Nhà văn Triệu Xuân: Chấm ngòi bút vào nỗi đau, niềm oan khổ của con người


Duyên bút mực với Vũ Bằng

Tối hôm ấy, tôi từ trấn Sơn Nam Hạ về Thủ đô. Nhà văn Triệu Xuân vẫn chờ cùng với một bạn đọc vốn yêu thích văn chương của ông, đó là một nhà báo làm việc ở báo Nhân Dân. Bẵng đi một thời gian, giữa năm 2017, ông Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) ký văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát lại nội dung cuốn sách “Thương nhớ mười hai” của nhà văn Vũ Bằng vì thấy nội dung cuốn sách có chi tiết nhạy cảm trong bài “Tháng bảy, ngày rằm xá tội vong nhân”.

Tôi còn nhớ, nhà văn Triệu Xuân kể, có người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương, hỏi ông: “Sắp sang thế kỷ 21 rồi, nếu chỉ được phép mang mười cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào?”. Ông đã trả lời ngay câu hỏi của bạn: “Một trong những cuốn tôi mang theo là "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng!…”. Triệu Xuân giải thích, viết về Hà Nội, viết về đất nước quê hương, không ai có thể hơn Vũ Bằng.

Vợ chồng nhà văn Triệu Xuân (11-2018).

Thêm vào đó, Triệu Xuân là người sưu tầm, biên soạn và giới thiệu “Vũ Bằng toàn tập” (Nhà xuất bản Văn học – 2006). Tôi liên hệ để biết ý kiến của ông trước sự việc này. Nghe xong thông tin, ông khá bất ngờ. Ông đã dẫn nguyên văn đoạn trích mà theo ông Cục Xuất bản, In và Phát hành cho là nhạy cảm trong bài “Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân”, in trong toàn tập, tập 1.

Rồi ông phân tích rõ thêm cho tôi biết, qua đoạn văn, tác giả mỉa mai tố cáo những chiêu bài, thủ đoạn... của Đồng Minh (cụ thể là Anh, Mỹ, Pháp, Tưởng), của Nhật, Pháp, Mỹ và chế độ Sài Gòn đã nhân danh, để giội bom đạn, bắn giết người dân Việt Nam.

“Khi thực hiện “Tuyển tập Vũ Bằng” (2000) và “Toàn tập Vũ Bằng” (2006), cũng như khi coi lại để giao bản in cho Nxb Hội Nhà văn tái bản “Tuyển tập Vũ Bằng” năm 2015 (sách Nhà nước đầu tư giành cho những tác giả được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật), tôi đều cân nhắc kỹ đoạn văn này, đến mức nhớ như in cả bài “Tháng Bẩy, ngày rằm xá tội vong nhân” - cùng nhiều bài khác!”, nhà văn Triệu Xuân nói.

Với tư cách một nhà văn, yêu nhân cách và trọng văn tài Vũ Bằng, Triệu Xuân khẳng định: “Vũ Bằng đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, nhưng, ông xứng đáng được Giải thưởng lớn hơn! Trong toàn bộ văn phẩm của Vũ Bằng, luôn thể hiện tình cảm sâu sắc với Dân tộc, yêu nước thương nòi, vô cùng tha thiết với bản sắc văn hóa dân tộc, gắn bó với số phận của nhân dân. Tôi chưa thấy một đoạn văn, một tác phẩm nào của Vũ Bằng cần phải “xử lý” hay “đục bỏ”! Đó chính là lý do năm 1991, tôi là người đầu tiên biên soạn để tái bản tác phẩm “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng, Nxb Văn hóa Thông tin ấn hành! Xin đừng làm gì tổn thương thêm cho hương hồn nhà văn Vũ Bằng, tổn thương thêm cho những người tha thiết với tài năng và nhân cách!”.

Làm Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Triệu Xuân đã thực hiện các bộ sách đáng mơ ước, dựng lại chân dung các nhà văn, các học giả không chỉ của phương Nam mà của cả Việt Nam: “Tuyển tập Bình Nguyên Lộc”, “Tuyển tập Vương Hồng Sển”, “Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê”, “Lê Văn Trương – Tác phẩm chọn lọc”, “Tuyển tập Vũ Bằng”, “Vũ Bằng toàn tập”… Trong đó, Vũ Bằng dường như là cơ duyên bút mực đến với cuộc đời ông.

Năm 1999, Triệu Xuân viết bài trên báo Văn nghệ, giới thiệu cho bạn đọc biết nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo, là cơ sở tình báo cách mạng. Vũ Bằng còn là nhà văn đàn anh có công phát hiện và nâng đỡ nhiều nhà văn trẻ nổi tiếng sau này. Tác phẩm của Vũ Bằng tài hoa và phong phú. Sau ¼ thế kỷ Sài Gòn được giải phóng, đây là lần đầu tiên chân dung nhà văn Vũ Bằng được khái quát đầy đủ và rành rõ đến thế.

Một năm sau, Triệu Xuân công bố “Tuyển tập Vũ Bằng” (Nxb Văn học, 2000, gần 2.000 trang) được bạn đọc hoan nghênh. Rồi 5 năm sau đó, vẫn tại Nxb Văn học, ông lại công bố tiếp “Toàn tập Vũ Bằng”, 4 tập, dày 5.000 trang khổ lớn 16x24cm... Văn đàn đã đánh giá công trình lớn như một tượng đài Vũ Bằng.

Trong bài giới thiệu, Triệu Xuân đã khẳng định Vũ Bằng là một trong những người có công lớn cách tân tiểu thuyết Việt Nam, hiện đại hóa nền văn xuôi Việt Nam. Triệu Xuân đã phải thốt lên: “Cả cuộc đời say mê văn chương, cả một đời yêu nước thương nòi, vậy mà Vũ Bằng phải chịu quá nhiều oan ức khổ đau! Thương thay một kẻ lữ hành suốt đời đơn côi ngay trên đất quê hương mình”.

Sau khi Toàn tập Vũ Bằng ra đời, qua sự đánh giá và thẩm định của Hội đồng Giải thưởng Quốc gia, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho nhà văn Vũ Bằng (2007).

Sau Vũ Bằng, nhà văn Triệu Xuân không quản ngại gian nan, vất vả, tiếp tục sưu tầm và biên soạn bộ “Lê Văn Trương – Tác phẩm chọn lọc” (2 tập khổ lớn) do Nxb Văn học ấn hành. Chân dung tác giả “Người hùng” trở lại với bạn đọc một cách vạm vỡ như lúc sinh thời: Lê Văn Trương được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất văn đàn.

Viết văn thời nào cũng khó

Mới đây, qua người bạn yêu văn chương đã gặp trên phố cổ Hà Nội, ông gửi ra tặng tôi cuốn “Triệu Xuân – Nghĩa tình bạn hữu” (Nxb Hội Nhà văn, 2020). Sách tập hợp những bài của các nhà văn, nhà báo, bạn đọc, bạn hữu thân thiết viết về nhà văn Triệu Xuân. Tôi đọc liền mạch cuốn sách cho đến trang cuối cùng. Quả thật, như chia sẻ của một bạn văn đã viết về ông: “Viết văn thời nào cũng khó. Phải có bản lĩnh của chân tài”.

Tác phẩm “Triệu Xuân – Nghĩa tình bạn hữu” (Nxb Hội Nhà văn, 2020).

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Văn, vừa bước sang tuổi 22, mặc dù có một vài cơ quan ở Hà Nội nhận nhưng Triệu Xuân tình nguyện đi B làm phóng viên mặt trận. Chàng trai xứ Đông đam mê văn chương lại mê viết. Vừa cầm súng vừa cầm bút. Tính từ bài bút ký “Hương sắc mùa Xuân trên đất Quảng”, viết tháng 10-1974, phát trên Đài TNVN, Đài Phát thanh giải phóng và in 3 kỳ trên báo Nhân Dân đầu năm 1975, nhà văn Triệu Xuân đã viết và in trên 10.000 trang bút ký, phóng sự.

Triệu Xuân còn là nhà văn đầu tiên viết về mafia Việt Nam. Viết về mafia Việt Nam một cách nghiêm túc và toàn diện. Đó là tiểu thuyết “Sóng lừng” (tên ban đầu được tác giả đặt là VN. Mafia). “Sóng lừng” được nhà văn Triệu Xuân viết trong 2 năm 1989-1990, do Nxb Giao thông Vận tải cấp phép phát hành. Thời điểm đó, đầu tháng 5-1990, sách in đợt đầu 3.000 cuốn, sau một tuần phát hành thì hết sạch. Đang chuẩn bị nối bản 10.000 cuốn thì phải ngưng.

Sau 2 năm, trên báo Tuổi trẻ chủ nhật (ra ngày 28-11-1993), nhà báo Trần Bạch Đằng sòng phẳng bày tỏ: “Cách đây hơn 2 năm, khi tổ chức hội thảo về cuốn tiểu thuyết về nạn tham nhũng (“Sóng lừng” của Triệu Xuân), tôi là người chống. Nay thì tôi đổi ý! Đúng là Tham nhũng – quốc nạn – Việt gian chính hiệu!”.

Tiểu thuyết “Sóng lừng” được Triệu Xuân dự báo về một mầm mống mafia ở Việt Nam. Ông gọi mafia là một thực tế xã hội. Mười năm sau, vụ án Năm Cam xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó, mọi người nhận thấy dự báo của nhà văn đã hoàn toàn đúng.

Nhà văn Triệu Xuân tên thật là Triệu Xuân Điến, sinh năm 1952, quê xã An Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Từ năm 1975 ông sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh – quê hương thứ hai của Triệu Xuân. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1986), Ủy viên BCH Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khóa 4 7 5; Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi...

Các tác phẩm chính của Triệu Xuân: “Trả giá” (1988, Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam Tổng LĐLĐ Việt Nam); “Bụi đời” (1990); “Sóng lừng” (1990); “Những người mở đất” (2005); “Cõi mê” (2005)…

Khải Mông

Nguồn tin: cand.com.vn