Nhạc sĩ Văn Ký: Đã bay đi giữa tiếng ca rộn ràng...

Hai người họ Vũ sinh ra cùng thời, cùng một miền quê, cùng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt 1 (năm 2001) và đã cùng về miền hy vọng.

Nhạc sĩ Văn Ký.

1. Thông tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời vào sáng ngày 26-10 khiến tôi vô cùng bàng hoàng, mặc dù ông đã ở cái tuổi mà không nhiều người có được. Bàng hoàng là bởi mới chỉ cuối năm 2019 đến thăm ông, tôi còn thấy ông da dẻ hồng hào, những động tác còn dứt khoát, cách nói chuyện còn hóm hỉnh, vui đùa. Khi ấy nhạc sĩ còn say sưa gảy đàn guitar rồi hát cho tôi nghe những bản nhạc đã gắn liền với tên tuổi của ông.

Trong cuộc trò chuyện, ông vẫn nhớ tỉ mỉ từng chi tiết được hòa mình vào khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám, ông cùng chính quyền và nhân dân huyện Nông Cống (Thanh Hóa) tham gia giành chính quyền rồi những câu chuyện thời sau đó ông cùng hai người bạn là Minh Hiến, Nguyễn Hải Châu thành lập ban nhạc và biểu diễn tại vùng tạm chiếm Bình-Trị-Thiên. Những sự kiện được chắp nối một cách logic thể hiện sự chuyển biến trong tâm tưởng, suy nghĩ của một người cách mạng kiên trung đến một người nhạc sĩ tài ba. Và cũng chính ông đã thừa nhận rằng, bản thân mình không thấy có dấu hiệu của tuổi già, vẫn sung sức như thời trai trẻ đầy mê đắm và nhiệt huyết. Bí quyết mà ông tiết lộ là nhờ tập Yoga thường xuyên mỗi ngày.

Cách đây một thời gian, tôi cũng đã cùng nhạc sĩ Văn Ký theo đoàn câu lạc bộ Tài năng trẻ Đoàn Thị Điểm về huyện Mỹ Hào của xứ nhãn Hưng Yên. Chuyến đi trong giá rét căm căm của mùa đông miền Bắc, trong khi chúng tôi cùng tham gia một sự kiện ở ngoài trời nhưng tôi thấy nhạc sĩ cũng chẳng e ngại. Vui mừng trước sự xuất hiện của người nhạc sĩ lão thành, những người thực hiện chương trình nơi đây đã hát tặng ông những ca khúc “Bài ca hy vọng”, “Nha Trang mùa thu lại về” bằng chất giọng ấm áp, ngọt ngào.

Nghe xong, nhạc sĩ cảm động đứng lên phát biểu dõng dạc và đầy xúc cảm trong tiếng vỗ tay rào rào của người hâm mộ. Tôi nhớ hôm ấy đưa ông về chung cư đã gần 22h đêm nhưng nét mặt ông vẫn vui vẻ, rạng ngời, không biểu hiện một chút mệt mỏi nào.

2. Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác ca khúc “COVID phải lùi xa” phổ từ thơ của tác giả Lê Chín và được “bay ra khỏi trang giấy” qua chất giọng nam trung trầm ấm của nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Minh Quang. Theo tác giả Lê Chín thì nhạc sĩ đã chủ động đề nghị phổ nhạc bài thơ của bà với quyết tâm: “Chúng ta cần chung tay góp sức với cả nước”. Với khả năng thông thạo máy tính cùng cảm xúc dâng trào mãnh liệt, nhạc sĩ đã không tốn nhiều thời gian để hoàn thành tác phẩm cuối đời này.

Lời ca cứ đến một cách thật nhẹ nhàng, dung dị mang một thông điệp đầy ý nghĩa: “COVID là kẻ thù vô hình/ Không quốc tịch/ Không màu da/ Như cơn bão tràn qua/ Cả địa cầu chao đảo/ Việt Nam ơi! Hãy đồng lòng xốc tới/ Con cháu Vua Hùng bốn ngàn năm vẫy gọi/ Chẳng kẻ thù nào đánh gục được chúng ta/ Đẩy nhanh COVID lùi xa/ Việt Nam kiêu hãnh nhà nhà yên vui”.

Bài hát khi được kênh VTV1 phát trong chương trình “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” thì tác giả Lê Chín đã nhận được nhiều lời chia sẻ của bạn bè. Theo bà thì họ khen phần vì bài hát hay, ý nghĩa, phần vì họ cảm thấy bất ngờ vì ở cái tuổi 92 mà nhạc sĩ Văn Ký tư duy vẫn rất mạch lạc, mắt tinh, tai thính và tay không hề run nên chữ viết rất đẹp. Thậm chí, sự trẻ trung, sung sức, lạc quan, yêu đời của nhạc sĩ Văn Ký còn khiến những nhạc sĩ đàn em như Đoàn Bổng phải “ghen tị”.

Tác giả “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” đã từng “than phiền” rằng: “Nhạc sĩ Văn Ký hơn tôi đến 14 tuổi nhưng vẫn viết tình ca, vậy tại sao tôi lại không thể”... Có thể nói, nhạc sĩ Văn Ký với tinh thần làm việc lúc cuối đời luôn là tấm gương để các nhạc sĩ lấy làm động lực phấn đấu, nỗ lực không ngừng với những tác phẩm phục vụ công chúng.

Nhạc sĩ Văn Ký trong phút giây đời thường.

3. Ngoài đời nhạc sĩ Văn Ký là người vui tính, dễ gần nhưng với âm nhạc thì ông luôn tỏ ra khắt khe với những sáng tác của các đồng nghiệp và của chính mình. Theo ông, đã là sáng tác thì điều đầu tiên phải là sự phát hiện ra chủ đề có ý nghĩa lớn mà xã hội đang quan tâm. Kế đến là khả năng huy động vốn hiểu biết sâu rộng cùng cảm xúc cháy bỏng thì tác phẩm mới dễ được công chúng đón nhận, yêu thích. Đó phải là quá trình lao động, sáng tạo nghiêm túc, bền bỉ, dài lâu, chứ không thể “ăn xổi” ngày một, ngày hai được.

Là người sáng tác thành công nhiều ca khúc nhưng nhạc sĩ Văn Ký cũng thừa nhận rằng: “Bài hát tôi viết số lượng thất bại nhiều hơn số thành công. Những bài hát thành công và được công chúng yêu thích đều mất rất nhiều công sức trong một thời gian dài. Chẳng hạn “Bài ca hy vọng” và “Tây Nguyên bất khuất” tôi phải tiêu tốn đến 5 năm (từ năm 1954 đến 1959)”. Bởi vậy, với ông, khi nghe một nhạc sĩ “khoe” mỗi tháng viết một giao hưởng hay một đêm có thể phổ nhạc được 5-6 bài thơ thì ông cho rằng: “Một là họ nói cho vui miệng, hai là họ khoác lác và ba là những tác phẩm ấy chẳng ra gì”.

Nhạc sĩ Văn Ký (ngồi giữa), nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Minh Quang và tác giả Lê Chín cùng hát vang ca khúc cuối đời của ông "Covid phải lùi xa".

4. Nếu chỉ xét 5 tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Ký, gồm “Bài ca hy vọng”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Trời Hà Nội xanh” thì có thể thấy ông sáng tác đa dạng về nhiều vùng đất.

Đó là một Tây Nguyên hiện lên với những con người hào hùng, bất khuất, hiên ngang đạp đổ xiềng xích đứng lên giải phóng. Là một Nha Trang vào thu dịu dàng, thơ mộng và đó cũng là mùa thu của cách mạng đã làm thay đổi số phận của cả một dân tộc. Là một bầu trời Thủ đô trong xanh của hòa bình, của niềm tự hào với những chiến tích của một “Hồng Hà cuộn sóng”, một “trời Điện Biên Hà Nội chiến thắng”...

Nhạc sĩ Văn Ký đưa người nghe đến với vùng cao Tây Bắc, nơi cô giáo người dân tộc Tày ngày đêm bám bản gieo “cái chữ” cho trẻ em với niềm tin sắt đá rằng đó sẽ là gốc rễ để thay đổi số phận của những người dân lam lũ nơi đây. Hình ảnh cô gái trẻ gảy đàn bên suối giải trí sau những giờ học mệt mỏi khi mà cái nghèo đói, khó khăn vẫn bủa vây, đeo đẳng đã đem đến cho người nghe một cảm giác an nhiên, thư thái.

Nhưng, có lẽ nhiều đời sau nữa vẫn còn nhắc đến tên tuổi nhạc sĩ Văn Ký với ca khúc nổi tiếng “Bài ca hy vọng”. Lạ thay, một ca khúc đã hoàn thành cách đây 62 năm khi đất nước còn trong chiến tranh khói lửa mà hôm nay cất lên vẫn khiến người nghe xao xuyến, bồi hồi. Cái tài của nhạc sĩ Văn Ký là dù sáng tác trong hoàn cảnh chiến tranh ngặt nghèo nhưng giai điệu lại thật vui tươi, lãng mạn, tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng.

Là người khá cẩn thận, nhạc sĩ Văn Ký ghi chép tỉ mỉ từng ca khúc của mình trong cuốn sổ.

Thời bình hay thời chiến, thời bao cấp lạc hậu hay thời đại 4.0, kỷ nguyên của khoa học công nghệ tiên tiến thì bài hát đều rất phù hợp vì nó không nói đến hoàn cảnh cụ thể nào mà đều hướng đến tương lai xán lạn phía trước. Chính ông cũng đã từng tâm sự rằng, con người sống là luôn phải hy vọng nhưng chúng ta không ngồi yên một chỗ để đợi niềm vui đến mà phải không ngừng cố gắng, phấn đấu, nỗ lực để đạt được những hy vọng đó.

Khánh Vân là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này. Mặc dù khi đó thông tin liên lạc còn rất hạn chế nhưng tiếng hát của Khánh Vân đã vượt xa cách nghìn trùng “bay” vào miền Nam, nơi đồng bào và chiến sĩ đang căng mình đấu tranh trong sự đàn áp của đế quốc.

Mãi sau này, khi đất nước thống nhất, trong một đêm nhạc mang tên chính ca khúc này được tổ chức tại sâu khấu hồ Thiền Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Mỹ Hoa (sau là Phó Chủ tịch nước) đến dự và bộc bạch với nhạc sĩ Văn Ký rằng: “Trong suốt 11 năm (từ 1964-1975) bị giam giữ trong các nhà tù của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tôi và các đồng chí của mình đã liên tục ca vang “Bài ca hy vọng” với niềm tin tưởng, lạc quan vào hòa bình thống nhất đất nước. Bài hát đã nói đúng tâm trạng của người cách mạng, mang một sức mạnh tinh thần to lớn để chúng tôi vượt qua đòn roi của kẻ thù, sống và đấu tranh trong lao tù”.

Tựu trung trong những ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ Văn Ký là một niềm hy vọng, là ánh sáng len lỏi phía cuối con đường để con người ta luôn phải vạch ra kế hoạch chinh phục thử thách, dẫu biết rằng cuộc chinh phục ấy sẽ rất gian truân, vất vả. 92 năm tuổi đời, 74 năm tuổi đảng và hàng trăm ca khúc có giá trị để lại cho trần thế, có thể nói, người nhạc sĩ thành Nam đã hoàn toàn mãn nguyện khi được đến với miền hy vọng mà chính ông đã “vẽ” ra với “đàn chim bay cùng ta cất cánh” với “ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu”...

Ngô Khiêm

Nguồn tin: cand.com.vn