Nghề báo vẫn là nghề nguy hiểm


Những vụ trả thù tàn bạo

Báo cáo tổng kết hằng năm của Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đưa ra hồi cuối tháng 12 năm ngoái cho hay, các nhà báo ngày càng bị nhắm đến và bị giết vì công việc của họ. Khoảng 84% nhà báo bị giết trong năm 2020 là mục tiêu có chủ ý, tăng từ 63% vào năm 2019. Các nhà báo xuất bản các câu chuyện điều tra đặc biệt dễ bị tấn công.

Cụ thể, 10 nhà báo đã bị giết sau khi công bố các cuộc điều tra về các trường hợp tham nhũng địa phương hoặc lạm dụng công quỹ và 4 nhà báo bị giết vì những câu chuyện của họ về tội phạm có tổ chức. RSF cũng ghi nhận là một xu hướng mới vào năm 2020 là có tới 7 nhà báo thiệt mạng đưa đang tin về các cuộc biểu tình.

Mặc dù tổng số nhà báo thiệt mạng năm 2020 giảm so với con số 53 vào năm 2019 nhưng báo cáo lại ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại về các vụ giết hại nhân viên truyền thông ở các quốc gia được coi là "hòa bình". Năm 2020, 68% số nhà báo thiệt mạng đang làm việc tại các quốc gia không có chiến tranh. Con số này tăng từ 62% vào năm 2019 và 60% vào năm 2018. "Một số người có thể nghĩ rằng các nhà báo chỉ là nạn nhân của những rủi ro trong nghề nghiệp nhưng các nhà báo ngày càng bị nhắm đến khi họ điều tra hoặc đưa tin về các chủ đề nhạy cảm", Christophe Deloire, Tổng Thư ký RSF cho biết trong một tuyên bố.

Khoảng 84% trong số 55 nhà báo bị giết trong năm 2020 là mục tiêu có chủ ý.

Đến nay, Mexico vẫn là quốc gia chết chóc nhất đối với các nhà báo vào năm 2020, với 8 phóng viên thiệt mạng. Báo cáo cho biết thêm, quốc gia này đã chứng kiến trung bình 8 đến 10 nhà báo bị giết mỗi năm trong 5 năm qua.

"Mối liên hệ giữa những kẻ buôn ma túy và các chính trị gia vẫn còn. Những nhà báo dám đưa tin về vấn đề này hoặc vấn đề liên quan tiếp tục trở thành mục tiêu của những vụ giết người man rợ", báo cáo viết.

Những vụ giết người khủng khiếp như vậy được nêu chi tiết trong báo cáo bao gồm Julio Valdivia Rodríguez, phóng viên của nhật báo El Mundo, người được tìm thấy bị chặt đầu ở bang Veracruz, Mexico. Thi thể của Víctor Fernando Álvarez Chávez, biên tập viên của trang web tin tức địa phương Punto Noticias đã bị chặt thành nhiều mảnh ở thành phố biển Acapulco, Mexico. Iraq là quốc gia có số nhà báo chết nhiều thứ hai, với 6 người. Tiếp theo là Afghanistan với 5 người. Ấn Độ và Pakistan đứng thứ tư như nhau về cái chết của 4 nhà báo.

Đối tượng dễ tổn thương bởi COVID-19

Năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện khiến cả thế giới lo sợ. Trong khi người dân theo khuyến cáo của chính phủ các nước là làm việc tại nhà thì các nhà báo lại phải “lao” ra đường để săn tin, cung cấp cho khán thính giả và người xem nhưng tin tức thời sự và thông tin mới nhất về dịch bệnh cũng như cách thức phòng chống, chữa trị. Tổ chức phi chính phủ Chiến dịch biểu tượng báo chí (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thuỵ Sĩ) nhận định, đó là thời cơ vàng để báo chí khẳng định vị thế và niềm tin của người đọc. Báo chí - truyền thông cần giúp người dân hiểu về đại dịch và cách tự bảo vệ mình trước đại dịch, cách đối phó và nhận biết tin giả và thông tin sai lệch.

Nhưng, nó cũng là thách thức không hề nhỏ đối với việc bảo đảm sự an toàn, tính mạng và sức khỏe cho bản thân. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tới nhà báo, nhiều tổ chức thế giới đã công bố hướng dẫn cụ thể tới các nhà báo như rửa tay thường xuyên, sát khuẩn các thiết bị như máy tính, máy ghi âm, máy ảnh, kính, đeo khẩu trang, hạn chế và giữ khoảng cách khi phỏng vấn trực tiếp... Tuy nhiên, mọi sự phòng bị vẫn không thể nào ngăn được virus SARS-CoV-2 tấn công các nhà báo.

Thống kê của PEC cho thấy, hơn 500 nhà báo và nhân viên truyền thông ở 57 quốc gia đã chết vì COVID-19. Con số này ban đầu nghe có vẻ nhỏ so với tổng số người chết chỉ riêng ở Mỹ. Nhưng, nếu so sánh nó với số lượng nhà báo bị giết trên toàn thế giới khi đang làm nhiệm vụ hoặc bị trả thù vì công việc thì mới thấy rõ sức tàn phá, hủy hoại của COVID-19 đối với giới truyền thông. “Mức độ tàn phá của COVID-19 ở khắp nơi: từ chủ từ báo đến người quay phim, người dẫn chương trình trên truyền hình, nhân viên kỹ thuật. Nhiều người trong số họ đã bị ốm, bị nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đang thông báo cho cộng đồng về những ca nhiễm mới. Mỗi cái chết của một phóng viên là một câu chuyện buồn”, thông cáo của PEC có đoạn viết.

Cuối năm 2020, PEC cũng đã ủng hộ lời kêu gọi của các báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về một cơ chế giải trình khi họ lưu ý rằng thế giới phải đối mặt với một "thách thức hoàn toàn mới" với COVID-19. "Khi các nhà báo tìm cách làm sáng tỏ các phản ứng với COVID-19, họ đang phải đối mặt với các cuộc tấn công gia tăng. Bảo vệ các nhà báo là bảo vệ quyền được biết của mọi người. Chính phủ và Liên hợp quốc phải hành động khẩn cấp để chấm dứt tội ác chống lại các nhà báo", báo cáo viên của Liên hợp quốc Agnes Callamard và Irene Khan lưu ý.

Tổng Thư ký PEC Blaise Lempen cho hay ở các nước như Ấn Độ, Brazil, Argentina và Mexico, số lượng nạn nhân trong số các nhà báo đang gia tăng. Cụ thể, châu Mỹ Latinh dẫn đầu với một nửa số nạn nhân - 276 trường hợp nhà báo tử vong. Tiếp đến là châu Á với 125 người chết, châu Âu với gần 50 người, Bắc Mỹ hơn 30 người và châu Phi gần 40 người. Peru có số nhà báo chết nhiều nhất vì COVID-19 với 93 người và Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai với 51 người chết. Anh là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã có 10 nhà báo chết kể từ tháng 3-2020.

H.Chi

Nguồn tin: cand.com.vn