Những chiến sĩ quên mình cứu người trong hoạn nạn

Chúng tôi ấn tượng với Đại úy Trần Trung Thịnh – Phó Đội trưởng Đội cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Hòa Bình bởi tác phong chỉ huy nhanh nhẹn, quyết đoán, song khá gần gũi, cởi mở khi tiếp xúc. Hơn 15 năm công tác, anh cùng đồng đội đã cứu chữa hàng chục đám cháy lớn, giải cứu hàng trăm nạn nhân bị mắc kẹt.


Chúng tôi ấn tượng với Đại úy Trần Trung Thịnh – Phó Đội trưởng Đội cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Hòa Bình bởi tác phong chỉ huy nhanh nhẹn, quyết đoán, song khá gần gũi, cởi mở khi tiếp xúc. Hơn 15 năm công tác, anh cùng đồng đội đã cứu chữa hàng chục đám cháy lớn, giải cứu hàng trăm nạn nhân bị mắc kẹt. Đại úy Trần Trung Thịnh tiêu biểu về tinh thần quả cảm, sẵn sàng lao vào những khu vực khó khăn, nguy hiểm nhất để cứu người và tài sản của nhân dân.

Sinh ra và lớn lên ở Vân Đình, Ứng Hòa, TP Hà Nội, Đại úy Trần Trung Thịnh sớm có niềm đam mê đặc biệt với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Lớn lên, anh viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Hòa Bình.

Quá trình công tác, anh được bổ nhiệm chức vụ Phó Đội trưởng Đội cứu hộ, cứu nạn. Anh từng trực tiếp tham gia nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn; anh thấy day dứt, buốt đau khi chứng kiến người dân bị thiệt mạng do cháy, nạn nhân bị vùi sâu dưới đống đổ nát, sống trong cảnh màn trời chiếu đất...

Đại úy Trần Trung Thịnh (ngoài cùng bên trái) trong vụ cứu hộ sập hầm lò tại Lỗ Sơn, Tân Lạc.

Nhớ lại vụ sập hầm lò đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại khu vực đồi Dậy, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc khiến anh chưa hết bàng hoàng. Tại thời điểm xảy ra vụ sập hầm lò có 3 công nhân bị mắc kẹt phía trong đường hầm. Càng vào sâu, độ cao của đường hầm càng nhỏ lại, ngoằn ngoèo và không có bản đồ đường hầm nên lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình thế nguy cấp, Đại úy Trần Trung Thịnh trắng đêm cùng đồng đội thay phiên nhau chuyển từng bao đất đá từ hầm sâu đến 700m. Nền đất ướt nhèm, nhiều chỗ thụt toàn bùn than. Thiếu ánh sáng, thiếu không khí nhưng vì nhiệm vụ tất cả chiến sĩ đều cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện mệnh lệnh của trái tim, bằng mọi cách cứu người nhanh nhất, tìm thấy người sớm nhất, cho dù đó chỉ là hy vọng mong manh.

Các chiến sỹ đều vô cùng mệt mỏi, thậm chí kiệt sức vì áp lực công việc quá lớn. Quần áo các anh lấm lem, khuôn mặt nhợt nhạt, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ mới thấu hiểu nhiệm vụ của các anh nặng nề đến nhường nào. Một số chiến sỹ bị thương tích trong khi cứu hộ được các y bác sỹ sơ cứu tại hiện trường.

Thế nhưng, những khó khăn, vất vả không làm nhụt ý chí của anh và đồng đội. Sau hơn 100 giờ liên tục cứu hộ, cứu nạn, anh và đồng đội đã đưa thi thể nạn nhân cuối cùng ra ngoài, bàn giao cho gia đình an táng theo phong tục địa phương.

Chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc giữa xe khách và xe bồn chở nhựa đường xảy ra tại khu vực đèo Thung Khe, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình làm 3 người thiệt mạng tại chỗ, 26 người bị thương, nạn nhân bị cháy đen khiến Đại úy Trần Trung Thịnh hết sức đau lòng.

Khi đến hiện trường, anh yêu cầu các lực lượng chia làm nhiều hướng cứu chữa, ngăn chặn cháy lan, đồng thời di dời người và tài sản đến khu vực an toàn. Đối với 3 nạn nhân tử vong còn mắc kẹt phía trong, lực lượng cứu hộ sử dụng phương tiện chuyên dụng cắt, phá đưa nạn nhân ra ngoài. Đồng thời, tổ chức đưa các trường hợp bị thương về cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu.

Mặc cho sức nóng hầm hập bốc lên từ xung quanh, các chiến sỹ cứu hộ mồ hôi nhễ nhại, cơ thể đen xạm, song anh và đồng đội quyết tâm dập tắt đám cháy trong thời gian ngắn nhất. Sau 2 giờ chiến đấu với “giặc lửa”, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do đám cháy gây ra.

Quả cảm trong cuộc chiến chống giặc lửa, Đại úy Trần Trung Thịnh còn là điển hình tiên tiến trong phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, được Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tặng Bằng khen. Anh tâm niệm rằng, hạnh phúc lớn nhất là được cống hiến cho cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân!

Tác giả bài viết: Hoàng Việt

Nguồn tin: cand.com.vn