Một tài năng một nhân cách quý hiếm


Nhớ lại những năm 1986 -1987, điện ảnh Việt Nam khi ấy như lên cơn sốt bởi sự xuất hiện bộ phim có tên “Biệt động Sài Gòn” có sức cuốn hút người xem kỳ lạ. Có thể nói, mọi khán giả thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội đều vô cùng thích thú. Gương mặt diễn viên nam vào vai chính Tư Chung – một chiến sỹ biệt động Sài Gòn hoạt động dưới cái vỏ bọc là ông chủ hãng sơn Đông Á - đã để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng khán giả chính là Quang Thái.

Vào vai này lúc đã 45 tuổi, đang ở độ chín của nghiệp diễn, ông đã lột tả được một chiến sỹ biệt động thông minh, quả cảm, tận tâm với sứ mạng của mình bằng lối diễn tiết chế ngoại hình, rất có chiều sâu, thể hiện chủ yếu bằng đôi mắt giàu sức biểu cảm. Vai diễn này là một trong những vai diễn xuất sắc của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đưa tên tuổi của Quang Thái lên hàng những nghệ sỹ điện ảnh xuất sắc.

Nghệ sĩ Quang Thái vai Tư Chung trong phim “Biệt động Sài Gòn”.

Tôi ngưỡng mộ Quang Thái từ những năm 60 của thế kỷ trước khi còn là một cậu học sinh học cấp 3 ở Hà Nội. Ngày ấy, ngoài việc thích đi xem những buổi ca nhạc gọi là “Đơn ca, độc tấu”, tôi còn rất mê xem những vở kịch của Đoàn Kịch nói Trung ương (nay gọi là Nhà hát Kịch Việt Nam) ở Nhà hát Lớn (Hà Nội). Tôi thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua vé vào xem.

Và mỗi lần mua vé phải xếp hàng cả giờ đồng hồ mới mua được. Ai đến muộn sẽ hết vé. Một lần xếp hàng như thế, tôi nhận ra một người trông rất quen cũng đứng trong hàng chờ đến lượt mình. Anh hơn tôi chừng mươi tuổi, rất điển trai, có vẻ đẹp khá Tây với dáng người to, cao, mọi chi tiết trên gương mặt đều hài hòa, sắc nét, trông cứ như Tây lai. Rồi tôi nhận ra anh chính là người diễn viên đóng vai Séc-gây trong vở kịch nói của Nga có tên “Câu chuyện Iếc-kút”.

Vở kịch này lúc đó đang diễn nhiều đêm liên tục tại Nhà hát Lớn, được khán giả rất thích. Nhìn tấm pa-nô giới thiệu vở kịch dựng ở cừa Nhà hát, tôi biết tên anh là Quang Thái. Nhưng sao anh lại phải xếp hàng làm gì? Là người của Đoàn kịch, lại là diễn viên chính của vở, anh nói người bán vé dành cho anh bao nhiêu mà chẳng được. Sao phải xếp hàng lẫn lộn với bao người làm chi cho mất thời gian? Hay người này giống Quang Thái? Nhưng tôi thấy nhiều khán giả cũng nhìn anh mà chỉ trỏ cho nhau biết. Tôi rất tò mò về chi tiết này nên đã tìm cách để biết bằng được.

Tôi có cậu bạn thân cùng học lớp 10. Cậu có người chị ruột là diễn viên Đoàn kịch nói này, tức đồng nghiệp của Quang Thái. Chị rất quý tôi, coi như em trai. Và tôi đã hỏi thì chị cho biết: Quang Thái không bao giờ làm phiền ai dù chỉ là rất nhỏ, không đáng.

Có nhiều bạn bè, người thân muốn xem vở kịch này do có Quang Thái diễn, anh đã mua vé để mời họ. Và anh cũng xếp hàng như mọi người. Do có những lần xếp hàng, đến lượt mình thì hết vé, anh đã rút kinh nghiệm: Đêm hôm trước, sau khi diễn xong, đã khuya, anh không về mà ngủ luôn ở nhà hát để sáng sớm hôm sau là người đầu tiên mua vé.

Từ chi tiết này, cộng với cách diễn của anh trên sân khấu, tôi càng hâm mộ nên có ý muốn làm quen với anh. Chị người bạn tôi cho biết anh trông thế nhưng rất hòa đồng, thân thiện, sống giản dị, rất dễ tiếp xúc. Chị cho tôi biết địa chỉ của anh và nói tôi cứ đến chơi, anh ấy sẽ rất quý. Yên tâm ở lời chị, tôi đã đến, tự giới thiệu:

-Em là… rất thích vở “Câu chuyện Iếc-kút” và thích nhân vật anh sắm. Em xin phép được đến thăm anh để thỏa lòng ngưỡng mộ.

Quang Thái nói chuyện với tôi rất cởi mở. Anh thể hiện một người giản dị, chân thành, nói ít nhưng vui vẻ chứ không gây cho người mới tiếp xúc cảm giác e ngại. Tôi thực sự bị lôi cuốn bởi phong cách rất nghệ sỹ nhưng bình dị và chân tình của anh. Tôi quen biết rồi dần trở nên thân tình với anh từ đó.

Về sau, anh còn vào hàng loạt vai diễn trong nhiều vở kịch nước ngoài nổi tiếng khác như Ranf (“Hòn đảo thần vệ nữ”), Phê-đô (“Tập nhật ký bỏ quên”), Pơ-ti-tông (“Ả ca-ve nhà hàng Mác-xim), Ti-xa-fơ (“Vụ án người đốt đền”), Bốt-tom (“Giấc mộng đêm hè”)… Anh cũng xuất hiện ở nhiều vở kịch nói nổi tiếng của Việt Nam như “Đêm mưa”, “Bão biển”, “Đôi mắt”…

Tôi đều được anh cho vé đi xem (anh tự mua vé như đã nói để cho tôi). Nhưng chỉ cần một vai Séc-gây (kịch “Câu chuyện Iếc-kút) cũng như vai Tư Chung (phim “Biệt động Sài Gòn”) cũng đã đủ để đưa QuangThái lên hàng những diễn viên lớn của sân khấu và điện ảnh nước ta.

Nghệ sĩ Quang Thái lúc già và người vợ thứ 3.

Từ ngày 5/8/1964, sau “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta. Bọn sinh viên chúng tôi phải rời Thủ đô Hà Nội, đi sơ tán. Từ đó, tôi không có dịp gặp Quang Thái nữa. Nhiều vở kịch có anh tham gia tôi cũng không được xem. Về sau, có lần được xem anh sắm vai Dương Tấn – một kỹ sư của chế độ Sài Gòn cũ trong phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu” trước khi anh đóng “Biệt động Sài Gòn”. Sau nhiều năm không gặp, tôi thấy anh người đậm, mập hơn, không còn dong dỏng thư sinh như trước.

Thế rồi, một ngày mùa hè khoảng năm 2015-2016, bỗng tôi gặp lại anh – lúc này đã là một ông già, một tay chống ba-toong, một tay khoác một người phụ nữ kém ông chừng gần 20 tuổi chậm rãi lê từng bước ở hồ Thành Công. Ông đội mũ phớt nhưng để lộ rõ mái tóc đã bạc hết, thay thế mái tóc đen mướt ngày trước. Ông yếu nên đi không vững, phải có người khác dìu nhưng gương mặt vẫn ánh lên sự trẻ trung, hào hoa và đôn hậu.

Sau hơn 50 năm, tôi từ một cậu thiếu niên nay cũng đã lên lão nên Quang Thái đã không thể nhận ra. Nhưng sau khi ngồi xuống ghế đá, gợi lại chuyện, mặc dù đã từng bị mấy lần tai biến nhưng cuối cũng ông cũng nhận ra tôi. Người phụ nữ dìu ông đi bộ, luyện tập chính là bà Thanh Vang – người vợ thứ ba của ông. Trước bà, hai người vợ của Quang Thái đều tên Yến và đều sớm vĩnh biệt ông.

Bà Vang là một giáo viên, phục tài, mến đức của ông mà sẵn sàng nâng khăn sửa túi cho ông khi ông đã già yếu. Bà tự tay làm mọi việc chăm sóc ông mà không bao giờ nghĩ đến việc thuê “Ô-sin”. Bà kể rằng ông là người luôn trọng đạo đức, phẩm hạnh và sống rất tế nhị với tất cả mọi người. Ông luôn nhẹ nhàng, điềm đạm, nêu tấm gương sáng về cách ứng xử lịch thiệp, tinh tế. Còn bè bạn, đồng nghiệp cùng Đoàn kịch thì luôn kính trọng Quang Thái bởi tinh thần lao động sáng tạo miệt mài, cần cù, sẵn sàng dìu dắt lớp trẻ vô điều kiện. Ai cùng diễn với ông đều nhận xét là họ luôn học được ở ông rất nhiều cả về chuyên môn lẫn nhân cách, phẩm chất nghệ sỹ chân chính.

Trong cuộc gặp lại sau rất nhiều năm, cũng có nhiều lúc ông tỉnh táo và còn nhớ rất nhiều chuyện liên quan đến cuộc đời nghệ sỹ của mình. Ồng kể là hồi Việt Nam làm bộ phim chuyện đầu tiên “Chung một dòng sông” (1959), Phạm Văn Khoa lúc đó là Giám đốc Xưởng phim truyện Hà Nội có ý nhắm ông vào vai chính. Nhưng rồi thấy ông có phần “Tây”, không hợp với nhân vật là một chàng ngư dân quen nghề chài lưới nên phải thay. Ông cũng kể phim “Biệt động Sài Gòn”, lúc đầu đạo diễn Long Vân nghĩ đến Nguyễn Chánh Tín sắm vai Tư Chung. Nhưng vị đạo diễn này nghĩ lại vì khi ấy, Chánh Tín đã quá nổi đình đám sau phim “Ván bài lật ngửa”, ông không muốn lặp lại quá nhanh nên đã tìm đến Quang Thái. Và ông đã vô cùng đắc ý, mỹ mãn với việc thay đổi này.

Ngoài sự cảm mến tài năng và đức độ của Quang Thái, đồng nghiệp còn tiếc cho ông bởi lẽ ra ông phải là NSND mới xứng đáng. Nhưng vì ông chỉ toàn gặt hái thành công ở các vở kịch nước ngoài mà trong mọi cuộc hội diễn, thi cử, những vở này lại không được tham dự nên ông đã không đoạt được giải thưởng nào. Vậy nên sự thiệt thòi của ông âu cũng là… cái số! Nhưng ông luôn vui vẻ, không bao giờ có ý thắc mắc hoặc muốn đề đạt, yêu cầu gì. Điều đó khiến mọi người lại càng nể trọng nhân cách của ông thêm.

Sau nhiều năm bị tai biến, ngày 17/6/2019, Quang Thái qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Sân khấu và màn bạc Việt Nam mất một ngôi sao chói sáng, để lại sự thương tiếc ngẩn ngơ cho đồng nghiệp và công chúng.

Nguyễn Đình San

Nguồn tin: cand.com.vn