Người nhìn thấy sóng ở dưới đáy sông


Một hôm tôi đang cắm cúi lau nhà, bỗng em Như Bình, Thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ Công an véo von: “Anh viết ngay cho em một bài để đăng số Tết. Lâu quá rồi, Văn nghệ Công an thiếu cái giọng văn rí rủm, đẹp, độc, lạ của anh là độc giả nhớ lắm”. Chết tôi rồi. Khi ấy chợt tự thấy mình “đứng thì thấp, ngồi thì cao” (nguyên văn tiếng Tày: “Dặng lẻ tăm, nẳng lẻ slung”) nói về sự xấu hổ ngượng ngập. Đúng thế thật. Xấu hổ quá! Vì cả năm nay không đóng góp cho báo mẩu chữ nào mà bây giờ lại được mời viết bài Tết.

Em Như Bình xinh đẹp lại nhóng nhánh trầm bổng tiếp: “Anh viết gì trong kho tàng chữ nghĩa của anh đều được, miễn là ý và lời của Y Phương là hay rồi”. Lại còn thế nữa. Em nói anh viết gì cũng được nghĩa là sao. Chắc em đùa thôi. Chẳng qua tôi có tý vốn văn hóa Tày, lâu lâu rút ruột ra một xíu, chỉnh trang làm mới nó, rồi cho đăng lên báo. Có thế thôi. Như Bình không buông tha tôi, ngẫm nghĩ một lúc lại tiếp lời: “Hay anh viết cho em một bài chân dung văn nghệ kiểu như về nhà thơ Trần Hùng đỡ đẻ năm 18 tuổi ấy, đọc hay phải biết. Em thấy rất thích!”. Tôi im lặng… Và ngượng vì em quá khen.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cháu nội.

“Hay là… anh viết về Tết Tày đi, ngày Tết kể ra những gì thân thuộc nhất của anh đều hay và ý nghĩa cả”, Như Bình vẫn không bỏ cuộc. Thấy tôi vẫn im lặng. Tết Tày tôi viết nhiều bài rồi, sợ lặp lại chính mình, sợ bị nhàm chán, sợ làm khổ bạn đọc. Hơn nữa tôi cũng đã gần cạn lưng vốn.

Bỗng em đổi giọng sáng tươi, nhả từng chữ rành rọt: “À! Anh viết về Nguyễn Quang Thiều giúp em. Hay lắm! Lại đúng dịp anh ấy vừa được bầu làm Chủ tịch Hội. Anh ấy thì nhiều người viết rồi nhưng có sự kiện mới anh ấy “lên chức văn chương”. Không chần chừ, tôi nói ngay: “Không! Giờ ông ấy làm to, anh không viết”. Ấy thế mà tôi lại lụi hụi ngồi ngẫm về “tay lưng gù ria mép rậm Nguyễn Quang Thiều”.

Những ngày này, khi các bạn mở vào “gu gồ”, chỉ cần đánh ba chữ Nguyễn Quang Thiều, sẽ hiện lên những dòng tít “Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều”. Tên ông xuất hiện la đà xanh rờn như mai như trúc. Tên ông lúc lỉu như bầu như bí ở các báo, tạp chí…

Tôi biết Nguyễn Quang Thiều từ hồi còn học Trường Viết văn Nguyễn Du (không nhớ rõ là năm nào). Nghĩa là khá lâu rồi, tầm trên bốn chục năm có lẻ. Hồi đó chàng thi sĩ “gấu” vừa từ Tây về nước nhận công tác. Chàng đang si mê và đến tán người đẹp ngôi trường mà tôi đang theo học. Chuyện cũng bình thường thôi, trai chưa vợ, gái chưa chồng mà.

Chàng thi sĩ “gấu” là do tôi buột miệng nói. Vì thấy Nguyễn Quang Thiều có tấm lưng hơi gù như gấu. Râu tóc tốt tươi như gấu. Hàng ria được chăm sóc tỉa tót kỹ càng, nom chàng thi sĩ điển trai như các tài tử xi nê ở xứ “phờ răng xoa”.

Ngày ấy Nguyễn Quang Thiều điệu đà và phong trần lắm. Xin lỗi nhé, hình như dân Tây học, ai cũng có một chút điều điệu, chắc họ nhiễm thói quen của các bà đầm mũi lõ. Đặc biệt ở Thiều có đôi mắt sáng tinh anh. Sáng như hai nụ điện. Chàng liếc gái nhanh như chớp, nhưng không hề để lại tý ti tì vết nào. Nghĩa là chàng dẫu có ăn vụng đâu đó nhưng chùi mép cũng nhanh như con nhện nước.

Tôi nghĩ, với cặp mắt ấy, đích thị là người có võ. Chắc chắn Nguyễn Quang Thiều là người có võ cao cường thượng hạng. Càng cao cường thượng hạng, càng tỏ ra “lép vế”. Thiều chỉ xin làm ở sân sau, với suất diễn chạy cờ phọt phẹt. Cổ nhân nói chân nhân bất lộ tướng. Đúng vậy. Ông là kiểu một người có lối sống kín đáo, chín chắn và sâu sắc.

Thực ra Nguyễn Quang Thiều là một người đàn ông mềm yếu. Ông có trái tim rất dễ bị trầy xước. Ông không hề giấu giếm cảm xúc trước cái đẹp, trước số phận éo le, thua thiệt của người đời. Mà giấu cũng chẳng được, giấu để làm gì.

Tôi theo dõi quan sát qua những hình ảnh và một loạt bài ông viết dành cho cô cháu ngoại Kya Mai Ramirez, về anh cu đích tôn Nguyễn Quang Diệu sắp tròn hai tuổi. Với cô cháu ngoại, Nguyễn Quang Thiều đã dành nhiều tình cảm sâu lắng nhất, ưu ái nhất. Tôi có cảm giác Nguyễn Quang Thiều vừa viết vừa khóc.

Khóc vì ông nhớ cháu quá. Một núm ruột của ông đang ở một nơi rất xa, tận bên kia trái đất. Ông cháu biền biệt trăm năm chưa gặp. Vời vợi ngàn trùng triệu năm chưa thấy. Bên này ông nằm ngủ nghe bên kia cháu mình đang lú lí chơi tiếng Việt. Và khi thấy cái miệng xinh xinh đang bập bẹ nhả ra những âm tiết đầu đời, lại đúng giọng người Hà Đông hơi nhiu nhíu, đã làm cho ông càng thêm xúc động. Cháu nói hay mẹ đẻ cháu nói đây. Hay quê hương làng Chùa nói đây. Một giọng nói lơ lớ kiểu tây lây ta thường thấy ở những đứa con lai.

Hôm rồi, Nguyễn Quang Thiều lại đăng lên FB bức ảnh cô cháu gái lớn nhanh như búp, mát rượi như gió từ sông Đáy thổi lên. Cháu sắp trở thành thiếu nữ rồi. Càng lớn trông cháu càng xinh gái. Không kìm được lòng mình, tôi còm một câu vào dưới ảnh: Giờ ông Thiều không cần ăn cũng no. Lập tức Nguyễn Quang Thiều đáp lại: Thi bá nói quá chuẩn. Ngắn gọn nhưng chứa đầy niềm sung sướng pha chút tự hào. Từ lâu chúng tôi vẫn thường đùa nhau, tôi gọi Thiều bằng “sếp”. Thiều gọi tôi là “thi bá”. Trong tiếng Tày, bá là điên. Điên sạch sẽ. Thi bá là nhà thơ điên sạch sẽ. Được thế thì…

Cuốn sách nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết tặng hai cháu của mình.

“…Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ…”, câu thơ của Lưu Quang Vũ mỗi khi đọc lên, bỗng rùng mình da diết ám ảnh mãi. Và tôi tin thi sĩ Nguyễn Quang Thiều chắc cũng thế. Khi thấy cháu mình tập nói tiếng Việt, nước mắt ông lặng lẽ chảy vào trong. Ông vốn là người rất yêu quý cội nguồn văn hóa dân tộc.

Từ mấy năm nay, nhóm Nhân sĩ Hà Đông do Nguyễn Quang Thiều đứng ra phụ trách. Họ tự động lặn lội đi tới các miền quê để thu gom các sắc phong đang có nguy cơ bị hỏng hóc hoặc mất mát. Mất mát là điều có thể, vì ngày nay bọn “văn hóa tặc” lấy cắp văn hóa phẩm là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nhiều ngôi chùa cổ có bức tượng thờ quý giá đã bị chúng thó mất. Sắc phong lại càng có nguy cơ hỏng hóc nhiều hơn. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm thất thường khó giữ gìn “các cụ” lành lặn. Sắc phong được viết trên giấy dó, có in hình long đằng, cực kỳ đẹp và sang trọng. Sắc phong là một phần của di sản văn hóa, do cha ông để lại, nhưng có mấy ai biết đọc. Chữ Hán Nôm trở thành bức rào trở ngại cho hậu thế. Nên hầu hết người dân chưa biết quý tiếc phẩm vật làng mình đang có.

Đã nói là di sản thì không bao giờ làm lại được. Không bao giờ lấy lại được nếu đã vô ý làm mất. Nhóm đã nhờ các bậc túc nho dịch và mang trả lại đúng chính chủ. Đây là một việc làm đầy ắp tinh thần tự tôn văn hóa dân tộc của nhóm Nhân sĩ Hà Đông do thi sĩ Nguyễn Quang Thiều dẫn đầu.

Có lẽ Nguyễn Quang Thiều là người duy nhất nhìn thấy sóng ở dưới đáy sông. Vậy ông không thể là người bình thường. Người có tri thức am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam và Đông Tây kim cổ. Vậy ông không thể là người bình thường. Một thi sĩ tài hoa người mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại, ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vậy ông không thể là người bình thường.

Người có những câu thơ, bài thơ để đời. Vậy ông không thể là người bình thường. Một người chưa qua trường lớp đào tạo nghệ thuật tạo hình, lại sáng tác nhiều bức tranh độc đáo, thấm đẫm chất thơ, khiến các bậc tài danh làng họa Hà thành đã phải thốt lên: Tranh của Thiều quá đẹp! Vậy ông không thể là người bình thường.

Nguyễn Quang Thiều làm người bình thường khi được trở về các làng quê, được úp mặt vào rơm rạ, vào cây cỏ, vào mùi tóc làn da trẻ con.

Nguyễn Quang Thiều chỉ thực sự làm người bình thường, khi ông nép vào bụi cỏ, nhường đường cho những - người - đàn - bà - gánh - nước - sông - đi - qua.

Y Phương

Nguồn tin: cand.com.vn