Mỹ loay hoay tìm hòa bình cho Afghanistan


Trong thư, ông Blinken đề xuất tổ chức một hội nghị giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, với sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao và đại sứ đến từ các nước như Nga, Trung Quốc, Pakistan, Iran, Ấn Độ và Mỹ. Ông Blinken kêu gọi Chính phủ Afghanistan và Taliban nối lại đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần tới nhằm khôi phục lại kế hoạch giảm bạo lực 90 ngày đã được vạch ra trước đây nhưng bị hoãn triển khai do bế tắc trong đàm phán.

Blinken yêu cầu đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad chia sẻ nội dung bức thư với lực lượng Taliban nhằm đưa các đề xuất của ông tới cả Taliban chứ không riêng gì Tổng thống Ghani. Đồng thời, ông cũng thúc giục Tổng thống Ghani tiếp nhận và thực hiện các giải pháp như đề xuất trong thư nhằm nhanh chóng khôi phục đàm phán.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Blinken cho rằng khi thời tiết ấm lên, tình hình an ninh có thể sẽ chuyển xấu đi nhanh chóng, các cuộc tấn công bạo lực có thể sẽ gia tăng trở lại. Ông thông báo rằng Chính phủ Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch rút 2.500 quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 1-5 tới như đã định.

Afghanistan được xem như một trong những vấn đề đối ngoại khó khăn nhất của chính quyền mới ở Mỹ. Dư luận trong nước đang tỏ ra băn khoăn về cuộc chiến kéo dài gần 20 năm tại đây nhưng việc rút quân chóng vánh cũng có thể được xem như bước lùi tạo cho Taliban thanh thế mạnh hơn, đồng thời khiến cho người thân những lính Mỹ tử trận tại Afghanistan cảm thấy sự hy sinh uổng phí.

Quả thực, tình hình an ninh tại Afghanistan hiện tại không thể được xem là ổn, bởi luôn xảy ra những vụ đánh bom nhắm vào dân thường do Taliban thực hiện. Cuối năm 2020, khi có thông tin về thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban được ký kết, loạt vụ đánh bom tại Kabul vẫn diễn ra. Gần đây nhất, vào đầu tháng 2-2021, loạt vụ tấn công bằng bom nam châm đã diễn ra trên đường phố Kabul làm chết và bị thương hàng chục người.

Những vụ tấn công như thế được xem như bài bản Taliban thực hiện nhằm tạo thanh thế cho việc quay trở lại nắm quyền tại Afghanistan khi quân đội nước ngoài do Mỹ dẫn đầu rút hết khỏi Afghanistan. Mỹ và các đồng minh phương Tây đang tìm kiếm giải pháp chính trị cho việc rút quân, để lại một khoảng trống quyền lực tại Afghanistan, và Taliban đang muốn lấp đầy khoảng trống đó trong khi Chính phủ Afghanistan vẫn đang cho thấy khả năng hạn chế trong việc bảo đảm an ninh cho đất nước. Sau 20 năm chiến tranh, Afghanistan hiện nay đang bước vào giai đoạn khôi phục dần cuộc sống bình thường. Nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đang bắt đầu phát triển trở lại, như giáo dục, truyền thông, giao lưu kinh tế, văn hóa,..

Chính vào lúc mọi người đang tràn đầy hy vọng với cuộc sống trở lại, Taliban một lần nữa cho thấy họ không thể bị bỏ qua một cách dễ dàng. Thứ quyền lực mà lực lượng này sử dụng là “quả bom” đánh vào nỗi sợ hãi của người dân và cả một bộ phận người trong chính quyền Afghanistan. Thứ quyền lực bom đạn đó đang tạo cho Taliban một sức mạnh rất đáng kể trong đời sống chính trị Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan Ghani từng tuyên bố ông sẽ không chuyển giao quyền lực một cách dễ dàng, mà phải thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Điều này đúng trong bối cảnh hòa bình đã được xác lập vĩnh viễn. Nhưng, đối với Taliban, mọi chuyện đều không chắc chắn, chừng nào các yêu cầu của họ chưa được đáp ứng. Trong đó, sự trở lại nắm quyền tại Kabul là một yêu cầu tối thượng. Taliban thường dọa gia tăng các vụ tấn công bạo lực và thực hiện nhiều vụ tấn công như thế như một cách để đạt được các yêu cầu mình đặt ra.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.

Đặc sứ Mỹ Zalmay Khalilzad đang hoạt động như con thoi nhằm dọn đường cho việc rút quân theo kế hoạch, hạn chót là 1-5 tới. Sau khi đến Kabul để cập nhật thông tin với chính quyền Tổng thống Ghani về tiến trình đàm phán hòa bình, ông Khalilzad cũng sẽ đến Doha (Qatar) để gặp các lãnh đạo đàm phán của Taliban để trao đổi thông tin về đàm phán. Ông sẽ thảo luận với các bên liên quan để định hình một kế hoạch hoàn chỉnh cho việc chuyển giao quyền kiểm soát an ninh từ quân Mỹ sang chính quyền Afghanistan.

Dự thảo kế hoạch được tiết lộ cho thấy một “chính phủ chuyển tiếp hòa bình” sẽ được thành lập, đồng thời với hội nghị do Liên Hiệp Quốc bảo trợ như đề xuất trên đây của Ngoại trưởng Blinken. Hội nghị này được đánh giá như hội nghị “Bonn 2” của thế giới nhằm mang lại hòa bình cho Afghanistan.

Việc rút quân là một trong những cam kết của Mỹ trong thỏa thuận hòa bình ký với Taliban vào năm 2020. Đổi lại, phía Taliban cũng cam kết đảm bảo an ninh, không tiếp tục thực hiện các vụ tấn công bạo lực. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận được ký kết, bạo lực vẫn xảy ra và vấn đề có vẻ phức tạp hơn. Lần này, các đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ được xem như một giải pháp bổ sung cho thỏa thuận đã ký kết.

Nếu như thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban được xem như gạt chính quyền Afghanistan sang một bên, thì lần này, Mỹ thúc giục Taliban và chính quyền Afghanistan nối lại đàm phán nhằm tạo điều kiện cho Kabul trực tiếp tham gia vào việc giải quyết vấn đề an ninh trong nước. Chỉ có sự đối thoại trực tiếp giữa người trong cuộc là chính quyền Afghanistan với lực lượng Taliban mới có thể giúp mang lại kết quả cuối cùng cho vấn đề an ninh ở Afghanistan.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn