Mỹ báo động tình trạng thiếu thiết bị y tế phòng hộ


Biểu tình trong mùa dịch

Những ngày này, nước Mỹ đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn khi số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã gần mức 15.000 người. Ngoài việc thiếu giường bệnh, đáng lo ngại nhất ở cường quốc này là sự thiếu hụt về vật tư y tế và đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế, đặc biệt là y tá, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19. Việc này dẫn tới một cuộc biểu tình hiếm hoi ở thành phố New York, tâm điểm dịch COVID-19 tại Mỹ.

Phần lớn các y tá ở Mỹ đều thiếu ít nhất 3/5 thiết bị bảo hộ chính.

Hãng CNN đưa tin, do sự thiếu hụt nghiêm trọng, các y tá chiến đấu với đại dịch COVID-19 tại Bệnh viện Mount West Sinai Midtown West đã phải đeo túi rác để thay đồng phục bảo vệ. Các y tá tổ chức biểu tình về việc thiếu thiết bị an toàn tại bệnh viện hàng đầu Mount Sinai, ở Upper East Side, Bệnh viện Harlem và Bệnh viện Jacobi ở The Bronx. Thị trưởng Bill de Blasio buộc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt trang thiết bị y tế…

"Chúng tôi đang phải dùng khẩu trang tự may, quần áo bảo hộ tự may bằng nilon. Thật không thể tin nổi. Nó giống như bắt một binh sĩ đi chiến đấu mà đưa cho anh ta khẩu súng bằng nhựa vậy", một y tá thuộc Trung tâm y tế Montefiore nói.

Imaris Vera, một y tá ở Chicago thì tâm sự: "Nhân viên y tế chúng tôi đang mạo hiểm mạng sống khi chiến đấu với đại dịch COVID-19. Không có ai trong số các y tá đeo khẩu trang khi nói chuyện với nhau hoặc trong lúc làm việc. Chúng tôi đã không có thiết bị bảo vệ cá nhân đầy đủ. Chúng tôi cần được giữ an toàn".

Theo The New York Post, vì không thể chờ đợi được cấp khẩu trang, găng tay và các vật dụng thiết yếu khác, Imaris Vera đã tìm cách mua khẩu trang N95 của riêng mình để đeo tại nơi làm việc. Đây là mặt nạ được CDC Mỹ khuyên dùng cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe vì nó thu được 95% các hạt không khí khi đeo đúng cách. Nhưng khi đã có khẩu trang N95 trong tay, Imaris Vera lại gặp khó khăn khi người quản lý cô cho rằng không cần thiết và cô không được phép đeo vì các đồng nghiệp khác cũng không có. Imaris Vera có hơn ba năm kinh nghiệm làm việc trong chăm sóc bệnh nhân chấn thương, hậu phẫu hay bị bệnh tim mạch.

Nhưng trước những đe doạ đó, cô cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghỉ việc. Trong một video trên Instagram đầy xúc động, cô đã giải thích rằng đang cố gắng giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Và để hỗ trợ các đồng nghiệp vẫn đang còn làm việc, Imaris Vera quyết định đưa vấn đề này lên các phương tiện truyền thông xã hội, bày tỏ nỗi sợ hãi và lo ngại của bản thân cũng như các nhân viên y tế khác về điều kiện làm việc không an toàn của họ.

Quy mô thiếu hụt nghiêm trọng

Thực tế, thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ là tình trạng chung mà các y tá nhiều bệnh viện của Mỹ đang phải đối mặt. Nhưng họ hiểu trách nhiệm của mình và vẫn hy sinh bản thân để bám trụ, chiến đấu với virus SARS-CoV-2.

Một cuộc khảo sát nho nhỏ được thực hiện trên toàn nước Mỹ bởi Nures United, một tổ chức điều dưỡng, cho thấy, trong số 220 y tá trả lời 5 câu hỏi về thiết bị bảo vệ cá nhân, 3/4 người cho biết họ thiếu ít nhất 3 thiết bị bảo hộ chính. Khoảng 73% số người được hỏi cho biết họ không có áo choàng dài tay, khẩu trang FFP3 và kính bảo hộ hoặc kính che mặt toàn diện, 63% không có khẩu trang chống thấm và 85% người nói rằng họ có đủ găng tay cho ca làm việc.

Còn theo khảo sát của Hiệp hội Y tá bang New York, gần 2/3 y tá tại New York (khoảng 64%) cho biết không có đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết để phòng hộ khi chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19. 72% người thì lo sợ khả năng đã tiếp xúc trực tiếp với virus SARS-CoV-2 trong thời gian làm việc tại bệnh viện. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, trong 10 ngày đầu tháng 4, đã có gần 300 y tá ở New York có các triệu chứng của COVID-19 nhưng vẫn chưa được xét nghiệm.

"Dữ liệu này kể về câu chuyện có thật của các y tá của chúng tôi và những gì họ gặp phải để làm việc mỗi ngày. Đằng sau những lời hứa là một câu chuyện kinh khủng về việc tiếp tục tiếp xúc với thiếu vắng các thiết bị y tế thiết yếu. Khiếu nại về việc thiếu khẩu trang, đồ dùng bảo hộ đã bùng nổ thành một vụ bê bối lớn trong lòng nước Mỹ thời COVID-19", Giám đốc điều hành Hiệp hội Y tá Pat Kane nhấn mạnh.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng AFP, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá để đối phó với đại dịch COVID-19, nhất là ở những khu vực châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông và nhiều nơi ở Nam Mỹ.

Chi Anh (Theo The New York Times, CNBC)

Nguồn tin: cand.com.vn