Làm con tỷ phú có sướng không?


"Chẳng sung sướng gì đâu"

Hãy thử tưởng tượng bạn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tỷ phú. Ngay từ ngày còn nhỏ, bạn đã sở hữu mọi thứ đồ chơi mà những đứa trẻ cùng trang lứa chỉ dám ao ước. Lớn hơn một chút, bạn theo học ở trường quốc tế, thậm chí gia đình sẵn sàng bỏ tiền thuê giáo viên về dạy tại nhà nếu bạn không muốn đến trường. Đến tuổi trưởng thành, bạn nhận ra mình không nhất thiết phải đi làm bởi gia đình sẽ chu cấp cho bạn mọi thứ.

Cảnh tượng trong mơ đó có thể khiến một vài người mỉm cười, nhưng là địa ngục trần gian với những ai muốn cố gắng không ngừng để vươn lên trong cuộc sống. Thừa hưởng đầy đủ mọi thứ khiến trẻ em mất đi động lực phát triển bản thân. Nếu có quá nhiều tiền ngay từ nhỏ, chúng sẽ không còn đam mê và khao khát học tập nữa. Tại sao phải thay đổi bản thân, kiếm nhiều tiền hơn khi gia đình đã làm mọi thứ đó rồi?

Lucy Birtwistle, trưởng phòng quan hệ khách hàng tại một công ty gia đình của Mỹ có tên Stonehage Fleming chia sẻ: "Tôi đã làm việc cùng nhiều người thừa kế của những gia đình danh giá. Họ từng thẳng thừng nói họ không nhất thiết phải vào đại học hay đến trường. Cuối cùng họ cũng điều hành công ty do cha mẹ mình để lại, thế nên nếu họ có đỗ Harvard thì cũng chẳng ai ấn tượng. Số phận đã sắp đặt sẵn công việc của họ ngay từ đầu".

Sống trong nhung lụa khiến những người thừa kế mất động lực kiếm tiền.

Câu chuyện của Birtwistle cho thấy một phần mặt trái của những đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa. Bề ngoài có vẻ chúng được chăm chút tốt hơn, học hành tốt hơn; nhưng ở mặt khác, chúng là những đứa trẻ bất hạnh. Ai cũng cần có một mục đích sống để thức dậy vào mỗi buổi sáng, nếu không khả năng của họ sẽ dần thui chột trong tương lai. Cuối cùng, những con người sáng giá trước kia chỉ biết nằm ườn trên giường chờ một ngày qua đi.

Thiếu động lực không phải nguyên nhân duy nhất khiến một số con cái của các bậc tỷ phú không muốn phấn đấu vượt qua cha mẹ mình. Là người có kinh nghiệm vực dậy các công ty gia đình lâm vào tình trạng bết bát sau khi cha mẹ để lại cho con cái, Sandy Loder, Giám đốc tập đoàn tư vấn tài chính AH Loder tin các bậc phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm. Họ quá mải mê kiếm tiền mà quên đi con cái khi chúng còn nhỏ, rồi cho quá nhiều tiền tiêu khi chúng lớn lên.

Georgina Bloomberg là một trong những người không ngần ngại phơi bày mặt trái của việc làm con tỷ phú. Cô chứng kiến cha mẹ mình ly dị năm cô lên 10 tuổi, và tiền bạc chẳng thể nào mua được sự thiếu thốn hình bóng người mẹ trong gia đình. Lúc còn tuổi teen, con gái rượu của ông trùm tài chính Michael Bloomberg sẵn sàng nhận lời tham gia vào một bộ phim tài liệu để giãi bày lòng mình trong một câu: "Làm con tỷ phú chẳng sung sướng gì đâu".

Mặt trái của mạng xã hội

Giới siêu giàu không bao giờ muốn con cái mình sử dụng quá nhiều máy tính, điện thoại di động hay chìm đắm trên mạng xã hội. Họ đặt ra vô số rào cản để hạn chế các cậu ấm cô chiêu giao du với thế giới ảo, nhưng không phải ai cũng thành công. Đứa trẻ nào cũng muốn món quà sinh nhật của mình là một chiếc điện thoại hoặc máy tính đời mới để giúp chúng hòa nhập với bạn bè ở trường, và một câu chuyện khác bắt đầu từ đó.

Khoe giàu trên mạng xã hội là thói quen của nhiều cậu ấm cô chiêu.

Khoe khoang sự giàu có là nhu cầu tất yếu của một bộ phận giới siêu giàu, và người thừa kế của các triệu phú, tỷ phú cũng không nằm ngoài quy luật đó. Một ngôi nhà lớn, một chiếc siêu xe phiên bản giới hạn là thứ ai cũng phải có để chứng minh sự hơn người. Sở hữu thôi chưa đủ, hình ảnh về chúng phải được đưa lên Internet, mạng xã hội để ai cũng có thể chiêm ngưỡng, trầm trồ khen ngợi, thậm chí là ghen tỵ. Ai cũng muốn trở thành "ông hoàng Instagram" như Dan Bilzerian với những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng cùng hàng chục chân dài vây quanh.

"Mạng xã hội không làm cải thiện tình trạng đó, mà chỉ khiến nó ngày càng tệ đi. Xu hướng khoe giàu nở rộ ở mọi nơi, tới mức nó trở thành đề tài được nhắc đến thường xuyên", Loder nhận định. Những tài khoản có tên "Con nhà giàu nước Mỹ",... không thiếu trên Facebook hay Instagram để phô bày lối sống vương giả của các cậu ấm cô chiêu. Khi một người khoe khoang, lập tức có những người khác cảm thấy ghen tỵ và muốn tỏ ra mình giàu hơn, chịu chơi hơn.

Không ít thân chủ của Loder là những cậu ấm cô chiêu có thói quen cứ mỗi phút lại phải ngó vào điện thoại di động ít nhất một lần. Họ để ý từng thông báo trên mạng xã hội để quan sát những ai thích bài viết của mình, và bình luận tốt hay xấu về nội dung họ đăng lên mỗi ngày. Loder nhắc nhở thân chủ nhiều lần nhưng tình trạng vẫn không đổi, tới mức ông phải nhắc cô chiêu kia lập tức tắt điện thoại nếu không muốn buổi làm việc phải dừng.

Nghiêm khắc với những người sống trong tình cảnh sinh ra đã giàu nhưng Loder ít nhiều cũng thông cảm với họ. Theo quan điểm của ông, không ít cậu ấm cô chiêu thực sự cần được giúp đỡ để có cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc sống. Sinh ra trong cảnh nhung lụa, đôi lúc họ còn chẳng biết làm gì với số tiền họ nắm giữ. Đó chính là tiền đề xấu để những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng ra đời khi người thừa kế cảm thấy đó là cách chứng tỏ bản thân.

Nghĩ lại và từ bỏ

Những rắc rối xung quanh chuyện thừa kế tiền bạc cha mẹ để lại là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh siêu giàu cân nhắc không để con cái mình nghiễm nhiên hưởng số tiền lớn mình để lại. Tỷ phú Anh John Caudwell mới đây khiến mọi người bất ngờ với thông báo đem 70% tài sản mình có để phục vụ các công tác xã hội thay vì đưa cho con cái. Những người như Bill Gates hay Mark Zuckerberg còn muốn cho đi đến 99%, nhưng đôi lúc họ cảm thấy như thế vẫn là chưa đủ.

Alex Shih muốn tự thân lập nghiệp chứ không dựa dẫm gia đình.

Lý giải về tư duy "cho đi hết" của mình, Caudwell nói: "Nếu chúng tôi có hàng tỷ USD trong tài khoản, việc để lại 1%, 10% hay 30% cho con cái mình cũng chẳng khác nhau là mấy. Tỷ lệ có thể khác biệt, nhưng con số nhìn chung vẫn lên tới hàng trăm triệu USD. Bọn trẻ vẫn ngồi trên số tiền kếch sù do cha mẹ chúng làm ra mà không biết cách trân trọng nó, thế nên chúng dễ dàng sống lệch lạc và tự hủy hoại bản thân bằng chính số tiền đó".

Ở tầm triệu phú, có khoảng 20% trong số họ chia sẻ không có ý định để lại tiền bạc cho con mình. Thay vào đó, họ sẽ lên kế hoạch chi tiêu hoặc sử dụng số tiền ấy cho bản thân và cộng đồng. Nghe qua đây có vẻ là một lựa chọn điên rồ, nhưng giới siêu giàu lại cảm thấy làm vậy sẽ tốt hơn cho con cái họ trong tương lai. Chúng nên học cách kiếm tiền và tích cóp từng đồng một để trân trọng tiền bạc hơn, thay vì chỉ biết ăn không ngồi rồi tiêu xài phung phí.

Tự nhận ra việc hưởng sái tiền bạc của cha mẹ chỉ khiến mình thui chột dần trong tương lai, Alex Shih sớm tuyên bố tách hoàn toàn khỏi những hoạt động kinh doanh của gia đình. Con trai nhà tỷ phú bất động sản Hong Kong Wing-Ching Shih nói cá nhân anh cảm thấy vô cùng thanh thản khi sống trong một căn hộ nhỏ thay vì biệt thự lớn của gia đình anh. Hai cha con Alex cũng từng tranh cãi nảy lửa về điều đó, nhưng cuối cùng ông cũng phải miễn cưỡng chấp nhận lựa chọn của cậu con trai.

Vậy đâu là động cơ thực sự đằng sau việc các triệu phú, tỷ phú muốn cho đi nhiều hơn? Tình mẫu tử, phụ tử thường không được xét đến quá nhiều trong trường hợp này khi những người siêu giàu thường bị ám ảnh với giấc mơ được hiện thực hóa bằng khối tài sản họ nắm giữ.

Đôi lúc họ muốn cơ ngơi của mình được chuyển giao cho một ai đó có khả năng duy trì và tiếp tục phát huy giá trị, và không nhất thiết phải là người thân trong gia đình. Đưa cho người ngoài sẽ tốt hơn nếu như con cái họ chẳng thể quản lý, thậm chí có thể phá hủy những gì họ dày công gây dựng trước kia.

Hải Sơn

Nguồn tin: cand.com.vn