Kiếm tiền qua mạng: Khi lợi nhuận mờ mắt người chơi


Mộng đổi đời bằng đào tiền ảo

Đầu năm 2021, nhận thấy sau khi có sự bứt phá về giá trị của đồng tiền ảo Bitcoin, lên tới 1,3 tỉ đồng/1BTC, trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Twitter,... xuất hiện nhiều nhóm trao đổi, thảo luận về cách khai thác các loại đồng tiền ảo Bitcoin, Ethereum, Dogecoin, Bitcoin Cash,... mong tìm kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhiều người đào tiền ảo bằng cách săn lùng những trang web, app đào tiền ảo qua đám mây điện toán (cloud mining) nhằm giúp cho họ có được lượng tiền nhanh hơn mà không phải tốn nhiều chi phí.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về vụ việc.

Đây được xem như một trào lưu của một số người luôn tìm kiếm các diễn đàn để săn tìm những status đăng tải đường dẫn các website, app đào tiền ảo nhưng thực chất họ vô tình tiếp tay cho tội phạm công nghệ cao qua một số trang web. Thực tế không phải trang web, app nào cũng thật sự là nơi tin tưởng để bạn đào tiền ảo. Tội phạm, Cryptojacking (tin tặc tiền điện tử) lợi dụng những trang web, app này để khai thác tài khoản, ví tiền của các nạn nhân, dùng các phần mềm độc hại, sau đó đánh cắp thông tin trên các thiết bị, thậm chí là các tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng và cuối cùng là chiếm đoạt tất cả tài sản có giá trị khác.

Thành viên có nickname Le Truc, thường xuất hiện trong diễn đàn “CỘNG ĐỒNG KIẾM TIỀN ONLINE” trên Facebook cho biết, lúc đầu chưa có kinh nghiệm, thấy một thành viên có nickname Long đăng tải một trang web kèm theo status: “Chỉ cần đăng ký đào token mới sẽ nhận được 200$/ngày ($=USDT, loại tiền điện tử bằng giá USD)...”, Le Truc đã nhờ Long hướng dẫn cách đăng ký và tham gia. Làm theo các hướng dẫn của Long, Le Truc nhận được 200$ đúng như lời của Long. Thế nhưng, để rút được số tiền này về ví, Truc phải sử dụng mã mời của mình mời thêm 20 người đăng ký vào trang web này. Gần 2 tháng mới mời được 20 người đăng ký, trang web này yêu cầu Le Truc phải xem hơn 100 video clip quảng cáo và những việc khác... Le Truc đành bỏ dở giữa chừng.

Một số website, app cho rút coin về ví lưu trữ của người đào nhưng những loại này không có giá trị hoặc giá trị thấp. Những loại coin có giá trị cao thì phải bỏ tiền USDT vào để đào và phải chờ thời gian rất dài, có khi lên đến hàng chục năm mới được 1 coin. Một số khác lợi dụng việc đăng ký của người chơi hoặc tải app về máy sẽ đánh cắp thông tin truy cập vào dữ liệu trên máy tính cũng như điện thoại người dùng, hơn thế nữa là chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho biết, khi người dùng tham gia hoạt động trên không gian mạng, những hacker, Cryptojacking lợi dụng sơ hở để gửi thông tin về máy tính, điện thoại của người dùng. Đó có thể là những đường link các website, quảng cáo hay app tải về điện thoại... Chỉ cần một chút lơ là, nhấp vào các thông tin này thì tất cả các dữ liệu trên máy tính, điện thoại, các thông tin giao dịch của người sử dụng sẽ bị các hacker, Cryptojaking xâm nhập đánh cắp thông tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người sử dụng.

Một sự kiện do nhóm tạo app tổ chức nhằm quảng bá, lôi kéo người chơi.

Các trang mạng xã hội với hàng trăm quảng cáo đầy “màu hồng”, “siêu lợi nhuận” sẽ lôi cuốn tính tò mò của những người muốn kiếm tiền qua mạng. Nhiều người suy nghĩ chỉ cần bỏ một ít thời gian, hay một ít vốn tham gia thử xem những lời quảng cáo này có đúng sự thật không. Kiếm tiền bằng những trang web, app kiểu lãi suất cao, thời gian đầu người chơi sẽ rất phấn khích. Vốn bỏ ra vẫn nguyên vẹn, tiền lời sau vài ngày được lấy về qua tài khoản ngân hàng.

Đây là một cách dụ dỗ, giăng bẫy. Không đề phòng, luôn tin tưởng trang web, app này là nơi mình sẽ đầu tư kiếm lợi nhuận cao, người chơi sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân,... tham gia đầu tư để tăng thêm thu nhập. Những người khác được người chơi giới thiệu cũng gửi lòng tin nhưng ban đầu chỉ nạp vốn ít. Nhưng, khi nhận được tiền lãi về thì hình như sự cẩn trọng được đổi sang sự tin tưởng tuyệt đối, có khi người chơi đem tất cả vốn liếng, thậm chí vay ngân hàng để nạp tiền vào các trang web, app này. Khi đã thấy đủ “no”, nhóm lập web, app sẽ tự cho sập trang, cuốn đi tất cả, để lại nhiều nỗi uất ức cho người chơi.

Nỗi cay đắng mang tên... Coolcat

Coolcat được quảng cáo là nền tảng giao dịch bảo hiểm vốn đầu tiên tại Việt Nam. Sàn giao dịch này thực hiện các giao dịch vàng, USD, Bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn và được quảng cáo là được ủy quyền và quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Bahamas. Coolcat tự nêu là công ty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam nên "an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ". Coolcat có 2 website chính là https://www.coolcat.com.vn và https://coolcatvietnam.com (các trang này hiện không thể truy cập). Chỉ cần người chơi vào đó và tải phần mềm Coolcat vào điện thoại di động, đăng nhập bằng số điện thoại của mình là có thể bắt đầu chơi.

Nhiều người đến Cơ quan Công an nộp đơn tố cáo Coolcat lừa đảo.

Sau khi tải phần mềm Coolcat, người chơi chỉ việc theo dõi, dự đoán giá vàng, Bitcoin lên hoặc xuống rồi bấm “nút”.

Cách chơi Coolcat như sau: Khi người chơi nộp tiền và tham gia app giao dịch Bitcoin (vào Thứ bảy, Chủ nhật) và thị trường vàng (từ Thứ hai đến Thứ sáu) người chơi sẽ hưởng lãi suất trung bình 2%/ngày, tương ứng với số tiền đầu tư theo các gói bảo hiểm định sẵn. Người tham gia chơi bằng cách dự đoán giá lên hoặc xuống của Bitcoin hoặc vàng. Nếu đoán đúng, người chơi nhận được 73% tiền thắng đã đặt lệnh, nếu dự đoán sai, người chơi sẽ bị mất số tiền đầu tư.

Mỗi ngày người chơi sẽ được giao dịch từ 11-16 lệnh. Nếu thua 6 lần liên tiếp, người chơi phải dừng lại, phải khai bảo hiểm, để được bảo hiểm đền 100% vốn (tiền đặt lệnh). Việc hoàn trả bảo hiểm được tự động trong ngày. Nói là bảo hiểm nhưng ngày đó người chơi gần như không nhận được đồng nào... Lệnh thứ 7 sẽ được chuyển giao cho chuyên gia của Coolcat giao dịch. Nếu lệnh thứ 7, chuyên gia giao dịch thắng thì người chơi không được chơi tiếp, ngày hôm sau mới được chơi.

Nhiều nạn nhân của Coolcat là do người thân lôi kéo.

Để được tham gia giao dịch có bảo hiểm 100% vốn thì nhà đầu tư phải bỏ ra một số tiền đầu tư theo các thang bậc tiền nộp vào app, thấp nhất 54 USD (gần 1,3 triệu đồng), mức tối đa là 9.146 USD (tương đương 210 triệu đồng).

Anh C.N (xin giấu tên) ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh, một nạn nhân cho biết, hiện có khoảng 600 người cùng cảnh ngộ như anh đã nộp đơn tố cáo đến Cơ quan công an với số tiền bị mất khoảng 200 tỉ đồng. Ứng dụng Coolcat đến thời điểm bị sập có khoảng hơn 68.000 thành viên, số tiền thiệt hại có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng (tính trung bình số tiền để giao dịch là 10 triệu đồng/tài khoản). Hiện chỉ nạn nhân bị thiệt hại từ 11 triệu đồng trở lên mới làm đơn tố cáo. Nạn nhân bị mất tiền thấp hơn thì đành coi đó là... bài học?

Ông Tuấn, ngụ quận 7 cho biết, thấy người thân của mình tham gia Coolcat có lời, đang dịch COVID-19, rảnh rỗi nên ông cũng mày mò tìm hiểu. Nghĩ đây là app có bảo hiểm, bỏ tiền ra chơi, lời ăn, lỗ đã có bảo hiểm vốn, không đắn đo, ông Tuấn tham gia. Ban đầu, lãi lời ông nhận đầy đủ. Được đồng lãi nào, ông nhập luôn vào vốn. Sau đó, ông huy động người thân, rồi vay ngân hàng để chơi lớn. Nhưng, mới được hơn tháng, Coolcat bỗng dưng bị sập. Ông Tuấn đang sở hữu 4 tài khoản (cả của người thân) và số tiền mỗi tài khoản của ông ở thang bậc cao nhất - 210 triệu đồng. Nhiều người khác cũng đã chơi và... mất tiền theo cách tương tự.

Kiếm tiền có dễ?

Không chỉ app Coolcat, nhiều app khác cũng trong tình trạng bỗng dưng biến mất. Nạn nhân tìm hiểu mới biết các app trên đều được quản lý ở... nước ngoài. Có điều, app này sập, app khác lại “mọc lên”. “Ma trận” lừa đảo bằng những web, app lại tiếp tục giăng bẫy cho những ai muốn kiếm lợi nhuận cao nhanh chóng.

Nỗi cay đắng mang tên... Coolcat.

Luật sư Đỗ Trúc Lâm - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lâm Trí Việt cho biết, những loại website, app điện thoại dạng này thường kêu gọi theo hình thức đa cấp, không có trụ sở rõ ràng. Tất nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ điều tra thì cơ quan chức năng sẽ có thể truy vết được các đối tượng lừa đảo nhưng sẽ rất khó khăn, phức tạp vì tội phạm sử dụng công nghệ cao, người bị hại không cung cấp được nhiều thông tin liên quan. Do vậy, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, hạn chế lòng tham mù quáng. Trường hợp không may bị lừa đảo thì cần tố giác ngay đến Cơ quan công an. Chính những thông tin do người dân cung cấp sẽ là cơ sở đầu mối truy bắt các đối tượng.

Hơn 600 đơn tố cáo

Ngày 28-4, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã nhận hơn 600 đơn tố cáo của các nạn nhân trong vụ sập sàn đầu tư “ảo” Coolcat. Hiện, Cơ quan CSĐT đang xác minh để xử lý triệt để các loại tội phạm này. Tội phạm trên không gian mạng rất phức tạp, khó phát hiện do có tính ẩn danh cao, việc phát hiện chủ tài khoản của các website, app kiếm tiền, sàn đầu tư “ảo” là rất khó, đòi hỏi biện pháp nghiệp vụ phải có chuyên môn giỏi về công nghệ thông tin.

Theo xu hướng, việc lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được tội phạm công nghệ cao sử dụng triệt để và không dừng lại. Các sàn đầu tư “ảo”, website, app điện thoại luôn là điểm ngắm săn lùng “con mồi” của tội phạm lừa đảo. Do đó, khi tham gia các website, app điện thoại, sàn đầu tư “ảo”, người dân cần cân nhắc thật kỹ, giữ mình trước những lời mời đầu tư trên mạng.

Sông Tiền – Đức Hà

Nguồn tin: cand.com.vn