Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính: "Ẩn sĩ" dưới chân núi Phật Tích


Khơi nguồn cảm xúc

20 năm trước khi nhạc sĩ Ngô Quốc Tính bán căn nhà ở khu vực Mai Dịch (Hà Nội) để dồn hết vốn liếng mua hơn 2.000 mét vuông đất ở Phật Tích, không ít người biết chuyện đã ra sức ngăn cản. Bởi đang sống giữa phố thị phồn hoa, đi đâu và làm gì cũng tiện thì việc về vùng đất "khỉ ho cò gáy" mà chẳng phải quê hương cũng không người thân thích, thoạt nghe thì thấy đây là quyết định có phần không hợp lý cho lắm. Thế nhưng, tính ông đã quyết là làm, khó ai mà ngăn cản được.

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính say sưa trên phím đàn.

Quyết định có phần "khác người" ấy chắc chắn làm cho người ta tò mò và điều đó đã thôi thúc tôi tìm về gặp ông trong một ngày Hà Nội trở gió. Vượt qua cây cầu Thanh Trì men theo Quốc lộ 1A, tôi tìm về chân núi Phật Tích, nơi nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đang "ở ẩn".

Một không gian rộng lớn, bạt ngàn một màu xanh hiện ra trước mắt tôi. Đó là khu đất vuông vắn với căn nhà được thiết kế theo kiến trúc của người Kinh Bắc xưa cùng mảnh vườn rộng rãi trồng đủ các loại cây ăn quả và rau xanh. Chính những công việc bình dị như câu cá, tỉa cành, tưới cây lại là nguồn cảm hứng để lóe ra trong đầu một giai điệu hay, một lời ca đẹp mà không phải lúc nào cũng có thể nghĩ ra được.

Đứng giữa mảnh vườn quê lộng gió, ríu rít tiếng chim, ông quả quyết: "Hà Nam là nơi cha sinh, mẹ đẻ nhưng mảnh đất này đã cho tôi "bầu sữa mẹ" mát lành, bổ dưỡng, khơi nguồn những mạch cảm xúc lai láng, bất tận".

Nhiều bạn bè giỏi xem tướng số tử vi thường "phán" rằng: Ông về Bắc Ninh là rất hợp với mệnh Mộc của mình, bởi đây là hướng Đông Bắc - hướng của mưa, của gió sẽ là môi trường lý tưởng để Mộc (cây) đâm chồi, nảy lộc.

Chia sẻ với tôi thông tin này, ông bảo quả thực ông không tin vào tâm linh lắm nhưng lại tin rằng quyết định về đây sống là đúng đắn. Bởi ông yêu vùng quê này - miền đất với bề dày văn hiến, lịch sử, nơi đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt cổ.

Ông ấn tượng với cách ăn mặc, nói năng và cách quan hệ bạn bè của người dân nơi đây và tất nhiên sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến "đặc sản" dân ca quan họ. Hồi bé, ông đã rất mê nghe hát quan họ thậm chí có lần đi xem một bộ phim chiếu rạp khi giai điệu của "Ngồi tựa mạn thuyền" vang lên giữa thành phố Venice (Ý), ông đã bật khóc.

Cho những "trái ngọt"

Dẫn tôi ra vườn, chỉ tay lên những trái bưởi Diễn căng tròn, mịn màng, ông ví von những sáng tác của mình gần đây cũng như những "trái ngọt" này. Nghe ông liệt kê những tác phẩm của mình, tôi mới ngẫm đúng là "Gừng càng già càng cay".

Tuổi càng cao thì sức khỏe càng giảm sút và tất nhiên sức làm việc sẽ càng hạn chế, đó là quy luật muôn đời. Vậy nhưng Ngô Quốc Tính lại không như vậy. Ông sáng tác nhiều hơn, đặc biệt không chỉ sáng tác ca khúc ông còn không ngại dấn thân với những tác phẩm lớn đòi hỏi khắt khe về học thuật.

Đó có thể kể đến các hợp xướng "Phật Tích" giành Giải Nhì thể loại thanh xướng kịch - hợp xướng, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010; "Nhớ lời di chúc theo chân Bác" giành Giải B - Giải thưởng sáng tác quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018…

Sau sự thành công của các vở kịch hát, như: "Tôi chưa chết được", "Chuyện đúc người", "Hri xanh", "Cung đàn Liêu-Hạc", ông đã viết vở kịch hát không nhạc đệm "Nàng Nhũ Hương" về Thủy tổ quan họ (hiện đền thờ Vua Bà tại làng Diềm, thành phố Bắc Ninh) như một "món quà", sự tri ân dành cho mảnh đất Kinh Bắc nặng nghĩa, nặng tình với mình.

Viết "Nàng Nhũ Hương" nhưng sáng tạo bằng cách không dùng nhạc đệm, ông lý giải thì là mình đã học các cụ bởi trong quan họ cổ không có nhạc đệm, đòi hỏi người hát phải có giọng thật "vang, rền, nền, nẩy", tức là hát phải tròn vành rõ chữ, giọng hát bộc lộ toàn bộ cái hay, cái dở (nếu có).

Để viết được tác phẩm này, đòi hỏi người viết phải thực sự tinh tế, nhạy cảm, làm sao để người nghệ sĩ biểu diễn có đất để "phô" được chất giọng của mình. Trong vở kịch hát này, ông đã tiếp thu, khai thác nhuần nhuyễn âm chất của dân ca quan họ và xây dựng nên một chủ đề âm nhạc của riêng mình.

Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và nhà văn Nguyễn Huy Thắng bên phần mộ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Ca khúc "Dòng trăng lúng liếng" nằm trong vở kịch hát "Nàng Nhũ Hương" đã góp mặt là một trong bảy tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012. Đây chính là cảnh đặt tên cho nàng Nhũ Hương, một người con gái đẹp, tuổi trăng tròn lẻ, không ai biết cha mẹ, họ hàng thân thích.

Tương truyền khi nàng thích hát thì ngực tỏa hương thơm còn nếu hát trong cưỡng ép thì có mùi ngược lại. Ngày ngày nàng dạy người dân cấy lúa, trồng dâu, tối đến lại truyền dạy những bài hát quan họ, điều đặc biệt nàng đi đến đâu đều có đám mây vàng che chở. Trong đêm huyền ảo trên sông Cầu, liền anh liền chị đặt tên cho nàng cái tên nàng Nhũ Hương.

Bán đất để làm nhạc

Dẫu biết rằng, giới nhạc sĩ đã yêu nhạc thì yêu đến đắm say, cuồng nhiệt nhưng bán đất để làm nhạc kịch như nhạc sĩ Ngô Quốc Tính thì quả thật hiếm hoi.

"Hoa lửa", vở nhạc kịch thứ 2 (sau "Huyền diệu biển") được ông viết trong gần 2 năm và đã được Hội Âm nhạc Hà Nội trao giải đặc biệt trong đợt vận động sáng tác âm nhạc về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô. Đây là tác phẩm ông viết dựa trên tiểu thuyết "Lũy Hoa" được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết năm 1960.

Với sự giúp đỡ tài liệu của nhà văn Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông đã viết tiếp thành vở nhạc kịch đồ sộ khắc họa đậm nét về vùng "lũy thép" Hà Nội sau những năm Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ năm 1946, tái chiếm Thủ đô và một số địa phương khác.

Khi viết tác phẩm này, ông chỉ lấy một số chi tiết trong tiểu thuyết "Lũy hoa" và sự sáng tạo của ông là đã xây dựng một kịch bản khác. Nhân vật chính không theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà ông đã xây dựng người chiến sĩ cách mạng Bích Đào ở làng đào Nhật Tân và cô có tình yêu đẹp với anh chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô.

Xúc động trước sức làm việc của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, nhà văn Nguyễn Huy Thắng bày tỏ: "Sự sáng tạo của nhạc sĩ là không chỉ sử dụng chất liệu cũng như nhiều câu chữ, lời thoại từ các trang viết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà điều ý nghĩa hơn là ông đã truyền được cảm hứng và đặc biệt là niềm đam mê viết về Hà Nội của người cha".

Gần đây, tác phẩm đã được thu âm và đưa lên YouTube qua phần trình tấu của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn hợp xướng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Tất nhiên để tác phẩm đến với đông đảo công chúng, nhạc sĩ Ngô Quốc Tính và các cộng sự cần nhiều việc phải làm, phải lo, nhất là vấn đề kinh phí. Bởi, để dàn dựng một tác phẩm lớn, có chất lượng như "Hoa lửa" cần sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân cùng một hệ thống kỹ thuật hiện đại.

Tuy nhiên, nhắc đến vấn đề này ông lại vô cùng lạc quan, bởi với ông quan trọng là để khán giả biết đến và yêu thích thể loại mới như nhạc kịch còn mọi thứ khác phải được đặt sang một bên.

Ngô Khiêm

Nguồn tin: cand.com.vn