Mặt trận truyền thông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ


Khi dịch COVID-19 bùng phát, người Mỹ chủ yếu tiếp thu qua kênh thông tin online. Điều này khiến cho mặt trận truyền thông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân định thành bại của các ứng viên.

Từ dự án hàng triệu USD

Sự thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton trong mùa tranh cử 2016 đã khiến Đảng Dân chủ của ông Biden chú trọng nhiều hơn đến mạng xã hội.

Dự án bắt đầu từ tháng 8-2020 khi ông Biden tập hợp nhiều nhóm cả trong và ngoài đội ngũ tranh cử của mình. Các nhân viên của dự án phân bố tại nhiều nơi như Washington DC, Maine, Portland… cùng hàng loạt các công ty marketing và công nghệ tại Thung lũng Silicon.

Dự án của ứng cử viên Joe Biden có tên là "nhà máy Malarkey". Đây là nơi có vô số nhân viên ngồi trước màn hình để kiểm soát các thông tin bất lợi với ông Biden hoặc có thể ảnh hưởng đến cử tri, qua đó đề ra các biện pháp đánh trả.

Theo chỉ huy của "nhà máy Malarkey",- ông Rob Flaherty, nhiệm vụ chính của họ là tìm ra những thông tin gây bất lợi cho ông Biden cho dù nhỏ nhất rồi xem những cử tri nào sẽ bị ảnh hưởng bởi thông tin đó và làm thế nào để can thiệp.

Việc phát hiện những thông tin thất thiệt là điều không khó nhưng cái chính là làm sao để chúng không ảnh hưởng đến quyết định của cử tri cũng như có các đòn đáp trả hiệu quả.

Các hãng thông tấn đều đưa tin ông Biden chiến thắng.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 lần này, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những thông tin bất lợi với ứng cử viên Biden về độ tuổi cao, thiếu phong độ và không đủ minh mẫn. Đáp trả, “Nhà máy Malarkey” đã tung ra những đoạn clip cho thấy ông Biden nói chuyện mạch lạc, rõ ràng với cử tri.

Với công nghệ ngày càng phát triển hiện nay, thế giới số và mạng xã hội đã trở thành một kênh phát tán thông tin cũng như ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm của người dân. Bởi vậy, việc thành lập những mặt trận chống tin giả đang dần trở thành xu thế tất yếu của các chiến dịch tranh cử.

Nguồn cơn của "cuộc đua vũ trang" công nghệ, truyền thông

Câu chuyện bắt đầu từ mười hai năm về trước, khi nước Mỹ bắt đầu có sự phân hoá tư tưởng. Năm 2008, ông Barack Obama bấy giờ đang chạy đua làm ứng viên Tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên của một đảng lớn. Ông thắng khá dễ dàng. Và các cuộc thăm dò cho rằng chủng tộc không phải là một yếu tố ảnh hưởng đến cử tri Mỹ. Nguồn dữ liệu mà giới truyền thông và các nhà khoa học xã hội đã dùng đều cho rằng đại đa số người Mỹ không quan tâm việc ông Obama là da đen khi quyết định xem ông có nên là tổng thống Mỹ không.

Nhưng hoá ra, không ít người Mỹ vẫn còn phân biệt chủng tộc. Vào đêm tuyển cử đầu tiên của ông Obama, khi hầu hết các bình luận tập trung vào ca ngợi ông Obama và công nhận bản chất lịch sử của sự kiện này, cứ khoảng 100 tìm kiếm Google chứa từ "Obama" thì có 1 tìm kiếm có luôn cả "kkk" (Ku-Klux-Klan: Hội nhóm phân biệt chủng tộc trong quá khứ) hoặc nigger(s). Vào đêm tuyển cử, các tìm kiếm và lượt đăng kí Stormfr***(một trang mạng dân tộc chủ nghĩa da trắng ở Mỹ) tăng gấp 10 lần bình thường. Trong một số bang, có nhiều tìm kiếm "nigger president" (Tổng thống mọi đen hơn "first black president" (Tổng thống da đen đầu tiên).

Năm 2008, người Mĩ trả lời khảo sát rằng họ không còn để ý về chủng tộc nữa. Sau 8 năm, họ chọn ông Donald J.Trump là Tổng thống. Người đã retweet một phát biểu sai lệch trên Twitter rằng người da đen chịu trách nhiệm về đa số vụ ám sát ngưỡi Mỹ da trắng. Người đã bảo vệ những người ủng hộ ông trong vụ bạo hành một người phản đối thuộc phong trào Black Lives Matters tại một trong những cuộc họp của ông.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng Hòa năm 2016, ông Trump làm tốt ở những vùng Đông Bắc, vùng công nghiệp Trung Tây, khu vực miền Nam. Ông giành ít phiếu nhất ở miền Tây. Những vùng ủng hộ ông Trump nhiều nhất là những vùng tìm kiếm từ "nigger" nhiều nhất trên Google.

Ông Trump sau khi đắc cử, cũng như trong suốt quá trình tranh cử trong chiến dịch 2020, đã xây dựng hình ảnh mình bảo vệ quyền lợi của "người Mỹ da trắng". Ông không được lòng những người da màu và người Mỹ nhập cư. Đây là điểm yếu của ông Trump mà ông Biden đã tận dụng triệt để trong các chiến dịch truyền thông.

Sự khôn khéo của ứng cử viên Biden

Sự chia rẽ sắc tộc trong lòng nước Mỹ từ năm 2008 cộng với thái độ và chính sách của ứng cử viên Donald Trump đã vạch cho ông Biden một con đường phản công vô cùng sáng tỏ.

Ồn Biden đã chọn bà Kamala Harris làm Phó Tổng thống trong liên danh tranh cử của mình. Đây là một lựa chọn vô cùng khôn ngoan ít nhất xét trên khía cạnh hiệu quả truyền thông. Bà Harris là một phụ nữ gốc Á, da màu. Những yếu tố này giúp ông Biden tạo dựng được hình ảnh thiện cảm, sự ủng hộ của những người nhập cư, phụ nữ, những nhóm cử tri mà ông Trump đã bỏ rơi. Trong khi bản thân ông Biden vẫn có thể tạo sức ảnh hưởng với cử tri Mỹ da trắng như ông Trump đã làm.

Ông Biden còn làm gì khác nữa? Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích ông Biden theo đường lối cực hữu và gây mất cảm tình trong cộng đồng người Mỹ Latin tại bang Florida, “nhà máy Malarkey” đã nhanh chóng tung ra các hình ảnh ứng cử viên Biden cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thân thiết với nhau và cùng thể hiện tình yêu với nước Mỹ cũng như người da màu.

Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nữa của “Nhà máy Malarkey” là thuyết phục những cử tri trung lập ngả về phía ông Biden. Trung tâm này cho chạy hàng loạt chương trình quảng cáo ở Pennsylvania và Michigan. Trong các chương trình quảng cáo, họ cho phát những đoạn video về những cử tri bỏ phiếu cho ông Biden, giải thích tại sao họ lại làm vậy.

Tiềm năng phát triển của mặt trận truyền thông

Khi cuộc chiến đang dần ngã ngũ, chiến dịch truyền thông của ông Biden lại thay đổi. “Nhà máy Malarkey” cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là bảo vệ thành quả, chống lại các tin đồn về gian lận bầu cử cũng như đoàn kết nước Mỹ cho một cuộc chuyển giao quyền lực nếu ứng viên Biden chiến thắng.

"Niềm tin vào kết quả bầu cử hiện là mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi đang hướng đến", Trưởng nhóm phản ứng nhanh Rebecca Rinkevich của đội vận động tranh cử cho ông Biden nhận định.

Với lợi thế lớn, nhóm tranh cử của ông Biden đang lên các kịch bản để tìm cách đối phó, ví dụ như Tổng thống Trump từ chối rời Nhà Trắng và cáo buộc gian lận để khiến kết quả bầu cử thay đổi. Trong trường hợp này "Nhà máy Malarkey" sẽ lan truyền thông tin ứng viên Biden chiến thắng hợp pháp, kết quả bầu cử không có gian lận…

"Đây là một mặt trận hoàn toàn mới. Nó đã trở thành một phần của cuộc chơi và sẽ không biến mất ngay đâu", Phó giáo sư Hindman của Đại học George Washington nhấn mạnh.

Tiến Đỗ

Nguồn tin: cand.com.vn