Mười năm và trăm năm


Chúng ta rất khó có thể nói bên nào đúng, bên nào sai trong câu chuyện kể trên. Nhưng chúng ta rồi sẽ phải thừa nhận với nhau rằng, đây là một câu chuyện rất “hay” khi nó rơi vào đúng thời điểm mà ngành giáo dục đang đứng trước thách thức rất lớn của dư luận và thời đại về việc phải cải cách triệt để, thậm chí hoàn toàn, và mang tính hệ thống.

Đầu tiên, chúng ta hãy nói về câu chuyện công bằng cơ hội trước. Việc chấp nhận một thí sinh thiếu 0.25 điểm so với điểm chuẩn rõ ràng cho thấy nó không thể hiện tính công bằng cơ hội, nhất là việc một suất của thí sinh này có thể tước đi cơ hội của một thí sinh khác, thậm chí là thí sinh đủ điểm. Nhưng nếu nói về tính công bằng cơ hội, chúng ta càng phải thừa nhận với nhau một điểm không ai có thể chối cãi.

Ngô Văn Hiếu không có một cơ hội công bằng thực sự so với các thí sinh ở các đô thị lớn. Và Ngô Văn Hiếu chẳng qua cũng chỉ là một ví dụ nhỏ nhoi trong vô vàn (và đa số) các thí sinh vô danh ở các vùng địa lý có điều kiện giáo dục không thể so sánh được với các thành phố lớn. Đừng vội nói đến quy chế cộng điểm ưu tiên cho vùng sâu vùng xa để phản đối lập luận này bởi lẽ số thí sinh ở nông thôn không thuộc diện cộng điểm luôn chiếm đa số trong tổng thí sinh mỗi mùa tuyển sinh. Như vậy, công bằng cơ hội về địa lý là không có. Và chúng ta còn chưa kể đến chuyện chênh lệch mức sống, thu nhập ở các vùng nông thôn so với thành thị còn kéo theo điều kiện của cha mẹ thí sinh dành cho con mình chắc chắn không thể sánh bằng bạn bè ở đô thị lớn.

Suốt 10 năm Hiếu đồng hành, cõng bạn đến trường. Ảnh Vietnamnet

Thứ hai, chúng ta phải nói đến câu chuyện đặc thù ngành y. Đây là một ngành khoa học có tác động vô cùng quan trọng đến đời sống cả cộng đồng. Ngành này đòi hỏi tính chính xác khoa học rất cao và tính chính xác ấy thể hiện trên năng lực, trình độ của người làm nghề. Do đó, không thể xét tuyển cẩu thả những người không có yếu tính khoa học cần thiết này bởi có nguy cơ tạo ra hệ lụy tương lai.

Nhưng sự chặt chẽ ở đầu vào phải được xem là một phần chứ không phải tất cả. Nếu suốt những năm được đào tạo tại trường Y, một sinh viên xuất thân có điểm xét tuyển đầu vào cao ngất ngưởng mà không nỗ lực nghiên cứu khoa học, hoặc không được giáo dục, chỉ dẫn cặn kẽ, tận tình bởi những bậc thầy khoa học, sinh viên ấy vẫn có khả năng tốt nghiệp để trở thành lang băm.

Ngược lại, nếu một sinh viên hơi đuối ở đầu vào nhưng có đầu tư nghiên cứu bài bản, cặn kẽ, tận tâm và được đào tạo với chất lượng tốt nhất suốt 6 năm trong trường, sinh viên ấy hoàn toàn có thể là một bác sỹ giỏi sau này.

Nói lên điều đó để chúng ta cùng thừa nhận với nhau rằng để tạo ra một nhà khoa học cần một quá trình chứ không phải chỉ xét trên điểm tuyển sinh đầu vào với suy nghĩ “có nguyên vật liệu tốt ắt sẽ có sản phẩm tốt”.

Quay trở lại với trường hợp Ngô Văn Hiếu, 0.25 điểm có phải là thước đo năng lực cho cả quá trình hay không? Câu hỏi này cũng nên mở rộng hơn với nhiều thí sinh thiếu 0.25, 0.5 hoặc thậm chí 1 điểm ở đầu vào. Nên nhớ, bài học “sinh viên chọn sai nghề” đã dai dẳng nhiều thập niên nay rồi chứ không phải chỉ là sản phẩm của xã hội Việt Nam thời hiện đại.

Thứ ba, cái cần nhìn nhận hơn cả là phẩm chất đạo đức của ứng viên ứng thí. Phẩm chất này thuộc về cá nhân và có cá nhân có phẩm cách của ngành này, có cá nhân mang tư chất của ngành khác. Trường hợp một người 10 năm cõng bạn đến lớp như Ngô Văn Hiếu rõ ràng cho thấy một tấm lòng vị tha, luôn biết sống vì người khác và đó chính là thứ có thể tạo nên y đức. Chúng ta nói về y đức suốt nhiều năm, đổ tại nó tha hoá do kinh tế thị trường nhưng ít ai nghĩ đến chuyện sinh viên trường y nhập học vì thích cái mác trường y hơn hay là vì dám dấn thân theo lời thề Hyprocrates hơn.

Cái “hay” của câu chuyện nằm ở những vấn đề được kể trên đã bắt đầu bật ra ở đây. Cơ chế tuyển sinh đại học nói riêng và cơ chế tuyển sinh đầu vào các cấp nói chung hiện nay là vô cùng bất cập, không thể hiện được mức độ phù hợp, không đánh giá được đúng năng lực đào tạo và nó cổ xúy cho chủ nghĩa thành tích một cách đáng sợ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có một cơ chế tuyển sinh nới lỏng hơn, nhưng ngược lại, cơ chế hoàn tất chương trình học lại thắt chặt hơn?

Ví dụ như với Ngô Văn Hiếu chẳng hạn. Nếu ở một cơ chế giáo dục hình phễu với đầu vào lớn hơn đầu ra, hoàn toàn có khả năng Hiếu sẽ trở thành sinh viên ĐH Y Hà Nội nhưng để tốt nghiệp trở thành bác sỹ thì lại là câu chuyện của chính nỗ lực học tập của bản thân khi mà từng môn học đều có sự khắt khe ở cấp độ cao nhất để người giảng dạy và chấm điểm của môn học đó đảm bảo rằng

“Tôi đang thể hiện một trách nhiệm nghiêm túc nhất với ngành y nước nhà”. Khi ấy, nếu nỗ lực, Hiếu có thể hoàn tất chương trình ĐH Y Hà Nội trong 6 năm, 5 năm hoặc ngắn hơn là tuỳ năng lực học tập. Ngược lại, Hiếu cũng hoàn toàn có thể rơi vào tình trạng học đến 12 năm cũng không tốt nghiệp nổi trường Y.

Cơ chế giáo dục khắt khe trên quá trình này thực tế mang lại lợi ích cho người học hai điểm. Thứ nhất, họ có phương pháp luận tốt hơn sau những năm dài trên giảng đường. Thứ hai, họ có thêm thời gian tự đánh giá mình có đủ sức theo đuổi ngành học ước mơ hay không. Thời gian tự đánh giá này có thể sẽ trở thành cân nhắc bỏ dở chương trình, chấp nhận không thể tốt nghiệp nhưng vẫn đủ kiến thức để bước ra đời sống làm một công việc khác.

Về trường hợp Ngô Văn Hiếu, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội đã phát biểu cụ thể rằng “Theo quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GD ĐT công bố trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia không có quy định xét cho những trường hợp đặc biệt như Ngô Văn Hiếu. Vậy nên Trường ĐH Y Hà Nội phải tuân thủ quy chế tuyển sinh đại học, và không thể đặc cách cho thí sinh này”. Đây là một phát biểu rất đắt giá vì nó nêu bật được thực chất của hệ thống giáo dục hiện nay.

Trường ĐH Y Hà Nội nói riêng và các trường Y nói chung trong cả nước đào tạo vì mục đích gì? Họ đào tạo theo một “đơn đặt hàng không chính thức” của ngành Y, tức là cung cấp nguồn nhân lực, trí tuệ có giá trị cho ngành Y ở thời điểm tương lai. Vậy thì cái quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục dường như đã đi quá xa khi nó vô tình can thiệp cả vào quy trình nhân sự của cả các ngành nghề khác. Đây mới chính là cái bất cập của xã hội Việt Nam hiện nay.

Mối quan hệ giữa “Ngành” với “các Đại học chuyên ngành” là một mối quan hệ mang tính chuyên môn rất cao mà Bộ Giáo dục không thể bao trùm. Chính kiểu quy chế áp đặt này đã vô tình khiến các trường Đại học không còn nhiều trách nhiệm trong việc đào tạo con người, nhất là ở các Đại học yêu cầu nguồn thí sinh đầu vào có những đặc thù rất riêng khác nữa chứ không chỉ là điểm số của vài ba môn cơ bản của cấp PTTH.

Câu chuyện 10 năm cõng bạn của Ngô Văn Hiếu cũng có thông tin đưa ra để đặt dấu hỏi về tính chân thực của nó. Ở đây, bài viết này không phải để bảo vệ Hiếu mà chỉ muốn lấy ví dụ ấy để bàn đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở Việt Nam mà thôi.

Công tác giáo dục là công tác sống còn, là công tác của trăm năm bởi nó liên quan đến một thứ tài sản cực kỳ quan trọng của quốc gia: nguồn nhân lực tri thức. Và nếu không có sự thay đổi ngay bây giờ, chúng ta sẽ mất bao nhiêu lần “trăm năm” nữa bởi chính sản phẩm được đào tạo ra của một cơ chế cổ hủ sẽ lại là tác nhân để tiếp tục một cơ chế cổ hủ trong tương lai.

Hà Quang Minh

Nguồn tin: cand.com.vn