Người giàu, người nghèo và COVID-19


“Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn cách xa chiến thắng. Chúng ta đang ở trong cuộc đua sinh tử với chủng virus lây lan nhanh chóng này, khi số ca dương tính tiếp tục tăng, các biến chủng đang lây lan. Và thật đáng buồn, một số hành vi liều lĩnh mà chúng ta thấy trên truyền hình trong những tuần qua đồng nghĩa với việc có thêm các ca dương tính mới”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu, ngày 29-3.

Và mới chỉ một ngày trước đó, 28-3, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vừa một lần nữa thống thiết lên tiếng: “Vì lợi ích của tất cả mọi người, cần thực hiện tiêm chủng ở mọi nơi. Vaccine cần phải là hàng hóa công cộng trên toàn cầu, để đảm bảo các chiến dịch tiêm chủng sẽ diễn ra càng sớm càng tốt và công bằng”.

Liên Hợp Quốc chỉ có thể kêu gọi và chỉ trích, chứ không có công cụ hay chế tài nào đối với các hành vi đầu cơ vaccine ngừa COVID-19.

Tất cả đều vì chính mình

Một cách chính xác, điều Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lo ngại nhất là chuyện các nước phát triển giàu có tích trữ vaccine, qua đó tạo nên những hố thẳm ngăn cách về cơ hội tự bảo vệ mình trước dịch bệnh trên thế giới. Ông nói rõ: “Chúng tôi đã kêu gọi các nước phát triển chia sẻ một số loại vaccine mà họ đã mua. Và, trong nhiều tình huống, họ đã mua nhiều hơn những gì họ cần”. Điều đó có nghĩa là “chủ nghĩa dân tộc vaccine” đã lại thực sự hiện hữu trên thế giới, khi các quốc gia chỉ đảm bảo việc tiêm vaccine cho dân số của họ và mặc kệ chuyện hạn chế nguồn cung ở những nơi khác.

“Chủ nghĩa dân tộc vaccine (vaccine nationalism)” không còn là một thuật ngữ xa lạ đối với giới quan sát quốc tế toàn cầu nữa. Cụm từ ấy được đưa ra lần đầu bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 2-2020, nhằm chỉ việc ưu tiên lợi ích quốc gia trong việc cung cấp vaccine cho các bệnh dịch toàn cầu, như căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Song, thực tế, “chủ nghĩa dân tộc vaccine” đã manh nha xuất hiện từ năm 2009, khi dịch cúm H1N1 hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch này đã giết chết hơn 289.000 người trên toàn thế giới. Chỉ trong vòng 7 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều loại vaccine hiệu quả cao đã được sản xuất. Mặc dù một số quốc gia phát triển, bao gồm cả Mỹ, đã đồng ý tặng vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhưng họ chỉ thực hiện điều này sau khi đã đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine cho người dân trong nước.

Mọi quốc gia đều cố gắng bảo vệ công dân của mình trước tiên.

Chưa ai quên, vào cao điểm của những đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên trong năm 2020, đã có không ít câu chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” xảy ra, khi thậm chí có những quốc gia bị cáo buộc chặn đường và tịch thu những chuyến hàng chở thiết bị y tế của nước khác. Ví dụ, vào đầu tháng 4-2020, nước Đức cũng phải phàn nàn vì cho rằng Mỹ đã “hớt tay trên” lô hàng 200.000 khẩu trang đạt tiêu chuẩn đặt hàng từ Trung Quốc.

Thông tin này sau đó đã bị Nhà Trắng bác bỏ nhưng trên thực tế, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ra lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác nhằm đảm bảo nguồn cung vật tư trong nước trong bối cảnh nước này chịu ảnh hưởng nặng vì COVID-19.

Còn hiện tại, đang có ít nhất 69 quốc gia và vùng lãnh thổ hạn chế hoặc thậm chí cấm xuất khẩu các trang thiết bị, sản phẩm y tế, dược phẩm, bao gồm vaccine. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng giữa các nước và khu vực có mâu thuẫn chính trị từ trước, như Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu (EU) từ giữa năm 2020, hay Mỹ và Trung Quốc (dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump). Tâm lý chung của các trường hợp này là: Lợi ích của “đối thủ” đồng nghĩa với mất mát của quốc gia.

Theo tờ Foreign Affair, chủ nghĩa dân tộc sẽ không thể biến mất dù bị cho là nguy hiểm hay thiển cận, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia quốc tế. Tư tưởng “bộ lạc” ấy đã giúp con người tồn tại giữa môi trường tự nhiên khắc nghiệt hàng ngàn năm trước. Với cơ chế “sống còn” tương tự, tới thời kỳ hiện đại, nó thường xuất hiện khi xảy ra các cuộc khủng hoảng. Toàn cầu hóa gây ra va chạm và xung đột liên tục, vì đó mà kéo theo việc những tư tưởng hẹp hòi lại có xu hướng gia tăng lúc “có biến”.

Chủ nghĩa dân tộc vaccine khoét sâu thêm những hố ngăn cách trong lòng thế giới.

Trước lời chỉ trích của EU vào giữa năm 2020, nước Anh giải thích rằng họ đang chính là “người đuối nước” nên phải tự cứu chính mình trước. Các nước thấy họ đã tiêm chủng được 10% dân số (cao hơn 8% so với EU) nhưng thực tế họ đang là nước có số ca nhiễm đứng đầu khu vực.

Còn vào lúc này, cuối tháng 3-2021, EU đang thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với vaccine COVID-19 bên ngoài khối 27 quốc gia. Trong khi đó, Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu vaccine AstraZeneca-Oxford do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất - mà Canada dự kiến sẽ nhận được 1,5 triệu liều vào cuối tháng 5 - để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Liên minh vaccine toàn cầu - Gavi - đã khẳng định Quỹ COVAX sẽ là phương án chấm dứt cơn khủng hoảng toàn cầu này. Đây là cơ chế đảm bảo phân phối bình đẳng vaccine toàn cầu do tổ chức WHO lập ra và điều phối, hiện đã có hơn 160 quốc gia thành viên.

Trong Hội nghị thượng đỉnh G7 mới diễn ra, chính quyền ông Joe Biden dự kiến sẽ trao 4 tỷ USD cho COVAX. Trong đó, 2 tỷ USD được chuyển giao ngay, 2 tỷ USD còn lại sẽ được thanh toán dần, nhằm làm đòn bẩy để thúc đẩy các quốc gia phát triển khác đóng góp vào nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Năm 2021, COVAX sẽ phân phối 2 tỷ liều cho các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và Nigeria.

Thế nhưng, nếu các nước giàu, các nước phát triển và các quốc gia sản xuất vaccine quyết định không sớm chia sẻ sản phẩm cho rộng rãi cộng đồng, thì dù có hàng đống tiền đi nữa, liệu cũng có ý nghĩa gì?

Việc người dân ở những nước nghèo không thể tiếp cận các thành tựu y tế khiến công cuộc đẩy lùi đại dịch trở nên khó khăn hơn.

Cần thận trọng với “Hộ chiếu vaccine”

“Chủ nghĩa dân tộc vaccine”, không thể phủ nhận, còn thoát thai từ không ít yếu tố địa chính trị. Nói một cách ngắn gọn, trong thế giới hiện đại - thế giới đang phải đối diện với những hiểm họa hủy diệt mà đại dịch COVID-19 là một ví dụ, chuyện nắm được bí quyết sản xuất hay khống chế được guồng máy phân phối các trang thiết bị y tế cũng như các thành tựu y dược học tiên tiến nhất, theo bất cứ cách nào, cũng sẽ là một công cụ hữu hiệu để nâng cao tầm ảnh hưởng và quyền lực mềm trên bản đồ địa chính trị thế giới.

Song song với “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, thế giới cũng đã bắt đầu nghe đến và cảm thấy quen thuộc với các thuật ngữ mới: “Ngoại giao y tế” (Medical diplomacy) - điều mà truyền thông phương Tây nêu điển hình là Trung Quốc và “Chủ nghĩa khủng bố y tế” (Medical terrorism) - lời kết án nặng nề của Iran dành cho những biện pháp cấm vận hà khắc từ nước Mỹ.

Sau tất cả, kể cả lợi ích địa chính trị, lợi ích kinh tế chính là yếu tố then chốt dẫn đến mọi thứ mâu thuẫn, xung khắc, bất đồng..., làm nảy ra những khái niệm mới, đồng thời thúc đẩy mạnh hơn việc các quốc gia trở nên “ích kỷ”, bất kể mọi thông điệp nhân đạo mang tính lý tưởng hóa thường ngày vẫn luôn được “nói ra rả”.

Một chiến dịch tiêm chủng thành công, cũng có nghĩa là một liều doping thực thụ kích hoạt các guồng máy thương mại đã bị tê liệt hết lần này đến lần khác trong suốt cả năm qua, khi các xã hội có điều kiện và cơ hội để trở lại hoạt động bình thường.

Vấn đề là, ở một số khía cạnh, dường như những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới đã bị “thần thánh hóa”, mà tiêu biểu là ý tưởng về “hộ chiếu vaccine” - được đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến trình cứu vớt các quốc gia hay vùng lãnh thổ có nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào mảng kinh doanh dịch vụ - du lịch.

Hộ chiếu vaccine, một ý tưởng tương đối mạo hiểm.

Không cần xét đến những phản ứng phụ của các loại vaccine, chỉ cần suy xét một cách tỉnh táo và kỹ lưỡng, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy mặt trái của tấm “hộ chiếu vaccine”. Về bản chất, theo diễn biến thực thế, khả năng biến chủng của virus SARS-COV-2 càng lúc càng trở nên phức tạp. Và cũng về bản chất, bất cứ loại vaccine nào cũng chỉ là những giải pháp “chạy theo sau” những diễn biến thực tế đó.

Bởi vậy, những tấm “hộ chiếu vaccine”, nếu không được sử dụng đúng với vai trò của nó mà trở thành “tấm giấy thông hành” được chấp nhận rộng rãi trên một quốc gia, một châu lục hay toàn thế giới, đều có thể tạo nên những ngộ nhận về sự an toàn. Nói cách khác, đó sẽ là những liều doping tinh thần tạo nên ảo giác và làm lỏng lẻo toàn bộ mọi mắt xích phòng, chống dịch bệnh khác. Cho dù, nó có thể tác động hết sức tích cực đến các hiện trạng kinh tế - xã hội, thì “hộ chiếu vaccine” vẫn là một ý tưởng chứa đầy cạm bẫy.

Bởi thế, khi được hỏi về khả năng áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 trên toàn cầu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thận trọng nói: “Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, chúng ta cần phải có cuộc thảo luận nghiêm túc để đảm bảo tính công bằng và sự hợp tác hiệu quả trên toàn thế giới”.

Có điều, trong những cuộc thảo luận đó, không ai dám chắc các ý kiến chuyên ngành y tế liệu có thể thắng thế trước những đòi hỏi bức thiết về lợi ích kinh tế hay không...


Mây Linh

Nguồn tin: cand.com.vn