Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Định vị lại lợi ích quốc gia


Những ngày tháng 6, thế giới tiếp tục chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Nhiều người liên tưởng đến cuộc đối đầu Mỹ - Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh trước đây và đặt ra nhiều dấu hỏi về sự tồn tại của các nước nhỏ trong những xung đột và những biến động toàn cầu.

Là một nhà ngoại giao lâu năm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh có những góc tiếp cận riêng của mình và ông nhận lời chia sẻ những góc tiếp cận này trên chuyên mục “Đối thoại Suy ngẫm” của ANTG GT - CT số báo này.

Đối đầu nhưng không triệt tiêu nhau

- Nhà báo Phan Đăng:Thưa ông, chúng ta có thể nhìn tính chất cuộc đối đầu Mỹ - Trung hiện nay như thế nào?

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Thứ nhất nó là một cuộc cạnh tranh về chính trị, thứ hai là về lợi ích kinh tế và thứ ba rõ ràng là nó đang khiến trật tự thế giới có những sự dịch chuyển khác trước. Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là: Vậy thì ai thống trị? Ai dẫn dắt thế giới đây?

Chúng ta nhớ lại năm 2017-2018, Mỹ đưa ra chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng quốc gia và đấy là lần đầu tiên nước Mỹ đặt các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc làm đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Trong cạnh tranh chiến lược, chúng ta hiểu là vừa có cạnh tranh, vừa có đối tác nhưng mặt cạnh tranh là nhiều hơn. Với cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ta thấy ông đẩy 2 khía cạnh công nghệ và thương mại trở thành 2 mũi nhọn của cuộc cạnh tranh chiến lược này.

Ai cũng thấy là từ 2017 đến năm nay, cho đến trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19 là một loạt đòn cân não về chuyện đánh thuế giữa hai bên để làm sao cài đặt lại mối quan hệ giữa hai bên, ít nhất là ở góc độ thương mại. Ông Trump nói rằng, nước Mỹ trong nhiều năm qua bị Trung Quốc trục lợi, gây thiệt hại lớn. Nhưng, ông cũng nói một câu rất hay là, ông không đổ lỗi hoàn toàn cho Trung Quốc mà nhấn mạnh rằng các đời tổng thống trước mình đã chiều Trung Quốc. Vì vậy bây giờ ông ấy muốn cài đặt lại tất cả.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện đại dịch bất chợt nảy sinh, khiến cho bất cứ nước nào cũng gặp vấn đề nội bộ trong việc chống dịch. Chính vì sự khó khăn trong lòng mình mà lại nảy ra chuyện đổ lỗi cho nhau. Đến chỗ này thì nó gây ra một tác động ở phạm vi toàn cầu là lòng tin chiến lược giữa các nước lớn xuống rất thấp.

Cuối cùng, người ta nhận thấy khi đại dịch và phong tỏa nảy sinh thì thế giới bị dừng các chuỗi cung ứng. Đến khi bị dừng các chuỗi cung ứng rồi, nhiều nơi mới chợt thấy rằng: Ồ, mình bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Do vậy, nhu cầu phải tính toán, sắp xếp lại các chuỗi cung ứng xuất hiện, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích chính trị và an ninh quốc gia. Những câu chuyện này khiến cho những cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung có những sắc thái mới của nó.

- Người ta vừa cạnh tranh gay gắt với nhau nhưng vừa có những chỗ vẫn phải hợp tác với nhau, đúng không ạ? Vì trong đối tượng có đối tác và trong đối tác có đối tượng.

- Tôi đã nghĩ và vẫn nghĩ rằng có lẽ bây giờ, chúng ta phải suy nghĩ khác về chuyện đối tác và đối tượng. Đúng là trong đối tác có đối tượng và trong đối tượng có đối tác như anh nói. Nhưng, nếu chúng ta thuần túy chỉ nói đến đó thì có thể có tình trạng thế này: Tức là nhìn anh nào cũng thấy nghi nghi, ẩn chứa đâu đó đằng sau cái đối tượng, hàm ý là thù địch. Không nên vậy. Nếu có phần đối tượng thì cũng phải giới hạn, khu trú nó lại.

Thêm nữa, khi khác biệt về mặt lợi ích thì không nhất thiết đó là “đối tượng”. Đừng nên quy như vậy. Quan hệ giữa hai quốc gia luôn có song trùng và có khác biệt, chỗ khác biệt lại là chỗ mà người ta có thể bổ sung và làm ăn được với nhau.

- Ông có thể lấy ví dụ được không?

- Tôi còn nhớ câu chuyện của vài năm về trước, khi trong lòng nước Mỹ từng có những lực lượng rất muốn đánh thuế cao cá basa của Việt Nam. Cụ thể là ở những bang miền Nam của nước Mỹ, họ nuôi cá và có những loại cá rất gần với cá basa của mình. Họ muốn bảo hộ mặt hàng trong nước nên tác động lên các nghị sĩ của các bang đó để hy vọng làm ra những đạo luật nhằm nâng thuế cá ba sa của nước ngoài nhập khẩu vào nước họ nói chung. Việt Nam xuất cá basa vào Mỹ nhiều nhất nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, những người làm cửa hàng ăn, rồi những người tiêu dùng và đại đa số dân Mỹ lại thích mua cá basa chất lượng tốt, giá rẻ nên họ ủng hộ cá basa của Việt Nam.

Đấy, câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng, về quan điểm đúng là trong đối tác có đối tượng và ngược lại nhưng giờ phải rõ và cụ thể hơn về cái phần mà ta gọi là đối tượng, cái này phải khoanh vùng cụ thể và rất rõ. Rốt cuộc đó là những cái gì? Theo tôi, chỉ giới hạn những ở cái mà dù có biến đổi thế nào đi nữa thì cũng vẫn có thể làm nguy hại đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia. Đừng gộp những cái khác biệt, hay lợi ích khác nhau vào đó. Cái khoảng đối tác thì cần nhân lên, rộng hơn, thường nó luôn bao gồm cả hai mặt song trùng lợi ích lẫn khác biệt lợi ích.

- Tôi hiểu ý ông. Theo ông thì khác biệt lợi ích mà không đụng chạm đến an ninh quốc gia thì chưa nên đẩy tới mức “đối tượng”, phải không ạ?

- Đúng! Cần nhìn nhận rằng khác biệt vẫn là một phạm trù trong đối tác. Còn đối tượng hàm ý là thù địch thì phải khoanh vùng cho rõ, để thấy rằng nó có thể chỉ là một cái góc rất nhỏ. Thậm chí, có những quan hệ đối tác không có cái góc đó. Cùng lắm là người ta để một khoảng trống để lường trước: nhỡ đâu nó có mà thôi (Cười...).

- Không hiểu là những nhà lãnh đạo Mỹ - Trung có đang nhìn nhận những mặt đối tượng - đối tác theo góc nhìn này hay không nhưng đúng là hai cường quốc này vừa cạnh tranh nhau mà vừa có mặt phải hợp tác với nhau. Tuy nhiên, vẫn có những nhà nghiên cứu cho rằng vì độ khốc liệt của cuộc cạnh tranh, ở trên rất nhiều vấn đề, từ chính trị đến kinh tế, từ thương mại đến công nghệ, từ câu chuyện Đài Loan, câu chuyện Hong Kong đến câu chuyện Biển Đông mà không loại trừ khả năng đến một lúc nào đó họ sẽ đối đầu toàn diện giống như thời Xô - Mỹ trong Chiến tranh Lạnh trước đây. Ông thấy nhận định này có bị đẩy vấn đề đi quá xa hay không?

- Trước hết, về tính chất cạnh tranh chiến lược thì chúng ta hiểu là nó đã bao hàm rất nhiều phương diện cạnh tranh mà tựu trung ở 2 vấn đề rất lớn. Một là địa chiến lược về ngôi vị. Nước Mỹ muốn duy trì ngôi vị thứ nhất và chắc chắn không muốn bị Trung Quốc đe dọa ngôi vị này. Mà trong ngôi vị bao hàm cả trật tự thế giới, những luật chơi chung, rồi cả hệ giá trị quốc gia. Hai là những lợi ích trực tiếp nhất, đặc biệt là về kinh tế. Hai câu chuyện này đan xen với nhau, tạo ra những độ nóng bỏng khác nhau của cuộc cạnh tranh.

Bây giờ, để trả lời rõ câu hỏi của anh, cần phải hiểu về bản chất cuộc Chiến tranh Lạnh Mỹ - Xô thời xưa. Đấy là cuộc chiến mà hai bên sẽ thiết lập 2 hệ thống, đối đầu nhau ở tất cả các khía cạnh, từ khía cạnh quân sự đến khía cạnh kinh tế, đến hệ giá trị, đến các trật tự thế giới và hệ đồng minh. Nó luôn được đẩy tới đỉnh cao và nó mang tính chất cô lập nhau, triệt tiêu nhau.

Còn ngày nay, theo tôi Mỹ - Trung cạnh tranh không phải là để triệt tiêu nhau mà là để giành vị thế lớn hơn về phía mình cho một cuộc chơi mới, một định hình mới. Chính vì thế, cuộc cạnh tranh lần này theo tôi sẽ có lúc tăng, lúc giảm và sức chịu đựng của mỗi bên sẽ là yếu tố rất quan trọng trong cuộc cạnh tranh. Chúng ta phải theo dõi kỹ cả những vấn đề đối nội, đối ngoại lẫn tổng lực sức mạnh của mỗi bên để giải mã cái biểu đồ lúc lên, lúc xuống của cuộc cạnh tranh lần này.

- Theo dự đoán của ông, cuộc cạnh tranh lần này sẽ đi tới đâu?

- Về ngắn hạn, qua đại dịch lần này, lòng tin chiến lược giữa hai bên xấu đi, sự nghi kỵ tăng lên. Câu chuyện Mỹ trong lòng Trung Quốc và câu chuyện Trung Quốc trong lòng nước Mỹ đã trở thành vấn đề nội bộ của mỗi bên. Và tôi nghĩ là từ nay cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới vào cuối năm, chuyện còn căng lên nhiều.

Một yếu tố nữa, cũng nằm trong mối quan hệ ngắn hạn, đó là vậy thì sang năm, ai sẽ làm Tổng thống Mỹ? Nếu vẫn là ông Trump thì có thể hai bên sẽ vẫn tiếp tục căng lên và ông Trump sẽ tiếp tục dùng cái căng đó để tìm đến một thỏa thuận có lợi nhất cho nước Mỹ. Khi đó có thể Trung Quốc sẽ nhân nhượng một phần để thực hiện chiến lược đại giấc mơ của mình. Còn về lâu dài, trong khoảng 1 thập niên, tính tổng thể mà nói, chuyện Trung Quốc vươn lên là không thể khác nhưng có lẽ nước Mỹ vẫn sẽ tiếp tục dẫn đầu.

Bài toán cho các nước nhỏ

- Trong cuộc đối đầu giữa các nước lớn, cùng những biến động toàn cầu, ví dụ như vấn đề dịch bệnh, các nước nhỏ sẽ phải tồn tại như thế nào để đạt được những lợi ích lớn nhất cho mình, theo ông?

- Nhìn vào những cạnh tranh, cuộc chiến nước lớn, rõ ràng đã có hàng loạt chuyển dịch của thế giới, rồi chúng ta cũng thấy các nước đã phải định vị lại lợi ích, quan hệ của mình. Ví dụ như ở ASEAN, toát lên một tinh thần là khi nước lớn cạnh tranh, mình không muốn bị rơi vào cái bẫy đó và cũng không muốn bị buộc phải chọn bên, đứng về bên nọ hay bên kia. Khó đấy nhưng mà phải cố. Vì đó là lợi ích. Vượt lên tất cả là tinh thần muốn hợp tác với cả hai bên. Trung Quốc quan trọng, Mỹ cũng quan trọng. Với khu vực, với từng nước. Rồi, hai anh đó, mỗi anh cũng có mặt này mặt kia. Vẫn cần và làm sao hợp tác, chơi được với cả hai. Nhưng, có phải lúc nào cũng làm được như thế hay không!

- Vâng! Muốn là một chuyện nhưng có đủ nội lực để làm điều mình muốn hay không lại là chuyện khác.

- Thế nên, chiến lược chung phải như vậy. Còn về triển khai, mấu chốt ở đây là anh phải biết lựa chọn những ưu tiên của mình trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nước nhỏ sẽ phải tính toán kỹ những nguyên liệu đầu vào của những hàng hóa mà mình xuất khẩu vào Mỹ. Trong những nguyên liệu đó, có bao nhiêu phần trăm những nguyên liệu từ Trung Quốc và phải giảm thiểu những nguyên liệu đầu vào này như thế nào để tránh bị đánh thuế nặng khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ? Đây chính là câu chuyện về tính toán lợi ích quốc gia chứ không phải đơn thuần chỉ là chọn Mỹ hay Trung Quốc.

Một ví dụ khác là câu chuyện đại dịch COVID-19 với rất nhiều điểm mới trong quan hệ giữa các nước lớn và sự chuyển dịch về các chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian vừa rồi, nhiều người nói rằng cuộc chiến thương mại và sự bùng nổ của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được chuyển từ Trung Quốc sang các nước nhỏ. Nhưng, ở đây tôi muốn nói rõ rằng, chúng ta phải nhìn rất nhiều chiều về sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng này.

Phải thấy rằng sự chuyển dịch này vốn là cái gốc của toàn cầu hóa. Tức là khi nền công nghiệp và các công ty đa quốc gia phát triển thì những nhà tư bản đi tìm những vùng đất có lợi nhất, hiệu quả nhất cho hoạt động sản xuất của mình. Chính vì vậy, họ mới mang dịch vụ, công nghệ của mình tới sản xuất ở một nước khác, gắn kết với nền kinh tế của mình và từ quá trình này, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới. Đây là lợi ích đôi bên, lợi ích của cả người hứng là Trung Quốc và lợi ích của cả những nhà tư bản Mỹ và châu Âu.

Tôi xin nhấn mạnh, phải nói đây là lợi ích của cả hai bên chứ đừng nói là ai lợi hơn ai. Nhưng, đến giờ, sau 4 thập niên Trung Quốc cải cách thì chất lượng nền kinh tế của họ tăng lên, khoa học công nghệ tăng lên, hệ thống hạ tầng được nâng lên, đồng thời giá cả và chi phí lao động của họ cũng tăng lên. Thế nên, một phần trong chuỗi cung ứng này tự nhiên phải đắt lên. Và, như thế nó đã tạo ra một nhu cầu dịch chuyển - một thực tế dịch chuyển từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ.

- Tức là chưa có chiến tranh thương mại, chưa có đại dịch COVID-19 thì nó đã dịch chuyển rồi. Những yếu tố như chiến tranh thương mại hay COVID-19 là những yếu tố tác động vào tốc độ của sự dịch chuyển mà thôi?

- Đúng là như vậy! Người ta gọi đấy là sự dịch chuyển tự nhiên, theo quy luật kinh tế. Đến bây giờ có cạnh tranh Mỹ - Trung, có cuộc chiến thương mại và vấn đề COVID thì người ta thấy các công ty châu Âu và Mỹ đang tiếp tục tính toán thêm cái điều vốn dĩ mà họ đã tính. Thêm một lý do nữa khiến họ phải tính, đó là có rất nhiều biến động khó biết trước trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung.

Cho nên, những công ty lớn có liên quan đến thị trường Trung Quốc đều đang ít nhiều tính toán đến các “phương án 2”. Tức là họ dự phòng nếu cuộc chiến này còn kéo dài, còn phức tạp, còn gây ra những hao tổn cho mình thì họ sẽ chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng, chuyển dịch được hay không thì lại liên quan đến rất nhiều yếu tố, bởi chuyển dịch liên quan đến chi phí, liên quan đến việc có thị trường nào phù hợp ở mức tương đương thị trường Trung Quốc để đón nhận mình không?

Một điều nữa cũng phải thấy là không chỉ các tập đoàn Âu - Mỹ mà bản thân các tập đoàn của Trung Quốc cũng có nhu cầu chuyển dịch. Cũng như những công ty Mỹ - Âu thôi, họ thấy là những nơi nào có thể sản xuất rẻ hơn, hiệu quả hơn so với việc sản xuất ở Trung Quốc thì sẽ chuyển dịch tới đây.

- Tóm lại là nơi đâu có lợi nhất cho mình thì người ta đến?

- Mà cũng phải nói rằng bản thân Trung Quốc sau nhiều thập niên phát triển, trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới thì đến lúc này cũng có rất nhiều công ty lớn, mang tầm vóc toàn cầu và họ có tham vọng vươn ra bên ngoài để kiếm lợi. Điểm cuối cùng, ít người để ý tới hơn, đó là trong giấc mơ phát triển của mình, cùng với tham vọng vươn lên về địa chính trị, Trung Quốc cũng đang tạo lập một chuỗi cung ứng của riêng Trung Quốc, thông qua sáng kiến “Một vành đai - Một con đường”.

- Xu thế này tạo ra cơ hội đón nhận các chuỗi cung ứng cho các nước nhỏ, đúng không ạ?

- Chúng ta có thể nói cụ thể về các nước ở khu vực Đông Nam Á đi, các nước này có mấy lợi thế trong việc đón nhận làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc của các tập đoàn như Âu, Mỹ, Nhật: Lợi thế đầu tiên của khu vực là rất gần Trung Quốc nên nếu chuyển dịch từ Trung Quốc, họ sẽ tiết kiệm được chi phí. Đông Nam Á vốn cũng đã gắn kết với cả Mỹ và Trung Quốc, tức là đâu đó nó cũng nằm trong một chuỗi cung ứng đã có từ trước, bây giờ chỉ nhân thêm lên ở góc này góc kia. Nhưng, đấy chưa phải là những điều kiện đủ để các nước Đông Nam Á có thể đón ngay làn sóng dịch chuyển này.

- Vậy điều kiện đủ nằm ở đâu?

- Các nước nhỏ muốn hứng chuỗi cung ứng toàn cầu phải có rất nhiều điều kiện, trong đó theo tôi có 3 điều kiện quan trọng nhất. Một là, anh có đủ hạ tầng không? Hai là khung chính sách và luật pháp của anh có hỗ trợ cho sự chuyển dịch không? Và ba là lực lượng lao động của anh có đủ chất lượng để đáp ứng những đòi hỏi của sự chuyển dịch không? Rồi cũng phải rất lưu ý, trong những dòng chuyển dịch này, có cả cái chất lượng cao, cái chất lượng thấp, cả về sản xuất, công nghệ và vốn. Do đó, đón là một chuyện nhưng đón lại phải có lựa chọn, là cái phải chú ý.

- Nếu các nước nhỏ không đảm bảo được ít nhất 3 điều kiện nền móng này thì có thể họ vẫn sẽ đón nhận được những sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng nhưng nó sẽ không phải là những sự chuyển dịch chất lượng cao. Nói đơn giản là khi ta đón sóng thì có cả sóng tốt lẫn sóng xấu mà nếu không cẩn thận, chỉ đón vào mình toàn sóng xấu thì đúng là lợi bất cập hại, phải không ông?

- Có những dòng vốn và những công nghệ chất lượng thấp có thể sẽ phá hỏng và làm phương hại đến định hướng cải cách của từng nước. Tất nhiên, ở đâu đó và trong hoàn cảnh nào đó người ta có thể vẫn sẽ đón nhận những dòng vốn xấu, những công nghệ thấp kiểu này theo tinh thần “lấy ngắn nuôi dài”.

Nhưng, tôi vẫn hay nói đùa là nếu cứ lấy ngắn nuôi dài thì chưa chắc đã dài được mà toàn là ngắn cả và ngắn mãi. Việt Nam chúng ta hiện nay hiểu rõ điều này nên chúng ta đang nhấn mạnh đến khía cạnh: muốn phát triển thì không chỉ dựa vào lực lượng lao động giá rẻ mà phải dựa vào chất xám, công nghệ và năng suất lao động. Những cái đó mới là cái chính. Mình đã cải cách và vẫn tiếp tục cải cách để có thể đón được “sóng tốt” nhưng trong quá trình đó, mình phải biết “chào hàng” để các doanh nghiệp Âu - Mỹ thấy rằng khi họ vào mình thì khoảng 5-7 năm nữa nhất định họ sẽ có lợi.

- Vừa rồi, Ấn Độ có vẻ đã “chào hàng” rất tốt. Họ tuyên bố sẽ thực hiện hàng loạt các chính sách ưu tiên để lôi kéo cả ngàn công ty Mỹ dịch chuyển từ Trung Quốc về Ấn Độ.

- Đúng! Ấn Độ đã chuẩn bị đón khá tốt, lại tận dụng được cả lợi thế quan hệ chính trị, chiến lược. Và cũng xin thêm một ví dụ nữa là Indonesia. Những gì mà những nhà lãnh đạo của họ nói với phía Mỹ chính là chào hàng, rất cụ thể và là những chính sách ưu tiên với rất nhiều hấp dẫn cho các công ty, doanh nghiệp Mỹ. Trở lại với Việt Nam, như tôi vừa nói, xu thế cải cách và những khung chính sách lớn của mình thì rất hợp lý rồi nhưng có cái khó là khi đi vào cụ thể thì còn vướng, còn chậm ở chỗ này chỗ kia, mặt này mặt kia.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Phan Đăng (thực hiện)

Nguồn tin: cand.com.vn