Khi vaccine biến thành vũ khí


Những niềm hy vọng đầu tiên

Cho đến thời điểm này, loại vaccine COVID đầu tiên trên thế giới đã bắt đầu được tiêm rộng rãi tại một loạt quốc gia phương Tây. Đó là loại vaccine được nghiên cứu chế tạo bởi liên doanh giữa hai hãng dược lớn của Mỹ và Đức là Pfizer và BioNtech.

Margaret Keenan - người phụ nữ Anh 90 tuổi - đã chính thức là người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine phòng chống COVID vào hôm 7-12 vừa qua, mở ra chương mới trong cuộc chiến chống lại loại virus này. Liều vaccine đó nằm trong lô 800.000 liều vaccine đầu tiên của Pfizer-BioNtech sản xuất. Những lô vaccine sau đó đã được đưa đến Mỹ và Đức - hai quốc gia tiếp theo bắt đầu tiến hành chương trình tiêm chủng của mình trong những ngày cuối năm 2020.

Có thể chậm hơn đôi chút, nhưng phía sau Pfizer-BioNtech, một loạt những loại vaccine khác cũng đã ở vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và đang tiến hành sản xuất đại trà. Đó đều là những cái tên đến từ những cường quốc như Sputnik-V của Nga, Moderna của Mỹ, Astrazeneca của Anh và Sinovac của Trung Quốc. Những loại vaccine này sẽ sẵn sàng được phân phối trong quý 1-2021, để thực hiện những chương trình tiêm chủng quy mô tại các quốc gia này cũng như những đối tác lớn của họ. Như trường hợp Pháp và Bồ Đào Nha đã công bố chương trình tiêm chủng toàn quốc ngay trong tháng 1-2021 dựa vào nguồn vaccine từ Mỹ và Đức, theo những hợp đồng đã được ký kết.

Mũi tiêm vaccine COVID đầu tiên đem đến hy vọng lớn cho toàn thế giới.

Với nguồn lực của các tập đoàn dược phẩm lớn đồng thời được các nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ, những loại vaccine này có thể sản xuất quy mô lớn rất nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ vào lúc này. Đây đúng là một tin vui với toàn thế giới, khi mà đại dịch COVID đã không chừa lại một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào.

Vai trò của vaccine

Ai cũng biết đại dịch COVID tác động xấu đến mọi mặt đời sống toàn cầu như thế nào. Hiện tại, trên thế giới chưa có thuốc đặc trị và vaccine trở thành giải pháp được chờ đợi nhất. Nhiều nước đã phải rút ngắn quá trình thử nghiệm để sớm đưa vaccine vào sử dụng, cho thấy sự cấp thiết của thứ vũ khí này trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, vaccine không chỉ được dùng trong đối phó dịch bệnh mà còn cả trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trên toàn thế giới. Chính vai trò cấp thiết của vaccine COVID ở thời điểm này khiến nó trở thành một thứ vũ khí lợi hại mà những người sở hữu nó tận dụng tối đa.

Vaccine không chỉ cứu thoát những chính trị gia khỏi bị chỉ trích vì kết quả yếu kém trong công tác chống dịch, nó còn mở ra cơ hội giải thoát những nền kinh tế. Bản thân những quốc gia có thành tích chống dịch tốt cũng rất mong mỏi những loại vaccine này, bởi chỉ khi vaccine được tiêm chủng và có hiệu quả ở quy mô toàn cầu thì những cánh cửa biên giới đang đóng mới có thể mở lại bình thường, hòng cứu nguy cho những nền kinh tế đang thoi thóp sau một năm khó khăn vừa qua. Khi những cánh cửa đó được mở lại, vaccine có thể sẽ trở thành một điều kiện kiên quyết cho việc xuất nhập cảnh, một thứ chứng nhận bảo hiểm cho cuộc sống "bình thường mới" sắp tới.

Chính vì thế, vaccine đang được ví như "vàng lỏng", ai sở hữu vaccine cũng sẽ sở hữu quyền lực, tầm ảnh hưởng. Nó mở ra cuộc chạy đua với thời gian để bào chế ra loại vaccine đầu tiên, với hiệu quả cao nhất, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu chống dịch của riêng mình và để thực thi cái gọi là "ngoại giao vaccine", cũng như chiếm được thị phần lớn nhất cho thứ hàng hóa đang nóng bỏng nhất thế giới này.

Thứ vũ khí của thời đại

Cuộc chạy đua vaccine đã bắt đầu ngay khi COVID bắt đầu xuất hiện. Nước Nga đã nhanh chóng vươn lên trong giai đoạn đầu khi vào 8-2019, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đăng ký vaccine Sputnik-V là loại vaccine đầu tiên trên toàn thế giới. Nước Nga khi đó cũng đang khá thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, đã tạo ra tiếng vang lớn cho chính quyền ông Putin trên trường quốc tế. Cái tên Sputnik-V đặt theo tên của vệ tinh đầu tiên bay vào vũ trụ gợi nhớ đến chiến thắng của Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh cũng mang nhiều hàm ý. Thời điểm đó, cả thế giới hướng về Moskva với bao niềm hy vọng.

Ngay sau màn ra mắt hoành tráng của Sputnik-V là vaccine của Trung Quốc, khiến phương Tây không khỏi rúng động. Nếu vaccine của Nga và Trung Quốc thành công và được phân phát đến cả những khu vực ảnh hưởng của Mỹ và Tây Âu thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào uy tín, tầm ảnh hưởng của những nước này. Sau đó, những quy định về tình hình khẩn cấp đã cho phép các loại vaccine của phương Tây được đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, để rồi đến lúc này Pfizer-BioNtech đang là những người dẫn đầu. Sự phối hợp với Pfizer giúp gia tăng năng lực sản xuất để phổ biến vaccine của BioNtech đi khắp thế giới, đồng thời đem đến lợi thế tuyệt đối cho phương Tây. Nếu đến cuối tháng 3 tới, khi loại vaccine này chứng minh được hiệu quả và phổ biến khắp Tây Âu- Mỹ, nó hoàn toàn có thể trở thành một tiêu chuẩn mới.

Vaccine đang bị biến thành công cụ chính trị để tranh giành ảnh hưởng khắp nơi.

Nhưng, ngay cả khi Pfizer- BioNtech có thể thành công đến thế thì cuộc chiến vaccine vẫn chưa dừng lại. Nhiều quốc gia phương Tây được cho là đã đặt hàng lượng vaccine gấp nhiều lần mức cần thiết để làm khan nguồn hàng cung ứng ra bên ngoài. Thêm vào đó, giá thành vaccine phương Tây sản xuất bị đánh giá là quá cao tạo ra sức ép lớn với các nước đang phát triển. Ngay lập tức, Chính phủ Trung Quốc mới đây đã cam kết giành ưu tiên cho các nước châu Á, châu Phi tiếp cận các loại vaccine do nước này sản xuất. Một động thái rõ ràng muốn tranh giành ảnh hưởng tại khu vực những nước đang phát triển - vốn không có nhiều nguồn lực để tự nghiên cứu vaccine hay nhập khẩu từ phương Tây.

Ở quy mô từng quốc gia, vaccine cũng đã và đang trở thành thứ vũ khí lợi hại của mỗi chính trị gia. Thủ tướng Boris Johnson đã biến nước Anh trở thành nơi đầu tiên sử dụng vaccine như một biểu tượng của khả năng tự giải quyết vấn đề, trong hỗn loạn mang tên "hậu Brexit". EU quyết tâm thực hiện cam kết vaccine như một biểu tượng của đoàn kết nội khối. Tại Mỹ, kết quả cuộc bầu cử tổng thống bị tác động không nhỏ với màn đá đi đá lại giữa hai ứng cử viên liên quan đến việc ai đã hỗ trợ nhiều hơn cho vaccine ra đời. Ngay cả các quốc gia nhỏ khác cũng thấy được sự cấp thiết của việc sở hữu vaccine. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã công khai tuyên bố sẽ “đuổi” quân đội Mỹ ra khỏi đất nước mình nếu không sớm nhận được vaccine hỗ trợ. Với một thứ vũ khí có tính thời đại như vậy, các chính trị gia khó có thể lãng phí cơ hội tận dụng nó.

Chính việc vaccine đang bị chính trị hóa một cách mạnh mẽ như thế càng khiến cho cuộc chiến chung của toàn cầu để chống lại đại dịch trở nên khó đoán định. Thay vì hợp tác, viễn cảnh về sự chia rẽ hay thậm chí đối đầu về việc sở hữu vaccine ngày một trở nên rõ ràng. Khó có khả năng Mỹ hay EU sẽ sử dụng vaccine của Nga hay Trung Quốc và ngược lại. Với các quốc gia không có khả năng tự nghiên cứu vaccine, vấn đề bây giờ không chỉ là tìm cách để được sở hữu mà còn là sở hữu loại vaccine nào. Đó rõ ràng là một bài toán đau đầu của nhiều nhà lãnh đạo. Ở vào hoàn cảnh này, việc Việt Nam của chúng ta cũng có những thành công nhất định trong nghiên cứu vaccine của riêng mình càng đóng vai trò quan trọng.
Tử Uyên

Nguồn tin: cand.com.vn