"Người về đỉnh cao" sao chưa tới được cổng trường đại học?


Có lẽ, hai lần bùng phát đại dịch COVID-19 trong năm nay cũng không đủ "hạ nhiệt" không khí hồi hộp, căng thẳng, nóng hổi của mùa tuyển sinh đại học. Nhớ lại chừng hai mươi năm trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, người ta phải đến tận trường xem điểm, có một anh bán hàng nước ở cổng trường đại học nọ (nghe nói cũng từng vài bận thi trượt) ngồi ngắm các sắc thái vui, buồn của sĩ tử bèn nghêu ngao một câu nhạc Trịnh: "Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu" (Tình nhớ-Trịnh Công Sơn). Ngẫm ra bây giờ, "người về vực sâu" vỡ mộng vào đại học đã đành nhưng ngay cả nhiều người "về đỉnh cao" bởi điểm số 28, 29 ấy cũng đâu có chạm tới cổng trường đại học. Vì đâu nên nỗi hoang mang ấy?

Học để kiếm việc làm mưu sinh luôn là một nguyện vọng thiết thực. Nhưng, chúng ta cũng đừng quên mình chỉ có thể là mình, mình có những giới hạn riêng và người thông minh hãy tìm ra một lối đi, một cách chiến thắng riêng cho bản thân trong cuộc sống này. lCách tính điểm “lạ” có thể khiến thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học - nguồn ảnh Vietnamnet.

Dạo qua "vỉa hè" Facebook, có nhà giáo 7X than: Ngày xưa có hơn 10 điểm mình đã đỗ đại học, cả huyện có mỗi mình đỗ, ấy vậy mà giờ các cháu học sinh thi 3 môn gần chạm 30 điểm vẫn thấp thỏm. Không lẽ điểm cũng bị lạm phát hay trình độ của học trò sau nhiều lần cải cách, sau khi được áp dụng công nghệ dạy học đã "đột biến"? Chắc hẳn, câu trả lời thứ nhất sẽ được nhiều người tán đồng hơn bởi mối lo ngại lâu nay vào những thành tích ảo của giáo dục.

Nhưng, đằng sau đó còn là một mối lo khác: Xưa nay chuyện điểm số, chuyện dạy và học ở phổ thông đã chứa đựng những bất cập, thứ duy nhất mà người ta còn tin tưởng ấy là ở sự xác đáng của kì thi tuyển sinh đại học. Sau khi các vụ việc tiêu cực thi cử ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang trong khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia được xử lý nghiêm minh, khi lòng tin dần trở lại với chúng ta thì bỗng "cơn sóng thần" về điểm làm tất cả bất ngờ. Một mùa thi "được mùa" của học sinh liệu có đáng lo ngại như cảnh nông sản bội thu mà người nông dân vẫn méo mặt vì giá cả bèo bọt, cầu không đáp ứng được cung hay không?

Trước hết, xin trở lại với câu chuyện không cũ đó là bậc cầu thang quá dài, dẫn đến bước chân hụt hẫng giữa bậc phổ thông và chuyên nghiệp. Khoảng hơn hai mươi năm trước, điều này càng thể hiện rõ bởi sự "mất liên lạc" giữa hai bậc học. Các nhà trường phổ thông (đặc biệt là ở các địa phương) hầu như rất ít có các chương trình làm việc chung với các trường đại học về tư vấn hướng nghiệp.

Ngược lại, nhiều trường đại học, cao đẳng có lẽ cũng muốn giữ cho mình một khoảng cách nhất định với cấp học dưới nên chẳng mặn mà gì với nguồn đầu vào khi các học sinh ""lớp 13" còn đang quá tải ở các lò luyện thi. Hay nói cách khác, thí sinh phải tìm đến các trường, tự nhận diện, tự đánh giá và lựa chọn. Thói quen ấy những tưởng là vô hại, nhưng dần theo thời gian bắt đầu bộc lộ những bất cập mà có lẽ trong kì thi tuyển sinh năm nay là một ví dụ.

Sau đó, chính vì mục tiêu vào đại học với ngành, trường rất vời vợi, chung chung để rồi các em học sinh chỉ nghĩ phải cố học thật giỏi, vào trường điểm thật cao, còn có phù hợp với năng lực cá nhân, có phát huy được sở trường cá nhân hay không lại là một câu chuyện khác.

Thử lướt qua mức điểm chuẩn của một số khoa thuộc nhóm "hot", chúng ra không khỏi giật mình. Cụ thể như: ngành Hàn Quốc học (khối C)-Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là 30 điểm; ngành Công nghệ thông tin: Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là 29,94; Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là 28,5 điểm; Ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Ngoại thương là 36,42 điểm (trên thang điểm 40)…

Nhưng, đằng sau những con số ấy có đúng là một tín hiệu đáng mừng, việc điểm chuẩn chót vót của năm nay có phải là điều đáng lo không?

1.Không nhất thiết ngành học có điểm chuẩn cao đã là ngành phù hợp cho mỗi thi sinh cũng như toàn xã hội. Còn nhớ, tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998 và Điều 89 của Luật Giáo dục 2005: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí. Kể từ đó các khoa, trường sư phạm bỗng dưng thành ngành "hot". Những thí sinh có lực học tốt nhất, điểm số tốt nhất đều tập trung vào.

Sự phân bố đó hoàn toàn chạy theo lợi ích thiết thực của người học trong việc giảm tải chi phí cho gia đình. Tuy nhiên, chúng ta đều biết giáo dục dù rất quan trọng nhưng đâu phải một lĩnh vực trực tiếp làm ra của cải vật chất. Nhu cầu về số lượng giáo viên phục vụ cho các cơ sở giáo dục trên cả nước cũng chỉ là một con số không quá lớn. Để rồi hệ quả sau đó là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm không tìm được việc làm trở thành công nhân các nhà máy, xí nghiệp khá nhiều.

Khi đã 22 tuổi, họ phải quên đi tấm bằng với giấc mơ bục giảng để bắt đầu học nghề quả là một sự lãng phí cả về tiền bạc và thời gian. Sự lựa chọn theo kiểu "bầy đàn", chuộng hình thức bề ngoài của công việc mà không chú ý đến những đòi hỏi khắt khe, sự vất vả của lĩnh vực này.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn đi học nghề thay vì vào đại học. Ảnh Hoa Lê- Bao Laodong.vn

2. Ai đã tạo ra đỉnh triều cường về điểm số hay chính sự mơ hồ của người học? Giới trẻ đang tự làm cho mình tươi tắn hơn bằng các "hot trend" từ các status, ăn mặc, phong thái… điều đó làm cuộc sống của chúng ta sinh động, đáng yêu hơn. Nhưng, có lẽ, việc hướng nghiệp và lập nghiệp lại cần đến những cái đầu lạnh và tư duy thực tế hơn nhiều.

Nói đến chủ đề này, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một cậu bé sinh năm 2000. Vốn không phải là đứa trẻ học hành giỏi giang, từ nhỏ cậu đã sống ở quê với bà nội bởi bố mẹ đi làm rất xa. Khi trở về sống với gia đình, cậu trở thành nỗi lo với cha mẹ vì chẳng có thiên hướng nổi trội về khối nào. Năm lớp 12, thay vì bày tỏ mong muốn vào các ngành, cậu nói với cả nhà: Con chỉ thích đi học nấu ăn. Mẹ cậu ta phát hoảng nhưng rồi chợt nhớ ra: Bấy lâu nay sở dĩ mình có thời gian đi tập gym, đi siêu thị, đi spa là bởi… cơm nước đã có cậu con giai đảm.

Và rồi, sau khi theo học Khoa Quản trị chế biến món ăn ở một trường cao đẳng du lịch, cậu có công việc đem lại thu nhập tốt, trở thành một người có năng lực, có cuộc sống ổn định và đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Giả sử, cậu bé đó lại từ bỏ ước mơ của mình để theo chân vào học các ngành khác, cậu có tìm được việc làm và phát huy được khả năng của mình hay không?

3.Nếu đặt sang một bên những lý do khách quan, cổng trường đại học vẫn nằm trong tầm với của những ai có cái nhìn đúng đắn dựa trên những nguyên tắc căn bản: hiểu biết về ngành học và công việc cụ thể của ngành ấy sau khi ra trường - đam mê - năng lực bản thân dựa trên các môn thi tuyển - xu thế phát triển của xã hội. Chỉ khi ấy, các em sẽ tìm được mục tiêu phù hợp với mình, có cơ hội tốt nhất để sau khi ra trường chọn được công việc giúp ổn định cuộc sống.

Mọi điểm chuẩn đều dựa trên thực tế điểm thi, sự phân bố các ngành học theo cách tuyển sinh hiện nay đang phụ thuộc vào cách nhìn của chúng ta. Ngoại trừ các ngành trong lực lượng vũ trang, không có tấm bằng nào là chiếc phao cứu sinh đảm bảo một vị trí công việc và tương lai tốt.

Lâu nay, có một câu nói hẳn nhiều người còn nhớ: "Vào đại học không phải là con đường duy nhất". Trong thời điểm này, câu ấy vẫn còn nguyên giá trị và cần được hiểu một cách rõ ràng hơn: học để hiểu biết, để có năng lực, tay nghề đáp ứng nhu cầu xã hội và bản thân. Chính vì thế, sự chủ động luôn từ phía các em, hãy có một sự lựa chọn đầy hiểu biết, giúp cho bản thân tránh được bước chân hẫng hụt trên nhịp cầu thang quá dài giữa THPT và bậc đại học, cao đẳng để đến được với ước mơ của mình.

Lâm Việt

Nguồn tin: cand.com.vn