sở tách hoàn toàn khỏi các quy định và tiêu chuẩn của châu Âu - một cách nói khác của việc "chia ly không có thỏa thuận trọn vẹn", nghĩa là nước Anh sẽ không nhận được bất cứ quy chế ưu ái nào.

Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) của Anh, phí tổn phụ trội của cách tiếp cận này sẽ làm giảm năng suất tiềm năng của Anh khoảng 4%. Chính sách nhập cư mới được chính phủ Anh đề xuất sẽ làm giảm năng suất thêm 1,2%, theo báo cáo bổ sung mới nhất của OBR.

Huống hồ, hiện tại, COVID-19 đã lừng lững phủ cái bóng khủng khiếp của mình lên cả "đảo quốc sương mù" lẫn châu Âu lục địa. Ngày 26/3, Luân Đôn đã phải phát động chương trình can thiệp - cứu trợ kinh tế lớn bậc nhất trong lịch sử, nhằm hỗ trợ tài chính cho khoảng 5 triệu người lao động tự do đang khốn đốn trong vòng xoáy bệnh dịch. Những lao động tự do sẽ được chính phủ trả mức tương đương như mức áp dụng cho những người lao động đi làm thuê khác, với mức trần lên tới 2.500 bảng Anh/tháng.

Đó là điều mà Bộ Tài chính Anh bắt buộc phải thực hiện, nếu không muốn chứng kiến nền kinh tế Anh sụp đổ, kèm theo những hệ lụy khủng khiếp trong xã hội. Bần cùng hóa sẽ dễ dàng dẫn tới lưu manh hóa, và khi tỷ lệ tội phạm tăng đột biến bởi cuộc sống khó khăn, sự ổn định để phát triển kinh tế sẽ chỉ còn là một giấc mộng hão huyền.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh quốc (BoE) đã phải công bố quyết định duy trì lãi suất thấp kỷ lục 0,15, và nhấn mạnh: Kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc chóng mặt trong nửa đầu năm 2020, và kinh tế Anh cũng sẽ phải hứng chịu những tổn thất khá lớn.

Tuy nhiên…

Vẫn có những chính trị gia Anh thuộc "phái Brexit" trong đảng Bảo thủ đòi hỏi: Với bất kỳ giá nào, giai đoạn chuyển tiếp cũng sẽ phải kết thúc vào cuối tháng 12 tới, kể cả việc Anh và EU chẳng đạt được thỏa thuận nào hết. Đối với họ, bất cứ sự trì hoãn nào nữa cũng sẽ bị xem là sự phản bội dành cho Brexit, của những phần tử thân châu Âu.

Họ đang khiến mọi chuyện trở lại cái vòng luẩn quẩn thời cựu Thủ tướng Theresa May, khi mọi ý tưởng nhân nhượng hay tìm kiếm thêm thời gian đều bị công kích dữ dội ở Quốc hội Anh (và phía sau những trận công kích đó hoàn toàn có thể là các tính toán quyền lực chính trị).

Nhưng lần này thì khác. Lần này, bàn cờ chính trị đã có thêm sự hiện diện của COVID-19.

Đó là tham số có thể lật nhào mọi kế hoạch duy ý chí, khi đủ sức làm đóng băng mọi tiến trình ngay từ bàn đàm phán, chỉ với các biểu hiện nhiễm bệnh của những nhân vật trụ cột. Khi đến cả đương kim Thủ tướng Anh cũng như Trưởng đoàn đàm phán EU đều đã phải tự cách ly, không ai dám chắc chắn rằng mọi vòng đàm phán tiếp theo vẫn có thể diễn ra suôn sẻ theo lịch trình vốn đã chật khít.

Còn trong hiện thực, việc tự cứu lấy mình đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp. Những tranh luận, thỏa thuận, cam kết, nhân nhượng… đều đã trở nên phù phiếm, khi liên tiếp các đường biên giới đóng lại.

Brexit không phải là không quan trọng. Nhưng lúc này, ngoại trừ "phái Brexit" ở Anh, có lẽ chẳng còn ai xem nó là điều quan trọng nhất. Và chắc chắn, họ không thể bắt tất cả mọi người đều suy nghĩ như mình.

Điều thực tế nhất trong lúc này, không gì khác, là chuyện bắt đầu thương thảo để gia hạn thời hạn chuyển tiếp của Brexit sang năm 2021. Đấy là trong trường hợp COVID-19 cho phép, bằng cách buông tha cho cả nước Anh lẫn EU…

Thiên Thư

Nguồn tin: cand.com.vn