“Le Manoir”- Vén màn bí mật 200 năm của Nhà Trắng

Maurin Picard là nhà sử học người Mỹ và là cộng tác viên của tờ Le Figaro của Pháp. Cuốn sách “Le Manoir - Histoire et histoires de la Maison Blanche” mà ông vừa mới cho ra mắt bạn đọc trong tháng 10 vừa qua dày hơn 300 trang cho người đọc thấy rõ hơn về lịch sử của nước Mỹ thông qua Nhà Trắng-một biểu tượng quyền lực của nước Mỹ. Trong cuốn sách này, Maurin Picard đã “mổ xẻ” lịch sử của Nhà Trắng thông qua những câu chuyện nhỏ nhưng mang bí mật lớn. Bề dày lịch sử của Nhà Trắng Nhà Trắng, nằm ở thủ đô Washington, là nơi ở và văn phòng chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ. Tòa nhà này từng là nơi ở và làm việc của tất cả các đời tổng thống Mỹ kể từ thời John Adams (1735-1826). Ngày nay, cụm từ “Nhà Trắng” đã được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày để chỉ chính quyền của tổng thống.

 


Maurin Picard là nhà sử học người Mỹ và là cộng tác viên của tờ Le Figaro của Pháp. Cuốn sách “Le Manoir - Histoire et histoires de la Maison Blanche” mà ông vừa mới cho ra mắt bạn đọc trong tháng 10 vừa qua dày hơn 300 trang cho người đọc thấy rõ hơn về lịch sử của nước Mỹ thông qua Nhà Trắng-một biểu tượng quyền lực của nước Mỹ. Trong cuốn sách này, Maurin Picard đã “mổ xẻ” lịch sử của Nhà Trắng thông qua những câu chuyện nhỏ nhưng mang bí mật lớn.

Bề dày lịch sử của Nhà Trắng

Nhà Trắng, nằm ở thủ đô Washington, là nơi ở và văn phòng chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ. Tòa nhà này từng là nơi ở và làm việc của tất cả các đời tổng thống Mỹ kể từ thời John Adams (1735-1826). Ngày nay, cụm từ “Nhà Trắng” đã được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày để chỉ chính quyền của tổng thống.

Người vẽ bản thiết kế Nhà Trắng là kiến trúc sư người Ireland, ông James Hoban - người đã vẽ rất nhiều về Cung điện Ducal ở Dublin, Ireland. Trước đó, chính quyền Mỹ đã tổ chức một cuộc thi vẽ thiết kế Dinh tổng thống. Sau một thời gian phát động, 9 đề xuất đã được lựa chọn và chính Tổng thống Mỹ Washington đã lựa chọn dự án của ông James Hoban.

 
Bìa ngoài cuốn sách “Le Manoir” của tác giả Maurin Picard. Ảnh: Le Figaro.

Tòa nhà lấy cảm hứng từ phong cách Georgia này được xây dựng từ năm 1792 đến năm 1800 và việc đặt viên đá đầu tiên diễn ra vào ngày 13/10/1792. Nhà Trắng được xây dựng một phần bởi những nô lệ da đen, sau đó trong cuộc chiến năm 1812-1815, toà nhà bị đốt cháy khi binh lính Anh tấn công thành phố Washington, D.C. Để che lấp thiệt hại từ vụ hoả hoạn, người ta đã sơn cả toà nhà cùng một màu trắng.

Nhà Trắng có diện tích sàn là 5.100 m² trong khuôn viên rộng khoảng 7 ha, gồm 6 tầng. Bên trong toà nhà có đến 412 cửa ra vào và 147 cửa sổ được chia thành 132 phòng ở, phòng làm việc, 35 phòng tắm và 28 lò sưởi. Để đi lại trong toà nhà, mọi người có thể sử dụng 8 cầu thang bộ và 3 thang máy. Tòa nhà nhà có 1 sân tennis, 1 đường bowling, 1 đường chạy, 1 hồ bơi và 1 rạp chiếu phim để phục vụ các nhu cầu giải trí và luyện tập.

Nhà Trắng chào đón người ở đầu tiên vào ngày 1/11/1800, khi công việc xây dựng vẫn chưa hoàn tất. Ban đầu, tòa nhà này được gọi là "Dinh Tổng thống". Tên gọi Nhà Trắng được chứng thực từ năm 1811. Tuy nhiên, phải đến năm 1901, Tổng thống Theodore Roosevelt mới chính thức hóa tên này bằng cách đưa thành ngữ "Nhà Trắng-Washington" vào tiêu đề bức thư của mình.

Cũng tại đây, Tổng thống Theodore Roosevelt đã khánh thành Phòng Bầu dục vào năm 1905. Ông còn thành lập Cơ quan Mật vụ, chịu trách nhiệm bảo vệ các tổng thống 24/24 giờ. Năm 1942, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã xây dựng một boong-ke nằm sâu dưới lòng đất. Trong khi đó, Tổng thống Harry S.Truman, Tổng thống thứ 34 của nước Mỹ, lại phải rời đi nơi khác ở do Nhà trắng được sửa chữa. Ngoài ra, Nhà Trắng còn có “Phòng Tình huống”, căn phòng được Tổng thống Kennedy yêu cầu xây dựng sau sự kiện thất bại của Vịnh Con lợn vào năm 1961. Căn phòng này được thiết kế đặc biệt để phòng ngừa các vụ khủng bố.

Nhà Trắng đã trải qua nhiều thay đổi sâu sắc trong suốt lịch sử của nó. Hai cánh, được gọi là cánh Đông và cánh Tây, đã được bổ sung vào đầu thế kỷ 20 ở mỗi bên của tòa nhà để có thể chứa tất cả các thành viên trong văn phòng tổng thống. Tòa nhà được cải tạo hoàn toàn vào những năm 1940 để thay thế gỗ ban đầu bằng bê tông và dầm kim loại.

Ngày nay, các tòa nhà Tổng thống (được gọi là "Khu phức hợp Nhà Trắng") bao gồm: Tòa nhà trung tâm hoặc Dinh thự điều hành, nơi có các căn hộ của Tổng thống và các phòng dành cho các buổi lễ và chiêu đãi chính thức; Cánh Đông và Cánh Tây; Tòa nhà Văn phòng điều hành cũ, nơi đặt Văn phòng Điều hành của Tổng thống và Văn phòng Phó Tổng thống. Tổng cộng, Nhà Trắng có hàng trăm văn phòng, trong đó có Phòng Bầu dục nổi tiếng.

“Chứng nhân” lịch sử

Trải qua 200 năm, Nhà Trắng là “chứng nhân” của rất nhiều sự kiện, thậm chí các biến cố từ các đời tổng thống Mỹ. Trong cuốn sách “Le Manoir”, nhà sử học Maurin Picard đã đề cập rất nhiều chi tiết về vị Tổng thống Mỹ George Washington, người chưa từng sống ở Nhà Trắng, nhưng đã thiết kế nó như “dinh thự tư sản lớn nhất nước Mỹ”.

 
Tổng thống Ronald Regean phát biểu tại Nhà Trắng tháng 1/1981. Ảnh: Le Figaro.

Tác giả cũng không quên nhắc đến chiếc điện thoại đầu tiên được phát minh bởi nhà khoa học Alexander Graham Bell đã được giới thiệu tại Nhà Trắng vào năm 1877. Một năm sau đó, Nhà Trắng cũng được ghi dấu là địa điểm ra mắt chiếc máy quay đĩa đầu tiên trên thế giới của nhà phát minh Thomas Alva Edison.

Nhắc đến Nhà Trắng, người ta sẽ đề cập đến nơi ra đời của bản “Tuyên ngôn giải phóng nô lệ” được Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, soạn thảo và hoàn thiện năm 1863. Trong thời kỳ Đại khủng hoảng những năm 1930, đây cũng là địa điểm mà Tổng thống Franklin Delano Roosevelt bắt đầu “cuộc nói chuyện thân mật” của mình qua đài phát thanh để xoa dịu tâm lý hoang mang của người dân Mỹ vào thời điểm đó.

Cuốn sách “Le Manoir” đã mở ra cho người đọc rất nhiều điều bất ngờ thú vị. Trong cuốn sách này, nhà sử học Maurin Picard kể lại: “Khi Đệ nhất Phu nhân Edith Wilson mở cửa sổ phòng ngủ của chồng mình, Tổng thống Woodrow Wilson, lúc 9 giờ ngày 5/2/1919, bà thấy chồng mình nằm gục trên sàn lát gạch phòng tắm liền kề. Tổng thống Woodrow Wilson không cử động. Bác sĩ riêng của tổng thống, ông Cary Grayson thốt lên: “Chúa ơi, Tổng thống đã bị liệt!”.

Tổng thống thứ 28 của nước Mỹ mắc chứng liệt nửa người sau một cơn đột quỵ. Phần trái cơ thể của ông không phản ứng gì, ông mất khả năng nói cũng như nhìn bằng mắt trái. Thứ duy nhất mà ông nhìn thấy là một phần khung cảnh khi nhìn thẳng.

Tổng thống Woodrow Wilson hoàn toàn bị cô lập ngay sau đó. Công việc hằng ngày của tổng thống bỗng dưng trở thành gánh nặng lớn trên đôi vai của bệnh nhân liệt như ông. Theo Hiến pháp nước Mỹ, nếu một thông tin chính thức, dù nhỏ nhất, cho thấy sức khỏe của tổng thống đương nhiệm không ổn định thì công việc hành pháp sẽ được giao cho phó tổng thống.

Tuy nhiên, Đệ nhất Phu nhân Edith Wilson có ấn tượng không tốt về Phó tổng thống Thomas Riley Marshall bởi cách hành xử khó hiểu, đôi khi còn thô lỗ của ông. Do đó, bà Edith Wilson đã che giấu tình trạng của chồng mình trước công chúng cũng như với các thành viên trong nội các, đồng thời từ chối chuyển giao quyền lực cho ông Thomas Riley Marshall. Một mình bà đã giải quyết công việc của tổng thống, thậm chí còn ký một vài sắc lệnh khẩn cấp.

Chiếc thảm “máu” và những cơn ác mộng ở Nhà Trắng

Khi chuyển đến ở Nhà Trắng, một lần Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy chia sẻ với bạn: “Cảm giác dường như không có thứ gì xảy ra trong ngôi nhà này. Ôi Chúa ơi, nó như một ngục tối thực sự, vừa lạnh lẽo, vừa thê lương”. Nhưng thực tế ngược với suy nghĩ của bà.

 
Tổng thống Donald Trump làm việc tại Nhà Trắng Ảnh: AFP.

Mùa thu năm 1963, Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy xin phép chồng là Tổng thống John Fitzgerald Kennedy được cải tạo phòng Bầu dục trong Nhà Trắng. Căn phòng này có từ thời Tổng thống Truman vốn được trang trí bằng những tấm rèm cửa sổ màu xám và thảm màu xanh phù hợp với con dấu của tổng thống. Mong muốn tạo sự mới mẻ và khác lạ, bà Jackie Kennedy quyết định cho thợ thay thế bằng rèm màu trắng và thảm màu đỏ tươi - màu máu.

Để sự thay đổi này gây bất ngờ với chồng và thêm thời gian cho các công nhân làm việc, Tổng thống John Kennedy phải vắng mặt ở Nhà Trắng ít nhất 36 giờ. Chuyến đi của nhà lãnh đạo Mỹ đến bang Texas diễn ra đúng thời điểm đó. Phu nhân Jackie Kennedy, lần đầu tiên kể từ sau chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1960, quyết định đi cùng chồng tới Texas. Trước chuyến đi, bà để lại lời nhắn, rằng mọi thứ hãy chuẩn bị sẵn sàng khi họ trở về sau hai ngày. Bà chắc rằng điều này sẽ gây bất ngờ cho Tổng thống ngay khi ông mở cánh cửa vào Phòng Bầu dục.

Tuy nhiên, Tổng thống Kennedy không còn cơ hội để quay lại Nhà Trắng. Thứ sáu ngày 22/11/1963, lúc 12 giờ 30 phút, giờ Texas, khi chiếc xe Limousine của ông đang hướng lái về Dealy Plaza, vị tổng thống này bị ám sát bởi nhiều phát đạn ngay giữa trung tâm thành phố Dallas từ tay súng bắn tỉa, vốn là cựu hải quân và từng đào tẩu qua miền Đông nước Mỹ, Lee Harvey Oswald.

Khi điện thoại đổ chuông một giờ sau đó để báo tin về Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy mới biết những gì các công nhân đang làm ở phòng Bầu dục. “Ôi Chúa ơi! Họ đang trải một tấm thảm màu đỏ máu trong văn phòng tổng thống! Phải dừng họ lại ngay!”, McGeorge Bundy gào lên.

Sau này, người ta đồn rằng, việc thay rèm và thảm như một dự báo Nhà Trắng sẽ có chủ nhân mới…

Trở thành người kế nhiệm Tổng thống Kennedy, thế nhưng nhiều đêm ngủ trong Nhà Trắng, Tổng thống thứ 36 của nước Mỹ Lyndon Johnson thường xuyên gặp ác mộng.

Tác giả Maurin Picard kể lại trong “Le Manoir”: “Trong khi mọi người đang ngủ say, Tổng thống Lyndon Johnson liên tục bị bao vây bởi những cơn ác mộng: ông mơ thấy mình bị liệt từ đầu đến chân. Không phải ở giữa Đại Bình nguyên Bắc Mỹ như mọi khi, lần này, ông cảm nhận mình nằm lạnh lẽo trên chiếc giường trong căn phòng Đỏ, tại Nhà Trắng. Trong lúc đó, ông nghe thấy tiếng những quan chức nói chuyện rất to ở căn phòng liền kề. Họ chia sẻ quyền lực, giống như những con kền kền bay trên một nhiệm kỳ “không đổ máu”. Joe Califano ưu tiên ban hành lập pháp, Walt Rostow tham vọng với chính sách đối ngoại, Arthur Okun xem xét ngân sách, George Christian phụ trách quan hệ công chúng… Ông Lyndon Johnson cố gắng nói chuyện với họ nhưng vô ích, ông không thể nói hay cử động trong sự cô độc và bất lực.

Tỉnh dậy sau cơn ác mộng, Johnson nhận ra “giấc mơ” đó là của tiền bối Woodrow Wilson, không phải của ông. Cầm ngọn nến, Johnson lặng lẽ đi trong hành lang của Nhà Trắng, đứng lặng trước tấm chân dung của Tổng thống Wilson rồi đưa tay vuốt nhẹ lên nó.

Vũ Phương Linh (Theo Le Figaro)

Nguồn tin: cand.com.vn