Ký ức Đankia - Suối Vàng


Thám hiểm trên biển mây

Bác sĩ trẻ Yersin đang có nhiều cơ vận thăng tiến trong Viện nghiên cứu Pasteur (Pháp) thì anh bất ngờ xin nghỉ việc. Anh mơ những cuộc thám hiểm rừng xanh núi cao ở vùng thuộc địa Pháp ngày đó là Việt Nam (năm 1890). Người ta cho là anh đã hoài phí tuổi xuân và sự nghiệp.

Yersin còn là một trong những nhà nghiên cứu vi trùng học đầy tài năng. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn đã lôi kéo anh dấn thân phương trời xa. Yersin xin làm bác sĩ trên một con tàu lớn chạy hàng tuyến Sài Gòn-Hải Phòng. Rừng núi Trường Sơn bất ngờ lôi cuốn anh với sự đam mê không tưởng.

Đankia-Suối Vàng.

Có lần tàu cập bến vịnh biển Nha Trang vào tháng 7 năm 1891. Bác sĩ Yersin thử sức mình trong chuyến thám hiểm đầu tiên. Tự nhiên anh nảy ý định tìm ra con đường xuyên rừng lên núi rồi về Sài Gòn. Ngày đó chưa có đường bộ mà chỉ có những đường mòn ngắn trong từng vùng dân cư. Nếu không cứ dò từ những con suối mà leo lên núi.

Yersin mời được một nhóm người dân tộc K"ho dẫn đường. Hành trang mang theo là những chiếc ba lô nặng trĩu. Bất ngờ mây đen kéo đến đầy trời, ai nấy nhìn Yersin có vẻ ái ngại. Nhưng không chần chừ, Yersin xốc ba lô đi trước, rồi tất cả đi theo con đường mòn mà người đồng bào Thượng đã vạch ra. Cơn mưa rừng xối xả trên rừng cây.

Đường mòn dần mất hút ở những nơi không có nương rẫy. Mọi người tự chặt cành cây tán lá tạo đường, vượt những tảng đá chồng chất bên khe suối và hãi hùng nhất là vắt rừng. Những người K"ho đi cùng dù đã chuẩn bị kỹ trang phục nhưng Yersin vẫn phải vừa đi, vừa gạt vắt bu trên trán. Chiếc la bàn dẫn lối cũng thở dốc theo mọi người khi ngược dòng sông Mao.

Mãi đến ba ngày sau Yersin mới tới một bản nhỏ ở độ cao 1.200 mét (nay thuộc cao nguyên Di Linh). Mọi người phải xin ngủ lại ở nhà dân, và thức suốt đêm bên bếp lửa. Sáng hôm sau Yersin không thể đi tiếp được vì phải quay về bến cảng theo tầu đi tiếp về Sài Gòn. Trong sổ tay Yersin đánh dấu địa điểm dừng chân. Anh còn vẽ hình ảnh người phụ nữ cà răng căng tai trên miền cao nguyên Di Linh.

Ai ngờ khi vừa lên tàu, bác sĩ Yersin lên cơn sốt rét. Co ro trong mấy tấm chăn liền nhưng trong đầu của anh lại sáng bừng lên ý tưởng cho chuyến đi thứ hai. Yersin xin nghỉ việc tạm thời trên tàu để thực hiện ước mơ của mình vào năm 1892. Đó là hành trình đầy gian nan, bắt đầu từ Nha Trang và vẫn phải tự tìm đường mà đi.

Ngày đi đêm nghỉ, hoài bão của Yersin là khám phá những nơi chưa ai đến và vạch ra những con đường mới. Lần này Yersin tìm cách vượt Trường Sơn tới thượng nguồn sông Mê Kông. Anh sang tận vùng đất Lào, sau đó vượt rừng quay về Sài Gòn. Những dấu mốc được đánh dấu trên mỗi tọa độ khai phá con đường mới ngắn nhất nối với các tỉnh miền Nam Trung bộ và Sài Gòn.

Cuộc thám hiểm lần thứ ba vào tháng 3-1893 (kéo dài 5 tháng). Yersin còn được nhà nước Pháp và các đồng nghiệp hỗ trợ. Đoàn đi cùng lần này hùng hậu hơn với số lượng hàng chục người cùng ngựa và voi chở đồ. Nhưng chính sự đông đảo này đã làm mồi cho những đàn hổ báo trên rừng. Trong đoàn đã có người bị thương vì chống trả quyết liệt với thú rừng và may mắn thoát chết nhờ mũi súng của Yersin. Tinh thần của bác sĩ Yersin đã làm mọi người phấn chấn, cộng với sự can đảm của Yersin trong lần gặp toán cướp vượt ngục đã trấn an lòng người.

Đó là câu chuyện xảy ra vào tháng 5 năm 1893, khi đoàn thám hiểm đang vượt núi thì gặp toán cướp nổ súng. Ngay lập tức bác sĩ Yersin bắn trả khiến toán cướp bỏ chạy. Mọi người cùng Yersin truy đuổi cướp, nhưng bất ngờ Yersin bị tên phục kích quật một quả chùy vào ống chân khiến anh quỵ xuống và liên tiếp bị tên này đâm giáo vào người.

Tất nhiên toán cướp ngay sau đó bị quân đội ập tới bao vây bắt sống. Những người thám hiểm lại tiếp tục hành trình của mình. Chính vì Yersin bị thương nên cuộc thám hiểm phải chậm lại. Những miền đất mới vẫn còn ở phía trước. Yersin tiếp tục chống gậy lên đường, những mệt nhọc, đau đớn do bị thương đều được bỏ lại phía sau. Vậy là từ Nha Trang ngược núi, Yersin đi dọc thung lũng theo dòng sông Đa Nhim đến Đơn Dương.

Tượng chân dung bác sĩ Yersin tại Đà Lạt.

Đây là đoạn đường khổ ải nhất để mọi người vượt núi lên đèo Prenn rồi tới cánh rừng rậm ở Đankia. Khi chui qua rặng cây dằng dịt, bất ngờ Yersin nhìn thấy những thảo nguyên xanh mướt điệp trùng hiện ra trước mắt. Ngọn núi Lang Biang cao vút đầy sương mù như chọc thẳng lên trời xanh. Một không gian làm sững sờ tâm hồn lãng mạn Yersin.

Anh cho đoàn cắm trại tại thảo nguyên bên hồ Đankia và Suối Vàng. Đó chính là giây phút thần tiên khi Yersin phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên. Khởi nguồn cho việc xây dựng thành phố Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng ngày nay. Yersin ghi vào sổ tay dấu mốc kỳ diệu này: "15g30 ngày 21-6-1893". Đây cũng là thời điểm được tính cho sự ra đời của thành phố Đà Lạt.

Có nghe chăng Cam Ly

Sau này thành phố Đà Lạt được xây dựng cách Đankia chừng dăm cây số đường chim bay. Mục đích tránh độ ẩm quá cao do dãy núi Lang Biang đổ xuống. Hơn nữa ở vị trí mới, thành phố Đà Lạt là một thung lũng rộng nằm ở độ cao 1.500 mét nên khí hậu trong lành.

Nhưng theo người hướng dẫn viên cho biết điều quan trọng nhất là Đà Lạt có con suối Cam Ly chảy qua. Đây là con suối lớn bắt nguồn từ dẫy núi Lang Biang dài tới 65 km. Vào mùa nước lớn về, suối Cam Ly không khác gì con sông dữ tạo nên dòng chảy như thác tràn lũ quét. Trên đường nhập vào sông Đà Dâng và sông Đa Nhim, suối Cam Ly đã tạo nên biết bao cảnh quan kỳ thú cho thành phố Đà Lạt.

Những người dân tộc K"ho xưa sống dọc theo suối Cam Ly. Khi người Pháp đến đây cũng bám theo con suối mà thiết kế thành phố ở các độ cao khác nhau. Linh hồn của thành phố chính là hồ Xuân Hương được chặn từ dòng nước suối Cam Ly mà thành. Hồ tựa như lá phổi của Đà Lạt và những biệt thự mọc lên từ những ngọn đồi xung quanh. Chợ lớn Đà Lạt cũng được xây dựng ngay trên bờ suối Cam Ly kế bên hồ Xuân Hương.

Những thổ dân K"ho sống quanh suối Cam Ly đã bị dồn về phía chân núi Lang Biang và trụ lại vùng Đankia (Lạc Dương). Hiện nay hồ nước Đankia và Suối Vàng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho thành phố Đà Lạt.

Thác Cam Ly hơn trăm năm qua đã trở thành một điểm vui chơi giải trí của người dân địa phương và du khách. Không những thế, suối Cam Ly còn hình thành con sông Cam Ly ở phía Đông Bắc thành phố, và cuối cùng còn hồ đập Cam Ly để điều tiết nước cho mỗi khi lũ về. Chúng tôi dừng chân tại đồi thông bên hồ Than Thở. Đây là điểm nhấn thơ mộng của suối Cam Ly.

Hồ Than Thở đã ẩn dấu biết bao mối tình dang dở và ngang trái. Không ai có thể quên câu chuyện "Đồi thông hai mộ" kể về cuộc tình bi thảm của cô giáo Thảo. Cô đã tự vẫn dưới hồ khi nghe tin người yêu lấy vợ. Còn chàng sĩ quan kia đã xung phong vào chiến trường để nhận lấy cái chết. Nguyện vọng cuối cùng của chàng là được chôn bên cạnh người mình yêu.

Du khách đến đây đều được nghe những lời ca: "Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời/ Thông reo vi vu Than Thở như ngậm ngùi/ Lữ khách bâng khuâng, thương nhớ vô vàn/ Cuộc tình duyên nàng trinh nữ" (Thương về miền đất lạnh-Minh Kỳ).

Xứ ngàn hoa này quanh năm được mùa cũng nhờ đến dòng nước Cam Ly. Từ độ cao tràn về các vườn nhà. Hoa mọc lên ngát thơm và đằm thắm. Hồ Xuân Hương lúc nào cũng dịu dàng và thơ mộng trong lòng người: "Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều/ Đề nghe dưới nước đáy hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ và để nghe trời giải nghĩa yêu" (Hàn Mặc Tử).

Vương Tâm

Nguồn tin: cand.com.vn