Không lợi dụng cứu trợ để ăn chặn lòng nhân ái


Mảnh đất miền Trung nghèo, chịu đựng đủ mọi mất mát vì thiên tai, địch họa, "Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa". Để dành lấy sự sống người miền Trung kiên cường lao động để vươn tới ấm no, hạnh phúc, nhưng rồi mỗi lần bão tố tràn về đã cuốn phăng đi nhà cửa, trâu bò, cây cối và tất cả mồ hôi, nước mắt của người dân miền Trung cũng trôi theo dòng lũ dữ, khiến hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh đói nghèo. Cái đói, cái nghèo cứ chồng lên nhau.

Mỗi lần khúc ruột miền Trung bị nhấn chìm trong trong biển nước, cả dân tộc chúng ta cùng nhói đau. Trong lúc gian khó, từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến những người dân bình thường nhất; các tổ chức chính trị xã hội, các tôn giáo và tín ngưỡng, các tổ chức quốc tế và bà con Việt kiều sẵn lòng sẻ chia trái tim nhân ái. Những hạt gạo, những gói mì, nước uống, quần áo, chăn màn, những viên thuốc cho người già, em nhỏ trở nên quý giá vô cùng.

Nhiều đoàn cứu trợ mang lương thực tới ủng hộ bà con Quảng Bình trong tâm lũ tháng 10-2020.

Khi hoạn nạn chúng ta mới cảm nhận về nghĩa tình thủy chung, chia ngọt, sẻ bùi của đồng bào cả nước dành cho nhân dân miền Trung. Một miếng khi đói, bằng cả gói khi no, không chỉ là tấm lòng mà sâu xa hơn, đó là ước nguyện cùng nhau gánh trên vai những mất mát, muốn gửi tới cho nhau một trái tim trắc ẩn đôi khi còn phải vượt qua ngàn trùng xa xôi cách trở. Chỉ một cái nắm tay, hay gói mì nhỏ đủ làm ấm lòng: Gian khó rồi sẽ đi qua, tình người ở lại mãi.

Trong khi cả nước dồn tiền, của để cứu trợ các gia đình gặp hoạn nạn thì đã có không ít người đặt câu hỏi khi có nhiều cá nhân, tổ chức tự vận động quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung được số tiền lớn, lên đến vài chục, tới hàng trăm tỷ đồng thì việc giám sát sự minh bạch, công khai trong sử dụng nguồn lực đó như thế nào?

Lòng hảo tâm của đồng bào cả nước đến được tay người dân vùng lũ được bao nhiêu? Liệu có việc ăn chặn, ăn bớt trong việc làm từ thiện đó hay không?... Nếu tiếp tục cứu trợ không được công khai, minh bạch, không được tổ chức hiệu quả, đúng mục đích và nhất là không có sự giám sát mà cứ theo kiểu tự phát, tùy tiện thì chắc chắn rồi sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Những băn khoăn, lo lắng của xã hội không phải là không có cơ sở khi mà những câu chuyện hỗ trợ cho những gia đình nghèo, nhưng dê, bò, tiền... rủ nhau "lạc vào nhà cán bộ", rồi được công nhận là "hộ nghèo, cận nghèo", nhưng vẫn đi ôtô, ở nhà lầu, đau xót hơn cả là việc ăn chặn tiền cứu trợ đồng bào bị bão lũ, bớt xén tiền quà Tết của các gia đình chính sách… đã không còn là chuyện lạ, có thời điểm nó trở thành một điểm nóng, trong nhiều điểm nóng mà đất nước và nhân dân ta đang phải đối mặt và kiên quyết đấu tranh để những tấm lòng nhân ái và để tiền bạc mồ hôi công sức của Nhân dân không rơi vào vòng xoáy của tiêu cực, tham nhũng.

Có thể khẳng định, việc kêu gọi ủng hộ miền Trung trong lúc nguy khốn đều xuất phát từ cái tâm muốn làm việc thiện, từ tình yêu thương con người. Như câu ca dao từ ngàn đời còn vang vọng trong mỗi trái tim người con đất Việt:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Tuy nhiên, cuộc sống luôn rẽ theo những ngả đường khác nhau, có những con người rút ruột, rút gan ra làm việc giúp ích cho cộng đồng. Có thể ban đầu những người đứng lên vận động, kêu gọi không nghĩ rằng sẽ nhận được số tiền lớn như vậy nên đã không tiếc thời gian, công sức để vận động, kêu gọi quyên góp bằng mọi hình thức, rồi không quản ngại khó khăn đến tận nơi để trao cho người dân. Nhưng cũng không thiếu những kẻ bị đồng tiền làm mờ mắt, sẵn sàng phản bội lại truyền thống dân tộc hàng ngàn năm nay dựng xây nên bằng mồ hôi xương máu để tìm cách trục lợi trên nỗi đau của đồng loại.

Việc ăn chặn, ăn bớt tiền cứu trợ của nhân dân cả nước gửi đến đồng bào bị thiên tai, bão lũ, đến các hộ nghèo khó, gia đình chính sách, tiền chế độ đối với những người có công với dân, với nước đã gây bức xúc trong nhân dân. Những kẻ xà xẻo tiền cứu trợ, lạm dụng tấm lòng nhân ái là những kẻ vô lương tâm đã xâm hại đến đến đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam đó là "Đói cho sạch, rách cho thơm".

Có những vụ án làm thất thoát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng không làm ngạc nhiên dư luận, nhưng có những vụ án chỉ làm mất đi vài triệu thôi cũng đủ làm mọi người phẫn nộ. Đó là những kẻ vì lòng tham làm mất đi nhân cách làm người.

Trong những lúc đất nước rơi vào cơn nguy khốn, những giá trị đạo đức xã hội hơn bao giờ hết cần phải được tôn vinh, cần phải được nhân rộng nhằm xây dựng con người Việt Nam có nhân cách cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh để đưa dân tộc ta hướng tới ngày mai ngày càng tươi đẹp.

Cù Tất Dũng

Nguồn tin: cand.com.vn