Long đong đàm phán hòa bình cho Afghanistan

Trong 10 năm qua, đã có nhiều thông tin về các cuộc đàm phán hòa bình bí mật giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, thậm chí cả Mỹ, nhưng tất cả đều chẳng đi đến đâu. Người ta cho rằng có những thế lực không muốn có hòa bình ở Afghanistan.

Đàm phán với "Mansour giả"

Từ cuối năm 2009 đến hết năm 2010, giữa Taliban và chính phủ Afghanistan đã diễn ra nhiều hoạt động đàm phán bí mật nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt chiến tranh, và đã hứa hẹn khả quan.

Trong đó, NATO đã nỗ lực đóng vai nhà trung gian hòa giải nhằm tìm kiếm một thành công nào đó để làm "di sản" sau khi rút quân. Tuy nhiên, quá trình đàm phán đó bỗng dưng chẳng đi đến đâu sau sự xuất hiện của một thủ lĩnh phiến quân bên phía Taliban, tên là Mullah Akhtar Muhammad Mansour, một trong những lãnh đạo cao cấp của lực lượng Taliban.

Vấn đề là nhân vật có tên "Mansour" ấy hóa ra chẳng phải là Mansour thật. Câu chuyện giả mạo này ngay lập tức được truyền thông đăng tải và tô đậm nó như một câu chuyện tiểu thuyết tình báo, coi như một thất bại ê chề của NATO trong nỗ lực đàm phán với Taliban.

Câu chuyện khôi hài này tiếp tục được báo chí khai thác xung quanh việc tiếp xúc, gặp gỡ và thảo luận giữa "Mansour giả" với các quan chức NATO và Afghanistan. Theo tờ New York Times, "Mansour giả" từ khu vực trú ẩn của lực lượng Taliban ở Pakistan vượt biên giới sang Afghanistan để tham gia đàm phán. Ông ta đã có ít nhất 3 cuộc họp với các quan chức NATO và Afghanistan và được đưa đến Dinh Tổng thống bằng máy bay của NATO và có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Afghanistan khi đó là ông Hamid Karzai.

Các nỗ lực đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan xem ra không dễ dàng do tính chất phức tạp trong các mối quan hệ giữa các bên liên quan.

Sau khi bị quân đội Mỹ đánh dạt ra khỏi Kabul và nhiều địa bàn trọng yếu khác của Afghanistan, các thủ lĩnh chủ chốt của Taliban đã rút sang phía bên kia biên giới Pakistan và trú ẩn trong khu rừng núi hiểm trở thường được giới truyền thông và chuyên gia chống khủng bố quốc tế gọi là các "thiên đường trú ẩn của khủng bố".

Nhiều thủ lĩnh Taliban ẩn thân tại khu này và ít khi xuất hiện công khai, vì thế không mấy người trong giới chức NATO, Mỹ và thậm chí cả Afghanistan biết mặt.

Các cuộc tiếp xúc và nói chuyện ban đầu của "Mansour giả" với chính quyền Afghanistan được dàn xếp bởi một người có quan hệ với cả Taliban và chính phủ Afghanistan. NATO và chính quyền Afghanistan khi đó đã phải móc hầu bao chi ra một khoản tiền khá lớn để "mời" kẻ giả mạo tham gia bàn đàm phán cho cuộc đàm phán được diễn ra suôn sẻ và có chút kết quả nào đó.

Đồng thời sau đó còn cố thuyết phục người này quay trở lại để tiếp tục đàm phán(?) Lúc đầu, các lãnh đạo Afghanistan và Mỹ cũng có phần thận trọng vì không biết rõ danh tính người được "mời" đàm phán và động cơ thật sự của ông ta là gì.

Nhưng sau cuộc họp đầu tiên với người này, lãnh đạo Afghanistan và Mỹ đều hài lòng và tin rằng kẻ ngồi vào bàn đàm phán đích thực là Mansour. Sau cuộc họp đầu tiên, một số bước thủ tục đã được thực hiện nhằm xác định danh tính của kẻ tham gia đàm phán, và hình ảnh của ông ta được chuyển đến các tù nhân Taliban để nhận dạng, nhưng các tù nhân này không hợp tác.

Cho đến tháng 10/2010, tức là trước khi thông tin về "Mansour giả" được công khai, các quan chức Mỹ và Afghanistan vẫn tin chắc họ đang đàm phán với lãnh đạo Taliban thật. Tướng David H. Petraeus, một quan chức cao cấp của quân đội Mỹ khi đó còn khẳng định rằng "các cuộc đàm phán đã cho thấy lãnh đạo Taliban, vốn đang chịu áp lực lớn bởi các đòn tấn công do Mỹ dẫn đầu, chí ít cũng muốn đàm phán để chấm dứt chiến tranh".

Các quan chức Mỹ khoe rằng họ cùng giới chức các nước NATO đã tham gia hỗ trợ đàm phán bằng cách cung cấp phương tiện vận chuyển và bảo đảm an toàn trên đường đi cho các lãnh đạo Taliban từ Pakistan sang đàm phán. Tháng 10-2010, các quan chức Nhà Trắng còn nhiệt tình hơn, yêu cầu tờ báo New York Times của Mỹ rút tên Mansour ra khỏi một bài báo viết về các cuộc đàm phán hòa bình vì lo ngại rằng các cuộc đàm phán có thể bị phá hỏng và mạng sống của Mansour có thể bị đe dọa bởi các thế lực cản trở hòa bình cho Afghanistan. Tờ New York Times đồng ý rút tên Mansour và kể cả một số lãnh đạo Taliban khác tham gia đàm phán nhưng không ai biết rõ cấp bậc, vị trí của họ ra sao.

Kể từ sau vòng đàm phán cuối tháng 10-2010, các quan chức Mỹ và Afghanistan ngày càng trở nên "bối rối" không biết người đàn ông đang đàm phán với mình là ai, có phải là Mansour thật hay không?

Mullah Akhtar Mansoor.

Sang tháng 11/2010, một quan chức Afghanistan nói với tờ New York Times rằng trong khi phía Afghanistan còn nuôi hy vọng "Mansour giả" kia sẽ quay trở lại cho vòng đàm phán tiếp theo, các quan chức Mỹ và một số nước NATO đã kết luận rằng nhân vật Taliban cao cấp tên Mansour đã ngồi vào bàn đàm phán ấy không phải là Mansour mà là một "kẻ đóng giả" thế vai cho người thật, và vì thế các cuộc thảo luận cấp cao do NATO làm trung gian xem như chẳng đạt được gì.

Người ta không biết rõ bằng cách nào mà các quan chức Mỹ và NATO xác định chính xác và đi đến kết luận như thế. Các quan chức Mỹ cho rằng, khi nhìn thấy bộ dạng của kẻ giả mạo, họ đã nghi ngờ ngay từ đầu về danh tính thật sự của ông ta. Sự nghi ngờ ngày càng gia tăng sau cuộc họp thứ ba giữa "Mansour giả" với các quan chức Afghanistan diễn ra tại thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Một người từng quen biết Mansour thật từ nhiều năm trước đã khẳng định kẻ đang ngồi ở bàn đàm phán trông không giống Mansour, và cho rằng đã "không nhận ra đó có phải là Mansour hay không". Hơn nữa, những người tham gia các cuộc họp với "Mansour giả" cho rằng cách ông ta ra điều kiện không giống như cách các lãnh đạo Taliban thường làm.

Chẳng hạn, "Mansour giả" đưa ra các điều kiện thỏa thuận hòa bình "dễ dàng" một cách bất ngờ, như: lãnh đạo Taliban được phép trở về Afghanistan trong an toàn, binh sĩ Taliban được tạo việc làm, tù nhân được thả, đặc biệt là ông ta không hề yêu cầu rút quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan, vốn là điều kiện quan trọng nhất của lãnh đạo Taliban lâu nay.

Những nghi ngờ theo sau

Một số người cho rằng kẻ giả mạo lãnh đạo Taliban chỉ đơn giản là một gã bịp bợm, lừa đảo chuyên nghiệp, đóng giả làm thủ lĩnh Taliban để kiếm tiền. Một số người khác thì cho rằng người giả mạo kia đích thị là một "điệp viên" của Taliban, và rằng Taliban đang "diễn trò" kiểm soát chính quyền Afghanistan và Mỹ.

Nhưng cũng có những người khác cho rằng kẻ giả mạo thủ lĩnh Taliban rất có thể là người được Cục tình báo liên cơ quan (ISI) của Pakistan phái đến. ISI lâu nay được cho là thường hay chơi trò "hai mặt" ở Afghanistan, vừa trấn an người Mỹ rằng họ đang kiểm soát chặt Taliban, lại vừa bí mật hậu thuẫn cho lực lượng này.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai được cho là người đã khởi xướng đàm phán hòa bình năm 2010.

Trước công chúng, các lãnh đạo Taliban luôn bám theo chủ trương không hề có đàm phán nào hết. Thủ lĩnh Mullah Mohammad Omar trong một thông điệp gửi các thuộc hạ gần đây cũng đã bác bỏ "không hề có đàm phán ở bất cứ cấp nào". Trong thông điệp đó, Omar cho rằng "kẻ thù xảo quyệt" đã chơi trò hai mặt, vừa mở rộng các chiến dịch quân sự trên đất nước Afghanistan, vừa tung hỏa mù đồn thổi về các cuộc đàm phán bí mật.

Tuy nói là vậy, nhưng mặt khác chính các lãnh đạo Taliban lại là những người thể hiện mong muốn đàm phán hòa bình nhiều hơn. Báo chí từng đưa tin rằng vào tháng 1/2010, phó soái Taliban lúc đó là Mullah Abdul Ghani Baradar đã bị bắt giữ trong một cuộc truy quét của lực lượng tình báo phối hợp của 2 cơ quan CIA và ISI tại thành phố cảng Karachi, miền Nam Pakistan.

Từ thái độ hoan hỉ ban đầu của giới chức 2 nước ngay sau khi bắt giữ Baradar, 7 tháng sau vụ bắt giữ, các quan chức Pakistan tuyên bố với truyền thông rằng Baradar bị bắt là bởi vì ông ta đã phạm sai lầm là tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình khi chưa có "sự cho phép của ISI".

Islamabad tuyên bố rằng họ phải bắt giữ Baradar vì họ muốn dẹp bỏ cuộc đàm phán hòa bình Baradar đang tiến hành với chính phủ Afghanistan mà không có sự tham gia của Pakistan, đang là nhà bảo trợ cho Taliban. Chính vì thế, sau khi bắt Baradar, chính quyền Pakistan còn bắt thêm ít nhất 23 thủ lĩnh khác của Taliban, nhiều người trong số họ từng là khách quý của chính phủ Pakistan.

Trên thực tế, một quan chức Afghanistan thời kỳ đó cho biết, tiến trình đàm phán mà Baradar tham gia chỉ mới ở giai đoạn khởi động, tức mới liên lạc và tiếp xúc ban đầu để sắp xếp các cuộc gặp chính thức.

Chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai đã chủ động liên lạc với một nhóm thủ lĩnh Taliban để kêu gọi đàm phán hòa bình. Ban đầu, ông Karzai biệt phái người em trai là Ahmed Wali Karzai làm đầu mối trực tiếp liên lạc. Sau Wali, một người có bí danh là "Kỹ sư Ibrahim", phó trưởng cơ quan tình báo Afghanistan, đã gặp gỡ một nhóm lãnh đạo Taliban ở Doha, Qatar. Một lãnh đạo tinh thần Hồi giáo có quan hệ gần gũi với Taliban khẳng định chính Karzai đã chỉ đạo các cuộc tiếp xúc đàm phán ấy.

Mullah Abdul Ghani Baradar.

Xung quanh vụ bắt giữ Baradar cũng xảy ra nhiều vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ quân đội và tình báo của Pakistan kéo dài trong nhiều tháng liền. Chi tiết những cuộc xung đột nội bộ ấy không được công khai hóa, nhưng đã cho thấy chính sách của Pakistan đối với Afghanistan: đó là cố gắng duy trì ảnh hưởng quyết định đối với vấn đề Taliban, ngăn chặn ảnh hưởng từ Ấn Độ, và đặt Pakistan ở vị trí nắm thế chủ động định hình trật tự chính trị ở Afghanistan thời kỳ hậu chiến tranh.

Vụ bắt giữ Baradar cũng bộc lộ nhiều khía cạnh chính trị, tình báo phức tạp. Có ý kiến cho rằng đây là một điển hình cho sự cải thiện trong hợp tác giữa tình báo Mỹ và Pakistan, không công nhận vai trò trung tâm của Pakistan.

Nhưng ngược lại, ý kiến khác cho rằng rất có thể CIA đã vô tình bị người Pakistan lợi dụng nhằm mục đích làm chậm lại tiến trình đàm phán hòa bình. Ít nhất thì vụ bắt giữ Baradar cũng cho thấy những thách thức phức tạp trong cuộc chiến dài nhất lịch sử của người Mỹ tại Afghanistan, trong đó việc hợp tác với chính quyền Pakistan là gay go nhất.

Một sĩ quan cao cấp của quân đội NATO tại Kabul, khi bắt giữ Baradar và các thủ lĩnh Taliban khác, cho rằng chính quyền Pakistan muốn "câu giờ" để xem chiến lược của Tổng thống Barack Obama tại Afghanistan có mang lại hiệu quả tích cực hay không. Nếu có, Pakistan có thể sẽ quyết định để cho Taliban tiếp tục đàm phán để đi đến một thỏa thuận hòa bình. Còn nếu người Mỹ thất bại, và nếu họ bắt đầu rút quân, khi đó Pakistan có thể sẽ tiếp tục nắm giữ Taliban làm công cụ trong tay.

Ngày 25/10/2018, Baradar được trả tự do sau hơn 7 năm ngồi tù ở Pakistan để quay trở lại với vai trò thủ lĩnh không thể thiếu của Taliban. Đến tháng 9-2020, Baradar trở thành người dẫn đầu phái đoàn đàm phán hòa bình của Taliban, lần thứ hai tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan - đàm phán một cách danh chính ngôn thuận.

Nguyên Khang

Nguồn tin: cand.com.vn