Khúc dân ca miền biển


-… Sương biết không, ngày trước, khi đào mương dẫn nước vào những cánh đồng ven đê, bọn anh đã vớ được những cây gỗ lim đấy.

- Chắc là gỗ do lũ đưa về rồi bị vùi dưới phù sa hả anh?

- Không phải đâu, những cây gỗ lim đầu vát nhọn, thân lỗ chỗ tổ ong cắm thẳng đứng xuống tận phần đất cứng sâu trong lòng đất.

- Em vẫn chưa hiểu?

- Quả thật ngày ấy bọn anh cũng chưa nghĩ gì, nhưng sau này các nhà khoa học nói, chính những cây cọc gỗ đó đã góp phần không nhỏ trong những trận chiến trên sông Bạch Đằng.

- Quê anh nhiều huyền tích quá, lại đẹp nữa, em muốn về…

Như là một sự lỡ lời, như là một sự thú nhận, khuôn mặt Sương bất chợt đỏ ran, xấu hổ.

-Hết chiến tranh, rồi anh nhờ mẹ cha vào đây, đến nhà thưa với ba má em...xin em về…

- Không đâu… anh này kỳ…

Sương xấu hổ vụt chạy ra khỏi lán. Toàn thân lâng lâng như sắp lên cơn sốt. Cô không dám ngoái lại nhìn, nhưng biết rằng anh đang ngó theo cô, mỉm cười. Trời, con trai miền Bắc khi không chỉ khéo vơ vào!

Đêm đó, Sương bồi hồi khó ngủ. Câu nói rụt rè và như thể bâng quơ cứ rung mãi trong cô, chẳng hiểu sao mình lại nó ra câu ấy? Sương cứ tự chất vấn mình. Có một điều gì đó mới lạ đã đến trong Sương, cái điều mới lạ đó vừa vui, vừa hồi hộp có lúc như nghẹt thở và có một điều chắc chắn rằng, từ nay, kể từ bây giờ anh và Sương sẽ không còn vô tư như trước nữa...

Anh không sôi nổi, không có duyên khôi hài như anh Phương người Hà Nội, anh cũng không tốt giọng để hát những làn điệu chèo uyển chuyển và tình tứ như anh Nhữ tóc xoăn quê ở Thái Bình… Anh chỉ có những câu chuyện về quê hương, làng xóm với giọng kể nằng nặng, vậy mà dư âm của nó cứ làm Sương bâng khuâng, rồi suy nghĩ, rồi mất ngủ…

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Ra ở đâu cũng vậy thôi – cũng sông nước, cũng ruộng đồng, cũng cấy cày gặt hái, cũng những xóm thôn… Sương cảm thấy đất nước mình sao nơi nào cũng thân thương đến thế. Đất nước hiện lên trước hết từ một cái làng, một thôn xóm nơi cha mẹ sinh ra Sương. Đất nước rộng lớn bao la khi tầm nhìn của Sương đã vượt qua lỹ tre làng. Đất nước lớn lớn dần, lớn mãi tới một miền xa lắc, nơi có tiếng kẻng gọi người mỗi sớm mai ra đồng, nơi ngày mùa lúa chất đống những sân kho, và có những ngày hội cổ truyền… Ôi, phải chi… phải chi…

*

Năm Sương mười lăm tuổi – năm 1968, chính quyền Sài Gòn tuyên bố “bình định” xong huyện Tây, nơi gia đình Sương từng ở, từ đó gia đình Sương tan tác mỗi người một phương. Những ngày đó, đêm đêm chỉ có Sương ở nhà, và cô biết ngoài vườn, trong bóng tối lập lòe đom đóm, vẫn có toán dân vệ rình phục dưới gốc những cây mãng cầu.

Sương nằm co rúm dưới gầm bàn thờ, thon thót lo sợ mỗi chập nghe tiếng chó sủa, tiếng súng A.R.15 tặc tặc ngoài bìa ấp. Giờ đây cô không còn như năm ngoái năm kia nữa, không còn ngày ngày cun cút đi vừa lau nước mắt, lần theo con đường vắng quạnh, chỉ có tiếng ve rên rỉ từ những cành me xói xuống, xách cơm cho má, cho chị Hai bị chúng bắt giam trên đồn.

Sương biết khóc chẳng được gì. Cô khóc đã nhiều, khóc từ mười năm nay mà ba vẫn bị đày tận ngoài Côn Đảo; má vẫn bị chúng bắt hết lần này đến lần khác, và chị Hai vẫn đêm phải đi ngủ “tập trung”, bởi hằng đêm, vẫn có những bước chân rình rập, những viên đạn đã lên nòng chờ anh Hai và các đồng chí của anh nơi góc vườn…

Rồi đến một sớm mai, nai nịt gọn gàng, giỏ mang bên hông, Sương đến đứng cạnh chị Hai mà chị không hay. Chị đang âm thầm cúi vun góc bếp.

- Chị à, em đi bắt…

Sương chỉ nói được vậy, rồi chạy lẫn trong đám người sang sông bắt cá. Vừa chạy Sương vừa nuốt nước mắt, cố ghìm lòng để khỏi một lần ngoái nhìn người chị cực khổ bấy nay thay ba, thay má, thay anh Hai nuôi nấng dạy dỗ mình.

Hôm ấy, Sương quyết tìm cách “lạc” sâu trong rừng. Hai ngày lặn lội, đói khát, phấp phỏng, cuối cùng cô bị bắt. Nhưng cô không biết nói thế nào để thanh minh cho được. Rồi, lúc nghe chập chờn trong tiếng gió có tiếng hú gọi tên mình thì cô không thể nào bước đi được nữa, cô ngồi tựa lưng vào gốc bần. Bấy giờ cô mới khóc. Trời ơi, nếu bữa ấy không gặp được anh Hai thì chẳng biết rồi sẽ ra sao!

Năm ấy Sương sắp bước sang tuổi mười sáu.

Sau ít ngày nghỉ ngơi, Sương được các anh đưa lên khu học thêm văn hóa, rồi cô theo học một lớp y tá ngắn ngày. Xong, cô được điều về công tác ở huyện đội.

Các anh đến cơ quan huyện đội tự lúc nào, lặng lẽ và khiêm nhường. Ngày ấy cực lắm. Miền Tây vựa gạo nhưng hạt gạo từ vùng dân ra cứ nhiều phen thấm máu. Đêm đêm các anh đi. Đi đâu, làm gì, chỉ ban chỉ huy và các anh hay. Vất vả thế, sáng về, khi có vài chén cơm, khi một phong lương khô, cũng có khi chỉ húp cháo loãng. Chú Huyện đội trưởng bảo Sương:

- Cháu phải chăm sóc những chàng Yết Kiêu này thật chu đáo, nghe!

- Yết Kiêu là chi chú? – Sương ngây thơ hỏi.

- À, Yết Kiêu là… là những người bơi lăn giỏi, làm nổi những việc lớn. –Chú cười, tiếng cười thật vui, hồ hởi và tin cậy.

Sương không biết hỏi gì thêm. Cô cố gắng chăm sóc các anh chu đáo như lời dặn dò của chỉ huy. Cô kiểm tra mùng khi các anh đã ngủ, ép các anh uống hết liều thuốc phòng chống sốt rét, ngăn những ai vô ý có thể làm các anh thức giấc… Và Sương lặn lội tìm hái quả mắm đem về luộc, bắt cáy nấu canh với lá rừng, cải thiện bữa ăn.

Chiều ấy, khi nước đã lùi xa về biển, Sương vừa lội xuống bãi, bỗng nghe tiếng gọi phía sau. Cô giật mình ngoái lại:

- Trời, anh Hải! Anh làm em… Sao anh không chịu ngủ?

- Bụng lép kẹp, ngủ nghê sao được!

Anh nghẹo cổ, mắt nheo nheo như thể khôi hài, nhưng Sương chợt nghe buốt nhói trong lòng khi thấy gương mặt hốc hác, sạm đen của anh, đánh giặc đêm ngày, lại thiếu ăn thiếu ngủ, thiếu thuốc, còn muỗi mòng sên vắt. Các anh đã cực quá rồi…

- Bữa nay Sương cho tôi cùng làm với nhé.

Anh vừa nói vừa cúi xuống bện cao hai ống quần.

- Không được, anh còn phải ngủ lấy sức tối còn đi… với lại con trai miền Bắc hổng quen việc mò cua bắt ốc đâu anh ơi!

Sương vội ngăn, nhưng anh đã hăm hở sục chân xuống bùn. Đôi mắt dài thường tít lại mỗi khi vui cười, lập tức trở nên tinh nhanh trước những vết chấm li ti trên mặt bãi. Phút sau anh cúi xuống tóm gọn một lúc hai con cua bên gốc cây trang.

- Đây rồi!

Anh cười hồn nhiên quá. Sương càng ngạc nhiên. Đôi bàn chân to khỏe của anh bước trên bãi hà táo bạo và nhanh nhẹn như người ta đi trên đường phẳng. Giữa vô vàn những miệng lỗ dày đặc, anh gọi ra đâu là lỗ còng lỗ cáy, đâu là hang ổ của cá nhệch cá bớp.

- Sương biết không, bãi sông quê tôi cũng nhiều cá lắm. Mùa này tôi thường đi bẫy nác. Những chiếc bẫy làm bằng tre, giương trên miệng lỗ. Những chú cá nác nhắm tít mắt, vừa ngoi lên vừa lắc lắc cái đầu để rũ bùn. Pựt! Thế là cu cậu bị chẹt cổ. Chà, cá nác nấu với dọc mùng! Sương biết dọc mùng không?

Vừa nhanh tay xắn đất chặn bắt những chú cá thoi loi khôn ngoan luồn lần, anh vừa say sưa kể. Chưa bao giờ Sương thấy anh vui thế, cởi mở thế. Cô mải nghe, cứ xách giỏ theo anh lúc nào không hay. Những kỷ niệm về quê anh sao đằm thắm thế. Sao anh có thể nói về quê hương mình hay đến vậy, dù khi anh chỉ nhắc tới một buổi đi kiếm mật ong giữa rừng nước mặn, một buổi tối bạn bè rủ nhau đi chao cá đối ven sông hay một mùi thơm của quả lậu chín vào hồi tháng bảy, anh kể về sống Giá, về núi Tràng Kênh, đình Kiền Bái…

Chiều sau, rồi chiều sau nữa, chiều nào cô cũng có ý đợi anh, dù không dám lên tiếng rủ. Và chiều nào anh cũng không để cô thất vọng.

*

Giờ đây, trước mặt Sương, con sông Bạch Đằng cồn lên những đợt sóng bạc đầu. Con sông quê anh, con sông trong những câu chuyện anh kể… Khu rừng lậu ven đê mới bắt đầu đâm chồi sau những ngày rét mướt nhưng hương hoa sú đã ngọt lịm trong làn gió đông âm ẩm hơi nước. Và lúc này, con sông mênh mang hơn nhiều, sôi động hơn nhiều trong trí tưởng tượng của cô.

Những con tàu lừng lững. Những đoàn sà lan nối dài. Và buồm nâu rườm rợp. Dòng sông huyên náo trong tiếng còi xin luồng, tiếng động cơ, tiếng những ngọn sóng chồm lên bị chè xé, bị khuấy sôi. Không xa nơi Sương đứng là xưởng sửa chữa tàu thủy đang ầm ầm những âm thanh, chói gắt ánh lửa hàn. Xa hơn, một dải khói xanh đục bí ẩn tuôn lên từ trong khe núi.

- Đấy là nhà máy đất đèn, một cơ sở hóa chất mới xây dựng. Nghe nói đất đèn của ta được khách nước ngoài chuộng lắm. Hiện nay người ta đang tiếp tục xây thêm những lò có công suất cao hơn.

Bé,- cô bí thư Đoàn Ngũ Xá có vóc người chẳng hợp với tên cô chút nào đang giới thiệu cùng khách. Nhiều cặp mắt mở to trước cô gái không chỉ thông thạo công việc đồng áng mà còn tỏ ra am hiều tình hình trong vùng.

Sương không chen hỏi về khu cảng than, về vùng đồi thông xanh hút tầm mắt phía bên kia sông. Cô lặng ngắm những dải sóng trắng xóa chạy suốt từ sát chân đê ra quá giữa sông, như một đàn hải âu đang nhộn nhạo sắp vụt tóa lên khỏi mặt nước.

Ban nãy Bé giới thiệu đấy là ghềnh Cốc – một bãi đá ngầm. Nơi đây, bảy thế kỷ trước, quan quân nhà Trần đã vùi thây hàng vạn xác thù trong trận thủy chiến lừng lẫy. Giữa tiếng ầm ào của biển lớn ngoài kia đang lúc triều lên, tiếng nổ rền rền của những loại mìn phá đá phía thượng nguồn, nỗi bồn chồn vẫn không lắng lại trong lòng Sương.

Cô kín đáo nhìn nhanh gương mặt cô Bí thư xã Đoàn. Bé nghiêng nghiêng đầu đưa tay cài gọn lại mái tóc. Vài giọt mồ hôi lấm tấm trên má sau một hồi giải đáp quá nhiệt tình với khách. Chiếc áo cộc tay màu gụ rất vừa vặn, hài hòa với nước da nâu mịn của cô gái miền duyên hải. Vẻ đẹp riêng biệt của cô gái ấy giữa đám đông khiến Sương liên tưởng với cô em gái trong những câu chuyện anh kể hồi nào. Và cô xúc động nghĩ rằng mình đã đoán không nhầm, Bé nở nụ cười duyên dáng và chỉ tay xuống khoảnh đất trước mặt mọi người:

- Báo cáo các đồng chí, đây vốn là trận địa súng máy cao xạ của dân quân xã chúng tôi trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Anh chị em đã diệt hai máy bay phản lực của Mỹ, một chiếc đâm đầu ngay xuống cuối ghềnh Cốc kia, một chiếc cố bươn ra được đến cửa Nam Triệu…

Tất cả cùng “ồ” lên thán phục, và ai nấy cùng nhìn vội xuống cái nơi bây giờ chỉ còn là một màu xanh nhu mì của những vạt ngô.

Biết bao câu hỏi về chiến thuật, về kiểu loại những chiếc máy bay giặc, về cấp bậc, quê quán thằng giặc lái bị bắt sống…Bé đều trả lời rất rành mạch, chu đáo, riêng câu hỏi người chỉ huy trung đội dân quân hồi ấy giờ ở đâu, Bé chỉ trả lời qua loa và hai vành tai thì cứ đỏ tía lên. Sương phải cố ghìm câu hỏi của riêng mình. Trên đường về làng, chờ lúc Bé hơi lui về phía sau, Sương bước lại gần. Và, như hụt hơi vì hồi hộp, Sương hỏi:

- Bé… Bé có biết anh Hải.

- Anh Hải! – Bé dừng bước, ngước cặp mắt trong veo nhìn Sương, hàng lông mày cong cong rướn xếch lên, vùng trán có những nếp nhăn đột nhiên xuất hiện.

- Chị quen anh Hải?

- Phải, chị quen – Sương cảm giác tiếng nói của mình nhỏ quá.

- Trời ơi! Anh trai em đấy!

Bé reo to, bàn tay bá lên vai Sương, lắc mạnh.

Sương thấy tức thở:

- Anh Hải… Anh – Hải – bộ - đội, Bé à.

- Đúng rồi, anh Hải em đi bộ đội, vào Nam chiến đấu gần mười năm, vừa rồi mới ra nghỉ phép. Tiếc quá, anh trai vừa lên đường trả phép hôm qua.

Bé càng sôi nổi, và như những cô em gái khác vừa phát hiện điều bí mật ở anh trai, đôi mắt cô nàng rực lên vẻ thích thú.

- Không… không… - Tiếng Sương đứt quãng – Vùng trong chị trước đây có anh Hải là lính đặc công Hải quân đến hoạt động một thời gian. Ảnh bảo quê ảnh ở ven sông Bạch Đằng này. Mà anh hi sinh rồi Bé ơi!

Sương nói nhanh câu cuối cùng và lại một lần nóng rực hai mí mắt. Cô vội ngoảnh nhìn ra cánh đồng. Cánh đồng như thể bồng bềnh trước mặt. Sương cảm rõ có rất nhiều ánh mắt đang chăm chú hướng về phía mình.

- Thế thì anh ấy không ở xã em. Xã em có bốn anh Hải đi bộ đội, đều đã về cả. Chắc là anh ấy ở xã khác. Chị xem, dọc hai bờ sông có bao nhiêu là làng mạc thế kia…

Sương nín lặng. Con bói cá đậu trên đường dây điện cao thế đang thu mình soi mồi dưới dòng mương bỗng giật mình bay đi, tiếng “các các” xa dần phía rừng lậu. Vậy thôi. Vậy là chỉ có sự giống nhau ngẫu nhiên giữa hai khuôn mặt bầu bầu và nụ cười, nụ cười bao giờ cũng khiến đuôi con mắt nheo lại – Bé không phải là cô bé năm nào anh thường thương yêu nhắc tới. Và ven sông Bạch Đằng không phải chỉ có một làng Ngũ Xá nổi tiếng giàu đẹp này.

Buổi tối, Đoàn được mời xem vở chèo do đội văn nghệ xã tự biên tự diễn. Vở chèo nói về công cuộc khai hoang lấn biển. Bây giờ Bé trở thành cô dân công có nhiều sáng kiến trên công trường. Chiếc khăn đen chít trên đầu giữa cảnh sông nước mênh mông, cô lưu luyến tiễn dặn người yêu lên đường chiến đấu sau bao ngày cùng nhau đắp đê, nhổ sú.

Rủ là rủ nhau ới là xuống biển…

Lời ca cùng làn điệu dân ca ấy Sương mới nghe lần đầu. Và rõ ràng tích chèo chỉ nói về những người sản xuất, vậy mà Sương không cầm nổi nước mắt. Chao ơi, có lẽ nào, chính tâm hồn của anh, tâm tình của mình, giờ mới được gọi ra, được cất lên bằng một giai điệu tuyệt vời đến thế!

Rủ nhau xuống biển mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

Anh ơi gian khổ đã từng

Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau…

Sương nhớ chiều ấy nắng cũng vàng như nắng chiều nay giữa đồng làng Ngũ Xá.

- Đêm nay xong việc, ngày mai ta lại đi lận bãi nghe Sương.

Lần đầu tiên khi anh kín đáo nói với cô bằng giọng Nam Bộ. Rồi chia tay. Ba người, mỗi người một ba lô thuốc nổ, đi theo con đường mòn dẫn ra phía bờ sông. Ngày hôm sau anh không về đúng hẹn. Chỉ biết chiếc cầu trên tỉnh lộ bị đánh sập, giặc đang lồng lên, đang chặn bủa các ngả sông, các ngả đường. Hôm sau nữa các anh vẫn không về. Tin được phổ biến chính thức trong cơ quan: Trên đường rút ra, các anh sa vào ổ phục kích. Và sự im lặng kéo dài sau đó báo với Sương rằng anh và đồng đội anh đã hi sinh.

*

Giờ Sương đang sống những ngày cuối cùng của lớp tập huấn. Hà Nội mùa hè trời trong vắt, hồ trong vắt, tiếng ve cũng trong vắt. Đi dưới những hàng sấu um tùm lá biếc, Sương bồi hồi nhớ những hàng me quê nhà. Chương trình học được rút ngắn, chỉ còn ít bưa nữa Sương lại về với làng quê phương Nam, lại đi dưới những hàng cây quen thuộc ấy, lại thích thú để mặc những cánh hoa vàng nhỏ xíu trút xuống đậu trên mái tóc, đậu trên vai mỗi khi một cơn gió từ biển tràn vào. Trong đầu Sương đang chộn rộn biết bao là dự định. Cô nghĩ nhiều tới miền quê mình, nơi đất đai phì nhiêu mà kênh mương chưa hoàn chỉnh, ruộng đồng còn um tùm năng, lác. Và những bãi triều đất bồi ra bao la ven sông mỗi khi nước xuống. Những bãi triều năm xưa hai người vẫn đi lận cùng nhau…

- Chị để lại địa chỉ cho em. Có thể em sẽ hỏi bạn bè ở những xã bên, chắc em tìm được gia đình anh ấy…

Lúc chia tay, Bé hẹn vậy.

Mà sao mãi chưa thấy thư Bé gửi tới! Niềm mong mỏi đầy lên mỗi ngày. Ngày cuối cùng trên đất Bắc, một mình trong căn phòng rộng thênh tràn ngập tiếng ve dội vào qua cửa sổ cùng nỗi đợi chờ mỗi lúc thêm thấp thỏm, thêm bồn chồn, Sương chợt ngỡ ngàng bắt gặp mình đang thầm hát, và kỳ lạ thay, tiếng hát sao lại có thể hay đến vậy, luyến láy đúng như vậy với một làn điệu dân ca cô chỉ mới được nghe lần đầu:

Rủ là rủ nhau ới là xuống biển… tình dẫu mà tình ơi…!

Thủy Nguyên một ngày đầy gió

Truyện ngắn của CHU VĂN MƯỜI

Nguồn tin: cand.com.vn