Nguồn tin quan trọng nhất của Tình báo Xôviết tại Gestapo

Từ trước đó, Moscow đã nhận được rất nhiều thông tin cảnh báo về cuộc chiến từ nhiều nguồn khác nhau: từ các điệp viên, nhà ngoại giao và phóng viên… Nhưng không ai có thể thông báo được chính xác về ngày giờ giống như điệp viên A/201 Willi Lehmann. Tuy nhiên, chiến công của một trong những điệp viên xuất sắc nhất trong lịch sử của tình báo Xôviết cho tới giờ vẫn chưa được ghi nhận và đánh giá đúng mức…

Người tại Gestapo

Vào một ngày cuối tháng 6/1940, có một ai đó đã bỏ một lá thư vào hộp thư của Cơ quan đại diện Liên Xô ở Berlin, trên đó có đề gửi cho tùy viên hay phó tùy viên quân sự. Tác giả lá thư đề nghị được khôi phục lại mối liên lạc đã đứt đoạn từ năm 1939.

“Tôi đang nắm giữ một cương vị mà Trung tâm biết rất rõ… và tôi nghĩ mình có thể tiếp tục hoạt động khiến cấp trên có thể hài lòng với mình… Nếu như tôi không nhận được câu trả lời, tôi sẽ tự cho rằng mình không còn giá trị gì nữa nên không còn được sử dụng. Nếu vậy, công việc tiếp theo của tôi tại Gestapo sẽ không còn ý nghĩa gì nữa…”.

Những đóng góp vô giá của Lehmann cần được ghi nhận một cách xứng đáng.

Tác giả của bức thư không ai khác chính là điệp viên có mật danh Breitenbach của tình báo Xôviết, sĩ quan SS Willi Lehmann. Theo lãnh đạo cơ quan tình báo, tướng Pavel Sudoplatov, đây cũng là điệp viên duy nhất của Liên Xô trong thành phần của lực lượng cảnh sát mật vụ phát xít Đức (Gestapo), và sau đó là tại Tổng cục An ninh đế chế (RSHA).

Trong suốt thời gian hợp tác với Moscow vào giai đoạn 1929-1939 trước đó, Breitenbach đã cung cấp cho tình báo Xôviết một số lượng rất lớn các tài liệu và thông tin về cơ cấu, nhân sự và hoạt động của cơ quan cảnh sát chính trị (tiền thân của Gestapo), cũng như của lực lượng tình báo quân sự Đức. Ông cũng cảnh báo kịp thời về những vụ bắt giữ chuẩn bị diễn ra, về những âm mưu khiêu khích liên quan đến các điệp viên bí mật và công khai của tình báo Xôviết tại Berlin.

Quay trở lại với sự kiện của năm 1940, điệp viên Alexander Korotkov được giao gặp gỡ trực tiếp với Lehmann và đã báo cáo ngay về trung tâm. Chỉ thị sau đó của Lavrenty Beria (người đứng đầu NKVD, cơ quan tiền thân của KGB khi đó) là tiếp tục nhận mọi thông tin và tài liệu do Lehmann cung cấp, nhưng chưa giao cho ông bất cứ nhiệm vụ quan trọng nào.

Điệp viên Boris Zuravlev, người từng đảm nhiệm việc liên lạc trực tiếp với Lehmann trong những ngày tháng trước chiến tranh, kể lại: “Cho tới bây giờ, tôi không có chút giây phút nào nghi ngờ về việc, Breitenbach mạo hiểm hoạt động cho chúng ta chỉ đơn thuần vì mục tiêu lý tưởng. Cho dù là một sĩ quan cảnh sát, ông ta lại là người có quan điểm chống phát xít. Hơn nữa, là người ở trong nội bộ của Gestapo, ông càng nhìn rõ những tội ác đáng sợ của chế độ Hitler, về những bất hạnh mà hắn đem tới cho nhân dân Đức”.

Ngày 19/6/1941, trong căn phòng tùy viên đại sứ quán Liên Xô tại Berlin vang lên hai hồi chuông điện thoại cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Nếu như người bình thường không để ý tới đó, thì đối với Zuravlev, đây là một tín hiệu: điệp viên A/201 Breitenbach đang khẩn cấp yêu cầu một cuộc gặp ngoài dự kiến.

Ngay chiều tối hôm đó, cả hai đã gặp nhau tại một tháp vô tuyến tại đây. Lehmann rõ ràng có thái độ hết sức lo lắng và mệt mỏi: “Chiến tranh! Tất cả đã được quyết định và không thể đảo ngược”.

Ông cho biết quân Đức sẽ tấn công trên toàn tuyến biên giới từ 3 giờ sáng ngày 22/6/1941. Cuộc gặp gỡ của hai người chỉ kéo dài có một phút rưỡi. Trước khi chia tay, Lehmann còn nắm chặt tay, chào tạm biệt rồi rời đi rất nhanh. Ngay trong tối hôm đó, một bức điện mật khẩn đã được đại sứ quán truyền về Moscow.

Từ thời điểm đó, tình báo Xôviết không còn gặp lại nguồn tin quí giá này của mình nữa. Tên tuổi của điệp viên A/201 đã được giữ bí mật trong một thời gian rất dài, trước khi được công bố vào năm 2009.

Có điều trong đống hồ sơ lưu trữ dày tới 13 tập về điệp viên này, Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) chỉ giải mật vỏn vẹn gần 100 trang. Câu chuyện về Willi Lehmann sau đó còn được giới thiệu trong một cuốn sách của Theodor Gladkov (ra mắt vào mùa xuân năm 2010) và một bộ phim tài liệu 2 tập có tên “Điệp viên A/201. Người của chúng ta tại Gestapo”.

Từ quan điểm chống phát xít

Willi Lehmann sinh ngày 15/3/1884 trong gia đình một giáo viên trung họp ở Leipzig. Đến năm 17 tuổi, ông tình nguyện gia nhập hải quân, phục vụ tại đây trong suốt 12 năm.

Nhà tù Plotzensee, nơi Lehmann đã bị thủ tiêu vào tháng 12/1942.

Sau khi xuất ngũ vào năm 1911, Lehmann tới Berlin gặp người bạn cũ Ernst Kuhr, lúc này đang làm việc trong lực lượng cảnh sát bí mật tại đây. Với sự bảo trợ của người này, Lehmann được nhận vào một đơn vị cảnh sát tuần tiễu, và chỉ một năm sau được điều về bộ phận phản gián của cảnh sát Berlin với vai trò trợ lý chánh văn phòng.

Do đang là một nhân viên cảnh sát bí mật, Lehmann không bị gọi nhập ngũ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Ông đã tham gia vào việc phát hiện và bắt giữ một loạt các điệp viên của Pháp và Anh, nhờ đó được tặng thưởng Huân chương Chữ Thập hạng 3.

Trong những năm phục vụ cho cảnh sát, Lehmann bắt đầu cảm thấy thất vọng với những chính sách của chính phủ Đức khi đó, trước khi nảy ra ý định hợp tác với Liên Xô. Tháng 3 năm 1929, ông thuyết phục người bạn Ernst Kuhr trực tiếp liên hệ với cơ quan đại diện toàn quyền của Liên Xô tại đường Unter den Linden (Berlin). Kết quả là Kuhr được chấp nhận hợp tác trên cơ sở bán thông tin cho Moscow.

Để có đủ thông tin cung cấp, điệp viên A-70 (mật danh của Kuhr) còn lấy từ những nguồn do Lehmann khai thác được. Có được tiền rủng rỉnh, Kuhr đã chi tiêu bạt mạng trong những buổi tiệc tùng dạ hội tại Berlin.

Do lo ngại điều này có thể gây ra sự chú ý của cảnh sát, trước khi họ lần ra tới mình, Lehmann quyết định phải liên hệ trực tiếp với tình báo Xôviết. Ngay từ thời điểm đó, Lehmann đã được đánh giá là một điệp viên thân thiện, nghiêm túc, chuyên nghiệp, đồng thời không chú trọng tới những đòi hỏi về tiền bạc. Từ thời điểm này, Moscow nhận được từ Lehmann nhiều thông tin về kế hoạch tái vũ trang, chuẩn bị chiến tranh của Đức.

Đến giai đoạn 1939-1940, khi chính quyền Hitler thông qua quyết định về kế hoạch Barbarossa, Lehmann đã thông báo khá chi tiết về tiến trình bố trí lại các lực lượng quân chủ lực của Đức về phía Đông sát với biên giới Liên Xô, cùng nhiều thông tin về quá trình chuẩn bị. Cần nói thêm, thông tin về việc quân Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô được cung cấp từ rất nhiều điệp viên khác nhau, tuy nhiên chỉ có Lehmann đưa ra được mốc thời gian cụ thể và chính xác nhất.

Nguồn tin quan trọng

Quay trở lại với quá trình hợp tác trước chiến tranh, có thể nói Lehmann đã cung cấp rất nhiều thông tin đặc biệt quan trọng về tình hình nước Đức. Trong lĩnh vực quân sự, ông cung cấp thông tin về việc hãng Walther bắt đầu sản xuất hàng loạt loại súng lục nổi tiếng P-38. Quan trọng hơn là nhiều tài liệu giá trị trong lĩnh vực tên lửa do nhà bác học trẻ tuổi Wernher von Braun, người sau này chế tạo ra các tên lửa tầm xa V-1 và V-2, đứng đầu.

Breitenbach còn thông báo về việc Đức đang ráo riết nghiên cứu chế tạo những loại vũ khí hóa học thế hệ mới, cũng như việc kiến trúc sư hàng không Messerschmitt đang thiết kế một mẫu máy bay tiêm kích mới hoàn toàn bằng kim loại.

Từ Lehmann, tình báo Xôviết nắm được địa chỉ của 5 bãi thử bí mật, là nơi Berlin chuyên thử nghiệm các loại vũ khí mới. Ông cũng chuyển giao cho Moscow bản sao báo cáo mật “Về việc tổ chức hoạt động quốc phòng của Đức năm 1937”. Đó là chưa kể thông tin giá trị nhất về các bước đi bí mật của Đức nhằm xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh.

Năm 1934, Moscow cử tới Berlin cặp vợ chồng điệp viên Vasili và Marina Zarubin. Vasili khi đó hoạt động dưới vỏ bọc đại diện xưởng phim nổi tiếng Paramount của Mỹ, tới đây để mở một văn phòng quảng cáo. Sau khi tiếp nhận trọng trách liên lạc với A/20, Zarubin đã nhận được thông tin về một làn sóng cư dân Đức di cư ra nước ngoài kể từ khi Hitler lên nắm quyền, trong số này có rất nhiều điệp viên ngầm của cơ quan tình báo quân sự Đức (Abwehr).

Nhiều thông tin trong số này đã giúp cho phản gián Xôviết đấu tranh có hiệu quả với nhiều gián điệp được Hitler tung vào Liên Xô. Cần nói thêm, Lehmann đã có quan hệ rất tốt với nhiều sĩ quan của tình báo quân đội Đức, trong đó có đại úy Wilhelm Abt, được đánh giá là một “mỏ vàng” trong Abwehr.

Cần nói thêm, Zarubin cũng xác định trước việc liên lạc trực tiếp với Lehmann là cực kỳ mạo hiểm. Sau khi tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, ông đã tìm được một nhân vật thích hợp để đảm trách vai trò này là James Lucy Booker – một phụ nữ trẻ chưa chồng, có quan điểm chống phát xít, làm việc tại tòa soạn một tạp chí nhỏ ở New York. Thế là Booker với mật danh “Klemens” nhanh chóng được điều sang Đức để đảm trách nhiệm vụ làm liệc lạc trực tiếp với Lehmann.

Bại lộ

Sau cái chết của điệp viên “Rubena” tại Berlin vào cuối năm 1938 và việc Booker phải quay trở lại Mỹ vì một số nguyên nhân, Lehmann trên thực tế đã lâm vào tình trạng bị mất liên lạc. Báo cáo cuối cùng của ông được gửi về Moscow có chứa thông tin quan trọng về việc chuẩn bị tấn công Ba Lan, cũng như những kế hoạch tiếp theo của Hitler nhằm khơi mào cho Chiến tranh thế giới thứ hai. Tính ra trong giai đoạn từ cuối năm 1939 cho đến tháng 6/1940, Lehmann lâm vào hoàn cảnh gần như không có bất cứ liên lạc nào.

Dù xác định việc bỏ thư liên lạc vào hòm thư của Cơ quan đại diện Liên Xô ở Berlin là bước đi rất nguy hiểm, nhưng Lehmann vẫn quyết tâm làm để khôi phục lại liên lạc, và quan trọng nhất là thông tin kịp thời về âm mưu xâm lược của Hitler.

Cuối cùng ông đã phải trả giá cho quyết định này. Sau khi chiến tranh nổ ra, Moscow đã bố trí hai tù binh phát xít, vốn lại là đảng viên cộng sản Đức, quay trở lại để đảm nhiệm vai trò liên lạc với Lehmann. Họ được tung trở lại Berlin dưới vỏ bọc những binh sĩ được nghỉ phép.

Có điều cơ quan an ninh phát xít khi đó luôn tổ chức giám sát chặt chẽ những gia đình có quân nhân bị Hồng quân bắt giữ làm tù binh. Một trong hai người này đã vi phạm nguyên tắc, lén gọi điện cho vợ và sau đó bị bắt giữ. Vì không chịu nổi những đòn tra tấn, nhân vật này đã khai ra Lehmann. Thế là một trong những điệp viên xuất sắc nhất của tình báo Xôviết đã bị bắt giữ và xử bắn ngay sau đó.

Trùm SS Heinrich Himmler và chỉ huy Gestapo khi đó là Heinrich Muller đã không dám báo cáo với Hitler về việc có một điệp viên của tình báo Xôviết đã hoạt động trong cơ quan đầu não của cảnh sát mật trong suốt 13 năm. Đó cũng là lý do khiến Lehmann chỉ bị lẳng lặng đem thủ tiêu. Trên bản tin nội bộ của Gestapo vào ngày 29/1/1943 chỉ đăng dòng thông tin ngắn gọn: “Thanh tra Willi Lehmann vào tháng 12/1942 đã hy sinh vì sự nghiệp của quốc trưởng và đế chế”.

Bà vợ Margareth Lehmann có lẽ cũng vì lý do trên mà không bị quân phát xít thanh trừng. Điều tra sau chiến tranh cho thấy, Lehmann đã bị giam giữ và tra tấn trong 2 tuần tại nhà tù Plotzensee, sau đó đem đi thiêu tại trại tập trung Sachsenhausen.

Tháng 7/1945, điệp viên Korotkov đã tìm được bà vợ góa của Lehmann tại Berlin. Đến lúc này, bà Margareth mới được biết chồng mình là một điệp viên quan trọng của tình báo Xôviết, đồng thời được nhận hỗ trợ về vật chất trong thời gian khó khăn sau chiến tranh.

“Trong lịch sử tình báo Xôviết, chỉ có điệp viên Breitenbach là người duy nhất thông báo được cho cơ quan tình báo đối ngoại ngày tháng chính xác phát xít Đức tấn công Liên Xô. Nhờ đó mà điện Kremlin đã có được trọn vẹn 3 ngày để triển khai những biện pháp chuẩn bị thiết yếu nhất” – đó là đánh giá của nhà sử học Theodor Gladkov về vai trò của Willi Lehmann.

Hồng Sơn (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn