Người của công chúng: Lại câu chuyện trách nhiệm ở đâu?


Từ những quảng cáo bát nháo...

Không phải đến bây giờ mà nhiều năm gần đây, khi các trang mạng xã hội phát triển, các nhãn hàng đã hướng kênh thông tin của mình vào những cá nhân có lượng người theo dõi lớn. (Tiếp thị thông qua người nổi tiếng). Những người nổi tiếng bao gồm diễn viên, người mẫu, ca sĩ... xuất hiện ngày càng nhiều trong các quảng cáo, tiếp thị sản phẩm lên mạng xã hội. Chỉ một livestream trên trang cá nhân của họ đã có thể thu hút hàng ngàn, hàng triệu lượt theo dõi. Các sản phẩm được quảng cáo nhiều là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư...

Facebook, Tiktok, YouTube đang là những kênh chính phát những quảng cáo này. Đơn cử, diễn viên T.H thường xuyên livestream quản cáo kem dưỡng da; ca sĩ ĐT, nghệ sĩ QL, VD, QK cũng tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang...

Những người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật.

“Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất có khả năng tiêu bệnh gout từ căn nguyên. Tinh chất tiêu gout SANGU - sản phẩm số 1 cho người bị gout”. Đó là lời quảng cáo của một diễn viên cứ lặp đi lặp lại trên các kênh YouTube nhiều ngày nay. Tuy nhiên, ngày 7-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo: “Trong thời gian qua, trên các websise và trang mạng xã hội có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Sangu không đúng bản chất, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật quy định về quảng cáo”.

Không riêng về sản phẩm Sangu mà ngày càng có nhiều quảng cáo về các loại thuốc Đông y, thực phẩm chức năng trên Facebook, YouTube, trong khi chất lượng mập mờ, chưa chính xác. Nghệ sĩ Q.T là một gương mặt vàng quảng cáo cho những sản phẩm thảo dược. Vừa rồi, QT quay một livestream 4 phút để quảng cáo viên sủi Nano Fast và xem đây là “thần dược”. “Viên sủi này lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, được bào chế bởi công nghệ của Mỹ và kết hợp cả giáo sư đầu ngành về Đông y của Việt Nam”, nghệ sĩ Q.T nói. Tuy nhiên, trên thực tế, công dụng của viên sủi này chỉ ghi hỗ trợ giảm axít uric máu, hỗ trợ hạn chế và hỗ trợ giảm nguy cơ viêm khớp do gout.

...đến “dụ” công chúng chơi tiền ảo

Đáng báo động hơn, mới đây, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng đăng bài về tiền ảo với mục đích quảng cáo cho mọi người để lôi kéo đầu tư. Vừa qua, các fanpege chính thức, Facebook chính chủ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đồng loạt đăng bài quảng cáo với từ khóa #DOGE (viết tắt của Dogecoin) với những cái tên quen thuộc trong làng giải trí như Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm...

Người nổi tiếng quảng cáo cho tiền ảo.

Trong bài viết, ngoài liệt kê những đồng tiền ảo uy tín, có giá trị, nhiều đồng coin rác cũng được cài cắm khéo léo, người xem khó phân biệt nếu không có hiểu biết, kiến thức về những đồng tiền này. Các bài viết giống hệt nhau từ từ khóa cho đến hình ảnh. Tiền ảo này lưu hành theo phương thức đa cấp hứa hẹn lãi suất khủng hằng ngày. Sau khi bị lật tẩy, họ đã nhanh chóng gỡ bỏ nội dung. Song, những mẫu quảng cáo trá hình của họ, có vài trăm ngàn đến vài triệu người theo dõi, đã lan tỏa nhanh chóng.

Theo luật sư Võ Ngọc Dao - Công ty Luật TNHH ATD, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, thì hiện Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới chưa chấp nhận “tiền ảo” là tiền tệ hợp pháp. Việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật nước ta cấm các tổ chức tín dụng sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc làm phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Việc tiếp tay cho một đồng tiền chưa được luật pháp công nhận là vi phạm pháp luật. Câu hỏi đặt ra là có phải người của công chúng, họ muốn làm gì cũng được? Họ đang bất chấp để kiếm tiền dựa vào sự nổi tiếng của mình? Theo một khảo sát gần đây, 20 phút quảng cáo livestream của một nghệ sĩ nổi tiếng hạng A sẽ có giá tầm 35 đến 40 triệu đồng, còn nghệ sĩ hạng B cũng phải tầm 10 dến 20 triệu tùy sản phẩm. Mức thu nhập quá ổn so với lương nghệ sĩ hiện nay. Một khách hàng phản hồi gay gắt: “Tôi biết một số nghệ sĩ nước ngoài, trước khi nhận lời đại diện cho mặt hàng mặt nạ đắp mặt đã yêu cầu nhà sản xuất gửi cho dùng thử trong vòng 6 tháng, thấy ổn thì mới ký hợp đồng quảng cáo. Nghệ sĩ ta quảng cáo bát nháo, thiếu trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng, những người hâm mộ mình”.

Trách nhiệm công dân ở đâu?

Ai cũng hiểu, một phát ngôn của nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ có tác động rất lớn đến cộng đồng. Rất nhiều người mua thuốc, mĩ phẩm chỉ với niềm tin rằng, nghệ sĩ nổi tiếng này quảng cáo chắc chắn tin cậy. Thế nhưng, hóa ra niềm tin của họ đã bị đánh cắp vì sản phẩm được khuếch trương không đúng giá trị thật. Lỗi ở chính những người nhận hợp đồng quảng cáo, là các nghệ sĩ, người của công chúng ấy.

Hơn ai hết, họ ý thức được sức ảnh hưởng của mình trước công chúng. Cũng là quảng cáo nhưng NSND Trung Anh hạn chế nhận các đơn đặt hàng. Sau bộ phim “Về nhà đi con” lượng theo dõi trên page của anh rất lớn nhưng NSND Trung Anh khá cẩn trọng khi giới thiệu một sản phẩm hay một thông tin cho công chúng.

Một sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

Anh chia sẻ: “Phát ngôn trước công chúng cần cẩn trọng, tôi không nhận giới thiệu sản phẩm một cách dễ dàng, nhất là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe của cộng đồng. Kiếm tiền ai cũng muốn nhưng đồng tiền đó phải có nguồn gốc xứng đáng, không thể bất chấp bởi đôi khi, chỉ một cái tặc lưỡi của chúng ta đã làm ảnh hưởng đến rất nhiều người. Theo tôi, nghệ sĩ cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, kiểm chứng các sản phẩm kỹ càng trước khi quảng cáo”. Trước khi bị các đơn vị chức năng xử lý vì những hành vi vi phạm trong Luật Quảng cáo thì trước hết, nghệ sĩ phải tự bảo vệ hình ảnh của mình trước công chúng, nâng cao trách nhiệm trước những phát ngôn.

NSƯT Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nơi có nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, chia sẻ: “Thực tế, quảng cáo hay không là quyền của các nghệ sĩ, đó là công việc ngoài giờ, thu nhập thêm. Hiện nay, đời sống nghệ sĩ rất khó khăn, họ phải xoay ra đủ nghề để kiếm sống. Tuy nhiên, tôi khuyên các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ cần cẩn trọng khi nhận một hợp đồng quảng cáo nào đó, vì lợi bất cập hại, cái được là tiền nhưng cái mất nhiều hơn, không mua lại được bằng tiền. Hãy đặt trách nhiệm công dân của nghệ sĩ lên trước mọi quyết định đó”.

Quảng cáo không đúng sự thật là hành vi vi phạm pháp luật

Theo luật sư Võ Ngọc Dao, các nghệ sĩ, người nổi tiếng, có tên tuổi, có lượng theo dõi lớn trên Facebook, YouTube... là những người có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng, người hâm mộ, người tiêu dùng. Hơn ai hết, họ là những người có trình độ, có nhận thức về các hành vi của mình.

Họ phải ý thức được các nội dung quảng cáo, giới thiệu sẽ có tác động lớn đến tâm lý tiêu dùng. Những người hâm mộ, theo dõi Facebook, theo dõi trang hâm mộ của các nghệ sĩ sẽ có tâm lý tin tưởng vào chất lượng, nội dung quảng cáo, giới thiệu của các nghệ sĩ nổi tiếng, dẫn đến việc hưởng ứng, mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mà nghệ sĩ đó quảng cáo. Nhiều hệ lụy tiêu cực đã xảy ra khi các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, giới thiệu cho các hành vi đa cấp tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo.

Trong trường hợp cơ quan chức năng điều tra, làm rõ được các hành vi của các nghệ sĩ trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng khác chiếm đoạt tiền của những người chơi tiền ảo thì có thể bị xử lý đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định tương đối cụ thể, nếu nghệ sĩ tham gia quảng cáo mua bán tiền ảo thì được coi là hành vi trái pháp luật, tùy từng mức độ có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo luật sư Dao, các nghệ sĩ, cũng như các tổ chức, cá nhân khi quảng cáo cho các sản phẩm thì phải có trách nhiệm: Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp; Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của Điều 13 Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Trường hợp nghệ sĩ quảng cáo cho các sản phẩm là thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp..., đây là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe, tính mạng, độc hại đối với người tiêu dùng, cho nên các phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm chứng về tính pháp lý, hợp pháp của các sản phẩm này: như sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng không? Sản phẩm có được công bố với Bộ Y tế hay không? Có được đăng ký lưu hành hợp pháp hay không? Nội dung quảng cáo có đúng với các nội dung đã đăng ký với Bộ Y tế hay không?

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, việc vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, đồng thời bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo (Điều 50, Khoản 2, 3). Luật sư Dao cho rằng, về căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự, các nghệ sĩ nổi tiếng mà quảng cáo sai sự thật, gian dối về hàng hóa, dịch vụ thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự quy định về “Tội quảng cáo gian dối”.


TP Hồ Chí Minh yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ

Ngày 20-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của một số hội viên tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng với chất lượng, vận động hội viên không tham gia quảng cáo nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong công văn chỉ đạo, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu tình trạng một số nghệ sĩ ở TP Hồ Chí Minh giới thiệu, quảng cáo trái luật một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo..., có thể gây ảnh hưởng sức khỏe và tài sản người tiêu dùng. Việc kiểm tra này nhằm tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo không đúng quy định.

Bảo Linh

Nguồn tin: cand.com.vn