Nhọc nhằn phận vé số dạo


Ngày cuối cùng của năm 2020, chúng tôi gặp chị Hà (sinh năm 1984, quê Phú Yên) cố gắng nở nụ cười chào mời khách mua vé số ở khu vực Hồ Con Rùa, quận 3 bằng giọng nói ngọng líu lưỡi, bàn tay phải không lành lặn được chị Hà giấu kín bên trong chiếc áo khoác.

Chị Hà cho hay, năm 20 tuổi, trong lúc xay xát, bàn tay phải của chị bị máy cuốn dập nát phải cắt bỏ. Tàn tật, nói ngọng nên nhiều người con gái cùng trang lứa đã lập gia đình, con cái đề huề, riêng chị Hà vẫn một mình. Gia đình riêng không, công việc ở quê thì ít nên người tàn tật như chị chẳng ai thuê mướn.

Tủi phận, chị Hà quyết vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc đời bất hạnh như vậy nhưng trên đường mưu sinh, chị Hà cũng chẳng thuận lợi gì, nhiều lần chị Hà trở thành "con mồi" của các đối tượng lừa đảo cướp giật. "Nhất là những tháng cuối năm, các đối tượng càng nhắm đến những người tàn tật như tôi để lừa đảo cướp giật. Mình nghèo, tàn tật đã rồi nhưng vẫn phải kiếm sống, trong khi đó các đối tượng ăn mặc đẹp đẽ, bảnh bao lại không chịu làm việc, chỉ muốn đi lừa, cướp giật những tờ vé số của những người yếu thế như chúng tôi!" - Chị Hà tâm sự.

Chị Hà đã 3 lần bị các đối tượng lừa lấy vé số.

Có nhiều chiêu thức mà các đối tượng nhắm vào người tàn tật. Chỉ trong tháng cuối năm chị Hà liên tiếp 3 lần bị lừa lấy vé số, ít nhất vài chục tờ, nhiều nhất đến hơn 200 tờ. Chị kể, có đối tượng ngoắt chị vào mua số, trên tay cầm sẵn bóp tiền. Trong lúc lựa số, đối tượng giả lả hỏi han sau đó nhanh tay kẹp hàng chục tờ vé số dưới bóp và nhét vào túi. Có đối tượng trong lúc lựa vé số giả bộ làm rơi bóp, rơi tiền, lợi dụng chị Hà cúi xuống nhặt, đối tượng nhanh tay "cắt" hàng chục tờ vé số trong xấp vé số của chị bỏ vào túi.

Có đối tượng còn cao tay hơn khi đứng cạnh chiếc xe hơi ngoắc chị Hà vào mua vé số. Trong lúc lựa số, đối tượng nhờ chị Hà đi mua dùm bao thuốc. Vì nghĩ đối tượng là chủ xe hơi, ăn mặc lịch sự nên chị Hà tin tưởng để lại xấp vé số cho đối tượng lựa. Khi mua thuốc quay lại, chiếc xe hơi còn, người cầm vé số đã biến mất. Khi chủ xe hơi đi ra, chị Hà mới té ngửa, người mua vé số của chị không phải là chủ xe. Lúc này chị Hà chỉ biết khóc ngọng nghịu thuật lại câu chuyện. Chỉ trong vài phút chị Hà đã bị lừa mất hơn 1,8 triệu tiền vốn.

Ông Nguyễn Văn Lâm (60 tuổi, quê Bình Định) chuyên ngồi xe lăn bán vé số trên đường Võ Văn Tần, quận 3 cho biết, nếu đại lý nuôi cơm, bao ở, cung cấp vốn để bán thì mỗi tờ vé số lời được 1.000 đồng, nếu tự thuê phòng trọ, tự ăn uống thì đại lý giao 1 tờ vé số lời được 1.200 đồng. Nhiều đại lý cũng thu mua lại vé số của người khác với giá 7.000 đồng/ tờ, nhưng đại lý chỉ thu vào tầm 8-9 giờ sáng, buổi trưa thì không. Bởi vậy các vụ cướp vé số thường xảy ra vào buổi sáng hoặc sau 5h chiều, vì lúc này người bán vé số vừa lãnh số đi bán. Càng về cuối năm thì các vụ cướp giật, lừa đảo vé số càng nhiều. Có người già cả, tàn tật không biết hết thủ đoạn của các đối tượng nên dễ bị lừa như đổi vé số giả, vé số đã cạo sửa, đổi tờ vé dò…

Càng tiếp cận nhiều nạn nhân, nghe những câu chuyện của họ trong những ngày cuối năm mới thấy được sự vất vả trong lúc mưu sinh, mới thấy kiếm đồng tiền chân chính thật khó.

Chị Lê Thị Hậu (sinh năm 1974, quê Nghệ An) mặc dù mỗi ngày chỉ kiếm một hai trăm ngàn từ tiền bán vé số ki cóp gửi về quê lo cho con nhưng khi nhặt được chiếc ví có 5 triệu đồng và một miếng vàng SJC cùng nhiều ngoại tệ, chị Hậu lại nghĩ ngay đến người mất của nên tìm đến Công an phường Thanh Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trao trả. "Lúc đó tôi chỉ nghĩ người mất tiền chắc đang lo lắng, chắc đang xót lắm nên đem đến giao cho Công an tìm người bị mất. Cũng bị lừa, bị cướp vé số nhiều rồi nên tôi dễ cảm nhận được nỗi đau mất của lắm!" - chị Hậu chia sẻ khi gặp được chủ nhân chiếc ví, ông N.V.L (sinh năm 1957, quê Bình Dương). Chỉ một câu chuyện nhỏ thôi cho thấy, mặc dù phải mưu sinh vất vả nhưng họ vẫn còn nghĩ đến nỗi khổ của người khác mà quên đi nỗi vất vả của chính mình.

Công an phường Thanh Bình tiếp nhận chiếc ví đánh rơi do chị Hậu trả lại

Tết Tân Sửu đang đến gần, hàng ngàn người tha hương hành nghề bán vé số tại TP Hồ Chí Minh đang mong mỏi bán được những tấm vé số để có thêm thu nhập ki cóp mua được tấm vé xe, lựa được bộ đồ, món quà ưng ý để trở về quê sum họp cùng gia đình. Mong rằng trong những ngày này họ cẩn trọng hơn, cảnh giác hơn để không thành "con mồi" của các đối tượng đang chằm chằm muốn cướp đi hạnh phúc nhỏ nhoi của họ.

Mạnh Đức - N.Cảnh

Nguồn tin: cand.com.vn