Mưa trong thi ca Việt


Cuộc đời mỗi người Việt, từ khi sinh ra, lớn lên, già đi, rồi lại trở về đất mẹ, thảy đều gắn với Nước. Mà có lẽ không chỉ riêng người Việt, bất cứ dân tộc hay cá thể nào trên hành tinh đều không thể tồn tại và phát triển được nếu thiếu đi yếu tố này.

Nước có thể gắn với những không gian từ vừa phải cho đến rộng lớn khôn cùng như mặt hồ, dòng sông, mặt biển hay cả đại dương. Nước lại có thể gắn với những kích thước nhỏ bé như để vừa tầm tâm sự của mỗi cá nhân như giọt sương hay hạt mưa.

Nhìn lại lịch sử thi ca của người Việt, những hạt mưa đã đi vào bao tác phẩm nổi tiếng của những tác giả tên tuổi, và càng thú vị hơn nữa khi cùng một tác giả viết về mưa nhưng trong những thời kỳ sáng tác khác nhau lại có sự thể hiện hoàn toàn riêng biệt.

1.Có lẽ ta nên bắt đầu từ hạt mưa trong ca dao của những tác giả vô danh. Mưa trong con mắt của người lao động bình dân trước hết được nhận như một hiện tượng thiên nhiên, một biểu hiện của thời tiết. Nếu mưa ít quá hoặc không mưa, chắc chắn cây cối sẽ hạn hán, mùa màng sẽ thất thu. Nhưng nếu mưa nhiều quá thì sinh ra ngập úng hay lũ lụt, cũng vạn phần nguy hiểm, không chỉ đe dọa mùa màng mà còn đe dọa chính mạng sống của con người.

Thế nên mới có những câu ca: "Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/ Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng". Diễn tả sự vất vả của người nông dân trong lao động, hạt mưa cũng được đem ra làm hình ảnh so sánh: "Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày".

Nhưng những hạt mưa trong ca dao đâu chỉ hiện lên với nghĩa đen đơn thuần, tư duy hình tượng đã khiến hạt mưa có thể đại diện cho thân phận, mà thường gặp nhất là để chỉ những người phụ nữ trong xã hội xưa, vốn khó có thể tự quyết định được số phận của mình: "Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa/ Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày". Cũng vẫn là thân phận người phụ nữ gắn với hạt mưa ấy, sau này được tái hiện trong Truyện Kiều: "Hạt mưa sá nghĩ phận hèn/ Liều đem tấc cỏ đáp đền ba xuân, Cũng liều một hạt mưa rào /Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay".

Mưa giông - ảnh minh họa

Sang thời kỳ trung đại, tôi bắt gặp rất nhiều hạt mưa xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi, và ở mỗi thời kỳ lịch sử là mỗi biểu hiện khác nhau. Khi Nguyễn Trãi còn chưa ra giúp Lê Lợi, chưa gặp được bậc minh quân, kẻ chí sĩ ôm mộng lớn nằm trong phòng mà nghe tiếng mưa triền miên, buồn bã quạnh hiu. Con người dường muốn gửi cả vào cơn mưa những nỗi niềm tâm sự của mình.

Giấc ngủ suốt đêm chẳng đến, phải chăng muôn hạt mưa đã trở thành người bạn để thi nhân ký thác nỗi lòng: "Vắng vẻ phòng trai tối/ Suốt đêm nghe tiếng mưa/ Não nùng lay gối khách/ Giọt giọt điểm canh mờ/ Luồn trúc gõ song cửa/ Theo chuông vào giấc mơ/ Ngâm xong nằm chẳng ngủ/ Đến sáng nhặt rồi thưa" (Nghe mưa). Nhưng khi đã gặp được minh chúa, lập thành đại sự nghiệp, sau đó về ở ẩn tại Côn Sơn, thì những hạt mưa không còn buồn bã như thuở trước nữa mà trở nên tươi tắn ấm áp lạ thường, lòng người dường như cũng phơi phới theo muôn hạt mưa bay.

Tôi bắt gặp tới hai bài thơ tả về những hạt mưa của mùa xuân, đó là các bài "Mộ xuân tức sự" (Cuối xuân tức sự) và "Trại đầu xuân độ" (Bến đò xuân đầu trại): "Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão/ Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai" (Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn/ Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan), "Độ đầu xuân thảo lục như yên/ Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên" (Cỏ xanh như khói bến xuân tươi/ Lại có mưa xuân nước vỗ trời).

Câu thứ nhất tả mưa vào cuối xuân, con người sắp chia tay mùa đẹp nhất của năm mà lòng vẫn an nhiên tự tại, không hề có cảm giác "tiếc xuân" thường gặp trong thơ của nhiều danh gia. Những hạt mưa cuối xuân nhẹ bay hòa vào trong những cánh hoa xoan ngoài sân, ta có cảm giác như chính những hạt mưa ấy cũng là những bông hoa vậy. Câu thơ giản dị mà lãng mạn, đẹp một cách không ngờ.

Câu thứ hai tả mưa lại cho ta thấy một sức sống và nội lực dạt dào, ý thơ mạnh mẽ qua động từ "phách" (vỗ). Điểm nhìn của chủ thể trữ tình và không gian được gợi mở, hướng lên cao và trải rộng về bát ngát bầu trời. Câu thơ vì thế mang một vẻ đẹp hào sảng và phóng khoáng.

2. Sang đến đầu thế kỷ XX, Thơ Mới lãng mạn (1932 - 1945) có vô vàn những hạt mưa. Nằm chung trong một khối sầu tiên thiên bàng bạc trải khắp các thế giới thơ, không gian thơ của những thi sĩ lãng mạn, những hạt mưa cũng không khỏi nhuốm màu u buồn man mác. Hai người nhắc đến mưa nhiều nhất theo tôi là Huy Cận và Nguyễn Bính.

Bài thơ đầu tiên của thi sĩ Lửa thiêng được Hoài Thanh chọn đưa vào tuyển tập Thi nhân Việt Nam chính là một thi phẩm về mưa: "Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn/ Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…/ Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…/ Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…" (Buồn đêm mưa).

Cơn mưa buổi chiều trong thơ Huy Cận còn xuất hiện trong hơn một bài thơ khác, gợi niềm mênh mang vô định: "Ngập ngừng mép núi quanh co/ Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang" (Đẹp xưa), "Nắng đã xế về bên xứ bạn/ Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy/ Trông về bốn phía không nguôi nhớ/ Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay" (Vạn lý tình).

Thế nhưng sau 1945, mưa trở lại trong thơ Huy Cận với nhiều sự khác biệt, những hạt mưa không u sầu cô đơn lẻ loi nữa mà đầy sức sống, thậm chí gắn với cả hình ảnh trẻ thơ như một biểu tượng của niềm tin và lạc quan về một ngày mai tươi đẹp, sáng trong: "Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui/ Lưa thưa mưa biển ấm chân trời (…) Em bé thuyền ai ra giỡn nước/ Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm" (Mưa xuân trên biển, 1959).

Còn với Nguyễn Bính, mưa cũng xuất hiện nhiều trong các bài thơ của ông với những biểu hiện đa dạng. Chúng ta hẳn không thể quên những hạt mưa xuân đầy tâm trạng trong nỗi lòng của một cô gái quê, chờ mong được gặp chàng trai của lòng mình trong hội chèo làng Đặng.

Ban đầu, mưa xuân hiện ra thật đẹp, thật lãng mạn như thể ước mơ của cô gái vừa được nhóm lên, vẫn còn bao nhiêu chứa chan: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy". Nhưng rồi tới hội chèo và không gặp được người mình yêu, vẫn là những hạt mưa xuân ấy hiện lên đầy buồn tủi và ai oán: "Mình em lầm lụi trên đường về/ Có ngắn gì đâu một dải đê!/ Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt/ Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya". Và cuối cùng khép lại bài thơ thì cơn mưa xuân cũng đã hết, mùa xuân cũng cạn ngày, ước mơ hò hẹn tình yêu vẫn mãi còn dở dang, không trọn vẹn: "Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay/ Hoa xoan đã nát dưới chân giày".

Mưa trong thơ Nguyễn Bính còn gắn với những thân phận buồn thương khác của người phụ nữ, mà điển hình nhất là người chị trong bài ""Lỡ bước sang ngang"": "Trời mưa ướt áo làm gì/ Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng/ Người ta pháo đỏ rượu hồng/ Mà trên hồn chị một vòng hoa tang".

Mưa cũng gắn với những tháng ngày giang hồ gió bụi của chính người thi sĩ, mưa giữ chân con người trên một miền đất của tha hương, để rồi những hạt mưa dường hòa cả vào trong ly rượu bơ vơ lạnh lùng trên đất khách: ""Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay" (Giời mưa ở Huế).

Thế nhưng cũng vẫn là Nguyễn Bính, cũng là viết về mưa xuân, sau 1945 lại vô cùng tươi sáng. Cảm xúc của con người và vạn vật xung quanh hòa quyện vào nhau, phơi phới lạc quan: "Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân/ Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần/ Bươm bướm cứ bay không ướt cánh/ Người đi trảy hội tóc phơi trần" (Mưa xuân, 1958). Rõ ràng, niềm tin và tinh thần của người sáng tạo là nhân tố vô cùng quan trọng dẫn tới việc chiêm ngưỡng và thổi hồn cho vạn vật.

Nếu như cái bi kịch lớn nhất của Thơ Mới lãng mạn như Hoài Thanh đã chỉ ra trong tiểu luận "Một thời đại trong thi ca" là bi kịch mất niềm tin, thì cái thành công lớn nhất của cả một đội ngũ sáng tác sau 1945 chính là việc lấy lại được niềm tin, tìm ra được con đường sáng, được lí tưởng cho chính mình. Đó là đứng về phía nhân dân, chung vai sát cánh tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Những hạt mưa mãi mãi còn làm bạn với con người, với những trái tim nhạy cảm của bao nghệ sĩ. Mưa trong veo như nước mắt, như gương soi. Nhìn vào mưa, tả về mưa mà cũng là giãi bày về số phận mỗi con người và những câu chuyện của cả thời đại.

Những hạt mưa rơi xuống, nhất đán, cũng có thể gột rửa đi bao mối u hoài, đau đớn của một thời đã qua, gọi lên những mầm sống mới cho một ngày mai xanh biếc, như những câu hát về mùa xuân mà nhạc sĩ Huy Du từng nói hộ chúng ta: "Khi hạt mưa, khi hạt mưa của mùa xuân rơi xuống. Em biết rằng, em biết rằng giông tố đã bình yên. Gió heo may phiến đá vàng lại sống. Lạnh lẽo qua rồi, mưa như lửa bùng lên…" (Khát vọng mùa xuân)

Đỗ Anh Vũ

Nguồn tin: cand.com.vn